itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Tiến sĩ Việt Nam sang châu Phi “làm ruộng”

Tiến sĩ Việt Nam sang châu Phi “làm ruộng”

Từ năm 1997 đến nay, hơn 300 chuyên gia và kỹ thuật viên nông nghiệp của Việt Nam đã sang một số nước đang phát triển như Senegal, Benin, Madagascar, Cộng hòa Congo, Mali… để giúp nông dân các nước sở tại làm nên điều kỳ diệu mà người Việt Nam đã làm được – thoát khỏi tình trạng thiếu lương thực.

Trong số những người “đem chuông đi đánh xứ người” đó, có một người bạn của nhà nông - tiến sĩ Phạm Xuân Dũng…

Để “chuông kêu”, không phải dễ!

Đã 10 năm trôi qua kể từ ngày người bạn của nông dân - năm nay đã 60 tuổi này - xách va li ra sân bay để đến một quốc gia ở cách xa Việt Nam nửa vòng trái đất: Senegal. 10 năm trôi qua, nhưng khi nói chuyện với chúng tôi, những kỷ niệm của 3 nhiệm kỳ công tác ở Senegal và 1 nhiệm kỳ ở Madagascar vẫn cứ ùa về khiến ông miên man kể mà quên cả ấm trà vừa pha mời khách.

Từng có thời gian dài làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu ong trung ương và đã có nhiều đóng góp với ngành nuôi ong của Việt Nam, nên khi Bộ Nông nghiệp có thông báo về việc cử chuyên gia nông nghiệp sang Senegal hỗ trợ nông dân nước sở tại, ông Dũng đã rất háo hức muốn góp một phần nhỏ bé của mình để mong giúp những người bạn nghèo ở phương xa thoát đói nghèo. Dù có kinh nghiệm đi thực tế ở các vùng rừng núi của Việt Nam và được chuẩn bị khá tốt trước khi đi, nhưng ông Dũng và đồng nghiệp không tránh khỏi những khó khăn gặp phải trong quá trình công tác.

Cái khó đầu tiên là rào cản ngôn ngữ. Đến Senegal, vốn tiếng Nga và tiếng Anh của ông Dũng bỗng nhiên trở nên vô dụng vì ở Senegal, ngôn ngữ chính thức là tiếng Pháp, còn nhiều người dân ở vùng nông thôn thì nói tiếng bản địa. Tuổi già nhiều kinh nghiệm, nhưng khổ nỗi khả năng tiếp thu ngoại ngữ không thể bắt kịp với nhu cầu chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người dân địa phương.
“Có đến 80% chuyên gia và kỹ thuật viên của Việt Nam sang châu Phi bị sốt rét” – ông Dũng khẳng định.

Thời tiết khắc nghiệt, nhiều muỗi… là một trở ngại khác đối với các chuyên gia người Việt Nam. Một số thành viên đoàn bị ốm do sống trong điều kiện gian khổ ở môi trường làng xã, không có điện và nước sạch. Về đồ ăn, ông Dũng tâm sự nhiều khi thấy “sợ” khi được người dân địa phương “quý mến” mà mời đến nhà ăn cơm bởi vì có khi ăn xong đau bụng cả buổi mà không dám kêu vì ngại làm phật ý chủ nhà.

Nhưng ông Dũng cho rằng cái khó hơn cả là làm sao tìm ra những cách chuyển giao kiến thức phù hợp với trình độ nhận thức còn thấp của người dân, cũng như những giải pháp kỹ thuật phù hợp với điều kiện kinh tế và tự nhiên của địa phương. Theo ông Dũng, không thể bê nguyên những kỹ thuật nông nghiệp có thể đã thành công ở Việt Nam để áp dụng máy móc vào thực tế nước bạn được!

Dùng “mẹo” của người nghèo

Ông Dũng cho biết trước khi đi, ông đã đọc nhiều tài liệu quốc tế về nuôi ong ở châu Phi, trong đó nhiều chuyên gia khẳng định không thể áp dụng phương pháp nuôi ong theo kỹ thuật cải tiến (tức là có thùng, khung, cầu) vì như vậy ong sẽ bay đi hết. Mới đầu ông Dũng cũng cảm thấy lo, nhưng với kinh nghiệm đã có trong nghề nuôi ong, ông và các đồng nghiệp vẫn quyết tâm làm.

Ông Dũng dạy nông dân Senegal cách làm thùng nuôi ong bằng cây cọ.

Để vượt qua rào cản ngôn ngữ và để phù hợp với trình độ nhận thức của người dân địa phương, các chuyên gia Việt Nam chủ yếu dùng “trường học đồng ruộng”, tức là hạn chế giảng lý thuyết, chú trọng thực hành, cùng ăn và cùng làm với người nông dân địa phương để họ hiểu và làm theo được luôn. Quan sát thấy người dân địa phương thường sử dụng thân cây cọ làm đồ dùng trong nhà, ông Dũng nghĩ ra sáng kiến sử dụng loại vật liệu sẵn có này để làm thùng nuôi ong, nhằm phù hợp với điều kiện kinh tế của nông dân nghèo.

Các đàn ong ở châu Phi chủ yếu là hoang dã nên rất dữ tợn. Người nuôi ong phải mặc đủ bộ đồ bảo hộ lao động, nếu không sẽ bị ong đốt. Ngặt một nỗi quần áo, găng tay, mũ bảo hộ… phần nhiều nhập ở Pháp nên giá rất cao, nông dân không có tiền mua. Ông Dũng bỗng nhiên trở thành “nhà thiết kế” bất đắc dĩ. Ông tận dụng các loại vải sẵn có ở địa phương, tự thiết kế các bộ đồ nuôi ong kiểu “cây nhà lá vườn”, giảm chi phí khá lớn so với đồ ngoại nhập.

Ở đâu cũng vậy, đầu ra của sản phẩm là mối lo của người sản xuất. Kỹ sư nông nghiệp Dũng lại chuyển thành nhà tư vấn kinh tế. Ông đã giúp người dân địa phương thành lập “Hội nuôi ong” rồi liên hệ với một số đầu mối ở các khu vực thành thị, thậm chí giúp cả những đầu mối này làm những bảng giới thiệu sản phẩm và bỏ tiền túi hỗ trợ họ mang đi triển lãm.

Chuông đã kêu và danh cũng có

Là những người xuất thân từ nông dân, nên những chuyên gia Việt Nam như ông Dũng rất hiểu và thông cảm với cuộc sống khó khăn của người địa phương. Ông Dũng kể có bận xuống công tác ở xã nghèo, ông mang bánh mì và đồ hộp theo để ăn, nhưng thấy bọn trẻ chưa được thấy đồ ăn đó bao giờ và có vẻ rất thèm thì ông cũng không đành lòng và nhường lại cho chúng. Mỗi đợt đi công tác xa, ông đều bỏ một khoản tiền mua bánh kẹo, quần áo, màn chống muỗi… cho các gia đình người địa phương.

Cảm động trước tình cảm của các chuyên gia Việt Nam, người dân nghèo đối xử với họ như những người trong gia đình. Xuống công tác, họ nhường chỗ ở. Các dịp lễ hội, cưới xin, đặt tên cho con… sự vắng mặt của ông Dũng và đồng nghiệp sẽ khiến họ cảm thấy không vui. Nhiều bà có con gái, cũng bày tỏ mong muốn gả cho các chuyên gia Việt Nam.

Sau khi ông Dũng hết nhiệm kỳ về nước, những người thay thế ông tiếp tục công việc hỗ trợ cho nông dân nước bạn phát triển kinh tế. Có chuyên gia người Đức nói với ông Dũng: “Chỉ lo khi các chuyên gia Việt Nam về hết, người nông dân ở đó sẽ vứt bỏ tất cả và lại quay về cách làm cũ thôi”. Nhưng ông Dũng luôn tin tưởng những người nông dân tiến bộ đó sẽ tiếp thu, gìn giữ và phát triển những kỹ thuật không quá cầu kỳ, nhưng hiệu quả mà các chuyên gia Việt Nam đã chuyển giao cho họ.

Hà Vy / SGGP