itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Con rơi của... lũ

Con rơi của... lũ

Ba đứa trẻ mồ côi cùng bà nội già

71 tuổi và người cô tâm thần

Con bé Tha coi thời sự về lũ lụt trên tivi mà nước mắt giàn giụa. Chúng tôi cũng bàng hoàng, không ngờ thảm cảnh lặp lại. Tám năm trước, trong trận lũ lịch sử 1999, 5 chị em nó bỗng chốc thành mồ côi, tứ tán. Bây giờ, cũng chính xã Quế Ninh, huyện Quế Sơn, Quảng Nam - quê hương nó - lại thêm 3 đứa trẻ nữa mất cả cha lẫn mẹ vì lũ.

Những tháng 11 đau lòng...

...Tháng 11.1999, lũ ngập chìm miền Trung. Đấy là lần tái diễn lũ lịch sử đầu tiên sau 35 năm, kể từ lũ năm Thìn - tháng 11.1964 làm hàng ngàn người chết và mất tích. Để tổ chức tốt công tác tiếp nhận, phân phối hàng cứu trợ của cả nước gửi về miền Trung, Văn phòng đại diện Báo Lao Động tại Đà Nẵng lúc đó đã thành lập đội công tác xã hội hơn 200 người (Đội CTXH). Thực ra là tập hợp anh chị em làm công tác xã hội tại đội Nhân Ái, Vĩnh Trung và Trung tâm Bảo trợ trẻ em đường phố Đà Nẵng.

Trong chuyến lên thượng nguồn dòng Thu Bồn cứu trợ vùng tây huyện miền núi Quế Sơn, Quảng Nam thì lũ đợt 2 bất chợt trút xuống. Nước dâng cao hơn cả đợt 1. Người dân lại chạy nạn lên núi. Trong đó, có cả thành viên Đội CTXH vì bị kẹt trong lũ. Lần ấy, nhóm ông Hoàng Minh Nhân, bác sĩ Nguyễn Văn Thành và anh Bùi Thông Phúc - Trung tâm Bảo trợ trẻ em đường phố Đà Nẵng - trên đường chạy lũ cùng dân đã "nhặt" được 2 đứa trẻ mồ côi vì... lũ.

Ông Nhân kể lại: "Tôi giật tấm tranh cùn trên mái chuồng bò đã sập trên núi Cà Tang để tìm chỗ chui vào nấp mưa, kinh hoàng thấy nheo nhóc lũ trẻ cả 5 chị em. Chúng co cụm, ướt sũng trên đống lá mua, tối om. Đứa lớn nhất chỉ 12 tuổi, đứa út chưa đầy 2 tuổi. Chúng lấy đọt khóm (bẹ cây dứa) chia nhau, chấm ăn với muối trong cơn đói lả. Hỏi ra mới tá hoả..., chúng đã mồ côi cha. Mẹ là Nguyễn Thị Huệ, một mình bươn trải nuôi con trong đói khổ. Nhưng lũ đợt 1 đã cướp đi nơi nương tựa cuối cùng là mẹ nó, khi bà vào rừng Nà Lau để lấy cây mây. Lũ đợt 2 ập đến, nhà của chúng bị cuốn phăng. May mà chị em kịp dắt díu nhau lên núi, rồi "lót ổ" cố thủ trong cái chuồng bò sập này. Lúc đó, chúng tôi cũng chỉ có gói mì ăn liền để chia sẻ với các cháu".

Từ câu chuyện day dứt đó, sau đợt cứu trợ, Đội CTXH đã trở lại, làm thủ tục xin họ hàng và chính quyền xã Quế Ninh để được đưa các cháu về Trung tâm Bảo trợ trẻ em đường phố. Tuy nhiên, chỉ có 2 trong số 5 chị em nó là Võ Văn Tra (9 tuổi) và Võ Thị Tha (5 tuổi) được về với gia đình 1. Tại mái ấm mới này, chúng đã được đi học.

...Tháng 11, năm 2007, lũ lịch sử lại tái diễn ở miền Trung sau 8 năm kể từ lũ năm 1999. Sự "trở lại" này đã tàn phá xác xơ các miền quê nghèo Quảng Nam. Tuy vậy, những bài học tránh lũ vẫn còn nóng hổi. Người dân đã tránh được nhiều thiệt hại đáng kể. Nhưng cũng có nhiều người chết, mất tích. Và ở xóm núi Cà Tang, xã Quế Ninh, Quế Sơn, Quảng Nam lại tái diễn thảm nạn đau lòng như những trận lũ lớn trước. Hôm chúng tôi mang hàng cứu trợ lên miền tây Quế Sơn, chứng kiến cảnh dân làng thôn 3, Quế Ninh đang chuyển thi thể 2 nạn nhân là vợ chồng anh Lê Văn Dũng và chị Thái Thị Chín.

Mất người là đau; nhưng xót xa hơn khi anh chị ra đi, để lại 3 đứa trẻ thơ không nơi nương tựa. Lê Thị Yến - đứa con đầu, 9 tuổi - có thể cảm nhận được sự mất mát lớn lao này, còn 2 đứa em - Lê Thị Bình 6 tuổi và Lê Văn Thuận mới 3 tuổi - chưa hiểu nổi chúng sẽ đối đầu với những gì khi không còn cha mẹ. Thậm chí, chúng còn hồn nhiên cười khi nhận được quà bánh. Nơi nương tựa bây giờ của chúng là bà nội Trần Thị Liễu đã 71 tuổi. Bà Liễu già yếu, ngay việc làm lụng để nuôi thân đã kiệt sức, bà còn gánh nặng bởi nuôi người con gái Lê Thị Kim Thoa bị thiểu năng, ngờ nghệch như đứa trẻ lớn xác. Giờ sẽ ra sao khi thêm 3 đứa trẻ bất hạnh này.

... Tháng 11 năm 1964, với người dân thượng nguồn sông Thu Bồn, kỷ niệm buồn tan tác sau lũ vẫn "tồn tại", day dứt mỗi gia đình trong ngày giỗ tập thể 23 tháng 10 (âm lịch). Bà Liễu kể, hồi đó, vùng tây Quế Sơn có đến gần ngàn người chết. Thông tin dự báo gần như không có. Cứu trợ giúp nhau cũng không như bây giờ. Khi lũ rút, xác người vương khắp nơi, trên ngọn tre, bụi rậm ven sông, vùi trong phù sa... Sau lũ là bệnh dịch, đói ăn cũng làm chết cả trăm người khác.

Câu chuyện của bà Liễu làm tôi nhớ lời ông Nguyễn Sáu - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên - nơi hạ lưu sông Thu Bồn này. Hôm chúng tôi mang hàng cứu trợ đến Duy Vinh, ông Sáu đưa ra cái thông báo tìm thân nhân và nhờ: "Các anh viết bài, nhắc lại nhiều lần giúp thông tin này, để may ra tìm được thân nhân cho cháu bé xấu số". Đó là một đứa trẻ khoảng 2-3 tuổi. Ngày 12.11.2007, khi vớt thi thể cháu trên đỉnh lũ, trên người cháu chỉ còn 1 dây chuyền bạc, 1 chuỗi hạt cườm nhựa màu xanh đeo trên cổ để nhận dạng. UBND xã Duy Vinh đã mai táng cháu ngày 14.11, và lấy tên làng Đông Bình - nơi vớt được cháu để khắc tên trên bia mộ. Đến nay, xã Duy Vinh chưa nhận được thông tin nào về thân nhân cháu "Đông Bình".

Cần mái ấm mới

Tôi đến gia đình 1 - Trung tâm Bảo trợ trẻ em đường phố Đà Nẵng để thăm anh em bé Tha - những đứa trẻ mà anh em Đội CTXH "nhặt" được sau lũ năm 1999. Gặp lại các "bố", "mẹ" của gia đình 1, và 5 - nguyên là thành viên Đội CTXH Báo Lao Động, ai cũng kể lại những chuyến đi cứu trợ trước đây. Nhưng rồi, "bố" Hoàng Minh Nhân chợt chùng xuống khi nhắc đến chuyện mấy đứa trẻ mồ côi. Ông nói: "Con Tha coi thời sự về lũ lụt trên tivi mà nước mắt giàn giụa. Chúng tôi cũng bàng hoàng, không ngờ thảm cảnh lặp lại. Thấm thoắt đã 8 năm. Thằng Tra giờ đã đi làm thợ hàn inox. Con Tha đã lên lớp 7, nhưng cái cảnh chúng chui trong chuồng bò tối om năm ấy với anh em tôi như mới xảy ra đây". "Mẹ" Nguyễn Thị Nhung - Trưởng gia đình 1 - thêm vào: "Con Tha học giỏi và nết na. 7 năm học là 7 giấy khen học sinh giỏi. Chúng là những đứa đầy tình nghĩa, biết cư xử tốt với mọi người".

Tan buổi học về, thấy khách lạ, bé Tha lễ phép vòng tay chào từng người. Tôi bất ngờ, không nghĩ con bé hom hem ngày mới đưa về gửi trường mẫu giáo, giờ lớn và tỏ ra chững chạc vậy. Tâm sự của nó cũng rất "người lớn". Nó nói: "Con thấy mấy chị em bạn Yến vừa mất cha mẹ ở quê, mới tưởng tượng lại được hoàn cảnh của mình ngày xưa. Nhưng mong rằng, ai đó thương mà đón họ về nuôi thì hãy để cả ba chị em bạn ấy được sống cùng nhau". "Bố" Nhân giải thích: "Trung tâm năm đó còn khó khăn lắm, việc chuyển trường cho các cháu cũng nhiều trở ngại, chỉ đón được 2 trong số năm chị em. Thằng Tra, con Tha về đây, được ấm thân, nhưng 3 đứa còn lại tứ tán khắp nơi. Có đứa đi giúp việc, đứa thì lưu lạc, không biết làm gì ở TPHCM... Đã tám năm, chị em chúng không được gặp nhau".

"Mẹ" Nguyễn Thị Nhung ngậm ngùi: "Thấy cảnh mấy đứa trẻ mồ côi mà đứt ruột. Dù còn nhiều thiếu thốn bởi mỗi gia đình phải cưu mang đến 30 cháu, kinh phí hầu hết là... đi xin tài trợ, nhưng chúng tôi sẵn lòng đón 3 cháu vừa mất cha mẹ đó về với gia đình mình".

Theo UBND xã Quế Ninh, hiện có nhiều tổ chức, cá nhân gửi tiền, quà giúp đỡ ba chị em con anh Dũng, chị Chín. Tuy vậy, số tiền vài chục triệu đồng ấy sẽ không thể bù đắp được bàn tay chăm sóc của cha mẹ. Các cháu cần phải có mái ấm mới. Nói như "mẹ" Nhung ở gia đình 1, dù còn nhiều khó khăn, song ở đây, các con được đùm bọc, chăm sóc trong sự thương yêu của các "bố", các "mẹ" của trung tâm; được bạn bè, anh chị cùng cảnh ngộ sẻ chia. Quan trọng hơn là các em được đi học, tạo điều kiện tốt trước khi ra đời.

Tôi mong rằng, đây cũng sẽ là hướng tốt để lo tương lai cho các cháu. Mọi sự giúp đỡ hiện nay là rất cần thiết, song để các cháu có được tình yêu thương, đùm bọc như một gia đình, có tương lai sáng sủa hơn chị em bé Tha, tốt nhất là họ hàng cháu và chính quyền xã Quế Ninh tạo điều kiện cho các cháu về với Trung tâm Bảo trợ trẻ em đường phố hoặc làng Hy vọng - SOS.

Thanh Hải