itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Gương mặt / Vua cua giống ở sông Đốc

Vua cua giống ở sông Đốc

Vợ chồng ông Tư Khắp hướng dẫn khách xem nơi ươm cua giống. Ảnh: Th.Th.

Ấn tượng đầu tiên của tôi về ông “vua cua giống” là đôi mắt sáng và nụ cười thật đẹp trên gương mặt đen bóng của người vùng biển. Tư Khắp không có vẻ gì là tỷ phú, dù thu nhập của ông mỗi năm hơn 15 tỷ đồng.

Câu chuyện về những ngày lặn lội đi tìm bí quyết ươm cua giống của ông Tư Khắp lại bắt đầu bằng chuyện “dập cằm” của bà chủ vựa cua khi đi chiếc ô tô Innova. Tưởng hai chuyện trên chẳng ăn nhập gì với nhau, nhưng nó là chỉ một, bởi chiếc xe ấy được mua bằng tiền bán của 1 con cua ôm trứng.

1. Cà Mau mưa dầm dề vì cơn áp thấp nhiệt đới, gió ngoài cửa sông rất dữ dội nên những chiếc vỏ lãi bằng composite có thể lật úp bất cứ lúc nào, để an toàn, chúng tôi chọn đi đường bộ, tuy quanh co hơn, khó đi hơn nhưng an toàn hơn.

Trên đường vào cơ sở cua giống Kiều Oanh của ông Trần Văn Khắp, tự Tư Khắp ở khóm 10, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau chúng tôi phải đi qua hàng chục cơ sở bán cua giống khác của xứ Cà Mau bởi thế khi nghe nói, khách mua cua giống của Tư Khắp phải xếp hàng lấy số từ 2 giờ sáng mới mua được, tôi không tin.

Anh Tư Khắp đi họp ở đâu ngoài huyện chưa về, chúng tôi ngồi trên cái sàn xây choài ra mé sông hóng gió, chờ chủ. 4 người khách mua cua giống của cơ sở Kiều Oanh nằm trên võng treo gần đó ngủ lơ mơ. Bà chủ cơ sở Kiều Oanh mang bánh ít lá dừa nấu vừa chín tới ra mời khách mua cua. Ông Tư Nô, nhà ở tận đồng Chó Ngáp (giáp ranh Bạc Liêu) đến đây từ 2 giờ sáng vừa ăn bánh vừa nói chuyện.

Ông Tư Nô kể: “Hồi đầu nghe nói về cua giống của y (ông Tư Khắp) nuôi bi nhiêu sống bi nhiêu, tui không tin lắm, lại nghe nói muốn mua cua phải gọi điện đặt hàng và tới ngày hẹn lấy cua phải lấy số thứ tự, tui cũng bực mình. Nhưng mà thiệt nhe, mua cua cực nhưng cua gạch chắc, nặng và nuôi bi nhiêu sống bi nhiêu thiệt nên cực mấy tụi tui cũng ráng”.

Toàn, khách hàng trẻ nhất cười to: “Trời, người ta bỏ mấy trăm cây vàng đi học và nghiên cứu bí quyết mà cua giống không “ngon” nhứt miệt này sao được…”. Người khách khác còn đang ngủ vùi trên võng vì anh đi từ Sóc Trăng lúc 1 giờ sáng. Giữa tiếng sóng, gió ào ạt của vùng cửa sông Đốc, tôi vẫn nghe tiếng ông Tư Khắp hỏi vợ phía trong nhà: “Ủa, khách đâu hết rồi bà?”.

Trước khi đến vựa cua Kiều Oanh, tôi nghe kể: ông Tư bán mấy trăm cây vàng đi học nuôi cua, nào là người mua cua phải xếp hàng từ 2 giờ sáng và bốc thăm lấy số để mua cua giống của ông Tư Khắp, rằng mấy cô con dâu ông Tư chỉ đếm cua bán mà lương 100 triệu đồng/tháng, rằng ông Tư chỉ bán một con cua mua 1 chiếc Innova… tôi đã cho rằng chuyện hoang đường. Giờ thì tin thiệt.

Một con cua cái ông Tư đã “úm ba la” cho đẻ ra 2 triệu cua con và đã nuôi sống khoảng 1,5 triệu con “cua nhướn” (gọi thế bởi muốn nhìn rõ con cua giống trong veo bé hơn cái đầu đũa ấy phải nhướn mắt hết cỡ), mỗi “cua nhướn” bán 1.000 đồng, trừ chi phí nuôi, lời khoảng 700 đồng/cua nhướn. Vậy ông Tư bán 1 con cua giống mua xe 7 chỗ giá khoảng 800 triệu đồng chẳng có gì hoang đường.

Nhưng để nuôi một cua cái đẻ 2 triệu cua con và giữ được 1,5 triệu cua nhướn ấy bán cho khách, không phải ai làm cũng được. “Làm cho 1 cua trứng đẻ 1 - 2 triệu cua con thì có khó gì, làm sao nuôi từ cua nhướn thành cua gạch bán giá cao cho nhà hàng mới khó”, ông Tư Khắp vừa sửa bộ ngồi lên ghế vừa nói thế.

2. Năm 2000, ông Tư Khắp thấy tình hình nuôi tôm ở Cà Mau thất vụ liên tục, nông dân vùng Trần Văn Thời bán vuông đi làm thuê rất đông trong khi ở các nhà hàng giá cua gạch của Cà Mau cao hơn giá cua gạch nơi khác nhiều lần.

Sau nhiều lần đi xuống vùng lòng chảo của mỏm đất tận cùng Tổ quốc để xem các hang cua tự nhiên, Tư Khắp chợt nghĩ đến chuyện nuôi cua giống. Nghĩ là làm. Ban đầu chuyện khó của ông Tư Khắp là tìm đâu ra “cua ôm trứng”giống tốt. Và ông Tư dễ dàng tìm thấy giống cua ôm trứng tốt ở Ngọc Hiển, Năm Căn.

Với ông Tư Khắp cho cua đẻ trong xô, thau “dễ ẹc” nhưng cái khó của “ông mụ” Tư Khắp là “cua nhướn” cứ nuôi chừng 13 ngày là chết sạch. Mỗi khi mang thau xác cua trong veo đi đổ, ông Tư Khắp buồn bực đến nẫu người. Vì sao cua nuôi không quá 13 ngày là chết? Tư Khắp đọc hàng trăm trang sách về kỹ thuật ươm cua giống, tốn hàng ngàn lít xăng cho hàng trăm chuyến obo đi xuống vùng lòng chảo của Đất Mũi để xem các cua con sống thế nào mà khỏe mạnh…

Ông Tư còn nhờ Kiều Oanh, con gái út học Đại học Hồng Bàng dịch một số tài liệu về kỹ thuật nuôi cua của Nhật… Đọc sách mãi mà nuôi cua con vẫn chết sạch. Năm 2003, nghe đài nói ở ngoài Bắc đang nghiên cứu về cua giống, ông Tư Khắp quyết tâm “tầm sư học đạo”. Qua giới thiệu của ông Hai Thống (Sở Thủy sản Cà Mau) và ông Ba Chiến, giới thiệu thầy Diếu, giảng viên của Hải học viện Nha Trang, người đang nghiên cứu về cua giống. Gọi điện thoại và bày tỏ sự mong ước của mình nhiều lần, thầy Diếu cảm động đã nhận lời giúp ông Tư Khắp.

Bán 5 lượng vàng nhét túi để “đi nghiên cứu” và đó là lần đầu tiên Tư Khắp đi Bắc. Mấy tháng trời Tư Khắp lăn lộn với cua cùng thầy Diếu ở Cồn Thoi (Ninh Bình) và Giao Thủy (Nam Định). Mới hơn 1 tháng, Tư Khắp đã tiêu hết tiền mang theo. Tư Khắp gọi vợ tiếp tế tiền. Thấy việc nuôi cua con có vẻ tạm được, Tư Khắp từ giã Cồn Thoi về Cà Mau.

Cua nhướn của Tư Khắp nhân giống ra được mang tặng không cho bà con “nuôi chơi”. Đúng là chỉ để “nuôi chơi” vì chưa đầy tháng đám cua con lại chết sạch. Bà con tốn tiền mua thức ăn lại mất thời gian chăm cua đã dè bỉu, mỉa mai vợ chồng Tư Khắp đủ kiểu, đến nỗi cả nửa năm hai vợ chồng Tư Khắp không dám ra phố. “Dân quanh đó chọc quê quá trời chịu không nổi, đồ ăn phải do Ba Đực, người làm công tiếp tế cho hai vợ chồng tui, khi đó khổ dữ lắm”, vợ Tư Khắp vừa nói vừa cười.

3. Một đêm nọ, Tư Khắp lại bí mật mang tiền đi Nam Định lần nữa. Ông Tư Khắp kể tiếp, giọng bồi hồi. Nuốt cay đắng ra đi và Tư Khắp thề, chuyến này không thành công sẽ không về lại cửa sông này.Tiền tiêu cho thí nghiệm cua giống của Tư Khắp đã lên đến bạc tỷ mà cua con nuôi vẫn chết trắng bờ cồn. Bà Tư Khắp ngồi kế bên nói xen vào: “Hồi đó vàng 4 triệu đồng một cây mà xuất ra bán gần trăm cây, tiếc dữ trời lắm chớ, nhưng ổng nói là nghiên cứu sẽ thành công nên tui cũng đồng ý”.

Gần một năm trời mò mẫm trên Cồn Thoi mà mỗi đợt chỉ nuôi sống được 15.000 con cua trên hàng triệu con cua giống. Đã có lúc Tư Khắp tưởng như mình không còn chút sức lực nào để tiếp tục công việc. Thầy Diếu và mấy người bạn ở Nam Định và Ninh Bình xót xa, khuyên Tư Khắp thôi chuyện nghiên cứu. Nhưng nỗi ám ảnh về sự mỉa mai của chòm xóm và xót xa bởi hàng trăm cây vàng của gia đình đã đội nón ra đi khiến Tư Khắp không dám nghĩ chuyện về quê.

Càng day dứt hơn khi vợ ở quê không thấy Tư Khắp gọi gởi tiếp tiền ra đã hỏi “Bộ thua rồi hả ông?”. “Thấy thua trước mắt nhưng tôi vẫn cố nói cứng với vợ, sắp thắng rồi bà ơi”, Tư Khắp cười khà kể. Uống ngụm nước, Tư Khắp nhìn ra dòng sông giọng kể bồi hồi. Bất kể ngày đêm, tôi lang thang ngoài bãi đất nuôi cua của Cồn Thoi để tìm xem vì sao cua chết?

Vốn là học sinh giỏi toán nhiều năm liền thời trung học cộng với kinh nghiệm lăn lộn bao năm trong cuộc đời, nông dân Trần Văn Khắp, tự Tư Khắp đã chuyển hóa những điều ghi chép trong sách vở thành kiến thức giản đơn nhưng thiết thực. Cuối cùng, nông dân Tư Khắp đã ngộ ra một điều – do nuôi trong điều kiện quá sạch, cua con không có sức đề kháng, nên khi thả ra nuôi trong môi trường tự nhiên, cua đã chết non. Và thế là Tư Khắp tìm cách “chủng đậu” cho những con cua nhướn.

Hơn 1 năm trời làm việc với tiến sĩ Diếu và các người bạn ông, nông dân Tư Khắp đã được bạn bè xem như nhà “cua học” bởi không những ông có thể đọc vanh vách các thông số kỹ thuật trên các biên bản xét nghiệm cua giống mà còn biết cách chữa bệnh cho cua, biết cách chọn dinh dưỡng cho cua từ vài ngày tuổi đến khi xuất xưởng.

4. Tháng 6-2004, sau gần 2 năm bôn ba tìm hiểu với học phí lên đến hàng trăm lượng vàng ròng, nông dân Trần Văn Khắp đã khai sinh cơ sở cua giống Kiều Oanh với mẻ cua giống đầu tiên bán được gần hơn 300 triệu đồng.

Từ đó đến nay, tỷ phú cua Tư Khắp đã thành danh trên thương trường với thương hiệu Kiều Oanh. Thương hiệu cua giống Kiều Oanh tồn tại trên thương trường vì chất lượng “một triệu con như một”. Mẻ cua nào không an toàn cho người nuôi, dù trị giá hàng trăm triệu đồng ông chủ Tư Khắp cũng quyết tâm đổ bỏ, không bán.

Hơn 5 năm qua, cứ 2 giờ sáng cả khu cửa sông Đốc lại ồn ào bởi mấy chục chiếc vỏ lãi chở khách cập sàn hè cơ sở Kiều Oanh. Không chỉ làm giàu cho mình, ông Tư Khắp và vợ còn nuôi dưỡng biết bao mầm non tương lai của khu dân cư ven cửa sông này bằng tham gia phong trào khuyến học của địa phương…

Chia tay họ, chúng tôi tin rằng chuyện làm giàu bền vững của những nông dân ở Cà Mau là điều không có gì quá khó bởi trước khi làm giàu tiền của họ đã tự làm giàu tri thức cho chính mình.

Theo Sài Gòn Giải Phóng