Nông nghiệp Việt Nam: Nghịch lý nhìn từ ngành lúa gạo
Mặc dù năng suất, sản lượng lúa tăng liên tục nhưng người nông dân trồng lúa thu nhập vẫn thấp và chịu rủi ro cao so với các tác nhân khác trong chuỗi giá trị… Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau gần 30 năm đổi mới, một trong những thành tựu lớn nhất của nông nghiệp Việt Nam là sự phát triển của ngành lúa gạo. Sản xuất lúa gạo đã góp phần quan trọng vào xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh lương thực, thúc đẩy xuất khấu, tăng thu ngoại tệ và góp phần đẩy mạnh quan hệ quốc tế.
Năm 2014, năng suất lúa của nước ta đạt 57,6 tạ/ha; cao nhất khu vực Đông Nam Á. Sản lượng lúa tăng bình quân 3,7%/năm trong giai đoạn 1986-2013; năm 2014 đạt 45 triệu tấn; tăng gần 1 triệu tấn so với năm 2013.
Trong giai đoạn 1989-2012, gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng bình quân 14%/năm về lượng và 10% về giá trị. Đến nay, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới. Xuất khẩu gạo tăng không những đóng góp vào tăng trưởng kinh tế mà còn tăng vị thế chính trị của Việt Nam trên trường quốc tế.
Theo dự báo của nhiều tổ chức trong và ngoài nước, sản xuất lúa gạo đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức. Nhu cầu nhập khẩu gạo của thế giới tiếp tục tăng lên trong 10 năm tới; với mức tăng bình quân 1,5%/năm.
Cơ hội mở rộng thị trường lúa gạo khi nước ta tham gia các hiệp định thương mại mới như TPP, AEC… thì đầu tư của nhà nước, người dân, doanh nghiệp ngày càng tăng. Cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện, sự phát triển của khoa học công nghệ về giống, kỹ thuật canh tác… cũng là những cơ hội tốt để đẩy mạnh phát triển sản xuất ngành lúa gạo.
Nghịch lý tăng trưởng cao, thu nhập thấp
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu to lớn, ngành lúa gạo còn nhiều tồn tại, hạn chế. Tăng trưởng sản xuất lúa gạo trong thời gian qua chủ yếu theo chiều rộng, chất lượng gạo chưa cao, hoạt động chế biến sâu còn hạn chế, sản xuất lúa gạo sử dụng nhiều tài nguyên nhưng hiệu quả kinh tế thấp và gây ra nhiều tác động tiêu cực tới môi trường
Mặc dù năng suất, sản lượng lúa tăng liên tục nhưng người nông dân trồng lúa thu nhập vẫn thấp và chịu rủi ro cao so với các tác nhân khác trong chuỗi giá trị.
Theo lý giải của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có nhiều nguyên nhân gây ra những hạn chế trên.
Thứ nhất, đối với khâu sản xuất, quy mô sản xuất hộ nông dân còn nhỏ lẻ, trong khi các hình thứ tổ chức liên kết nông dân như tổ hợp tác, hợp tác xã… chưa được quan tâm phát triển.
Sản xuất còn dựa theo kinh nghiệm, thiếu thông tin khoa học kỹ thuât và thị trường; nguồn lao động trẻ đang dịch chuyển sang làm các công việc khác; trình độ thâm canh chênh lệch giữa các vùng, miền.
Sản xuất chưa theo yêu cầu của thị trường, sử dụng nhiều giống trên cùng cánh đồng, dẫn đến chất lượng các lô gạo xuất khẩu thấp và không đồng đều. Chất lượng vật tư đầu vào như phân bón, thuốc trừ sâu, hạt giống… chưa được quản lý tốt, gây ô nhiễm môi trường.
Thứ hai, đối với khâu sau thu hoạch, chế biến, còn thiếu hệ thống sấy, gây thất thoát và giảm chất lượng gạo xuất khẩu. Chế biến sâu, đa dạng hóa các loại gạo và sản phẩm chế biến từ gạo còn hạn chế, chưa chú trọng sử dụng các sản phẩm phụ như trấu, cám… để nâng cao giá trị gia tăng, tăng hiệu quả sản xuất…
Thứ ba, đối với khâu thị trường, xúc tiến thương mại, công tác xúc tiến thương mại chưa được đầu tư tương xứng với vị trí của ngành hàng và yêu cầu quảng bá sản phẩm, phát triển thị trường trong điều kiện cạnh tranh giữa các nước xuất khẩu trên thị trường thế giới ngày càng trở nên gay gắt.
Gạo Việt Nam chưa có thương hiệu trên thị trường quốc tế, đặc biệt là thị trường gạo chất lượng cao, khả năng cạnh tranh còn thấp, giá bán chưa cao.
Thứ tư, cơ sở hạ tầng, hậu cần phục vụ ngành lúa gạo còn hạn chế. Hệ thống giao thông, thủy lợi, tưới tiêu… chưa được đầu tư hoàn thiện, chưa đáp ứng yêu cầu của sản xuất.
Thứ năm, sự liên kết trong chuỗi sản xuất - thu mua – chế biến – tiêu thụ còn lỏng lẻo. Đa số doanh nghiệp xuất khẩu mua gạo từ thương lái, chưa liên kết với nông dân xây dựng cánh đồng lớn, vùng nguyên liệu dẫn đến chất lượng gạo xuất khẩu thấp.
Thứ sáu, thể chế và chính sách đối với ngành lúa gạo chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh. Nông dân còn sản xuất nhỏ lẻ, yếu thế; vai trò của hợp tác xã hạn chế. Các doanh nghiệp chủ yếu tham gia trong khâu cuối của chuỗi giá trị, không gắn bó, ít quan tâm đến lợi ích của nông dân.
Ngoài ra, các chính sách về tích tụ ruộng đất, tín dụng, hỗ trợ liên kết, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp còn nhiều hạn chế.
Hồng Lam
Theo Trí thức trẻ
Tin đã đăng
- EVFTA: Gạo Việt Nam hưởng ưu đãi thuế theo hạn ngạch
- Tỉ giá “hại” nông sản
- Philippines sẽ mua thêm 300.000 tấn gạo từ Việt Nam
- Xuất khẩu gạo sẽ khởi sắc?
- Nan giải tạo dựng thương hiệu Việt
- Chờ đợi chính sách tạo quỹ đất để thu hút đầu tư vào nông nghiệp
- Tại sao Việt Nam và Thái Lan không thành lập một liên minh OPEC về lúa gạo?
- Người Úc đón nhận quả vải tươi Việt Nam
- Nông sản Việt trước hội nhập: Tái cơ cấu, hướng tới xuất khẩu
- Ita Rice nâng niu những giá trị của hạt 'ngọc thực'