itaexpress / Tin ITA / Thể thao - Giải trí / Văn hóa đọc / Đại hội IV Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam

Đại hội IV Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam: Mỗi dân tộc đều có nền văn hoá độc đáo riêng...

Với 738 hội viên gồm hầu hết các dân tộc cùng 30 tổ chức cơ sở hội trên 40 tỉnh, thành trong cả nước, đại hội tổ chức trong 2 ngày (9-10.12 tại Hà Nội).

Ngoài việc bầu BCH cho nhiệm kỳ tới, thì việc quan trọng hơn cả là đại hội đánh giá đúng thực trạng đội ngũ sáng tác, vai trò của hội và những bất cập trong cơ chế, chính sách...

Bên cạnh nền văn hoá đã có từ lâu đời của người Kinh, các dân tộc (DT) thiểu số khác đều có một nền văn hoá riêng, hết sức độc đáo, rất phong phú và đa dạng. Mới đây, UNESCO đã công nhận không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên là di sản văn hoá phi vật thể thế giới.

Mấy chục năm qua đã xuất hiện nhiều thế hệ mà tên tuổi đã được ghi nhận như: Bàn Tài Đoàn, Nông Quốc Chấn, Vương Trung (thơ)... sang thế hệ thứ hai với: Y Phương, Lò Ngân Sủn, Pờ Sào Mìn, Vương Anh (thơ)... Xu Man, A Nhú, MôLôKai (mỹ thuật), Ybrơm (âm nhạc)... nối tiếp là Linh Nga NiêKĐăm, Yphôn Ksor, SiuBlack (âm nhạc), Dương Thuấn, Lò Cao Nhum, Niê Thanh Mai (văn học)... Và còn phải kể đến hàng trăm công trình nghiên cứu, sưu tầm, biên dịch các loại hình văn nghệ dân gian các DT Gia Rai, Ê Đê, Ba Na, Mông, Chăm... rất công phu, và có giá trị.

Mặc dù có những DT mà số văn nghệ sĩ khá đông, trên nhiều lĩnh vực, thế nhưng cũng có những DT còn quá ít, hoặc chưa có những người sáng tác, nghiên cứu của DT mình. Điều đó đã được nêu ra mỏng, hoặc chưa được phát hiện trong báo cáo "Tổng kết nhiệm kỳ 2002-2007 và phương hướng hoạt động nhiệm kỳ 2007-2012" do nhạc sĩ Nông Quốc Bình - Phó Chủ tịch thường trực Hội VHNTTSVN trình bày.

Qua báo cáo càng thấy sự chênh lệch về lực lượng giữa các vùng miền, giữa các DT là khá lớn. Mặt khác, VHNT tuy phát triển mạnh, nhưng lại thiếu những tác phẩm có tầm vóc, vì thế thiếu hấp dẫn ngay cả với DT của người sáng tác, chứ chưa nói đến khả năng lan toả cho công chúng cả nước.

Một số văn nghệ sĩ bên lề đại hội.

Trong bài phát biểu tại ĐH, NS Cầm Minh Thuận (DT Thái) đã báo động: "Từ những bản xônát đến Giao hưởng số 1, Oratôriô Nguyễn Văn Trỗi, kịch múa "Rừng thiêng núi nhớ", thơ múa "Người đi săn"... nhìn lại những tác phẩm của nhạc sĩ Đàm Linh (DT Tày), bằng tài năng của mình đã đóng góp rất đáng kể cho nền âm nhạc nước nhà. Vậy sau ông, liệu có còn có nhạc sĩ thiểu số nào kế tiếp? Một câu hỏi đang bỏ ngỏ!".

Rồi nguy cơ chữ Nôm Tày, chữ Thái cổ... chỉ mất trong nay mai, bởi lẽ còn nhiều tác phẩm chưa được dịch, những người có khả năng đọc được ngày càng ít đi. Ngay cả việc sáng tác, nghĩ thì bằng tiếng mẹ đẻ, khi sáng tác thì bằng tiếng DT khác (tiếng Việt).

Hơn lúc nào hết, nhà thơ Triệu Lam Châu (DT Tày) kêu gọi: "Tôi thường tự nhủ: Trời ban cho mình được là người Tày, không được so đo ghen tị. Hãy sáng tác bằng tiếng mẹ đẻ huyền diệu của mình... đó là thiên chức thiêng liêng của người nghệ sĩ".

"Mấy lời vặt vãnh bâng quơ" là "tít" bài phát biểu của nhà văn Mã A Lềnh (DT Mông) xem ra cũng chẳng "vặt vãnh" tí nào, đó là tình trạng dự trại sáng tác chỉ như đi nghỉ dưỡng, du hí! Vì nhiều anh đã "thủ" sẵn thơ từ nhà rồi, đến trại rủ nhau "ăn rượu" là chính. Nhà thơ Vương Anh (DT Mường) cho rằng công tác nghiên cứu, sưu tầm của các "nhà" trong lĩnh vực này vẫn ở "thường thường, bậc trung", bởi lẽ việc đào tạo nhân tài, đầu tư vật lực tại cơ sở chưa được chú trọng. Nếu có cũng là bồi dưỡng nghiệp vụ một cách ồ ạt!

Tại đại hội IV lần này, hội đã nêu ra những hạn chế của nhiệm kỳ qua, và cách khắc phục trong nhiệm kỳ tới, để làm sao hội thực sự là "bà đỡ" cho việc sáng tác, nghiên cứu từng hội viên. Hội cũng đưa ra một số kiến nghị, như: Cần phải có tỉ lệ thích hợp cho các tác phẩm VHNT trong chương trình sách giáo khoa, về kinh phí hoạt động, những chính sách chiến lược về tiếng nói, chữ viết...

Những đại biểu về dự ĐH lần này là những văn nghệ sĩ tiêu biểu của các DT thiểu số, có đóng góp không nhỏ cho nền VH nước nhà, họ là những người bám làng, buôn, sóc của mình, vì ở đó luôn khơi dậy nguồn cảm hứng sáng tạo không bao giờ cạn.

Quang Hân / Laodong