itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Tin tức / Việt Nam là ngôi sao đang lên

Việt Nam là ngôi sao đang lên

Trong các ngày 8 - 9.1 tới, tờ báo kinh tế hàng đầu thế giới The Economist sẽ phối hợp với bộ Ngoại giao lần đầu tiên tổ chức bàn tròn doanh nghiệp để đại diện hàng trăm tập đoàn quốc tế và trong nước đối thoại trực tiếp với Thủ tướng và các thành viên chính phủ ở Hà Nội.

Ngay trước diễn đàn này, ông Charles Goddard, giám đốc biên tập The Economist Intelligence Unit khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã có cuộc trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị

Vì sao các ông đặt tên của bàn tròn doanh nghiệp là “Việt Nam – ngôi sao đang lên ở châu Á”?

Hơn 20 năm đã trôi qua kể từ khi Việt Nam bắt đầu chính sách đổi mới và mở cửa, những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam nhằm tăng cường khu vực tài chính, cải thiện khuôn khổ pháp lý, cải cách doanh nghiệp nhà nước và chống tham nhũng đã thu được những kết quả ấn tượng.

Tăng trưởng như một ngôi sao và xuất khẩu mạnh mẽ của Việt Nam trong những năm gần đây đã thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư quốc tế. Việc gia nhập WTO cuối năm 2006 và những nỗ lực của chính phủ nhằm dỡ bỏ những cản trở đầu tư sẽ tiếp tục đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong vòng một thập kỷ nữa.

Hơn nữa, công cuộc cải cách cũng đã tạo ra tầng lớp trung lưu ngày càng tăng – thị trường mà các công ty cả trong và ngoài nước đều muốn đặt quan hệ. Vai trò ngày càng nổi bật ở ASEAN, quan hệ sâu với Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ tiếp tục nâng cao triển vọng kinh tế của Việt Nam. Đây là những điều mà các nhà đầu tư quốc tế đang rất quan tâm.

Theo ông, triển vọng của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư quốc tế là gì?

Triển vọng nền kinh tế Việt Nam rất khả quan. Trong ngắn hạn, phát triển của Việt Nam bắt nguồn từ nhiều nguồn lực, đặc biệt là sự mở rộng mạnh mẽ trong lĩnh vực công nghiệp. Giá trị xuất khẩu, không tính dầu thô, tăng mạnh; đầu tư thiết yếu đối với các nhà máy và cơ sở hạ tầng đang được triển khai nhanh chóng. Viễn cảnh tiêu dùng, dưới tác động của phát triển việc làm và việc mở rộng tiếp cận đến các nguồn tài chính tiêu dùng, cũng đầy hứa hẹn.

Trong dài hạn, có nhiều nhân tố tích cực để duy trì một tốc độ phát triển khả quan, đó là nguồn nhân lực trẻ và ngày càng mở rộng, chi phí nhân công thấp hơn các nước láng giềng và trình độ công nghệ của họ ngày càng tăng. Cam kết của chính phủ về tự do hoá nền kinh tế và việc đưa ra các cải cách trên nền tảng thị trường sẽ là cơ sở cho một viễn cảnh lạc quan.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thách thức. Tỷ lệ lạm phát cao là một điều đáng lo ngại. Những hạn chế về cơ sở hạ tầng vẫn sẽ tiếp tục là vấn đề nan giải, mặc dù đã có nhiều đầu tư lớn cho lĩnh vực này. Môi trường pháp lý chưa hoàn thiện. Thiếu hụt nhân lực chuyên môn và quản lý. Và tham nhũng, dù chính phủ đã có rất nhiều nỗ lực hạn chế sự lan tràn của vấn nạn này và những bất ổn xã hội do tham nhũng gây ra.

Vậy lý do nào để các ông tổ chức bàn tròn doanh nghiệp lần đầu tiên ở Việt Nam?

Bàn tròn với chính phủ là những diễn đàn độc nhất cho các nhà hoạch định chính sách doanh nghiệp trong nước và quốc tế với lãnh đạo các chính phủ, thường là thủ tướng chính phủ, chủ tịch nước, nguyên thủ quốc gia và năm hay sáu các bộ trưởng. Ở bàn tròn lần này, Chính phủ Việt Nam có thể trình bày các kế hoạch chính sách trực tiếp với những công ty lớn đang đầu tư hay sẽ đầu tư vào nước chủ nhà và tiếp thu những phản hồi trực tiếp nhất từ cộng đồng doanh nghiệp. Sự hiểu biết rõ hơn giữa chính phủ và doanh nghiệp là một yếu tố quan trọng để thu hút và giữ chân các nhà đầu tư nước ngoài và khuyến khích môi trường kinh doanh trong nước.

Về phần mình, bàn tròn doanh nghiệp cũng tạo cơ hội đặc biệt để các giám đốc công ty trao đổi những vấn đề thiết thực với các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam về triển vọng đầu tư và những cải thiện cần có trong nền kinh tế. Chúng tôi hy vọng sẽ được phối hợp với chính phủ tổ chức sự kiện này hàng năm ở Việt Nam.

The Economist tổ chức sự kiện bàn tròn doanh nghiệp như thế nào trên bình diện quốc tế?

Economist Conferences (EC) là cơ quan tổ chức hàng đầu thế giới các buổi gặp mặt bàn tròn kinh doanh với các lãnh đạo chính phủ của các thị trường đang nổi. Năm 2007, chúng tôi đã tổ chức sự kiện này ở 32 quốc gia và có kế hoạch tổ chức 40 bàn tròn doanh nghiệp trên toàn thế giới trong năm 2008.

Ở châu Á – Thái Bình Dương trong năm 2007, EC đã tổ chức bàn tròn doanh nghiệp với chính phủ các nước Ấn Độ, Malaysia. Trong năm 2008, EC đang làm việc với các chính phủ để tổ chức bàn tròn doanh nghiệp ở Ấn Độ và Nhật Bản trong tháng 3, Australia tháng 6, Malaysia tháng 7. Năm nay sẽ được bắt đầu bằng bàn tròn doanh nghiệp đầu tiên với Chính phủ Việt Nam.

Theo SGTT