itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Nghề làm đầu lân mùa cuối năm

Nghề làm đầu lân mùa cuối năm

Một thành viên của Quang Long Đường đang tạo hình một chú lân

Cứ vào mấy ngày cận Tết, khắp các phố phường luôn rộn ràng tiếng trống tập múa lân. Các xóm làm đầu lân gần như không có ngày rảnh tay, ai cũng tăng tốc làm việc cho ra đời những đầu lân, con rồng cho mùa Tết này.

Mỗi năm chỉ có một mùa...

Những xóm làm đầu lân sư rồng nằm khiêm tốn trong những con con hẻm nhỏ quanh quanh các con đường Triệu Quang Phục, Nguyễn Chí Thanh, Vĩnh Viễn... cứ đến hẹn lại trở nên tấp nập và đông vui. Đây là những cơ sở tuy không bảng hiệu nhưng rất nổi tiếng và được truyền qua nhiều thế hệ. Ở khu Chợ Lớn, có trên dưới 30 cơ sở làm làm đầu lân như thế.

Nhộn nhịp vào vụ mùa cuối năm không chỉ là cảnh mua đi bán lại mà còn có không khí làm việc miệt mài của những người thợ. Bạn hàng đặt nhiều nên cánh thợ phải làm không nghỉ tay mới đủ số lượng. Anh Hứa Huỳnh Sáng, chủ một cơ sở làm đầu lân và đạo cụ múa lân ở khu Nguyễn Chí Thanh đang tranh thủ đắp dán mấy đầu lân loại lớn, cất giọng hồ hởi: "Cả gia đình anh mấy bữa nay tranh thủ làm cả ngày lẫn đêm mà vẫn không kịp để giao cho khách!". Ngày thường anh Sáng chỉ làm cầm chừng để giao cho bạn hàng ở chợ, nhưng vào vụ Tết thì anh phải huy động thêm gần 30 người phụ việc. Cứ mỗi mùa Tết, anh bán được hàng trăm đầu lân lớn, nhỏ. Anh cho biết, đến thời điểm này là tiệm của anh khoá sổ nhận đặt hàng vì nếu nhận thêm thì sẽ không kịp giao. "Làm đầu lân không phải dễ nhưng cũng không quá khó. Có những cái đầu lân dạng đồ chơi thì làm nhanh lắm. Nhưng với loại lân lớn thì các người thợ phải chia ra nhiều công đoạn. Người làm khung tre, người dán giấy bồi, người khéo tay thì lo khâu sơn phết cuối cùng...!", anh Sáng nói.

Tuỳ công đoạn mà những người thợ cũng được trả tiền công khác nhau. Để tạo dáng cho chiếc đầu lân loại lớn, họ tỉ mỉ với từng nan tre, cuốn cong và nối kết lại bằng những sợi dây được se từ giấy sa, mất khoảng một ngày. Đầu lân còn được trang điểm thêm râu, lông mi, lông mày...; gắn mắt, mi mắt có thể chớp mở nhờ một thanh tre điều khiển đặt phía trong khung sườn. Những công đoạn trên hoàn toàn thủ công, đòi hỏi sự kiên trì trong từng thao tác nhỏ.

* Những chiếc đầu lân "made in"... học trò

Tại các xóm làm đầu lân, có một điều khá lạ là những người thợ gắn bó với nghề truyền thống này chiếm phần đông là những thanh niên trẻ măng, có chỗ chỉ toàn thợ tầm tuổi 15 - 17, không ít số đó là học trò tranh thủ làm thêm một buổi. Theo lời của người thợ Lưu Chí Cương, đang học lớp 11 trường Hùng Vương nhưng đã có thâm niên làm đầu lân trên 3 năm thì vào mùa này cũng là mùa kiếm tiền ăn Tết cũng được kha khá. Vừa kể về công việc, Cương vẫn nhanh nhẹn tay dán giấy, tay quết hồ. Cương cho biết, làm đầu lân bằng giấy bồi rất đơn giản. Dựa trên khuôn mẫu có sẵn, đắp một lớp giấy lên khuôn, dán thêm 1 - 2 lớp giấy nữa là tạm xong. Mùa Tết năm nay rộ lên loại đầu lân loại nhỏ dùng để trưng bày cho đẹp trong tủ kính, đang hút hàng nên nhóm thợ của Cương làm không kịp thở luôn. Cương cho biết: "Nhờ có khuôn, một người có thể làm được đến gần cả chục cái đầu lân nhỏ trong ngày".

Không khí ở một đội lân phong trào "mới ra ràng" như Quang Long Đường vào mùa cuối năm cũng nhộn nhịp không kém các cơ sở lớn. Đội lân này do anh chàng 9x Trần Thanh Quang vốn là VĐV wushu do yêu thích nghệ thuật múa lân nên đứng ra tập hợp gần 20 đoàn viên thanh niên khu vực Phường 4 (Quận 6) từ 15 đến 18 tuổi để vừa tập múa lân vừa sản xuất đầu lân. Do hơn nửa số lượng thành viên trong nhóm còn đi học nên những ngày cuối tuần là thời gian "căng thẳng" nhất của Quang Long Đường khi mọi người cùng bắt tay vô giải quyết khối lượng công việc khá lớn từ làm đầu lân đến tập luyện những tiết mục mới chuẩn bị cho dịp Tết sắp tới. Các bạn ở Quang Long Đường chủ yếu làm thêm vì niềm đam mê nhưng trung bình mỗi người cũng được trả công 100.000 ngàn đồng/ngày, nếu có tham gia biểu diễn thì được trả thêm khoảng 50.000 đồng nữa nên xem ra các bạn này cũng có khoản tiền kha khá để đi chơi Tết sắp tới.

Làm đầu lân không chỉ là một nghề mưu sinh. Đối với những người có lòng đam mê nhưng chưa có bao giờ có cơ hội được đứng vào đội ngũ múa lân chuyên nghiệp, nghề làm đầu lân như một cách thỏa vọng khát khao, mơ ước như thổ lộ của anh thợ teen Lưu Chí Cương tâm sự: "Nghề làm lân rất công phu và hấp dẫn như múa lân vậy đó! Nó luôn đòi hỏi tính sáng tạo nhưng vẫn yêu cầu phải giữ được những nét truyền thống".

 

Hầu như đội lân nào cũng kiêm luôn hai việc vừa biểu diễn nghệ thuật múa lân sư rồng vừa tổ chức làm đầu lân để bán ra chợ. Ở đây, những người thợ làm đầu lân cũng chính là võ sĩ biểu diễn múa lân. Trong những ngày cao điểm cận Tết này, bên cạnh chạy đua làm đầu lân, những người thợ cũng tranh thủ tập luyện những bài biểu diễn mới. Tiếng trống tập luyện cũng đang rộn rã ở một vài con đường bên khu Chợ Lớn. Để cạnh tranh với nhau, đội lân nào cũng ra sức tập những bài biểu diễn khó như lân leo cột hái lộc, hái lộc kiểu bò cạp hộ linh chi... Có đội còn tập thêm những tiết mục võ thuật độc đáo nằm trên bàn chông cho xe môtô cán qua, đặt đá xanh lên đầu rồi dùng búa đập nát vụn, uốn cong thanh sắt, đâm giáo vào yết hầu... Rồi cũng có đội còn sáng tạo những tiết mục giàu tính... thời sự như năm nay là Tết con trâu, tiết mục "trâu đón xuân" với hình ảnh chú trâu cách điệu ngộ nghĩnh vờn quanh lân.

L.C.BÌNH / Mực Tím