itaexpress / Tin ITA / Thể thao - Giải trí / Đi & viết / Kỳ IV: Đi chợ Việt ở xứ sở pha lê

Kỳ IV: Đi chợ Việt ở xứ sở pha lê

Những ki-ốt của người Việt

Như ai đó từng nói, muốn biết đời sống kinh tế, văn hóa của vùng nào thế nào, xin cứ ra chợ: Thượng vàng hạ cám, chuyện to chuyện nhỏ đủ cả. Đi vào chợ quả như đi du lịch văn hóa Việt ở xứ người…

Kỳ III: Karlovy Vary - “Thành phố điện ảnh”

Bạn có thể gặp người Việt ở khắp nơi trên nước Séc. Từ bắc xuống nam, từ đông sang tây, từ thủ đô ra đến biên giới. Người Việt ở lại Séc làm ăn vì nhiều lý do khác nhau, nhưng đa số và chủ yếu là những người ở lại sau khi đã học hành (thời còn là Tiệp Khắc) và những người lao động xuất khẩu trong khoảng những năm 1980 đổ lại. Gần đây một lượng người Việt đông đảo nữa sang, chủ yếu là do được người thân đón sang làm ăn, đoàn tụ gia đình. Một số lại nhập cư theo đường du lịch rồi ở lại trái phép. Rồi từ các nước khác “trốn” sang. Ở Tiệp có hẳn những “đường dây” hoành tráng đưa người từ Việt Nam sang. Chính vì vậy mà dân Việt ngày một đông, lên đến gần trăm ngàn người. Đó cũng là lý do giải thích cho việc khi tôi đi nộp hồ sơ lấy visa tại Đại sứ quán Cộng hòa Séc ở Hà Nội, ngày nào cũng có vài trăm người chen chúc chờ đến lượt, nhộn nhạo kinh khủng, bao nhiêu công an đến giữ trật tự, nhiều người đến xếp hàng từ 2 giờ sáng, mấy ngày liền mà cũng không đến lượt nộp hồ sơ. Đây cũng là Đại sứ quán có lượng hồ sơ xin nhập cảnh vào Séc nhiều nhất ở Hà Nội hiện nay.

Người Việt nhanh nhạy, chịu khó và kinh doanh khá thành công ở Tiệp. Mặc dù không nổi bật về giàu có như những “soái” ở Nga, nhưng ở đây cũng có không ít những đại gia, những tỉ phú Việt. Có người tỉ phú nhà đất, du lịch, xây nhà máy, có những người kinh doanh chợ, mở công ty sản xuất mì gói…

Như ở trong nước

Đoàn tôi đã được anh T. chủ chợ SaPa – chợ đầu mối của người Việt lớn nhất ở Séc, tại Praga 4 mời cơm tại chính nhà hàng rất đẹp của anh ngay cổng chợ. Anh T cũng là chi hội trưởng hội người VN tại Séc, nên anh bảo nhà hàng này cũng đã từng tiếp đón rất nhiều các lãnh đạo cao cấp ở VN sang. Anh T. có hẳn một cái chợ rộng, xây lên rồi cho các tiểu thương Việt thuê lại. Trong lúc chờ ăn trưa chúng tôi làm một vòng khắp chợ. Kinh ngạc vì chả biết tại sao người ta có thể có trong tay hẳn một cái chợ lớn đến thế. Bà con trong chợ chủ yếu kinh doanh bán buôn vải vóc, quần áo, giày dép, hàng gia dụng, mỹ nghệ, thực phẩm… với nguồn hàng lấy từ Việt Nam, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỹ là chủ yếu. Chợ cũng có đủ các loại thực phẩm VN chẳng khác gì chợ ở nhà, từ cá chép giò lụa đến rau muống cà pháo mắm tôm có hết. Thậm chí tôi còn chụp ảnh được cả một cái biển đề “Không bán chịu” trong một kiốt giày dép. Thật đúng là văn hóa người Việt. Đi trong chợ cứ ngỡ như đang đi giữa chợ Đồng Xuân ở ta. Cũng với hàng Trung Quốc tràn ngập, các bà các cô Việt mời chào, ăn uống, đánh tá lả, chửi thề, buôn chuyện xởi lởi. Chỉ có điều chợ SaPa lớn gấp hàng chục lần so với chợ Đồng Xuân, và sạch sẽ, phong quang hơn, tất nhiên, khách cũng vắng hơn ở nhà, vì đây là chợ bán buôn…

Một góc nhỏ shop thực phẩm - cái thùng cắm đôi đũa kia là thùng... dưa muối

Tôi và một cậu cùng đoàn ghé vào một quầy bán quần áo, thấy bảo là hàng Thổ, xem một cái áo thun trông bùi bụi. Anh chủ quầy đi ra bắt chuyện, bảo: “chắc các cậu là nghệ sĩ Việt Nam sang theo chương trình “Gặp gỡ Praha” à?” Chúng tôi nhìn nhau cười, hai thằng hai quả áo phông quần sooc lửng (mà dân trong chợ thuộc mặt nhau hết, nhìn cứ lớ ngớ đi vào là biết ngay từ quê mới sang). “Không chúng em đi công tác - Thích nhỉ, ở Việt Nam mà lại được sang đây công tác, vậy chắc phải là “cán bộ” oách lắm”. Anh ấy nói thế nhưng có vẻ không tin lắm. Chả là trước đó vài ngày, một đoàn thanh thiếu niên và nghệ sĩ Việt Nam đã sang đây dự trại hè “Gặp gỡ Praha” tổ chức tại đây, và hầu như tất cả bà con ở đây đều theo dõi chương trình này. Nghe nói có cả nhóm Năm Dòng Kẻ cũng có mặt. Anh T trên kia bảo thế. Anh T chính là người đứng đầu trong việc đăng cai tổ chức chương trình này. Hầu như tất cả các chương trình mang tính giao lưu gặp gỡ cộng đồng, các chương trình đối ngoại của người Việt tại Séc, của các quan chức Việt Nam sang, đều có anh T tham gia xúc tiến. Anh bảo đang cố gắng để người Việt sẽ được công nhận là một dân tộc thiểu số ở Séc, và có chân trong nghị viện. Và như thế thì người Việt sẽ được hưởng nhiều quyền lợi hơn…

Một nữ đồng hương Việt nữa gây cho tôi một sự sững sờ kinh ngạc. Tôi vào khu bán đồ chơi trẻ con bằng nhựa xem mấy cái mô hình ô tô trung quốc to tướng (ở nhà không thấy có bán). Một chị khoảng chừng 30 – 33 đang hát véo von một bài của ca sỹ Ngọc Sơn từ sau quầy đi ra. Nhìn tôi một lúc rồi ớ lên: “Ớ cậu này nhìn quen thế, đúng rồi! hát Trò chơi âm nhạc, ở Hà Nội sang à? - Dạ không phải em đâu ạ” (thực sự là đi cùng những đồng nghiệp thì tôi rất là ngại khi phải nói về những cái trò văn nghệ văn gừng, chỉ muốn giấu nhẻm chuyện này). “Đúng cậu rồi còn ai nữa!”. Tôi cười cười. Nghĩ bụng thật hãi hùng, làm sao người ta lại có thể nhớ được nhân vật của một cái chương trình vớ vẩn lại cách đây đã một năm. Chị ấy bảo: “Chương trình này ngày nào chị chả xem mấy lần, chị thích xem hát lắm”. Sau mới để ý, chương trình VTV4 ở đây phát sóng ngày sáu tiếng, nhưng phát đi phát lại ba, bốn lần chương trình cũ liên tục theo kiểu bò nhai lại. Nghĩ mà tội cho khán giả ở đây. Và vì thế nên ngồi bán hàng, không biết tiếng nước ngoài thì chỉ có xem kênh VTV4 cả ngày, có cái gì mà chả nhớ. Ở đây quầy nào cũng mở VTV4 cả ngày, không xem cũng mở để đấy. Thảo nào khi ngồi ăn sáng cũng thấy Thúy Hường quan họ, ăn trưa cũng thấy Thúy Hường vác nón ba tầm, nửa đêm cũng cô này ra ngõ í mấy trông ra ngõ mà trông…

Vào thăm đến 4-5 chợ Việt nữa, chợ Thăng Long (Đông Đô) ở Chev, chợ Ostrava, chợ Praha, rồi một vài khu thương mại nhỏ nhỏ có người Việt kinh doanh, thấy chợ nào cũng có những dãy ki ốt dài, chỉ đề tiếng Việt, từ quán bún, quán phở, quán nhậu đến cắt tóc gội đầu, làm móng tay, photocopy đến in ấn dịch thuật, phòng khám, tư vấn luật, internet, điện thoại…đủ cả. Thực đơn trong các quán ăn đề đủ các món món từ bún cá, chả cá, bún riêu cua, bánh cuốn, bún ốc. Có cả tiết canh, lòng lợn, tiết canh ngan vịt, cá chép om dưa. Nói chung cảm giác cộng đồng Việt ở đây sinh sống hệt như ở nhà, ở nhà có gì ở đây có thứ ấy… Mấy hôm sau ở Praha1, ngày nào chúng tôi cũng sang chợ Việt Nam ở Praha4 ăn cơm Việt. Ăn thử cả tiết canh lòng lợn ở đây nữa. Ăn mấy lần vì biết ở nhà đang có dịch tai xanh tai đỏ, về đến nhà chắc cũng không dám ăn ngay.

Những ki-ốt của người Việt

Người Việt ở đây ngoài kinh doanh trong chợ thì đa số còn lại, khá hơn, đều kinh doanh nhà hàng ở bên ngoài. Vào chơi khoảng gần chục gia đình Việt, thấy nhà ai cũng có đến 3 - 4 cửa hàng kinh doanh, buôn bán đủ thứ. Mà dân Việt ở đây có vẻ quý người, cứ thấy người Việt sang là vô cùng xởi lởi. Ở dưới Ot, tôi ăn cơm xong hỏi chủ nhà hàng ở đây có mạng không, anh chủ nhà dẫn lên tận phòng riêng cho cắm mạng nhờ để check mail, còn cho hẳn cái ổ cắm đổi nguồn từ phích cắm tròn sang dẹt (cái này ở bên đây tìm không thấy ở đâu bán, vì họ dùng ổ cắm tròn hết ở khắp nơi). Nhưng lạ một điều là tất cả các nhà hàng của VN tôi ghé đều bài trí theo kiểu… Trung Quốc, và mở nhạc Trung Quốc, mặc dù món ăn cũng có nhiều món Tàu nhưng đa số là món Việt. Anh T.A, chủ nhà hàng Thăng Long vẽ con rồng to vật ngay cổng chợ trung tâm Chev giải thích: trang trí kiểu này cho khách Tây họ tưởng quán Tàu, họ mới vào ăn thử, ăn ngon rồi thì Tàu hay Việt gì thì họ vẫn đến. Thực tế thì ăn cơm ba lần ở đây thấy quán đông khách thật. Nhưng nói thật là cách trang trí quán thì dù hào nhoáng, nhưng nó cứ dở Tây dở Tàu, rất cải lương và nói thật nếu bê quán này về Việt Nam thì e là chẳng có khách hàng nào đến, dù có ăn ngon đến đâu. Thẩm mĩ của các chủ quán trong nước tinh tế hơn nhiều…

Chúng tôi lại đi vào chợ. Lần này một chị nói giọng Nghệ An dẫn anh bạn đi cùng sang xem quầy hàng Thổ Nhĩ Kỳ - quần áo trẻ con, vì anh kia khoảng 2 tháng nữa vợ đẻ, lúc nào cũng muốn đi lùng sục đồ em bé. Chị Nghệ An bảo dân chạy chợ ở đây vất vả lắm, không như mấy người kinh doanh lớn, cũng phải thức khuya dậy sớm tính toán như ở nhà. Nhưng được cái kiếm được nhiều tiền hơn. “Em thấy bà con cũng nhàn nhã đấy chứ, có tất bật như ở nhà đâu? - Nhìn thế thôi, chứ cũng trăm thứ phải lo, lại một đoàn quân hùng hậu ở nhà trông ngóng. Mùa hè còn đỡ, chứ mùa đông tuyết đầy trời, ai cũng mặc hàng đống quần áo, đi năm bảy lần bít tất, đứng bán hàng, đẩy hàng giữa chợ. Các chú sang đây vào thời điểm thời tiết dễ chịu nhất đấy”.

Ở Karlovy – thành phố du lịch nổi tiếng của Sec, cũng có khá nhiều người Việt làm ăn sinh sống. Anh H bảo kinh doanh ở đấy một vốn bốn lời. Cả thành phố là một cái chợ du lịch, mua sắm tưng bừng. Dân cư gốc sống ở đây ít, chủ yếu đông đúc lên là nhờ khách du lịch từ các nước sang. Và người Việt bán hàng cũng phần nhiều cho các khách du lịch như thế…

Thật đúng như ai đó từng nói, muốn biết đời sống kinh tế, văn hóa của vùng nào thế nào, xin cứ ra chợ: Thượng vàng hạ cám, chuyện to chuyện nhỏ đủ cả. Đi vào chợ quả như đi du lịch văn hóa Việt ở xứ người…

(Còn nữa…)

Kỳ V. Pha lê và bia

Bài, ảnh: Phạm Trung Kiên