Những tỷ phú đói ăn ở Zimbabwe
Tờ bạc 10 triệu đô của Zimbabwe vừa được phát hành tháng này và có mệnh giá lớn nhất thế giới. Với nó, bạn mua được hai cuộn giấy vệ sinh hoặc một chiếc bánh mì.
Nói một cách chính xác, đó là tờ séc vô danh màu đỏ có dấu của ngân hàng trung ương Zimbabwe. Zimbabwe từ lâu không còn in tiền nữa. Hiện nay dân chúng tiêu những tờ séc.
Đất nước châu Phi này có nền kinh tế bị tham nhũng và không thể điều khiển nổi, tồi tệ nhất thế giới hiện nay. Tỷ lệ lạm phát của Zimbabwe là 100.000 phần trăm - cũng nhất thế giới luôn. Lạm phát được ví như một con tàu tốc hành ngỗ ngược không người lái, không phanh và không có giới hạn tốc độ.
Vì thế, cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi người Zimbabwe đã phát minh ra một thị trường chợ đen tinh vi nhất thế giới. Giả sử các "con buôn" không đủ sức làm cho nền kinh tế này có đủ nhiên liệu, ngô và dầu ăn - được phân phối hòan toàn nhờ tiền mặt - thì nước này đã rơi vào nội chiến từ lâu.
Cuộc bầu cử tổng thống ngày mai cũng sẽ không mang lại chút dễ thở nào cho tình hình lạm phát hiện nay. Ông Robert Mugabe, tổng thống tại nhiệm đã 28 năm nay, cho rằng sự hỗn loạn kinh tế hiện giờ là do những hậu quả để lại từ thời đế quốc Anh. Các đối thủ tranh cử của ông cũng không đưa ra giải pháp nào để giải quyết khủng hoảng
Về mặt lý thuyết, mỗi đôla Mỹ ăn 30.000 đôla Zimbabwe. Giá thực tế ở chợ đen tuần trước là mỗi đôla Mỹ ăn 35 triệu đôla Zimbabwe, tức là gấp gần 1.700 lần tỷ giá chính thức. Một bữa ăn đơn giản cho 6 người ở một quán cà phê tầm thường có giá 581 triệu đôla Zimbabwe. Quy ra giá thị trường là bao nhiêu? 21 USD. Nếu quy theo tỷ giá chính thức: hơn 19.000 USD.
Lương tháng của một nông dân nước này là 30 triệu đôla, của người giúp việc gia đình cao hơn 5 lần, của một công nhân là 300 triệu. Nghe thật sướng lỗ tai.
Nhưng cầm số tiền đó ra chợ thì hết sướng. Giá một bịch bốn lon Coca-Cola giá 20 triệu đôla. Giá một vé xe buýt vòng quanh thành phố tốn 10 triệu, và khi leo lên xe rồi có khi bạn vẫn phải trả thêm tiền. Một yến bột ngô - đủ ăn cho một gia đình bốn người trong hai ngày - 45 triệu đô. Muốn mua một ổ bánh mì ư? 10 triệu đô.
Nếu bạn là công chức nhà nước, bạn kiếm được tiền lương tháng là 60.000 (sáu mươi nghìn) đôla Zimbabwe. Trong khi một gói khoai tây thôi, giá đã là 2 triệu, gấp 33 lần lương tháng của bạn.
Đống đôla Zimbabwe này có thể đổi được một tờ 100 USD. Ảnh: AP. |
Tất nhiên là chợ đen phát triển cực kỳ mạnh mẽ. Trung tâm của chợ đen là nhiên liệu. Giá xăng dầu có thể tăng từng giờ, tăng suốt ngày. Tuần trước, mua một gallon (chừng bốn lít) mất 25 triệu, tuần này mất 32,5 triệu, và tuần sau sẽ là 40 triệu.
"Xăng mà tăng thì giá cái gì cũng tăng", một tay buôn chợ đen giảng giải. Trong phòng anh ta có một cái bàn trên chất đống những cọc tiền 10 triệu đô. Hàng tỷ, hàng tỷ đôla nằm rải rác trên mặt bàn như những chiếc khăn ăn. Trên cái giá bên cạnh là hàng đống cọc tiền nữa. Tay này bán được 1.000 lít xăng và dầu mỗi ngày
"Xăng chẳng bao giờ đứng yên, giá lên hàng giờ", anh ta nói. "Xăng điều khiển tất cả những thứ khác quanh ta".
Chính phủ cũng nhập nhiên liệu, nhưng hầu như không người dân nào có thể mua được nếu không ra chợ đen bởi các thủ tục hành chính quá nhiêu khê rối rắm.
"Khi đơn mua xăng của anh được duyệt thì đã mất ba ngày rồi, lúc anh đến cây xăng thì ở đó cạn sạch, làm gì còn giọt nào", tay buôn giải thích tiếp.
Khi Godfrey, một tay chạy chợ đen khác, nghe tin về việc phát hành tờ 10 triệu đôla tháng trước, phản ứng đầu tiên là: "Sao lại 10 triệu thôi nhỉ?". Giá trị của tờ 10 triệu chỉ tồn tại được vài tuần. Ngay sau đó, dân tình ở Zimbabwe bắt đầu phải tiêu một đống tờ 10 triệu mỗi lần mua bán, vác những cặp, những túi lèn đầy tờ bạc loại này. Hai tháng trước, người ta bắt đầu tiêu bằng đơn vị tiền tỷ, nhưng bây giờ, theo Godfrey, đơn vị tính phải là nghìn tỷ.
Hệ quả là Zimbabwe có nền kinh tế như kiểu mafia, nơi công quyền và công dân cùng buôn bán bất hợp pháp. Các tay chợ đen cho biết cứ đến cuối tháng, các quan chức chính phủ vác hàng bao tải tiền bản tệ đi mua đôla Mỹ. Chính phủ có những khoản nợ phải trả cho nước ngòai: nợ tiền điện, tiền xăng dầu, tiền mua vũ khí và đều phải trả bằng USD bởi đôla Zimbabwe có khác gì giấy lộn khi ở nước ngoài. Thế là cứ cuối tháng, các con buôn chợ đen mang USD bán cho quan chức. Chợ đen hoạt động thật thông thái, và đúng như thông lệ - giới chức chẳng bao giờ có bình luận về những chuyện thế này.
Tại Zimbabwe tồn tại những lời đồn về việc một số người hưởng lợi kếch xù nhờ chênh lệch tỷ giá chính thức và chợ đen. Người ta truyền nhau những câu chuyện về quan chức đổi hàng đống đôla Zimbabwe ra tiền Mỹ với tỷ giá chính thức, rồi lại đem đô Mỹ ra chợ đen, kiếm hàng núi tiền lời.
Có một thời chính phủ tìm cách kiểm soát lạm phát bằng cách áp đặt giá đối với tất cả các mặt hàng trong nước. Sẽ là phi pháp nếu ai đó dám bán hàng hóa với giá khác với những gì chính phủ đưa ra. Các chủ hàng cũng không được phép đóng cửa. Và thế là tất cả các cửa hàng đều bị vét sạch sành sanh trong vòng vài giờ kể từ khi lệnh có hiệu lực.
"Thật hỗn loạn", tay buôn chợ đen nói trên nhớ lại. "Không còn một thứ gì trong các quầy hàng. Chính phủ có một đội kiểm soát, họ đi kiểm tra và nếu thấy hàng nào dám đóng cửa, tòan bộ tài sản ở đó sẽ bị tịch thu". Những kẻ có tiền và gặp thời liền đi theo chân các đội kiểm soát, mua như cướp tất cả các loại hàng và chất lên xe tải. Giá một chiếc tủ lạnh lúc đó là 10 triệu đôla, tức là ngang với 10 cent Mỹ theo tỷ giá chợ đen hiện thời. "Đúng là ăn cướp có tổ chức", tay buôn bình luận.
Ở Zimbabwe cái gì cũng có giá chợ đen của nó. Một buổi chiều, một phụ nữ đến quầy đổi tiền, và kể chuyện rằng chị đang phải chạy thủ tục hộ chiếu cho một người bạn. Chị lẩm bẩm làm con tính và cho biết số tiền sẽ phải dùng để chi phí và "bôi trơn".
"24,7 tỷ đôla để làm xong bộ giấy tờ", chị nói. "Đấy là số tiền cần có để có tên có tuổi đàng hoàng. Tôi từng thề là sẽ không đút lót, nhưng cuối cùng thì vẫn phải làm thế cho từng việc nhỏ nhất. Ai cũng thế cả".
Không biết liệu cuộc bầu cử tổng thống ngày mai có giải quyết được vấn đề của chị và những người Zimbabwe khác hay không.
T. Huyền / VnExpress
Tin đã đăng
- Giá gạo tăng, nhiều quốc gia chuyển đổi cây trồng
- Năm năm sau cuộc chiến tranh của mỹ tại Iraq: Hòa giải dân tộc - chìa khóa ổn định đất nước
- Khủng hoảng chính trị tại Serbia, lỗi tại ai?
- 'Nước Nga sẽ vẫn cứng rắn'
- Người Mỹ giàu và nghèo
- Pakistan: Chính phủ mới đứng giữa ngã ba đường
- Công lý sẽ chiến thắng
- Phía sau câu chuyện Kosovo độc lập
- NATO sẽ tấn công hạt nhân để ngăn chặn hạt nhân?
- Năm 2007, năm đột phá của tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên