itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Lang Biang có làng ca sĩ

Lang Biang có làng ca sĩ

Già làng Krajan Plin - pho sử sống của buôn làng.

Một cộng đồng dân cư nhỏ bé người Cil, Lạch quần tụ dưới chân đỉnh Lang Biang huyền thoại, cuộc sống thường nhật còn nhiều khốn khó nhưng chưa bao giờ vắng lời ca tiếng hát; ngày cặm cụi trên nương rẫy, tối về, họ lại tạm gác cuộc sống còn thiếu trước hụt sau để nổi lên tiếng kèn, điệu chiêng rộn rã, ngân vang tiếng hát đại ngàn để giải khuây. Có phải thế chăng mà những buôn làng bình dị ấy đã sản sinh ra hàng chục nhạc sĩ, ca sĩ được đông đảo công chúng mến mộ?

  • Truyền thuyết “Bảy con ve sầu”

Trên đường đến buôn Đăng Ya - thị trấn Lạc Dương - huyện Lạc Dương - tỉnh Lâm Đồng, chúng tôi gặp chị Cil Sara đi hái rau rừng về, hỏi chuyện buôn làng, chị hào hứng khoe ngay: “Ở đây, ai cũng biết hát, cũng có giọng hát truyền cảm, nhà nào cũng có người tham gia phong trào văn hóa, văn nghệ…”.

Vào các buôn làng, trò chuyện với bà con, chúng tôi càng thêm thú vị khi được nghe kể truyền thuyết “Bảy con ve sầu”. Chuyện rằng: “Nếu ai bắt được bảy con ve sầu đất và nướng ăn thì chắc chắn sẽ có được giọng hát hay. Chuẩn bị lễ cầu nguyện cho đứa trẻ, ông bà, cha mẹ tìm bắt bảy con ve sầu mang về.

Vào lễ, thầy mo đọc thần chú rồi lần lượt lấy từng con ve “sâm” cổ (cọ, xoa, vuốt vào thanh quản) đứa bé rồi nướng lên cho nó ăn, đồng bào tin rằng khi được làm nghi lễ đặc biệt này, trẻ khi lớn lên sẽ có được giọng hát hay như con ve sầu vậy!”. Kiểm chứng qua già làng Krajan Plin, nhạc sĩ trưởng thành từ nương rẫy, người đã viết lời ca khúc Lang Biang s’ning (Nghĩ về Lang Biang - nhạc Krajan Dick) giúp ca sĩ Bonneur Trinh vượt qua 2.000 thí sinh để đăng quang tại cuộc thi Tiếng hát Truyền hình TPHCM 2002 lúc chưa hề trải qua một lớp đào tạo âm nhạc nào, anh cho biết: “Tôi cũng không biết thực hư thế nào, nhưng câu chuyện này muốn nói lên rằng, người Lạch luôn ước ao có được giọng hát cuốn hút, bền bỉ như tiếng ve sầu. Đó là một lối so sánh và suy nghĩ cực kỳ lãng mạn của cha ông”.

Tiết mục của CLB Văn hóa cồng chiêng Lang Biang biểu diễn tại lễ Giỗ tổ Hùng Vương năm 2007

Bà con cũng kể rằng, một điều góp sức không nhỏ làm nên giọng hát của họ là nguồn nước trong vắt, mát lành, dịu ngọt của con suối Dà P’Lah (cây mây) chảy hiền hòa dưới chân núi Lang Biang mà tự bao đời, vào mỗi sớm tinh mơ, đồng bào vẫn thường ra suối lấy nước về ăn uống. Nguồn nước mát trong này đã góp phần tạo nên những thổ âm rất riêng biệt cho cư dân nơi đây, ai sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này cũng có được giọng nói với âm vực rộng, âm điệu vang…

Gặp những ông bố, bà mẹ của những giọng ca chân trần khác, tôi được nghe những lời giải thích giữa điệu cười dí dỏm. Mẹ của Cil Pơi bảo: “Tao cho nó ăn con ve sầu từ bé”. Bố Krajan Doal kể: “Ngày bé thằng Doal hét to nhất buôn, mỗi ngày nó ăn hết một gùi ve sầu và lá cành cạch”. Còn mẹ của Uyên Ly nói nhà bà nuôi rất nhiều chim, “tiếng hót của lũ chim đã ngấm vào máu thịt con bé nên nó hát như chim hót”…

Già làng Krajan Plin, hội viên Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc Việt Nam, hội viên Hội Văn học nghệ thuật Lâm Đồng, Chủ nhiệm CLB Văn hóa cồng chiêng Lang Biang cũng đưa ra một giả thuyết khác: “Hầu hết người dân nơi vùng đất Lang Biang này đều theo đạo và thường đến nhà thờ để làm lễ cầu nguyện, tại nhà thờ Lang Biang, các con chiên thường hát những bài thánh ca, bình ca gồm những bản nhạc có cao độ, trường độ đặc biệt, đòi hỏi phải có âm vực tốt mới hát được, nhưng bà con trong buôn đều hát được và hát rất hay. Đây có lẽ là một phần lý do làm nên giọng hát của những người con sinh ra và lớn lên trên vùng rừng núi Lang Biang huyền thoại này…”.

  • Trời ban, người dưỡng

Năm 2002, khi giọng hát chân trần Bounnuer Trinh đoạt giải nhất cuộc thi Tiếng hát Truyền hình TPHCM, giới chuyên môn và công chúng yêu nhạc cả nước ngỡ ngàng bao nhiêu thì dân chúng ở vùng Lang Biang… bình thản bấy nhiêu. Già làng Krajan Plin khề khà: “Hát hay như Trinh, ở đây thiếu gì”. Quả đúng như vậy, sau đó một năm, hai dì cháu Krazan Út và Cil Pơi - cùng người buôn Bounnuer B với Trinh - tiếp tục gây ngạc nhiên cho mọi người khi vượt qua gần 6.000 thí sinh trong cả nước để cùng 13 giọng ca khác góp mặt tại đêm chung kết giải Sao Mai 2003 do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức tại Khu du lịch Tuần Châu - Quảng Ninh. Năm 2005, Krajan Sik tiếp tục khẳng định thương hiệu làng ca sĩ dưới chân Lang Biang với tấm huy chương vàng cuộc thi dân ca toàn quốc.

Chỉ trong một buôn nhỏ mà có tới 4 giọng ca nổi lên trong một thời gian ngắn, làm ai nấy trầm trồ. Nhưng tài năng ca hát ở đây đâu chỉ có thế. Công chúng trong tỉnh, trong nước còn biết đến giọng hát của những người con của núi mẹ Lang Biang như: Cil Glé, Pantinh Sally, Pantinh Benziên, Krajan Drim, Krajan Doal, Liênghot Uyên Ly. Rồi đồng bào người Cil, Lạch ở đây lại tiếp tục tự hào với những cái tên: Dagout Liêm, Krajan Sik, Krajan Điôn, Liêng Hót Kinh...

Mỗi người một vẻ, nhưng tựu trung, họ đều sở hữu giọng hát trong vắt như nước suối Dà P’Lah, cao vút như đỉnh Lang Biang bốn mùa mây phủ và đặc biệt là sự hồn nhiên, hoang dại của núi rừng chất chứa trong lời hát, trong phong cách biểu diễn - coi sân khấu như buôn làng của họ. Ngoài ra, bà con buôn Bounnuer, buôn Đưng, buôn Đăng Ya… còn nhắc đến hàng chục con em họ đang theo học tại các trường nghệ thuật danh tiếng trong nước: Nhạc viện Hà Nội, Nhạc viện TPHCM, Đại học Văn hóa - Nghệ thuật Quân đội…

Không một ai yêu âm nhạc, khi đặt chân lên cao nguyên Lang Biang, lòng lại không ngân nga những ca khúc nồng nàn ánh lửa cao nguyên: Nồng nàn cao nguyên, Tạm biệt suối nguồn, của Krajan Dick, Lang Biang s’ning, Giữ ấm bếp hồng, Thu vùng cao, của Krajan Plin, Đi tìm lời ru mặt trời của Yphôn Ksor, Jôh Yàng kuê (Mừng lúa mới) của Păngting Tưr v.v… Cũng chính từ những ca khúc mượt mà, đậm chất dân ca, thấm đẫm âm hưởng của núi rừng Tây Nguyên ấy đã chắp cánh, tạo thương hiệu cho giọng hát của những ca sĩ núi rừng.

Nhạc sĩ Krajan Plin kể rằng: “Hồi nhỏ tôi thường được cha thổi kèn bầu (kơm buốt) cho nghe, gia đình tôi có truyền thống yêu âm nhạc, ba mẹ đều là những nghệ nhân hát dân ca của buôn làng, tối tối, cha thường thổi kèn bầu để ru vợ con ngủ, sáng sáng, người dùng tiếng kèn bầu để gọi vợ dậy sớm đi lấy nước, giã gạo, thổi cơm… Và từ khi nào, những điệu kèn, câu hát đã trở nên quen thuộc, thấm đẫm trong tâm hồn những đứa trẻ nơi đây…”.

Hỏi chuyện ca sĩ Bounnuer Trinh, cô gái đã lấy tên buôn làng Bounnuer gắn với tên mình thành nghệ danh và tạo nên thương hiệu, cô cũng lắc đầu: “Từ hồi ông bà đã yêu ca hát rồi, em cũng không biết giải thích thế nào. Nhưng quả là người Lạch ai cũng biết hát, ai cũng yêu văn nghệ. Đó là bản năng thiên phú, trời đất núi rừng ban cho mình như thế…”.

Hiếm có đâu ở nước ta như cộng đồng người Cil, Lạch ở cao nguyên Lang Biang này, chỉ một cộng đồng nhỏ bé quần tụ trong khu vực chưa đầy 1km2 với chừng hơn 5.000 dân lại có đông người tham gia các cuộc thi ca hát nhiều như vậy. Cũng hiếm đâu như ở đây, đêm đêm, hạ cái gùi, xà gạc xuống góc nhà là những người dân buôn Đưng, Bounnuer, Đăng, Lát, Đăng Ya, Dong… của xã Lát và thị trấn Lạc Dương lại lột xác thành những nghệ sĩ thực thụ.

Từ lâu, vùng đất cách thành phố du lịch Đà Lạt 18km này là điểm đến thú vị cho du khách trong và ngoài nước với loại hình du lịch homestay. Từ nhóm cồng chiêng Những người bạn Lang Biang do già làng Krajan Plin thành lập vào năm 1995, đến nay, cả vùng đã có 12 đội, nhóm văn nghệ với khoảng gần 200 thành viên thường xuyên biểu diễn điệu chiêng, nhịp xoang, tiếng kèn tămpơt… để chinh phục thiện cảm của du khách gần xa. Trừ khi du khách có yêu cầu phục vụ ở nơi khác, các nhóm thường tổ chức biểu diễn ngay tại nhà, với lực lượng “diễn viên” chính là thanh thiếu niên địa phương, các em nhỏ có năng khiếu văn nghệ.

Nhạc sĩ Krajan Plin cho biết: Lúc đầu, anh thành lập nhóm Những người bạn Lang Biang để làm văn hóa quần chúng nhằm giữ lại những nét văn hóa truyền thống: tái hiện lại các lễ hội cúng Yàng, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, bảo tồn bài bản 36 nhịp chiêng... Dần dà, khách du lịch yêu cầu, nhóm chuyển sang biểu diễn chuyên nghiệp. Nhóm có 20 thành viên, từ những em bé 4-5 tuổi đến những người 50 tuổi.

Các chương trình hát, múa, đánh chiêng… của nhóm đều được anh dàn dựng công phu để giúp du khách thấm đẫm hồn Tây Nguyên trong vòng từ một tiếng rưỡi đến hai tiếng đồng hồ. Không chỉ giới thiệu bản sắc văn hóa dân tộc đến đông đảo du khách, góp phần cải thiện đời sống của các thành viên, nhóm còn là nơi phát hiện và bồi dưỡng những tài năng văn nghệ. Anh hể hả khoe với chúng tôi rằng đã có hơn chục em học sinh là thành viên của nhóm, sau khi tốt nghiệp THPT, được anh gửi đi học ở các trường nghệ thuật và tất cả đều biết làm tài năng ca hát của mình thêm dậy hương.

Hàng đêm, dưới chân núi Lang Biang vang vọng tiếng cồng chiêng, tiếng ca hát và rực sáng lửa trại. Đồng bào dân tộc mang những giá trị văn hóa đặc sắc của mình đem lại niềm vui, phút thư giãn cho du khách, đồng thời có thêm nguồn thu nhập chính đáng.

Không biết những chàng trai, cô gái ấy có được ăn bảy con ve sầu để nuôi giọng hát như truyền thuyết hay không, nhưng quả thật, người dưới chân ngọn núi Lang Biang có năng khiếu âm nhạc bẩm sinh và từ vùng đất này nhiều giọng hát thiên bẩm cất lên bay bổng mà nhạc sĩ Nguyễn Cường ví von là “những viên ngọc thô trong làng ca nhạc nước ta”. Còn nhạc sĩ Krajan Dick thì tổng kết: “Nếu so sánh số ca sĩ trên tổng số dân, chắc chắn nơi đây đứng thứ nhất cả nước. Nếu tính trẻ con sinh ra theo nghiệp ca hát, buôn làng này cũng đứng đầu”. Huyền tích “Bảy con ve sầu” dài mãi theo những ánh lửa bập bùng đêm đêm.

ĐỖ QUANG TUẤN HOÀNG (Báo SGGP)