itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Làng chài và những câu chuyện kể - Kỳ 1

Làng chài và những câu chuyện kể - Kỳ 1: Lời nguyền của thuỷ thần

Thị xã ngã ba sông. Ảnh: L.T.G

Phủ Lý vẫn được gọi là thị xã ngã ba sông, bởi sự hợp lưu của sông Đáy, sông Nhuệ và sông Châu. Có lẽ chính vì thế mà những người làm nghề chài lưới đã chọn đây làm nơi neo “nhà” của mình. Không biết đã từ đời nào, kiếp nào rồi.

Tôi chỉ biết, lớn lên đã thấy xóm chài ấy, bố mẹ tôi, ông bà tôi cũng lớn lên đã thấy xóm chài ấy. Và tôi hỏi họ điều tương tự, họ cũng bảo: từ đời cụ kỵ chúng tôi đã ở đây rồi. Âu cũng là cái duyên của câu đất lành chim đậu.

Từ lời nguyền của thuỷ thần

Tôi mệnh thuỷ, đại hải thuỷ, không hiểu ông thầy nào phán rằng tôi kỵ nước, nên từ nhỏ mẹ tôi cấm tiệt chuyện ra sông tắm. Mỗi lần ra bến giặt quần áo, tôi vẫn thèm thuồng nhìn chúng bạn lao bùm bùm xuống sông từ cây đa xù xì, chẳng biết là đã bao nhiêu tuổi rồi. Người ta hay bảo cây gạo có ma, cây đa có thần. Nên tôi sợ, chẳng dám ăn vụng những quả đa giòn tan, vàng ươm, mà những người bạn tôi vẫn ăn rau ráu trước mắt mình. Thỉnh thoảng đi hái rau ở bãi bồi, tôi vẫn cố ý làm ướt mình để khi về có lý do tắm sông một cách đàng hoàng. Thường thì sau đấy, tôi vẫn bị mẹ đánh cho quắn đít vì cái tội không biết vâng lời. Mặc kệ, tôi vẫn nhìn bốn bên sông nước bọc lấy ngôi làng nhỏ bé của mình thành hòn đảo nổi đầy háo hức.

Làng chài giữa lòng thị xã. Ảnh: L.T.G

Tôi không nhớ mình hụt chết đuối bao nhiêu lần. Lần tôi nhớ nhất cho đến giờ cũng là một buổi đi hái rau bên bãi bồi, tôi cũng lại cố ý cho người ướt hết để lúc về được tắm sông. Tôi úp chụp chiếc thau bé xíu, chân đạp bùm bụp ra xa. Bố tôi vẫn gọi kiểu đạp chân ấy là kiểu chó lội lụt. Bỗng nhiên, mép chiếc thau chòng chành hớ lên, khoảng không khí rỗng trong thau giúp tôi nổi lên giờ nhấn chìm tôi xuống nước. Sặc sụa và chới với. Gần trưa, đường làng gần như vắng tiệt bóng người. Tôi gào lên kêu một chiếc thuyền đang giăng lưới gần đấy. Tôi chỉ nhận được những bụm nước ộc vào đường mũi, đường miệng... rồi chả biết gì nữa....May mà có anh hàng xóm đi ngang cứu kịp thời. Phải đến 8 năm sau, khi tôi bắt đầu lớn, mới có dịp gặp lại ân nhân của mình. Tôi kể lại cái ơn cứu mạng, người đàn ông hơn tôi 6 tuổi cứ ơ a. Anh không nhớ gì. Nhưng chuyện em trai anh cũng suýt chết đuối thì lại không quên một chi tiết.

Đó là chuyện thằng cu Khánh, ít hơn tôi 5 tuổi, cũng không hiểu kiểu gì mà người ta chỉ còn nhìn thấy cái chỏm tóc đen đen của nó lập lờ trên nước. Chú Sinh Kế đi đâu về, chợt thấy một cái gì đen đen, lập lờ trên mặt nước, sinh nghi, chủ vội vàng lao ùm xuống nước, hoá ra là cu Khánh nhà bác Bình Long. Vác vội thằng bé lên vai, chú chạy khắp làng, nước ộc từ mồm cu Khánh theo mỗi dấu chân. Người làng giữ chặt bác Bình đang gào lăn lộn trên mặt đất, người ta kiêng người thân nhìn thấy, vì lý do gì tôi cũng không biết. Có lẽ phúc nhà cu Khánh to hơn cái đình làng tôi theo đúng lời bác Bình Long kể, nên nó thoát ra khỏi cửa tử của Hà Bá, nó liền nhận nhà chú Sinh Kế là bố mẹ nuôi. Sau này, chú Kế kể lại, khi túm nó lên, đã thấy có cá bu xung quanh nó rồi. Gần đấy, những người dân chài vẫn bình thản...

Không phải ai cũng may mắn như tôi hay cu Khánh được cứu kịp thời. Như con nhà bác Hiệp Hiển, cả nhà có 5, 6 chị em, toàn con gái, chỉ có một anh con trai đẻ cố. Vô phúc thế nào, xảy chân...tôi vẫn nhớ cái cảnh người làng giữ chặt bác ấy như thế nào trong cơn kiếm tìm tuyệt vọng...

.... Đến cái tên gọi miệt thị của những người “trên bờ”.

Người ta kể với nhau rằng, sở dĩ những cư dân lênh đênh sông nước sống bằng nghề chài lưới hầu như không bao giờ cứu người chết đuối là vì họ quan niệm: đấy là miếng ăn của Hà Bá. Họ không thể cướp miếng ăn của thuỷ thần, như thế, họ sẽ bị trừng phạt. Sẽ không có cá tôm, hay họ sẽ không thể nương náu được trên sông nước khi vào mùa bão nổi.

Có lẽ thế chăng mà người dân làng tôi nói riêng và các làng khác nói chung, gọi họ bằng một khái niệm miệt thị. Cái khái niệm tồn tại thâm căn cố đế: dân thuyền chài.

Mỗi lần muốn đe nẹt anh em tôi, mẹ tôi lại mắng: cho mày là con thuyền chài! Đó là câu tôi sợ nhất tuổi thơ. Một nỗi sợ vô hình được truyền từ đời này sang đời khác, không chỉ anh em tôi...

Lại Thị Thu Giang