itaexpress / Tin ITA / Tân Tạo hôm nay / Tin từ thành viên / Lúa Global GAP giúp nông dân làm giàu

Lúa Global GAP giúp nông dân làm giàu

Nông dân Võ Văn Hiệp xã Mỹ Thạnh Đông, huyện Đức Hòa, Long An bên cánh đồng đang được gieo sạ lúa hè thu theo tiêu chuẩn Global GAP

Lúa là cây trồng chủ lực tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhưng do diện tích bình quân mỗi hộ quá nhỏ, thu nhập của nông dân còn thấp nên phải tìm cách nâng giá trị hạt gạo để cải thiện đời sống người dân. Đó là ý kiến của GS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Tân Tạo, tại buổi gặp gỡ báo chí mới đây sau khi tham quan cánh đồng lúa theo tiêu chuẩn Global GAP tại huyện Đức Huệ, tỉnh Long An.

Yên tâm nhờ cán bộ kỹ thuật

Trở lại chuyện cây lúa, GS Võ Tòng Xuân cho rằng, Việt Nam (VN) là nước xuất khẩu gạo thứ 2 thế giới, sau Thái Lan, nhưng chất lượng hạt gạo vẫn là bài toán phải giải đáp để nâng cao giá trị và vị thế hạt gạo VN trên thị trường thế giới. Do đó, cánh đồng lớn mà Công ty Bảo vệ thực vật An Giang triển khai cách đây 2 năm được Bộ NN-PTNT xem như chìa khóa để kết nối những nông hộ nhỏ thành cánh đồng lớn, sản xuất cùng một giống lúa, cùng một quy trình hạt gạo được thuần nhất, yếu tố để tiến tới xây dựng thương hiệu cho hạt gạo VN là điều GS Võ Tòng Xuân tâm đắc.
Với tư cách là người chủ trì, Giáo sư Võ Tòng Xuân cùng Công ty cổ phần Đầu tư nghiên cứu và xuất khẩu gạo ITA Rice, triển khai mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn Global GAP vụ đông xuân 2011-2012 tại 4 huyện Đức Hòa, Đức Huệ, Thủ Thừa và Bến Lức (Long An) trên diện tích 120ha. Ban đầu có hơn 100 bà con đăng ký tham gia, sau khi chọn lọc, con số này có giảm xuống chút ít. Đầu tháng 4 vừa qua, Trung tâm Chứng nhận Quacert đã cấp giấy chứng nhận 60,3ha lúa trong số này tại huyện Đức Huệ đạt yêu cầu về sản xuất theo hệ thống thực hành nông nghiệp tốt Global GAP.

Khi chúng tôi đến đồng ruộng của ông Võ Văn Hiệp, ấp 2, xã Mỹ Thạnh Đông, huyện Đức Huệ thì ông và các con đang dùng máy sạ hàng để gieo sạ 1,5ha lúa vụ hè thu. Ông Hiệp cho biết, vụ đông xuân vừa rồi, gia đình ông là một trong số những hộ tham gia trồng lúa Global GAP của ITA Rice. Kết quả ban đầu khá khả quan. Năng suất hơn 8 tấn/ha (trước khi tham gia chỉ hơn 6 tấn/ha), giá lúa được công ty mua tại ruộng 5.500 đồng kg, cao hơn giá thị trường lúc đó 1.500 đồng/kg.

Sau khi thanh toán các chi phí do công ty ứng trước về giống (OM900), phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (không tính lãi suất), gia đình ông còn lời được 30 triệu đồng/ha. Giá bán cao hơn thị trường và lời nhiều hơn không chỉ do năng suất tăng thêm mà còn do hạt lúa mẩy, chắc, ít hạt lép… Những điều trước đây không phải nông dân nào cũng có thể làm được. Tất nhiên, việc sản xuất theo Global GAP phải tuân thủ theo những quy trình nghiêm ngặt như sổ ghi chép ngày giờ cụ thể, có nơi đựng rác thải riêng, có nhà vệ sinh sạch sẽ… Những việc này lúc đầu cũng hơi lúng túng, khó chịu nhưng quyết làm thì cũng quen dần như lời ông Hiệp nói.

Điều khiến ông Hiệp yên tâm nhất là vấn đề sâu bệnh. Trước đây, gia đình ông phải thay nhau thăm đồng, khi thấy có vấn đề gì thì chạy ra đại lý thuốc nói triệu chứng của lúa để cửa hàng tư vấn và mua thuốc về phun xịt. Khi tham gia chương trình này, cán bộ kỹ thuật có mặt gần như hàng ngày nên khi có triệu chứng của sâu bệnh, liền được khuyến cáo sử dụng đúng thuốc, đúng liều lượng và đúng thời điểm nên cảm thấy yên tâm. Ông Hiệp cho biết, mảnh ruộng kế bên không tham gia chương trình, nhưng học theo cách làm của ông nên năng suất lúa cũng cao hơn vụ đông xuân trước, chỉ có giá bán không bằng.

Băn khoăn

Tuy nhiên, ông Hiệp không khỏi băn khoăn khi chuẩn bị sản xuất vụ lúa thứ 2, vụ hè thu này là yêu cầu có phần khó khăn hơn của ITA Rice. Thay vì mua lúa ngay tại ruộng, giờ đây, bà con phải vận chuyển ra điểm tập trung công ty mới mua. Cách làm này đẩy chi phí tăng thêm. Vì lao động nông thôn, đặc biệt là huyện có nhiều khu công nghiệp như Đức Huệ nên lao động càng khan hiếm. Chỉ tính riêng công vác bao lúa khoảng 40-45kg từ ruộng lên bờ đã là 3.000 đồng (vụ rồi). Từ đó vận chuyển ra điểm tập trung phải tốn thêm 90.000 đồng/tấn. Mà vụ hè thu thì năng suất không thể bằng đông xuân, trong khi chi phí lại cao hơn nên điều kiện này gây không ít khó khăn cho người trồng lúa thời. Bà con mong muốn công ty nghiên cứu lại làm sao giúp cho bà con giảm bớt chi phí thì việc hợp tác này sẽ thuận lợi hơn.

Theo GS Võ Tòng Xuân, mục tiêu trước mắt là thị trường nội địa. Long An giáp TPHCM, thị trường tiêu thụ lớn các loại hàng hóa, nhất là nông sản. Đây là điều kiện thuận lợi để tiêu thụ. Khi diện tích lúa Global GAP mở rộng lên 10.000ha trở lên sẽ tính đến chuyện xuất khẩu và một trong những thị trường nhắm đến sẽ là Nhật Bản, nơi có những quy định gắt gao về các tiêu chuẩn nhưng được mua với giá rất cao.
Trước mắt, sau khi định hình được sản xuất, việc xây dựng thương hiệu hạt gạo ITA Rice sẽ là bước đi tiếp theo nhằm nâng cao giá trị và niềm tin cho người tiêu dùng. Chỉ có làm theo cách này, việc sản xuất lúa và xuất khẩu gạo mới bền vững. Bài học từ Thái Lan cho thấy, khi có uy tín và thương hiệu gạo sẽ không sợ rủi ro dù hạt gạo Thái Lan giá cả cũng có lúc thăng trầm nhưng luôn xoay quanh trục giá an toàn và cao hơn hạt gạo chưa có thương hiệu, giúp nông dân an tâm sản xuất.

 

Các loại gạo Việt Nam cùng chất lượng với Thái Lan thường thấp hơn giá bán của Thái Lan 7-20 USD/tấn, trước đây lên đến gần trăm USD/tấn và thấp hơn hạt gạo của Mỹ 220 USD/tấn. Việc tăng chất lượng và giá trị hạt gạo là đòi hỏi cấp bách giai đoạn hiện nay.

CÔNG PHIÊN/ SGGP