itaexpress / Tin ITA / Thể thao - Giải trí / Đi & viết / Kỳ V: Pha lê và bia

Kỳ V: Pha lê và bia

Trong một quán bia

Có hai sản phẩm rất đặc trưng của Séc là pha lê và bia (bia Tiệp). Pha lê thì khỏi phải nói rồi, ở Séc đi đâu cũng thấy những cửa hàng pha lê rất hoành tráng.

Kỳ IV - Đi chợ Việt ở xứ sở pha lê

Từ ly tách, bình pha lê, các sản phẩm trang trí, đồ lưu niệm, nữ trang bằng pha lê quá ư là phong phú, còn có thể thấy các cửa hàng nội thất pha lê với những đèn chùm, đèn tường, gương kính, bàn ghế… bằng pha lê đủ màu rất đẹp, nhiều chủng loại.

Lung linh pha lê

Lung linh pha lê.

Có vẻ như người Tiệp rất giỏi trong việc “pha lê” hóa tất cả những đồ vật có thể. Mẫu mã thiết kế đa dạng, có nhiều thứ rất độc đáo trước đây tôi chưa từng thấy bao giờ. Những cái ly tách đẹp thôi rồi. Những chùm đèn màu tráng lệ vài người mới khiêng nổi. Tuy nhiên mặc dù nhiều và phong phú như vậy, giá cả của các món đồ pha lê không hề rẻ, càng đắt nếu so với túi tiền của người Việt Nam sang đây nói chung. Hơn nữa, lẫn trong các chủng loại hàng pha lê, sành sứ, vẫn bắt gặp vô số hàng Trung Quốc bán trà trộn, đặc biệt là các sản phẩm gia dụng như ly tách, đồ lưu niệm, giá dễ chịu hơn nhiều, nhìn cũng đèm đẹp, đề rõ xuất xứ Made in China đàng hoàng nên cũng dễ phân biệt. Bên đây hàng Trung Quốc cũng áp đảo không kém ở Việt Nam. Hàng Trung Quốc đủ loại thượng vàng hạ cám từ cái đôi đũa, hộp để tăm bày bán tuốt, đặc biệt quần áo giày dép thì nhiều miên man. Có những cửa hàng nhìn vào cứ tưởng một shop tạp hóa, shop quần áo ở Việt Nam.

Bia Tiệp và du khách: hấp dẫn và lịch sự.

Thứ đến là bia Tiệp, loại bia hơi này uống quá ngon, vị hơi chát, lại ngậy ngậy. Chả thấy đau đầu buốt đầu tí nào. Có thể mua bia ở tất cả các nơi trên nước Tiệp. Từ các nhà hàng tổng hợp, quán cà phê, các tiệm ăn Tây Tàu đến các quán chuyên bia. Bia Tiệp rẻ, khoảng hơn 20 cu ron/ly nửa lít (1 USD bằng khoảng 20 - 22 cu ron). Rẻ và ngon thế nên chúng tôi đang ễnh bụng bởi bia Tiệp, vì ngày nào cũng uống ít nhất vài ly. Nước Tiệp cũng nổi tiếng thế giới vì lượng bia uống và lượng tiêu thụ bình quân trên đầu người, cao ngất ngư. Thế nhưng Miroslav, một bạn Tiệp thường đi với đoàn tôi bảo: “bọn tôi bị mang tiếng, vì lượng bia tiêu thụ ở Tiệp nhiều thật, nhưng dân số bọn tôi ít lắm, chủ yếu là dân du lịch đến và uống nhiều”. Nước Tiệp bây giờ có lượng khách du lịch đến đông gấp vài lần so với dân cư gốc có quốc tịch Tiệp.

Trong một quán bia

Ở Sài Gòn cũng có thể uống bia Tiệp tại nhà hàng Hoa Viên trên đường Mạc Đĩnh Chi với 2 loại bia truyền thống là bia đen và bia vàng. Nhà hàng này tôi cũng đã đến không dưới 5 lần. Nó cũng nổi tiếng đến mức có … một vài người Tiệp ở Prague nghe nói đến, một vài Việt kiều tại Tiệp biết tên. Cũng bởi lần Bil Clinton sang Việt Nam có đến đây uống bia. Tuy nhiên theo ý riêng của tôi thì nếu bia Tiệp uống tại chính nước Tiệp ngon mười thì ở Hoa Viên chỉ là 6 đến 7. Cũng có thể nhận xét này là cảm tính, vì ngon hay không phụ thuộc hoàn toàn vào khẩu vị mỗi người. Tuy nhiên nếu uống ở Hoa Viên, bạn có thể ngồi phét lác thoải mái, rất ấm cúng, quát tháo nhân viên phục vụ vô tư, vào toa lét tập thể vừa đứng lắc lắc vừa nói chuyện oang oang, đúng kiểu thượng đế Sài Gòn, còn ở đây thì không. Chúng tôi đang là những thực khách rất lịch sự.

Còn có hai thương hiệu Tiệp mang đến cực nhiều hoài niệm. Mà tôi chắc chắn nếu tôi không nhắc đến hẳn nhiều người sẽ quên mất rồi. Hoặc không từng nhớ nó đã từng hiện hữu trong đời sống Việt một thời bao cấp chật vật. Hai cái tên cực nổi tiếng và tôi không ngờ lại gặp lại được nó ở đây.

(Còn nữa…)

Kỳ VI. Lang thang ngoại ô

Bài, ảnh: Phạm Trung Kiên