itaexpress / Tin ITA / Việt Nam trong mắt tôi / Góc nhìn du khách / Đăng ký Guinness thế giới cho cầu Rồng

Đăng ký Guinness thế giới cho cầu Rồng

Sở GTVT TP Đà Nẵng cho biết, vừa có công văn trình UBND TP Đà Nẵng cho phép đăng ký kỷ lục Guiness thế giới đối với công trình cầu Rồng bắc qua sông Hàn.

Kỷ lục Guinness thế giới được Sở này đề nghị UBND TP xem xét đăng ký đối với cầu Rồng là “Con Rồng thép lớn nhất”.

Chiều dài thân Rồng (kết cấu vòm thép + vòm bê tông) dài hơn 500 m, khối lượng vòm thép lên đến trên 1.000 tấn, cắt ngang vòm thép (thân Rồng) gồm 5 ống thép đường kính 1,2 m với kích thước phủ bì cao 4,5 m, rộng 4,5 m. Phần đầu, đuôi Rồng được thiết kế với chiều dài khoảng 15 m, chiều cao trên 9 m tính từ mặt dầm. Đầu Rồng được thiết kế mô phỏng theo hình tượng rồng đá thời nhà Lý của Việt Nam. Đuôi Rồng được thiết kế cách điệu theo biểu tượng hoa sen. Trước đó, vào tháng 9-2012, Sở GTVT Đà Nẵng đã có công văn đề nghị HĐND, UBND TP xem xét, cho phép đăng ký kiểu dáng công nghiệp của cầu Rồng và cầu mới Trần Thị Lý với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với hình tượng hai cây cầu này. Theo Sở Giao thông Vận tải, hình dáng kiến trúc, giải pháp kết cấu của hai cây cầu này vừa có tính mới trên thế giới, vừa có tính độc đáo, sáng tạo, có giá trị thẩm mỹ cao, làm điểm nhấn kiến trúc, khai thác du lịch và có thể là biểu tượng mới của thành phố trong tương lai. Cả hai cây cầu này đều dự kiến hoàn thành vào dịp kỷ niệm 38 năm Ngày giải phóng Đà Nẵng 29-3-2013. Cầu Rồng do Công ty tư vấn nổi tiếng của Mỹ Louis Berger Group, Inc. thiết kế kiến trúc sau khi vượt qua 17 phương án thiết kế của công ty khác (4 Việt Nam, 2 Nhật và 1 Đức) trong cuộc thi quốc tế cuối năm 2005. Cây cầu này thể hiện hình dáng một con rồng đang bay qua sông Hàn hướng ra biển lớn, đầu rồng ngẩng cao, thân rồng uốn lượn trong hệ thống đèn chiếu sáng trang trí, kiến trúc cảnh quan hết sức đặc sắc. Cầu mới Trần Thị Lý (thay thế cho cây cầu cũ đã xuống cấp) do một công ty danh tiếng của Hà Lan là WSP Finland thiết kế, sau khi vượt qua cuộc thi quốc tế với sự tham dự của nhiều đơn vị đến từ Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam... Điểm độc đáo của cây cầu này ở chỗ, trụ tháp có hình cữ Y ngược, tựa như cột buồm 3 mặt phẳng dây văng hướng ra biển, neo giữ dầm chính và mố neo. Trụ tháp cao 145m so với mặt sông, nghiêng 120 về phía Tây cầu, thiết kế ngồi trên gối được đan kết hệ thống cáp dây văng tạo nên hình ảnh cánh buồm đang vươn ra khơi xa. Tuy cũng là cầu dây văng song đây là dạng cầu mới mẻ, trên thế giới mới là cây cầu thứ hai và ở Việt Nam là cây cầu đầu tiên. “Với thiết kế dây văng một trụ nghiêng, trục di động (ngồi trên gối), có thể “nghiêng ngửa” trong biên độ cho phép, dạng hình cánh buồm… thì đây là cây cầu hoàn toàn “đặc sản” của Đà Nẵng. Dự án này tương đối mới mẻ, công nghệ trên thế giới không có nhiều nên là thách thức không nhỏ đối với năng lực của đơn vị thi công” - đại diện Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (đơn vị thi công cầu mới Trần Thị Lý), nói.

Theo ĐN (Đà Nẵng Online)