itaexpress / Tin ITA / Sức khỏe / Cẩm nang sức khỏe / Lựa chọn thuốc ho

Lựa chọn thuốc ho

Mức độ ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng và sự thay đổi liên tục của thời tiết khiến chúng ta dễ mắc những bệnh lý liên quan đến đường hô hấp, trong đó biểu hiện thường gặp là ho. Nếu dùng các loại thuốc ho không phù hợp có thể sẽ dẫn đến hậu quả đáng tiếc như: Bệnh nặng thêm, ảnh hưởng hệ tiêu hóa, thậm chí ngộ độc nếu nặng có thể gây tử vong.

Tây y chỉ hiệu quả cao với thể cấp tính

Bộ máy hô hấp là cơ quan rất quan trọng, có nhiệm vụ trao đổi khí trong cơ thể, trao đổi trực tiếp với môi trường bên ngoài qua bộ phận mũi. Một trong những biểu hiện hay gặp của các bệnh lý về đường hô hấp là ho. Ho có thể gây ra các biến chứng như: Ho kịch phát có thể gây ngất, ho mạnh và dai dẳng có thể làm vỡ một túi phế nang và làm gãy xương sườn.

Có hai dạng ho là ho khan và ho có đờm:

Ho khan thường kèm với ngứa họng, gây khàn giọng hoặc mất giọng. Nguyên nhân của ho khan thường do thay đổi thời tiết, hít phải bụi bặm hay các loại khói như khói công nghiệp hay đặc biệt là khói thuốc lá. Ho khan còn có thể là do nhiễm virus, do cúm hoặc cảm lạnh. Ngoài ra, ho khan có thể là triệu chứng của một nguyên nhân khác như hen phế quản, viêm phế quản mạn, suy tim sung huyết, ung thư phổi…

Cần phải điều trị nguyên nhân các bệnh trên. Các thuốc ức chế ho thường được dùng là Dextromethorphan, Codeine, Oxeladin, Pholcodine, Alimemazine… Ngoài ra, trên thị trường còn có các thuốc phối hợp nhằm tạo tác dụng hiệp đồng giảm ho có kết quả cao hơn. Các chế phẩm này, ngoài các hoạt chất giảm ho, còn có hoạt chất kháng Histamin. Trong các trường hợp ho khan, đau họng, rát họng… có thể dùng các thuốc ngậm ho với ưu điểm là thời gian tiếp xúc lâu hơn.
Ho có đờm (hay gọi là ho đàm) thường kèm với tình trạng khạc ra chất nhầy hoặc đàm kèm theo cảm giác “nặng ngực”. Bệnh nhân có cảm giác nghẹt thở và khó thở, các triệu chứng này thường làm cho bệnh nhân mệt mỏi. Ho đàm có thể là triệu chứng còn lại sau khi bị đau họng, nghẹt mũi và viêm xoang.

Người bệnh có thể uống Paracetamol khi bị sốt và đau, các triệu chứng này thường đi kèm theo cơn ho. Thông thường một số thuốc trị ho và cảm đã có chứa Paracetamol, do đó cần có tư vấn của bác sĩ để tránh uống quá liều. Không nên dùng các thuốc kháng Histamin vì chúng sẽ làm khô đàm và làm đàm đọng lại trong phổi có thể gây ho kéo dài và trầm trọng hơn.

Chất long đàm có thể giúp tống xuất đàm ra khỏi phổi. Không nên dùng thuốc ức chế ho trong trường hợp ho đàm vì chúng sẽ làm tích tụ chất đàm trong phổi tăng nguy cơ nhiễm khuẩn. Các thuốc long đàm, tan đàm thường dùng như: Guaifenesin, Terpin hydrate, Ambroxol, Acetylcystein, Bromhexine, Carbocisteine… Các thuốc này làm loãng đàm, tạo điều kiện dễ khạc đàm ra ngoài.

Điều trị ho theo Tây y hiện đại như trên đem lại hiệu quả cao đối với thể cấp tính nhưng ít hiệu quả ở thể mãn tính.

Có thể điều trị theo kinh nghiệm dân gian

Y học cổ truyền điều trị chứng ho cho kết quả tương đối tốt cả thể cấp tính và mãn tính. Ho thuộc chứng khái thấu của y học cổ truyền. Kinh nghiệm dân gian thường dùng một số cây cỏ như bạc hà, kim ngân, mã đề, ô mai mơ, quất, quả mùi, cây xuyên tâm liên, rễ cây dâu tằm, củ mạch môn, gừng tươi, lá cây tía tô, hành, hẹ và các phương thuốc như Như thần thang, Tam tử thang… để trị ho. Trên thị trường hiện nay có một số loại thuốc trị ho có nguồn gốc thiên nhiên có tác dụng rất tốt như: Siro Slaska của Traphaco, Siro Dotussal của Dopharma…

Người bị ho cũng cần có chế độ sinh hoạt hợp lý. Bảo vệ mũi và miệng khi tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, cần uống nhiều nước mỗi ngày, tránh hút thuốc, rượu bia, cà phê…

Theo An Ninh Thủ Đô