itaexpress / Tin ITA / Thể thao - Giải trí / SK - Điện ảnh / Nguyễn Hữu Phần kể chuyện “Ma làng”

Nguyễn Hữu Phần kể chuyện “Ma làng”

Diễn viên Hồng Sơn trong vai Giỏ.

“Ma làng” - bộ phim truyền hình nhiều tập trên sóng VTV1 (Đài THVN) vừa kết thúc, nhưng khán giả vẫn còn nhân nhẩn dư âm về đời sống nóng bỏng ở vùng nông thôn. Nguyễn Hữu Phần, sau thành công với vai trò đạo diễn “Đất và người” và tiếp theo là “Ma làng”, đã được gọi là “Ông Phần nông thôn”.

“Ông Phần nông thôn” chia sẻ việc “bếp núc” khi làm “Ma làng” qua cuộc trò chuyện dưới đây với phóng viên.

- Lại vẫn là đề tài nông thôn, nhưng ý tưởng nào khiến ông cho ra đời phim “Ma làng”, thưa đạo diễn ?

- Sau thành công của “Đất và người”, tôi tiếp tục theo đuổi niềm yêu thích của mình đối với các vấn đề nông thôn. Tình cờ đọc tiểu thuyết “Ma làng” dài 120 trang của Trịnh Thanh Phong - Tuyên Quang viết về vấn đề của nông thôn trước đổi mới, tôi bị cuốn hút ngay từ những trang đầu và nảy ý định ra phim về đề tài này. 19 tập phim từ 700 trang kịch bản là những gì các bạn xem.

- Diễn viên xen giữa “cũ” và “mới”, việc chọn lựa có khó không, thưa ông ?

- Khi xong kịch bản, tôi gọi điện cho Kim Oanh và đã nhận được sự ủng hộ tích cực: “Nhất định em phải đóng vai Ló, thù lao không quan trọng. Đây chắc chắn là vai của em và em sẽ thành công”. Còn Bùi Bài Bình, trước nay hay vào vai chính diện nên khi được đề nghị vai phản diện anh ấy cũng ngại. Sau quá trình thuyết phục, trao đổi qua kịch bản, Bùi Bài Bình đã diễn rất “ngọt”. Hồng Sơn được giao vai Giỏ, tựa như anh Chí Phèo bần cùng trong xã hội nông thôn. Ban đầu phải diễn đi diễn lại nhiều lần, thậm chí có ngày quay cả buổi cuối cùng phải bỏ đi cả. Quyền Lộc, em trai Quyền Linh, cũng rất hăng hái với bộ phim. Thù lao không đáng bao nhiêu nhưng anh em tâm đắc và ưng ý với tác phẩm này.

- Ông có thể chia sẻ vì sao lại chọn Lương Sơn - Hòa Bình làm bối cảnh cho phim ?

- Đây là cả một câu chuyện dài. Bộ phim nói tới tiến trình cải cách ruộng đất ở nông thôn trước đổi mới với bối cảnh làng quê lam lũ, xơ xác, trong đó cần tới một chút không khí có thể chuyển tải ý tưởng ma quái nhằm giải thích cho những biến động tâm lý nhân vật. Đồng thời cũng chính là những biến động trong xã hội thời đó. Ban đầu tôi chọn Hà Giang, nhưng cảnh quan ở đấy mượt mà, xanh tươi quá. Sau đó đến Tuyên Quang, nhưng lại có khó khăn về phía địa phương, nên thôi. Rất may là cuối cùng đoàn đã tìm được xã Liên Sơn - huyện Lương Sơn - tỉnh Hòa Bình, nơi hội tụ đầy đủ điều kiện cho đoàn bấm máy. Chúng tôi được ở nhờ trong căn nhà bỏ hoang của công ty khai thác đá. Người dân giúp đỡ rất nhiều trong quá trình đoàn sống và làm việc tại đây. Cả đoàn 30 người đều quyết tâm là làm một bộ phim về nông thôn hay và ấn tượng với người xem.

- Vậy điều tâm đắc nhất của ông ở “Ma làng” là gì ?

- Sau khi phim phát sóng, tôi rất mừng vì “Ma làng” đã tạo được hiệu quả xã hội. Đã có rất nhiều người gọi điện trao đổi với tôi về phim. Tôi thấy vui vì bộ phim đã chuyển tải được một vấn đề xã hội khá lớn bằng những cảnh vui vẻ, những trò nghịch của trẻ con, những câu nói đơn giản, ngô nghê của anh Giỏ hay cô Ló. Khi xem phim, người nông dân đã thấy mình, thấy làng quê mình trong đó.

- Được biết ông đã từng đặt cho phim một cái tên khác, vì sao lại quay lại với “Ma làng” ?

Một cảnh trong phim “Ma làng”.

- Trước đây khi làm kịch bản tôi định lấy tên phim là “Đêm cuối cùng của mùa đông” để diễn đạt đêm trước đổi mới. Nhưng sau này lại đổi thành “Ma làng” vì cái tên này bí ẩn hơn, lôi cuốn hơn. Chính vì cái tên này, tôi đã phải thêm vào nhiều chi tiết để ra được chất “ma” trong đó.

- Yếu tố “ma” trong phim hướng tới mục đích gì, thưa ông ?

- Trong phim có nhiều loại ma: ma do bọn trẻ con bịa ra để dọa mọi người, ma do truyền thuyết, ma men, trò của bọn trẻ khiêng người ra bãi tha ma... Nhưng ý nghĩa biểu tượng tôi muốn gửi gắm ở đây là một lớp “người ma”. Tòng là một thứ ma xảo quyệt, mưu mô. Hắn là con ma bùn bẩn thỉu dùng mọi thủ đoạn để thăng quan tiến chức. Con trai Tòng là con ma hám gái. Còn con rắn trong phim là hiện thân của oan hồn bà Lâm, người bị chủ tịch xã Tòng hãm hại. Con rắn xuất hiện ở bàn thờ bà Lâm, ở mộ bà Lâm, khi con trai bà về khóc bên mộ, rắn lại xuất hiện. Cuối cùng con rắn chính là nhân tố giết chết lão Tòng xảo quyệt.

- Bài hát trong phim có vẻ cũng rất ma quái, nó đã đóng góp một phần không nhỏ cho thành công của bộ phim ? Ông có thể nói rõ hơn về ca khúc này ?

- Lời bài hát do chính tôi sáng tác, phần nhạc do nhóm nhạc Hồn tre phổ. Tôi chọn Hồn tre với tiếng đàn môi của Đức Minh, hy vọng phần nào chuyển tải được âm hưởng bí ẩn, ám ảnh của ca khúc và bộ phim

- Xin cảm ơn đạo diễn !

Phạm Hồng thực hiện