itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Phụ nữ xưa và nay

Phụ nữ xưa và nay

Vị thế của người phụ nữ trong xã hội ngày càng nâng cao và có đóng góp ngày một lớn cho sự phát triển chung trên mọi lĩnh vực. Nếu nhìn xuyên suốt chiều dài lịch sử dân tộc, ngay cả những thời kỳ đen tối của chế độ phong kiến, người phụ nữ cả một đời bị buộc ràng bởi biết bao lễ giáo và định kiến khắc nghiệt, họ vẫn là những viên ngọc sáng lấp lánh trong con mắt dân gian.

Phụ nữ thời xưa

Nhắc đến người phụ nữ Việt Nam, người ta thường nghĩ đến hình ảnh "thân cò lặn lội bờ ao - gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non". Người Phụ nữ xưa thường bị gạt ra khỏi cuộc sống thênh thang của xã hội và bị dồn vào khuôn khổ chật hẹp của đời sống gia đình. "Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử" (Ở nhà theo cha, lấy chồng theo chồng, chồng chết theo con trai). Trong giai đoạn tòng phụ, người con gái được học đủ thứ. Học nhiều nhưng không phải để tiến thân bằng khoa cử, mà học để chuẩn bị lấy chồng.

Từ ngàn xưa, quan niệm rằng hôn nhân của người phụ nữ là một bí mật của định mệnh, được sắp sẵn cho mỗi người con gái. Và họ cũng giống như “ hạt mưa sa” mà đấng tối cao nhắm mắt tung vào trần thế. May mắn gặp được người chồng tử tế giỏi giang thì nhờ, còn nếu lỡ gặp một gã đàn ông vũ phu, độc đoán hoặc nghèo khổ, thất nghiệp quanh năm….cũng phải rắng chịu vì đó là duyên số, không thể cưỡng lại được! Thậm chí càng xinh đẹp thì càng bạc phước, kém may mắn, truân chuyên, “ Hồng nhan bạc phận”....Thật là một quan niệm lạ lùng, một loại “thuốc an thần” cực mạnh để “ ru ngủ” phái nữ suốt nhiều thế kỉ, để họ an phận, chấp nhận dù cuộc sống vợ chồng có chớ trêu, đau đớn đến tột cùng…

Không những thế, luật "tứ đức", bao giờ người con gái cũng phải thu mình với, công, dung, ngôn, hạnh. Rời nhà cha mẹ, phụ nữ bước vào cuộc đời xuất giá tòng phu. Bên cạnh trách nhiệm người vợ, người phụ nữ còn đảm nhiệm thêm vai trò của người con trong gia đình mới. Có thể nói cô dâu mới phải quán xuyến mọi việc, điều này tạo cho phụ nữ xưa có rất nhiều ý chí và nghị lực, song thực tế phũ phàng hơn lại đẩy họ tới cảnh cam chịu.

Khi nói đến Tứ Đức bao gồm: Công, Dung Ngôn, Hạnh, có người nhún vai cho rằng “xưa rồi”, nhưng cái xưa tốt đẹp truyền thống ấy lại không bao giờ xưa cả. Bởi vì gia đình luôn là nền tảng của xã hội và ai cũng cần có một mái ấm gia đình. Vai trò của Tứ Đức giúp củng cố một nền tảng gia đình vững chắc và một xã hội lành mạnh khỏe khắn. Nhưng Tứ Đức của người phụ nữ hiện đại, nó bao gồm hàm ý rộng lớn hơn, thực tiễn hơn và phù hợp với sự tiến hóa của xã hội.

Tứ đức là bốn đức quí của người phụ nữ, bao gồm Công – Dung – Ngôn - Hạnh. Công là cái tài, Dung là cái sắc, Ngôn là lời ăn tiếng nói, Hạnh là nết, là đức, là tâm. Người phụ nữ đẹp là người phụ nữ có đầy đủ cả bốn đức quí kể trên.
Công, cái tài của người phụ nữ ngày xưa, là cái tài “đối nội”, làm người nội trợ giỏi. Ông bà ta khi xưa rất xem trọng đức tính này. Người phụ nữ xưa phải biết tề gia nội trợ, may vá thêu thùa. Phải biết xây dựng tổ ấm với cơm ngon canh ngọt, chăm sóc chồng con. Cái tài ngày xưa đã khó, cái tài ngày nay còn khó gấp bội phần. Trong vai trò “đối nội”, người phụ nữ không chỉ đơn giản là biết lo cho cơm ngon canh ngọt, mà họ giờ đây còn là người quản gia tài ba trong việc chi tiêu, là thầy giáo trong việc phụ đạo con cái, là y tá khi gia đình có vấn đề sức khoẻ, là người tình lãng mạn khi chồng mệt mỏi vì công việc, là phu nhân quí phái trong các bữa tiệc chiêu đãi v.v… Để trở thành một người đa năng như vậy, người phụ nữ phải biết tự trau dồi tri thức, tự học hỏi và hoàn thiện mình.

Từ ngàn xưa vai trò của người phụ nữ Việt Nam chưa được đề cao và coi trọng xứng đáng trong xã hội phương đông. Họ phải chịu nhiều sự áp đặt, bất công của xã hội và nhất là tư tưởng “trọng nam khinh nữ” còn hằn sâu trong dân trí, đã làm cho người phụ nữ không ngóc đầu lên được. Họ luôn là hình bóng sau lưng người chồng trong các công việc gia đình và là tác nhân trong sự thành công của người chồng.

Phụ nữ ngày nay

Nhưng phụ nữ thời nay còn là tác nhân của hiện tại và tương lai, là người tham dự vào thực tiễn xã hội đang thay đổi nhanh chóng cùng thời đại. Một trong những thành tựu của cách mạng và kháng chiến là khẳng định năng lực và phẩm chất của phụ nữ trong mọi lãnh vực hoạt động, kể cả những lãnh vực “phi truyền thống” nhất. Không phải đã hết những định kiến, nghi ngại, thậm chí là kỳ thị; song nhìn toàn cục, người quan sát trong và ngoài nước dễ thống nhất nhận xét phụ nữ Việt Nam, cả về số lượng và chất lượng đóng góp, có vẻ gìn giữ và phát huy được vai trò của mình trong nhiều mặt sinh hoạt, cả trong gia đình và cộng đồng rộng lớn hơn, trong học tập, hoạt động nghề nghiệp hay hoạt động chính trị, xã hội.

Ngoài việc phải đảm nhiệm vai trò “đối nội”, cái tài của người phụ nữ ngày nay còn là trọng trách “đối ngoại”. Sự nghiệp không còn chỉ giành cho nam giới. Người phụ nữ ngày nay phải khẳng định giá trị, khả năng của mình bằng sự nghiệp của chính mình. Khát vọng sự nghiệp của họ không đơn giản là thoát khỏi vòng cương tỏa gia đình để tìm một công ăn việc làm, mà hơn thế, còn là một vị trí khẳng định, như đứng đầu một công ty, một tập đoàn, một nội các, thậm chí một đất nước. Cái tài của người phụ nữ nếu trước đây khiến người đàn ông yêu mến như “cái lạt mềm buộc chặt”, thì giờ đây còn khiến họ phải khâm phục, ngưỡng mộ. Đó chính là cái đức Công của người phụ nữ.

Sự khác biệt của phụ nữ ngày nay

Theo đuổi sự nghiệp: Trong thời buổi kinh tế thị trường, phụ nữ dường như có nhiều cơ hội tham gia công việc ngoài xã hội hơn là chỉ quanh quẩn ở nhà đảm trách công việc nội trợ. Theo lý thuyết thì nếu cả hai vợ chồng đều có công ăn việc làm ổn định thì hôn nhân đã có sự nâng đỡ về mặt kinh tế và ngày càng phát triển bền vững. Nhưng trên thực tế thì nhiều phụ nữ không chỉ muốn đi làm cho có việc mà thực sự muốn theo đuổi một “sự nghiệp” riêng. Và sự thay đổi này đã có một ảnh hưởng mạnh mẽ tới quyết định kết hôn của rất nhiều phụ nữ.
Một trong những lý do khiến họ trì hoãn hôn nhân để ưu tiên cho con đường công danh là mẫu người này không thích phụ thuộc quá nhiều vào người chồng, nhất là về mặt kinh tế. Họ muốn có một sự vững vàng về mặt tài chính trước khi thành hôn và thích trở thành tầng lớp trung lưu hay cao hơn thế chứ không chấp nhận có địa vị và kiến thức thấp.
Thực tế cho thấy tỷ lệ thành hôn thấp nhất thuộc về những người phụ nữ có nghề nghiệp chuyên môn cao (chẳng hạn như bác sĩ, luật sư). Hơn thế nữa, khi đã kết hôn, những người phụ nữ này thường dễ li dị hơn so với những người bạn cùng lứa. Về phương diện con cái, họ thường có ít con hơn so với những người phụ nữ không có nghề nghiệp chuyên môn.
Phụ nữ ngày nay cố gắng hết mình để vượt lên vai trò của một người nội trợ đơn thuần, họ khao khát được vươn đến những giá trị mà nam giới cũng muốn đạt tới như: danh vọng, trí tuệ và tự lập. Với họ, hôn nhân dường như là sự cản trở lớn trên con đường vươn tới những khát vọng đó.

Tham vọng về học vấn: Việc theo đuổi nghiệp học và đạt nhiều bằng cấp, học hàm, học vị đã chứng tỏ người phụ nữ hiện đại không muốn thua kém đàn ông trong bất kỳ lĩnh vực gì. Tố chất thông minh, lanh lợi trời phú cho những người phụ nữ cũng là một yếu tố khiến họ tự tin và ấp ủ tham vọng về con đường học vấn.
Thực tế cho thấy cả trình độ học vấn cũng như kinh nghiệm của lực lượng lao động nữ đã bắt đầu tăng nhanh hơn so với lao động nam. Họ phát triển cả trong các lĩnh vực chuyên môn về kiến trúc và quản trị kinh doanh, vốn là những lĩnh vực trước đây nam giới chiếm ưu thế.
Khi việc học được đưa lên vị trí số một thì lúc này hôn nhân sẽ bị xếp xuống hàng ưu tiên thứ hai hoặc thứ ba gì đó cũng là điều dễ hiểu. Và không chỉ có vậy, đối với phụ nữ, học vấn cũng liên quan đến tỷ lệ ly dị. Nữ giới có bằng đại học hoặc hơn có tỷ lệ ly dị rất cao so với những phụ nữ ở bậc học khác.

Thiếu tin tưởng vào hôn nhân bền vững: Ngoài việc xuất hiện ngày càng nhiều các nhóm, hội “chán chồng” thì tình trạng ly dị, đặc biệt là ly dị chỉ một thời gian ngắn sau khi kết hôn đang ngày một phổ biến, cũng ít nhiều ảnh hưởng tới quyết định lập gia đình của những người phụ nữ trẻ.
Người ta cho rằng lí do chính đáng khiến nhiều cô gái trẻ quyết định ly dị chỉ sau một thời gian chung sống ngắn ngủi chính là do kỳ vọng quá nhiều vào hôn nhân. Sự gần gũi, chăm sóc tình cảm, chia sẻ trách nhiệm, và cả sự thoả mãn về tình dục mà những phụ nữ trẻ tin là sẽ có từ hôn nhân khác biệt hoàn toàn so với những gì họ đạ tưởng tượng trước đó.
Có thể do những cô gái trẻ chưa thể phát triển hết những giá trị bản thân và do đó, muốn phụ thuộc vào kiến thức, kinh nghiệm từ người chồng để lấp đầy những thiếu hụt đó. Họ sẽ có xu hướng mong muốn có một người bạn đời có tính tương hợp cao hơn so với những người phụ nữ nhiều tuổi hơn. Và cũng do đặt quá nhiều kỳ vọng nên cô gái trẻ đó càng dễ thất vọng khi người bạn đời không mang lại những gì cô đã mong muốn. Và ly dị được coi như một lối thoát để sửa chữa những sai lầm đó.
Việc chứng kiến nhiều cuộc hôn nhân không hạnh phúc khi còn niên thiếu đã góp phần làm mai một lý tưởng về một cuộc hôn nhân bền vững và khiến những người phụ nữ trẻ ngần ngại khi quyết định giao phó cuộc đời mình cho một người đàn ông nào đó. Nếu phải kết hôn, họ sẽ muốn làm điều đó muộn, dành thời gian chuẩn bị tốt hơn về mặt tài chính cũng như kiến thức, kinh nghiệm. Để chủ động được nhiều hơn trong cuộc sống gia đình sau này, tránh không lặp lại sai lầm của những bậc tiền bối.
Đối với những phụ nữ thành đạt trong giới show-biz hoặc kinh doanh thì bất hôn hay single-mom (người mẹ độc thân) đang trở thành một xu hướng phổ biến. Có thể do đặc thù công việc cần phải đi lại, quan hề nhiều đã khiến cho họ khó tìm được một người chồng có thể hy sinh cho sự nghiệp của vợ. Quyết định bất hôn cũng có thể phát sinh từ sự mệt mỏi trong đường đời khi mãi không thể tìm ra một nửa ưng ý.
Và cuối cùng, tất cả những tác động của các yếu tố xã hội đã đưa người phụ nữ lên một quyền tự quyết cao hơn. Mỗi một nhân tố ảnh hưởng tới quan niệm của người phự nữ đối với hôn nhân theo một cách khác nhau, nhưng tất cả đều khiến cho phụ nữ cảm thấy việc lập gia đình không còn trở nên gấp rút nữa.

H.N (tổng hợp)