itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Sóc Bom Bo giờ ở đâu?

Sóc Bom Bo giờ ở đâu?

Xã Bom Bo ngày nay. Ảnh: B.N.N

Được nghe đến sóc Bom Bo cùng với tấm lòng người dân tộc S’tiêng dành cho cách mạng đã từ lâu, nhưng đây là lần đầu tiên chúng tôi mới có dịp về thăm sóc Bom Bo, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước.

Chuyện Bom Bo xưa

Bom Bo bây giờ khác xưa nhiều lắm. Hai bên con đường nhựa uốn lượn qua những ngọn đồi xanh mướt cà phê, điều và các loại cây trái khác là những căn nhà xây mới, những căn biệt thự sang trọng mọc lên thay cho những căn nhà sàn đơn sơ thuở trước. Buổi tối ở xã Bom Bo giờ không còn nghe tiếng giã gạo, không còn “đuốc lồ ô bập bùng” mà thay vào đó là ánh sáng của điện lưới quốc gia về đến từng căn nhà… Nhờ thế mà đời sống văn hóa, tinh thần của người dân ở đây đã được nâng lên rõ rệt.

Đồng bào S’tiêng ở sóc Bom Bo bây giờ vẫn giữ cho mình một sắc thái văn hóa truyền thống riêng, những làn điệu dân ca, múa truyền thống họ cũng lưu giữ những dụng cụ săn bắn, công cụ sản xuất, nữ trang… của đồng bào mình. Những phong tục, tập quán lạc hậu như chuyện những tràng trai lấy vợ phải nạp sính lễ như ché rượu, trâu, bò… tổ chức ăn uống liên tục 3 ngày đêm và chàng trai phải ở rể nhà gái 3 năm để làm trả nợ, nay tổ chức lễ cưới trong 1 ngày. Xưa trong cuộc sống, nếu có sự va chạm, họ bị già làng phạt trâu, bò… nay tục lệ ấy cũng đã bỏ hẳn…

Đấy là sự phấn đấu vươn lên của nhân dân xã Bom Bo, còn đồng bào S’tiêng ở Sóc Bom Bo thế nào? Giờ ở đâu? Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết: Thời kháng chiến để tránh bom đạn trả thù của Mỹ, sóc Bom Bo đã di chuyển vào căn cứ “Nửa Lon” thuộc xã Đăk Nhau, cách trung tâm xã Bom Bo 18km.

Thời kháng chiến, có lúc khó khăn, gạo không đủ ăn, cán bộ, bộ đội tại căn cứ này phải chia nhau mỗi người nửa lon gạo/ngày để nấu cháo và cái tên căn cứ “Nửa Lon” bắt đầu từ đấy. Năm 1989, cả sóc Bom Bo lại di chuyển về thôn 1, cách UBND xã khoảng 3km. Nhưng từ tháng 5-2008, thôn 1 lại được cắt chuyển về xã Bình Minh.
Sao lại gọi là thôn 1 mà không gọi là sóc Bom Bo?
Như vậy xã Bom Bo lại không có là sóc Bom Bo, xã có sóc Bom Bo lại mang tên là xã Bình Minh và sóc Bom Bo từ đây sẽ phải thay bằng tên gọi - thôn 1. Du khách đến với điểm du lịch xã Bom Bo, muốn gặp người dân ở sóc Bom Bo xưa lại phải tìm đến thôn 1 của xã Bình Minh? Đến xã Bom Bo lại không có sóc Bom Bo du khách sẽ nghĩ thế nào? Quả thật khi tìm hiểu về việc này, không những chúng tôi thấy băn khoăn khó hiểu, mà người dân ở sóc Bom Bo lại càng trăn trở hơn.
Tìm lại dấu xưa
Để tìm hiểu vì sao sóc Bom Bo nổi tiếng như thế lại phải đổi tên thành thôn 1, chúng tôi tìm về mảnh đất cũ, mong gặp người xưa. Đã xế chiều mà trời Tây Nguyên vẫn nắng như đổ lửa. Trung tá Từ Viết Cường, chỉ huy trưởng đơn vị B35 nói với tôi: “Anh muốn tìm hiểu về cội nguồn của sóc Bom Bo, hãy tìm gặp già làng Điểu Lên sẽ rõ”.

Bên bếp lửa. Ảnh: N.B

Vượt qua chặng đường đất đỏ bụi mù, chúng tôi đến nhà già làng Điểu Lên, đó là một căn nhà xây khang trang, rộng rãi, nền lát gạch bông láng bóng.
Hôm nay già làng lên rẫy không về.
Sáng hôm sau, Điểu Bá và Điểu Phượng, con gái già làng Điểu Lên đưa chúng tôi vào rừng. Những chiếc xe gắn máy cứ chồm lên chạy băng băng tới trước. Giữa một vùng sương mờ giăng giăng như một làn khói mỏng phủ xuống ngọn núi xa xa, những hạt sương trong vắt đọng lại lung linh trên chiếc lá rừng xanh biếc, một lão nông to khỏe, rắn chắc, mặc bộ quân phục bạc màu bước ra chào và mời chúng tôi vào nhà. Già làng Điểu Lên đấy.
Bên ly trà thơm đang bốc khói, già làng kể chuyện sóc Bom Bo những ngày xưa. Ông sinh ra và lớn lên ngay tại sóc Bom Bo. Nay đã trên 60 tuổi ông vẫn ở đây. Những năm 1960, sóc Bom Bo chỉ có hơn 40 hộ đồng bào S’tiêng sinh sống với hơn 100 khẩu.

Thời ấy, bà con còn nghèo khó lắm, nhà cửa thưa thớt. Mỹ, ngụy rải chất độc hóa học, khiến cuộc sống bà con đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Bà con phải vào rừng sâu đào củ mài, củ chụp về ăn sống qua ngày. Thế nhưng, bà con Sóc Bom Bo đã quyết bám trụ giữa đạn bom để làm chỗ dựa cho cách mạng.

Ngày ấy, mặc dù bị địch ruồng bố gắt gao nhưng tại Sóc Bom Bo đã có một Chi bộ Đảng với 7 đảng viên do đồng chí Điểu Siêng làm Bí thư Chi bộ. Tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, người dân Bom Bo không quản ngại hy sinh, gian khó một lòng một dạ theo Cụ Hồ, theo cách mạng đánh đuổi quân xâm lược, mong ngày giải phóng quê hương.
Vào những năm 1962 - 1963, Mỹ - ngụy càn quét triền miên, chúng dồn dân vào ấp chiến lược. Cả sóc Bom Bo kiên quyết không vào ấp chiến lược. Đến giữa năm 1963, địch ruồng bố gắt gao, già, trẻ, gái, trai hơn 100 người dân của sóc Bom Bo đã lặng lẽ băng rừng, vượt suối vào căn cứ “Nửa Lon”, bên dòng suối Đăk Nhau và Đăk Liêng để lập ra sóc mới cũng mang tên sóc Bom Bo.

Ở nơi ở mới, người dân Bom Bo bắt tay vào xây dựng lán trại, vừa tăng gia sản xuất, thanh niên trẻ vào bộ đội, người vào du kích, người làm giao liên, phụ nữ, trẻ em đêm đêm giã gạo nuôi quân đánh giặc.
Năm 1963, Điểu Lên đi bộ đội, năm 1965 ông được kết nạp Đảng. Trong 3 năm từ 1967-1969, ông được bình chọn 3 lần dũng sĩ (dũng sĩ phá kìm, dũng sĩ diệt Mỹ, dũng sĩ diệt ngụy)…
Từ 1976 đến 1986, Điểu Lên làm Bí thư Đảng ủy xã Đăk Nhau. Năm 1989, Điểu Lên cùng 102 hộ đồng bào S’tiêng với 2.000 khẩu lại làm một cuộc di chuyển từ căn cứ “Nửa Lon” trở lại sóc Bom Bo cũ. Suốt 26 năm xa quê, bà con trở về mảnh đất rừng cũ và lại dựng nên một sóc Bom Bo với nguyện vẹn tấm lòng sắt son với Đảng như xưa.
Tháng 4-1998, chính quyền địa phương thành lập xã mới mang tên xã Bom Bo, nhưng sóc Bom Bo lại được chính quyền đặt cho cái tên mới là thôn 1. Suốt 10 năm qua, sóc Bom Bo đã bị mất tên. Từ tháng 5-2008, dáng dấp và tên gọi yêu thương “Bom Bo” một thuở lại càng mờ hơn bởi thôn 1 lại được chuyển khỏi xã Bom Bo mà lại chuyển về xã Bình Minh.
Bao giờ lại được gọi :“sóc Bom Bo”
Già làng Điểu Lên uống hớp trà, ông để mạnh chiếc ly xuống bàn, nét mặt buồn buồn, ông nói: “Cái sóc nhỏ Bom Bo của người S’tiêng đã có nguồn gốc từ lâu lắm rồi, suốt trong thời kỳ kháng chiến, người dân Bom Bo theo Đảng, theo Bác Hồ, mặc dù chiến tranh tàn khốc, người dân Bom Bo vẫn một lòng với cách mạng dù bom đạn của chiến tranh, chất độc hóa học của quân Mỹ rải xuống làm trụi cả cây cối. Bà con vẫn giữ gìn cái tên sóc Bom Bo của mình, đi làm cách mạng mang theo cả sóc cùng đi. Thế mà nay lại xóa đi tên Sóc Bom Bo của mình, bà con buồn lắm!”. Ông lại thở dài!
“Thế già làng có ý kiến với chính quyền xã chưa?”, tôi hỏi. “Mình đã làm đơn kiến nghị gửi đi cả chục năm rồi, không những gửi cho xã mà cả huyện, tỉnh nữa. Đến nay vẫn không được trả lời”, Điểu Lên nói.
Nghe chúng tôi nói chuyện, bà Điểu Thị Bá Đời, vợ của già làng Điểu Lên đang nằm trên chiếc võng ngồi bật dậy nói chen vào với giọng gay gắt: “Bực mình lắm! Cái tên sóc Bom Bo của người S’tiêng có từ lâu lắm rồi, vì sao phải đổi thành thôn 1 chứ?”.
Cũng như cha mẹ mình, Điểu Bá và Điểu Phượng (hai cô con gái của già làng Điểu Lên) nói: “Sóc Bom Bo của em đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Đơn vị anh hùng LLVT nhân dân từ năm 1976. Nay mang tên thôn 1, vậy có được gọi là thôn anh hùng không?”.
Từ khi sóc Bom Bo trở thành thôn 1, bà con buồn lắm. Khi được hỏi về sự việc này, nhiều bà con ở đây đều mong “chính quyền địa phương xem xét trả lại cái tên “sóc Bom Bo” chứ đừng gọi là thôn 1 nữa”.
Nguyện vọng của Điểu Bá, Điểu Phượng, Điểu Lên cũng là nguyện vọng chung của bà con dân tộc S’tiêng ở sóc Bom Bo, không những vậy, chúng tôi tin chắc rằng nếu bạn đọc gần xa nghe được chuyện này, chắc cũng mong trả lại tên cho sóc Bom Bo? Sóc Bom Bo đã đi vào lịch sử, đi vào lòng người và sóc Bom Bo đã có bề dày truyền thống và lịch sử không những là niềm tự hào của bà con dân tộc S’tiêng mà còn là niềm tự hào của nhân dân cả nước.
Trong tôi giờ âm vang câu hát trong ca khúc “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” của nhạc sĩ Xuân Hồng vẫn rộn ràng thôi thúc: “Người đi xa vắng rồi sẽ có ngày về đường này thăm sóc Bom Bo…”.

***

Chia tay già làng Điểu Lên, chia tay cái sóc Bom Bo ngày xưa trong cánh rừng bạt ngàn những vạt điều xanh tốt, Điểu Bá, Điểu Phượng lại chở chúng tôi băng rừng, vượt suối trở về trong cơn mưa chiều nhè nhẹ. Chiếc xe máy cứ gầm lên, đất đỏ nhão nhoẹt cứ bám vào bánh xe như muốn ghì xuống mảnh đất này, nỗi nhớ về một sóc Bom Bo ngày xưa.

BÙI NGỌC NỘI (Báo SGGP)