itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Đi cấp cứu giờ cao điểm

Đi cấp cứu giờ cao điểm

Xe cấp cứu bị kẹt cứng trên đường

Võ Thị Sáu.

Kẹt xe ở TPHCM diễn ra như cơm bữa. Kẹt xe không chỉ gây thiệt hại về mặt kinh tế, như có chuyên gia ước tính khoảng 14.000 tỉ đồng mỗi năm mà còn đe doạ đến tính mạng của nhiều bệnh nhân đang cần được cấp cứu kịp thời.

PV Lao Động đã đi cùng các chuyến xe cấp cứu của Bệnh viện cấp cứu Trưng Vương, để tận mắt chứng kiến áp lực của đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng, lái xe khi đường sá tràn ngập biển người.

Cấp cứu trong vòng xoáy kẹt xe

16 giờ 49 phút, chuông điện thoại Khoa Cấp cứu ngoại viện reo. Ở đầu dây bên kia: "Có người khó thở... Địa chỉ 109/2 Lê Văn Lương, Q.7, gần cây xăng...". Bác sĩ Nguyễn Tâm Niệm cùng 2 điều dưỡng viên và tôi nhảy lên xe cấp cứu. Việc đầu tiên mọi người đề cập là đi đường nào không bị kẹt xe? Chớp nhoáng, cả êkíp quyết định lộ trình Thành Thái - Lý Thái Tổ - Nguyễn Văn Cừ - Nguyễn Trãi - Nguyễn Cư Trinh - Trần Hưng Đạo - Nguyễn Thái Học - Hoàng Diệu - Khánh Hội - Nguyễn Hữu Thọ - Lê Văn Lương, được cho là ít kẹt xe hơn so với lộ trình khác.

Còi hụ cấp cứu vang lên. Chưa đầy 1 phút, xe đã đến giao lộ Thành Thái - 3/2. Cả nghìn phương tiện đang ken chật cứng bên làn đường bên phải, lái xe vội đánh tay lái sang trái đi vào làn đường ngược lại. Nhưng hỡi ôi, cả rừng phương tiện đang đổ về, như đàn ong vỡ tổ tràn ra trước đầu xe. Lái xe vừa bật còi hụ cấp cứu, vừa nhấn còi ôtô inh ỏi vẫn không thoát ra khỏi dòng xe ngày càng đông. Với vẻ mặt căng thẳng, bác sĩ Niệm, quay sang tôi, nói: "Bệnh nhân đang cần cấp cứu gấp. Trường hợp người bệnh bị về hô hấp hay tim, nếu chậm 1-2 phút coi như bó tay"... Hơn 5 phút xe cấp cứu mới thoát ra khỏi vòng xoáy kẹt xe. Nào ngờ đến vòng xoay Lý Thái Tổ - Ngô Gia Tự, lại gặp cảnh ùn tắc thêm 7 phút. Và cách đường Lê Văn Lương chừng 1 cây số, xe cấp cứu một lần nữa kẹt cứng tại khu vực cầu Kênh Tẻ hơn 10 phút...

Xe đến được nhà bệnh nhân, đồng hồ đã chỉ 17 giờ 28 phút (tức mất 38 phút). Thân nhân người bệnh bức xúc: "Xe cấp cứu gì chậm như rùa. Gọi hơn nửa tiếng, giờ mới tới". Bỏ ngoài tai những lời ta thán của người thân, êkíp bác sĩ Niệm cấp cứu ngay cho bệnh nhân là một người đàn ông 46 tuổi, bị ung thư tuyến giáp, di căn sang bàng quang và phổi khiến bệnh nhân thở khó nhọc. Nồng độ ôxy trong máu bệnh nhân xuống còn 48, sau cấp cứu đã lên được 80 (mức an toàn để chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn). Thở phào nhẹ nhõm, bác sĩ Niệm tâm sự: "Chậm thêm chút nữa, bệnh nhân không qua khỏi, vì đờm xuống nhiều quá dẫn đến không thở được".

7 giờ 38 phút, chuông điện thoại cấp cứu 115 lại reo: Một bệnh nhân trên 60 tuổi bị tăng huyết áp, số 16/20 đường Tân Mỹ, Q.7. Lần này êkíp cấp cứu do thạc sĩ, bác sĩ Võ Ngọc Huy phụ trách. Đoạn đường dài khoảng 10 cây số, xe vẫn hụ còi vang, nhưng vẫn không thể nhanh hơn 45 phút, bởi tất cả ngả đường Nguyễn Chí Thanh, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Thái Học, Cống Quỳnh, Nguyễn Thị Minh Khai... vào giờ cao điểm sáng tràn ngập xe. Khi bác sĩ tiếp cận được thì trước đó vài phút người bệnh đã chuyển sang tai biến... Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy, để tiếp tục điều trị.
Trên đường quay trở lại Bệnh viện Trưng Vương, bác sĩ Võ Ngọc Huy lắc đầu ngao ngán: "Đâu đâu cũng gặp cảnh tắc đường. Cách đây 2 tuần, trên đường đến nhà một bệnh nhân bị khó thở ở đường Nguyễn Thái Sơn (Gò Vấp), chúng tôi bị tắc đường ở Nguyễn Kiệm. Cách nhà người bệnh chỉ 1 cây số, mà xe cấp cứu nằm chết gí hàng giờ đồng hồ. Buộc lòng, phải gọi về khoa yêu cầu cho êkíp khác đi đường vòng để tiếp cận bệnh nhân"... Trong những lần cùng êkíp của bác sĩ Vân, bác sĩ Linh... cấp cứu người bệnh ở Q.Tân Phú, Q.6 vào những giờ cao điểm, xe cấp cứu của chúng tôi đều phải nhích từng chút một trên những cung đường thường xuyên xảy ra ùn tắc: 3/2, Luỹ Bán Bích, Âu Cơ, vòng xoay Cây Gõ, Lý Thường Kiệt...

Đường càng kẹt, "giờ vàng" của bệnh nhân càng ngắn

Khoa Cấp cứu ngoại viện thuộc Bệnh viện cấp cứu Trưng Vương là nơi chủ yếu đảm nhận công tác cấp cứu người bệnh ngoại viện từ tất cả các cuộc gọi đến số máy 115 trên địa bàn TPHCM, có những địa điểm cách xa bệnh viện hàng chục cây số như: Củ Chi, Cần Giờ, Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn... Bác sĩ Lê Thanh Chiến - GĐ Bệnh viện cấp cứu Trưng Vương, tâm sự: "Mỗi lần xuất xe đi cấp cứu, áp lực về thời gian để tiếp cận với bệnh nhân càng sớm càng tốt luôn đè nặng lên êkíp bác sĩ, bởi đây là khoảng "thời gian vàng" đối với người bệnh. Đường càng kẹt, "giờ vàng" của bệnh nhân càng ngắn.

Đường sá càng kẹt, "giờ vàng" của
bệnh nhân càng ngắn.

Với điều kiện đường sá thành phố lúc nào cũng là giờ cao điểm, kẹt xe nghiêm trọng như hiện nay, không ít trường hợp bác sĩ cấp cứu tiếp cận được người bệnh thì đã muộn". Bác sĩ Hà Thanh Hà - Phó khoa Cấp cứu ngoại viện, nói tiếp: "Ngay cả bốn trục đường quanh bệnh viện: Thành Thái - 3/2 - Lý Thường Kiệt - Tô Hiến Thành cũng thường hay xảy ra kẹt xe. Những lúc gặp trời mưa to đúng vào giờ cao điểm, xe cấp cứu ra khỏi bệnh viện là đường bị tắc". Lái xe cấp cứu Bảo Trung Nhật kể lại: "Cách đây chưa lâu, cũng vào giờ cao điểm chiều, tôi lái xe chuyển một bệnh nhân bị tim từ Bệnh viện Trưng Vương sang Viện Tim thành phố. Đến giao lộ Tô Hiến Thành - Thành Thái không thể tiếp tục lưu thông. Cuối cùng chúng tôi quyết định mở cánh cửa phía sau của xe để mọi người nhìn thấy bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch. Lúc bấy giờ, người tham gia giao thông thông cảm, nép xe vào lề, chừa lối để xe cấp cứu lách dần ra khỏi vòng luẩn quẩn kẹt xe... mất hơn 15 phút".

Tìm giải pháp cho việc cấp cứu ngoại viện trước thực trạng kẹt xe đang diễn ra, bác sĩ Lê Thanh Chiến cho biết, đã nghĩ đến việc đề nghị thành phố trang bị máy bay trực thăng cấp cứu, nhưng xem ra khó khả thi, vì liên quan đến cơ chế phối hợp, quản lý, bãi đáp, kinh phí... Do đó, bệnh viện đang trình đề án hình thành mạng lưới cấp cứu 115 ở các quận - huyện nhằm có thể tiếp cận người bệnh trong thời gian sớm nhất. Hiện nay, mỗi lần có những ca bệnh cần được cấp cứu ở các khu vực xa (Củ Chi, Cần Giờ, Nhà Bè...), xe của bệnh viện đều phải đảm nhận hoặc chỉ dựa trên mối quan hệ để nhờ các bệnh viện nơi gần nhất cấp cứu người bệnh. Tuy nhiên, việc nhờ hỗ trợ dựa vào quan hệ cũng gặp nhiều khó khăn, vì phần lớn các bệnh viện đều từ chối với lý do hết xe cấp cứu hay bác sĩ đều đang bận...

Trước mắt đối phó với tình trạng kẹt xe, Bệnh viện cấp cứu Trưng Vương đã trang bị thêm 2 xe môtô cấp cứu di động. Trong tình huống tắc đường, xe môtô (1 bác sĩ, 1 điều dưỡng) sẽ được huy động đưa bác sĩ đến với người bệnh kịp thời, và ôtô cấp cứu đến sau. Có điều, nếu xảy ra tắc nghẽn giao thông, xe môtô cấp cứu chưa chắc đã lưu thông được. Hơn thế, mức độ an toàn của xe môtô không cao cũng như khả năng vận chuyển những thiết bị cấp cứu cần thiết đi kèm hạn chế nhiều so với ôtô cấp cứu.

Sau chuyến đi cấp cứu trở về, bác sĩ Tuấn ngồi trầm tư ở ghế đá trước khoa Cấp cứu ngoại viện. Tôi lân la đến hỏi chuyện: "Tuyến đường của bác sĩ đi có kẹt xe không?". "Sao không kẹt. Nếu đường thông thoáng đến đó mất chừng 5-6 phút, đằng này xe đông quá phải mất hơn 15 phút. Bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim. Đến nơi, bệnh nhân đã ra đi trước đó vài phút. Những ca như vậy, nếu tiếp cận được kịp thời, bệnh nhân có may qua khỏi cơn thập tử nhất sinh"... Tôi ngồi lặng im... Và chuông điện thoại cấp cứu 115 lại reo.

Trần Phan (Theo Lao Động)