itaexpress / Tin ITA / Thể thao - Giải trí / Đi & viết / Quả về thu

Quả về thu

Tháng 8 thơm mùi bưởi chín

Có những đàn chim bay ngang trời tháng Tám. Phố huyện dần chuyển mùa. Nắng nhẹ, vàng sánh, lây rây như màu mật. Ngồi trước quán nước dưới hiên nhà, có thể nghe tiếng gió rì rào đi trong vườn quả… Chiều chơm chớm heo may…

Nắng tháng tám rám trái bòng. Bưởi bòng đã rám ngọt rồi đấy. Những quả bưởi lúc lỉu trên cành bắt đầy ngả sang những màu vàng chanh, vàng cam, pha thêm cả màu đỏ nhẹ.

Cây bưởi già nằm bên cổng gỗ, chẳng còn nhớ nổi đã bao mùa đơm hoa kết trái. Chỉ biết mỗi độ thu về. Bên những cốm, hồng, na, dâu da, mít, chuối… của mùa, bưởi góp vào vị chua mát, vị ngọt dịu của những tép bưởi, vị xốp mềm và mát của cùi bưởi và vị thơm cay hăng hắc dễ chịu của những hạt tinh dầu ngoài vỏ.

Cây bưởi năm nào cũng sai quả. Chín trĩu cả những cành xa cành gần.

Tháng 8 thơm mùi bưởi chín

Mới hôm nào tháng Ba sang, hoa bưởi rụng trắng một khoảng sân hẹp, bay ra cả lối đi ngoài phố. Hương bưởi bay thơm cả một đoạn phố dài. Không ai giật mình bởi mùi hương đã quá quen thuộc. Phố ấy có đến gần chục cây bưởi, hệt như có một gã chim tha hạt rồi đánh rơi trên đường bay, rồi hạt mọc thành cây giăng theo một dải phố…

Nhưng cây bưởi nhà lại có những vị ngọt khác, vị chua khác. Nó khác với những giống bưởi vườn bên cạnh ở quả to, múi to, dài và cong nhưng lõi quả lại rỗng. Hạt bưởi nhỏ và tép bưởi bóng mượt, tròn múp míp xếp vào nhau. Cuối mùa thì múi bưởi dường như căng nứt. Không phải bưởi đào để cho những màu hồng đào quyến rũ, không phải bưởi cay để cay cho đến những ngày cuối cùng, cũng không chua hẳn để đong đưa như những nàng bưởi chanh. Bưởi nhà chua chua, ngọt ngọt, mát mát, the the. Nó tạo cảm giác xa gần, nhung nhung nhớ nhớ cho những người đi xa….

Năm 12 tuổi tôi bị ngã một lần từ trên cành bưởi bị sầu khi leo lên chặt cho mẹ cành tầm gửi. Cú ngã đau điếng làm mẹ thương lắm. Từ ấy không ai leo lên chặt cành tầm gửi nữa. Ông nội tự chế ra một cái móc sắt giống cái liềm, buộc vào đầu một cái sào, cứ tầm gửi mọc lên thì mang ra kéo gãy xuống…

Nhưng người ta lại bảo cây bưởi nào cũng cần phải có một hai cành tầm gửi, bưởi mới ngon…

Cái sào này cũng được dùng để hái bưởi. Trừ khi có dịp lễ lạt giỗ chạp gì cần lấy bưởi để thờ cúng, sẽ có những người leo lên, còn lại thì thường là lấy sào chọc cho quả rụng xuống. Ngày hái bưởi, bưởi rụng xuống sân bồm bộp chắc khỏe. Có quả theo đà lăn lông lốc cả ra ngoài đường…

Mùa hè ở phố huyện, trẻ con người lớn hay ở xa về. Và trước mỗi năm học mới trở lại thành phố. Ông nội hay sai người lấy bưởi xuống, rồi dùng một sợi dây dài, xiên từng quả thành xiên như chuỗi vòng, gửi mang đi làm quà. Xe đạp (ngày xưa), xe máy (gần đây) đi khỏi phố huyện tòng teng những quả bưởi trước và sau xe. Và tôi chắc rằng những đứa trẻ kia, trên đường đi đều háo hức về đến nhà, để mau mau được chia quà quê cho bạn. Để được quây quần gọt bưởi ngay tắp lự sau khi xuống khỏi cái yên xe bố mẹ đèo và nhảy chân sáo. Bưởi đồng bằng từ đó mang lên Hà Nội, ra Hải Phòng, Quảng Ninh… thậm chí theo xe khách, theo tàu Thống Nhất vào tận Biên Hòa…

Nhớ lần đầu tiên được ăn chè bưởi. Quán chè do một cô công nhân về hưu mở. Thú vị vô cùng vì phát hiện ồ cùi bưởi mà cũng có thể nấu chè được nhỉ. Chè bưởi thơm mềm quánh quánh bột nếp, bột đao, đậu xanh. Lại thỉnh thoảng cắn vào miếng cùi nhỏ cắt hạt lựu xôm xốp man mát sần sật. Chè bưởi ở các thành phố sau này trong tôi vẫn mãi là thứ quà quê như buổi đầu được ăn năm 12 tuổi góc phố huyện ngày ấy… 13 tuổi tôi chưa biết sau này ở các quán cà phê còn có nhiều món như sinh tố bưởi, nước ép bưởi… Rồi bưởi lại còn có thể đàng hoàng vào các quán karaoke giải sầu và ở luôn đấy, trở thành món thời thượng. Có lẽ vì khi ăn bưởi, người ta thấy ngọt giọng hơn, và hát hăng hơn…

Trái của tuổi thơ

Nhưng năm 12 – 13 tuổi chúng tôi đã không còn chơi đèn đèn lồng hạt bưởi nữa rồi. Chưa hẳn vì chúng tôi đã lớn, mà những trường chuyên lớp chọn đã làm mờ đi, mất đi rất nhiều những kỷ niệm tuổi thơ. Một vài đứa theo gia đình chuyển lên các thành phố, thị xã lớn. Hai năm sau thì có đứa bỏ học đi xa hoặc ở nhà làm ăn với gia đình… Không còn ai đi nhặt hạt bưởi, bóc vỏ rồi phơi khô, rồi xiên thành từng tràng hạt dài, để có những buổi tối mùa trung thu mang đi khắp xóm đốt. Hạt bưởi có dầu, cháy nổ lép bép, lại tỏa mùi khét bùi bùi của hạt khô bị cháy. Để thấy lẫn trong những chùm sáng lấp lánh tuổi nhỏ là những đèn ông sao, đèn kéo quân, và nến sáng… Những chùm sáng chen giữa những mâm cỗ, đĩa bánh trung thu giản dị, có bánh bích qui, kẹo vừng kẹo lạc, chuối, cốm và hồng, hay chỉ có một trong những thứ ấy. Nhưng chắc chắn mâm cỗ trông trăng nhà nào cũng không thể thiếu bưởi. Bưởi nguyên quả lấy từ cây nhà, bưởi múi được chia từ sân khu tập thể, từ chi đoàn thanh niên, từ cơ quan của bố mẹ mang về…

Sau trung thu vỏ bưởi trắng đầy phố. Lại cô lao công già cần mẫn quét nó đi. Chẳng ai phàn nàn vì trẻ con và trung thu. Ai cũng muốn những đứa trẻ trọn vẹn với niềm vui mỗi năm chỉ có một lần, để rồi vài năm sau lại lớn lên, và đi xa, và lo toan học hành, đời sống…

Những đứa trẻ đi xa học hành, rồi sẽ trở thành vô tình, thường thế... Còn lại vài người mẹ, người bà, người chị lỡ thì ngồi gọt vỏ bưởi, phơi khô để gội đầu. Nồi nước gội đầu tôi nhìn thấy hồi ấy có hương nhu, bạc hà, lá tre, lá bưởi hay nhiều nhiều những lá gì đó có tinh dầu… Bây giờ những người bà ấy hầu như đã mất, những người mẹ người chị ấy trở thành hiếm hoi ở phố huyện, giữa những mỹ phẩm dầu gội quảng cáo tràn lan ngoài phố, ngoài chợ, trên sách báo, ti vi…

Tôi về phố huyện, leo lên gác nằm đọc báo. Đọc chán thì ra sân thượng ngắm phố. Cái phố huyện nhỏ này cũng đang rùng rùng chuyển động. Những mái ngói màu nâu sẫm mất dần, những nhà cao tầng xây hình ống kiểu nhà phố mọc lên tới tấp. Đất phố huyện đắt tương đương đất Hà Nội, dân phố nháo nhác nói chuyện tiền tỉ. Cùng lúc là những cây cối mất dần đi. Hàng nhãn lối ra trường chuyên bị chặt, hàng xà cừ biến mất tự bao giờ… Hàng dâu da cổ thụ còn lác đác vài cây ở lối vào bệnh viện… Hàng bàng cũng còn thưa thớt. Chỗ những căn nhà mới, vài cây hoa sữa mọc lên, như để làm cảnh, như để theo mốt hoa sữa thơm Hà Nội. Phố huyện cũng chẳng còn vẻ lơ mơ trầm buồn tĩnh lặng của mười mấy năm trước, khi mà trẻ con có thể ngồi ở hiên nhà mà đếm được những chuyến xe qua…

Chỉ duy nhất khu sân trường cấp hai vẫn còn xanh um. Hay chỉ trẻ con là còn cần bóng mát?

Những cây bưởi giờ xanh nơi đâu, những hoa bưởi giờ bay nơi đâu. Mà chiều nay trời sầm sì như sắp có bão. Bưởi sẽ rụng về đâu sau cơn bão này. Khi mà đến cả mẹ cũng thờ ơ với bão, không còn lo lắng sợ bưởi rụng, rồi lo che chắn, lấy bao vải buộc túm lại những cành đong đưa. Cây bưởi nhà vốn to và cao lắm, gần bằng một cây xà cừ. Ngày xưa mỗi lần sau bão, bưởi rụng lăn lóc đầy sân, bà tôi mẹ tôi ra mở cửa thế nào cũng xuýt xoa than trời tiếc rẻ.

Duy chỉ trẻ con là thích, cứ như là vớ được quà của trời, vì có thể được ăn đến no nê, được hào phóng cho nhau thoải mái. Thậm chí ngay khi quả còn cay, còn nhặng đắng, vẫn gọt ra chén. Bưởi non quá thì dùng để đá bóng hay đôi khi chơi trò ném nhau…

Giờ cả đoạn phố hình như còn mỗi cây bưởi này, dù nhà đã được xây lại, nhưng cây bưởi vẫn không bị chặt. Xa hơn vào trong làng, còn một vài cây đứng quay quắt…

Nhưng bọn trẻ con chả còn quan tâm đặc biệt đến những thứ cây cối xung quanh. Chúng ăn bưởi và biết đấy là quả bưởi thế thôi. Có đứa bé nào kịp nhận ra khi mẹ đèo xe máy vèo qua một cái, để mà hỏi mẹ ơi cây này là cây gì, hay thích thú reo lên khi nhìn thấy một cây bưởi sai lúc lỉu quả…

Sân vẫn trắng mưa và hương bưởi tháng Ba, vẫn vàng chanh hanh khô ngày nắng tháng Tám.

Đôi khi có đàn chim vẫn bay qua đây, có con chim dại khờ vẫn nán lại làm tổ nơi đây…

Để tháng Mười bay đi hết…

Ngồi trên căn gác, giữa muôn nóc nhà lô xô của kỷ niệm và không – kỷ - niệm. Tôi có phải là một gã chim dại khờ đến làm tổ trên cây bưởi già cheo leo…

Và tha đến những sợi rơm khô của ký ức…

Tháng Tám không còn giữa muôn cây. Dù cành bưởi thu vẫn đu đưa chùm quả. Con đường trước mặt hóa thành một nhánh phố lạ lùng. Thành một nhánh cây có nhiều tầm gửi.

Tháng Tám... Tôi chỉ thấy những thông điệp của mùa thức dậy, bay đi….

Phạm Trung Kiên