itaexpress / Tin ITA / Thể thao - Giải trí / Thể thao trong nước / Câu chuyện cơ sở vật chất SEA Games 24

Câu chuyện cơ sở vật chất SEA Games 24

Cổng làng VĐV Korat. Ảnh: Quang Minh

Ngày hôm qua, nửa buổi sáng, chúng tôi đi lòng vòng trong khuôn viên trường đại học kỹ thuật Korat, nơi đặt làng vận động viên, trung tâm báo chí, trung tâm truyền hình và là nơi thi đấu một số môn như bắn cung, bóng rổ… Rồi buổi chiều, đến sân tập của đội tuyển Việt Nam, cũng lại nằm trong khuôn viên của một trường tiểu học.

Một sân bóng đá đúng kích thước, có chất lượng mặt cỏ tốt. Tất cả các cơ sở vật chất kể trên đều đạt chất lượng cao, bảo đảm cho hoạt động của một kỳ SEA Games mà nước chủ nhà tin tưởng sẽ thành công rực rỡ dù không tổ chức chính ngay tại Bangkok.

Với kinh nghiệm của mình, người Thái đã không để cho cảm giác SEA Games đang “tụt hậu” dù không tổ chức ở thủ đô. Sự nồng ấm ngay từ lúc đặt chân xuống sân bay cho đến lòng hiếu khách, nhiệt tình của các tình nguyện viên SEA Games khiến cho những hoài nghi về khả năng của Korat không còn.

Nếu xét về độ hoành tráng, theo kiểu người Việt mình hay nói “đi đâu cũng thấy SEA Games” thì ngay tại Korat, điều đó không thể hiện nhiều, nhưng với những người đang tác nghiệp tại một kỳ đại hội như chúng tôi, chẳng có gì phải phàn nàn cả. Mọi thứ được sắp xếp khá chu toàn.

Càng về sau này, SEA Games không còn nhất thiết tổ chức tại thủ đô mà được đưa về các địa phương nhằm quảng bá hình ảnh. Ngay cả khi đưa về địa phương, ưu tiên vẫn là tái sử dụng các cơ sở vật chất có sẵn.

Tại SEA Games 2005 ở Philippines và tại Korat lần này, phần nhiều các địa điểm thi đấu nằm ở những trường học. Các trường học (đặc biệt là những trường đại học) tại Thái Lan và nhiều nước tiên tiến ở châu Á đều có cơ sở vật chất phục vụ thể thao đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Chính xác hơn, chính các trường học là nơi được đầu tư và thụ hưởng nhiều từ các cơ sở thể thao. Chính vì thế, ngay cả khi một địa phương như Korat có phải xây mới những điểm thi đấu thì chúng vẫn sẽ được sử dụng đúng mục đích và hiệu quả cao.

Chuyện này thì hoàn toàn trái ngược tại Việt Nam. Năm 2003, chúng ta lần đầu tiên đăng cai SEA Games và ngay lập tức, có nhiều nhà thi đấu được xây dựng. Xung quanh Hà Nội, một số tỉnh cũng được phân bổ ngân sách để nhân tiện xây dựng một số địa điểm thi đấu phục vụ phong trào địa phương sau SEA Games.

Mặt sân này, khung cảnh này - nơi U23 VN tập luyện - vốn chỉ là sân trường
và khuôn viên của một trường tiểu học. Ảnh: Quang Minh

Việc xây mới là điều không có gì khúc mắc, vấn đề là sau SEA Games, đa phần chúng không được dùng cho mục đích phát triển thể thao. Nó quá hoành tráng, xa lạ với hoạt động phong trào. Có thể thấy được điều này ở Vĩnh Phúc, Ninh Bình...

Thậm chí, làng vận động viên Hancinco được xây dựng để sau SEA Games làm chỗ ở cho các sinh viên nhưng bây giờ thì đem cho tư nhân thuê là chủ yếu.

Tại TP.HCM, gần như mỗi quận huyện đều có nhà thi đấu, có sân bóng đá nhưng phần lớn các trường đại học tại thành phố, hầu như rất ít có không gian dành riêng cho thể thao.

Sinh viên, học sinh muốn tổ chức giải đấu nào cũng phải đi thuê sân còn hệ thống các nhà thi đấu ở từng quận, huyện thì phần lớn thời gian là trống người tập, chủ yếu đem cho thuê các sự kiện không liên quan đến thể thao.

Thế mới có chuyện nghịch đời là tại một nơi có hàng chục nhà thi đấu lớn nhỏ như TP.HCM mà giới giáo dục cứ than thở là không hề có không gian cho hoạt động thể chất.

Nhìn từ Korat, để tổ chức một kỳ SEA Games, hẳn sẽ không quá tốn kém khi mọi cơ sở thi đấu chỉ cần cải tạo nhỏ bởi những địa điểm đó đang được sử dụng thường xuyên. Đấy là một bài học không thể bỏ qua.

Việt Nam đã có một kỳ SEA Games hoành tráng trong lần đầu tiên tổ chức. Cái gì đã qua thì cho qua, nhưng nếu năm 2011, SEA Games về lại với Việt Nam thì sẽ có phong trào nhà nhà sửa chữa, nâng cấp và xây mới?

(Theo SGGP)