itaexpress / Tin ITA / Thể thao - Giải trí / SK - Điện ảnh / Sân khấu TPHCM: Vở cũ dựng lại-rượu cũ nhưng bình… phải mới!

Sân khấu TPHCM: Vở cũ dựng lại-rượu cũ nhưng bình… phải mới!

Một cảnh trong vở “Nhân danh công lý”

được dựng lại trên sân khấu kịch

Phú Nhuận.

Thời gian gần đây, sân khấu TPHCM có xu hướng tái dựng các kịch bản hay từng được biểu diễn nhiều năm trước…

1. Từ mấy năm nay, đời sống sân khấu TPHCM luôn được xem là năng động nhất nước với nhiều điểm diễn sáng đèn thường xuyên. Chính vì thế, các sân khấu “tiêu thụ” nguồn kịch bản mới rất nhanh. Do cung không đủ cầu, các đơn vị nghệ thuật bắt đầu dàn dựng lại những kịch bản cũ.

Chẳng hạn như Sân khấu Kịch IDECAF có các vở: Ngôi nhà anh túc, Bí mật vườn Lệ Chi; Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần với Cha yêu, Bàn tay của trời; Sân khấu Kịch Phú Nhuận có Em và ngôi sao và vở mới nhất, chuẩn bị công diễn trong nay mai của đơn vị nghệ thuật này là Nhân danh công lý.

Hầu hết các vở diễn được các “bầu” sân khấu chọn dàn dựng lại đều còn nguyên giá trị và tính thời sự của nó. Trong số các vở mới dựng lại, có những vở tạo nên cơn sốt vé, khán giả muốn được xem phải đặt vé trước… cả tuần, thậm chí cả tháng, như: Bí mật vườn Lệ Chi, Bàn tay của trời… Tuy nhiên, theo “ông bầu” Huỳnh Anh Tuấn – Giám đốc Sân khấu Kịch IDECAF nhận định: “Việc làm lại các vở diễn cũ phải chọn lựa rất kỹ và hết sức thận trọng, nếu không tự mình sẽ đánh mất chính mình. Chính vì điều này mà đơn vị nghệ thuật IDECAF rất hạn chế trong việc chọn vở cũ… làm mới lại”.

Còn NSƯT Trần Ngọc Giàu – Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM nhìn nhận: “Chuyện các đơn vị nghệ thuật chọn các vở diễn cũ để làm mới lại biểu diễn là hết sức bình thường. Nhưng trong sự bình thường ấy, có những điều mà các đơn vị nghệ thuật không thể không lưu tâm. Đó là, vốn dĩ vở diễn cũ đã hay rồi, khi làm lại liệu có mang lại sức hấp dẫn nào mới không và qua vở diễn ấy, chúng ta gởi gắm thông điệp gì mới với công chúng hôm nay?”.

2. Đâu chỉ có sân khấu kịch tái dựng vở diễn cũ, mà ở sàn diễn cải lương, cả năm 2007 chỉ toàn công diễn các vở… cũ, như: Mùa thu trên Bạch Mã Sơn, Lan và Điệp, Máu nhuộm sân chùa… Theo lý giải của nhiều người, sở dĩ dàn dựng lại các vở diễn này vì mỗi thời kỳ đều có một thế hệ khán giả khác nhau, với khán giả đi trước - lớn tuổi thì kịch bản này là cũ, nhưng với khán giả trẻ hôm nay thì hoàn toàn mới.

Bên cạnh đó, việc đầu tư dàn dựng một vở diễn mới lại tốn kém chi phí quá cao và “tuổi thọ” của vở diễn lại cực ngắn – chỉ có thể biểu diễn năm, bảy suất. Cho nên, cách tốt nhất đảm bảo được “nồi cơm” chung, đơn vị nghệ thuật cải lương đành… dựng lại vở diễn cũ! Với cách lý giải này, hoàn toàn đúng với tình hình hiện nay, đặc biệt là với giá trị của các kịch bản cũ vang danh. Nhưng nếu sàn diễn cứ “sống mãi” với cái cũ mà chưa năng động đi tìm cái mới thì thực tế ấy thật đáng phải… suy ngẫm! Thực trạng này từng được dư luận cảnh báo cách nay nhiều năm rồi.

Ông Quốc Hùng – Giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang thừa nhận: “Đúng là năm 2007, sàn diễn cải lương chưa có kịch bản mới nào hay để có thể đầu tư dàn dựng mới. Nhưng tôi nghĩ, tương lai, mà cụ thể là Tết Nguyên đán này, phải tìm kiếm cho được ít nhất hai kịch bản mới, ra mắt công chúng”.

Nhưng đó là chuyện trước mắt, còn về lâu dài, đòi hỏi phải có một giải pháp căn cơ hơn, mà theo ông Giám đốc Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang khẳng định, phải thành lập hội đồng nghệ thuật của nhà hát để từ đó chọn đề tài, đặt hàng tác giả viết theo kiểu “đo ni, đóng giày” mới hy vọng có kịch bản hay mang hơi thở thời đại hôm nay! Mong sao, từ lời nói đến hành động cụ thể, khoảng thời gian không quá dài để sân khấu cải lương có những vở mới, hay, đáp ứng được nhu cầu của công chúng hôm nay…

ĐỖ HẠNH