itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Gương mặt / Giám đốc ăn chay

Giám đốc ăn chay

Khi cần, giám đốc Lê Trung Thực cũng làm thợ xây - Ảnh: Vũ Toàn

Giám đốc Trung tâm nhân đạo Nghệ An Lê Trung Thực năm nay đã 48 tuổi nhưng vẫn pha trò khi ai đó gọi anh là “Lê cùng cực”. Quê ở TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ nhưng anh phiêu bạt tận Nghệ An chỉ vì một cái duyên...

Tốt nghiệp Trường năng khiếu Nghệ thuật Phú Thọ nhưng chàng sinh viên có năng khiếu diễn kịch câm và đánh trống vẫn học thêm nghề may, nghề mộc. Loay hoay hành nghề ở Hà Nội không thành, năm 1993 anh quyết định vào TP Vinh (Nghệ An) tiến thân bằng nghề may và dạy may cho lớp trẻ thích học nghề.

Cầm cả tivi

Một hôm, đồng nghiệp thấy anh buộc balô tư trang vào xe máy liền hỏi anh đi đâu. Anh bảo lên thị trấn Đô Lương mượn nhà, mua máy khâu, mở lớp dạy nghề miễn phí cho 20 trẻ mồ côi. Mọi người ngạc nhiên vì nghĩ đây là cuộc phiêu lưu mạo hiểm của chàng trai vừa làm thầy vừa làm thợ mới được bốn năm.

Đến lúc anh là người bất ngờ khi biết 20 học sinh của mình đã thạo nghề nhưng cứ nấn ná không chịu về quê. Hỏi chuyện, anh mới biết gia đình các em nghèo không có máy khâu, vả lại ở quê không có việc làm. Vừa lúc người nhà các em đến nói với anh vỏn vẹn một câu khiến anh nhớ mãi: “Các cháu mồ côi lại tật nguyền, thầy đã thương thì thương cho trót”. Anh quyết định tiếp tục cưu mang các em bằng cách đứng ra thành lập Trung tâm Dịch vụ và giới thiệu việc làm cho trẻ em thiệt thòi huyện Đô Lương.

Vậy là 4g sáng anh dậy làm đậu phụ, 6g các em mang ra chợ Lường bán. Lúc các em đi chợ, anh tranh thủ thu mua giấy phế liệu, lon bia, vỏ chai. Đến giờ hành chính anh dạy cắt, may. Chiều dạy xong, anh cho heo ăn và quét chuồng heo. 19 giờ, anh vào vai MC cho ban nhạc “Vì nụ cười trẻ thơ” - ban nhạc do anh thành lập để kiếm thêm tiền nuôi sống lớp học.

Đang vất vả lo chuyện gây dựng trụ sở thì anh mừng rơn khi nhận được quyết định của UBND tỉnh Nghệ An cấp 2ha đất để xây dựng trung tâm. Đó là một vùng sành đá đã 30 năm của xí nghiệp gốm vừa giải thể, nằm giữa từng dãy lò gạch bỏ hoang thuộc xã Lưu Sơn, huyện Đô Lương.

Nhắc chuyện cũ, anh cho tôi xem những tấm ảnh ngày mới xây dựng, nói: “Lúc ấy, nhìn khu đất hoang vu như bãi bom B52 dễ nản lòng lắm, nhưng không còn cách lui nữa nên phải làm bằng được. Nếu bây giờ quay lại khai phá từ đầu thì ớn lắm”.

Anh còn nhớ khi mua lại lô đất cuối cùng của một công nhân lò gốm thì thiếu 1 triệu đồng. Xoay mãi không ra, phải đem tivi mua cho học trò (trị giá 2 triệu đồng) đi “cắm”. Chủ tiệm bảo nếu một tuần không có tiền chuộc thì không được lấy tivi nữa. Bí quá, anh phải lên tàu chợ về Việt Trì nhờ bạn bè giúp.

Giám đốc kiêm thợ

Có đất, việc đầu tiên anh làm là huy động 20 học trò trồng cây theo quy hoạch và tiến hành xây trường mầm non nhân đạo, rồi thuê giáo viên dạy cho 40 em thuộc đối tượng khó khăn của địa phương theo học.

Bắt đầu bằng vốn tự có và tiền do anh em, bạn bè giúp đỡ cùng với sự hỗ trợ của UBND tỉnh, trung tâm nay đã có một nhà ba tầng, ba nhà hai tầng. Số học trò cũ của anh nay trở thành giáo viên dạy nghề may và mộc. Anh xem đây là hai nghề chiến lược vì “con em mình nghèo, phù hợp với hai nghề không cần nhiều vốn”. Để trung tâm mở được các lớp học nghề, anh nghĩ cách tổ chức các tốp thợ sản xuất gạch blôc, thợ nề, thợ xây, thợ mộc để góp kinh phí nuôi bộ máy. Đây là lực lượng làm kinh tế chính của trung tâm.

Khi nhiều việc, thiếu lao động, anh và bốn phó giám đốc đều có thể rời trung tâm đi làm thợ. Mãi đến năm 2007, trung tâm của anh trở thành một đơn vị sự nghiệp của Nhà nước. 22/40 cán bộ được biên chế và hưởng lương. Tất cả các em khuyết tật, mồ côi đều được nuôi ăn học. Những em học nghề ngắn hạn (từ 3-6 tháng) được miễn học phí.

Đi một vòng dưới những hàng cây quanh trung tâm, thấy các cô giáo đang chăm sóc những trẻ bị bỏ rơi trong các căn phòng sạch sẽ, học sinh đang miệt mài học nghề mộc, nghề may. Cô Lê Thị Lí - giáo viên chủ nhiệm lớp học may - cho biết: “Mỗi lớp có 35 em. Các lớp cứ học cuốn chiếu nên vào liên tục và ra liên tục”.

Từ năm 2000 đến nay đã có 4.000 học sinh ra trường (riêng nghề may có 2.000 em, trong đó 500 em được đào tạo cấp tốc đi may ở Nga). Trong số này có không ít em ở lại làm giáo viên. Khi kết thúc từng lớp học, anh Thực và bốn phó giám đốc thay nhau đưa thợ vào các tỉnh phía Nam làm việc.

Ngôi nhà chăm sóc trẻ bị bỏ rơi trong trung tâm - Ảnh: Vũ Toàn

Kể chuyện học trò, anh Thực nhắc nhiều tới các em có hoàn cảnh thương tâm đã được trung tâm tiếp sức. Hai chị em mồ côi Nguyễn Thị Nga, Nguyễn Thị Hoa ở xã Đại Sơn, huyện Đô Lương lên đây khi còn nhỏ xíu. Nay chị đi làm thợ may và đã có gia đình, còn em đang là học sinh giỏi lớp 11 Trường chuyên Lý Nhật Quang của huyện.

Bốn chị em khác ở huyện Quỳnh Lưu biết đến trung tâm khi xem chương trình “Vòng tay nhân ái” trên Đài truyền hình Nghệ An đã xin về đây với gia cảnh bố bị bạo bệnh nằm liệt giường, mẹ đau thần kinh triền miên. Chị gái 15 tuổi giờ đã đi làm, còn ba em theo học ở trung tâm.

Không nhận, đời các em về đâu?

Biết trung tâm làm việc nhân đạo nên đã có một số trẻ bất hạnh bị bỏ rơi ngoài cổng. Trung tâm đã chăm sóc, nuôi dưỡng theo nhiệm vụ của UBND tỉnh giao. Đến nay đã có 44 trẻ với nhiều hoàn cảnh khác nhau được nuôi dạy tại đây. Thương tâm nhất là cháu bé mới 6 tháng tuổi đã bị bỏ rơi trong cảnh bị liệt do hai chân dính vào nhau. Anh Thực đặt tên cho bé là Ước (ước mơ mổ được đôi chân cho bé). Một bé khác người nhăn nheo, bị úng thủy não cũng được anh Thực đặt tên là Đạt (với ý nghĩ đạt được hi vọng được trung tâm cứu sống).

Anh nói: “Tôi đưa bé Đạt đi Hà Nội mổ, rất may bé đang phát triển bình thường. Việc những đứa bé bị bỏ rơi khá phổ biến nên trung tâm phải xây phòng bảo vệ ngoài cổng để đón tin báo của bà con cho nhanh. Nhìn cảnh các bé chúng tôi day dứt lắm. Nếu trung tâm không nuôi dưỡng, chăm sóc thì cuộc đời các bé sẽ đi về đâu!”.

Khi nói về hàng ngàn học sinh đi làm nghề khắp nơi, anh lộ vẻ mãn nguyện, bảo: “Hằng năm tôi không phải may quần áo vì học sinh tặng nhiều lắm. Tết đến, các em ghé về chơi. Học sinh nào không có nhà thì ở lại cơ quan ăn tết với tôi”.

Hôm đến thăm trung tâm, thấy vị giám đốc đang lên kế hoạch chiêu đãi anh em cơ quan một bữa cơm chay để kỷ niệm... một năm ăn chay trường của mình. Anh nói: “Trước đây, khi vui buồn tôi đều lấy chén rượu, điếu thuốc giải khuây. Nay rượu, thuốc bỏ hết”. Anh lý giải chuyện ăn chay của mình là vì “muốn tĩnh tâm”. Còn chuyện sống độc thân là vì “cảnh vợ con sẽ khó làm công việc nhân đạo khi mình thích”.

Sắp tới anh và đồng nghiệp sẽ mở trung tâm nhân đạo thứ hai ở huyện miền núi Anh Sơn (Nghệ An). Tại đây huyện cấp 40.000m2 để làm trung tâm dạy nghề và trung tâm sinh thái. Anh nêu kinh nghiệm: “Muốn làm tốt việc nhân đạo thì phải lao vào nơi gian khó. Nhiều trẻ em đồng bào dân tộc vùng sâu vùng xa nơi đó đang cần tới trung tâm như thế này”.

VŨ TOÀN/ Tuổi Trẻ Online