itaexpress / Tin ITA / Thể thao - Giải trí / SK - Điện ảnh / Đời cha ăn mặn...

Đời cha ăn mặn...

Dù mới chỉ đi hết già nửa chặng đường trong tổng số 26 tập mà bộ phim Luật đời đã để lại khá nhiều ấn tượng trong lòng công chúng hâm mộ. Nhiều người trong khu tập thể tôi cứ tối đến là kháo nhau nhanh lên về còn xem Luật đời kẻo hết.

Luật đời là bộ phim được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết Luật đời & cha con của nhà văn Nguyễn Bắc Sơn đã gây được sự chú ý của độc giả. Đây là bộ phim đã đi vào một đề tài khá gai góc và xương xẩu của thời kỳ chuyển đổi cơ chế từ quan liêu bao cấp sang thị trường, nên nó vẫn còn mang tính thời sự. Đạo diễn Mai Hồng Phong đã khá mạnh tay và biết cách lách vào những vấn đề đủ khó, nhưng lại là những cái mà phần lớn công chúng quan tâm.

Câu chuyện xoay quanh gia đình ông Lê Hòe (NSƯT Hà Văn Trọng đóng), một chuyên viên chính trị cao cấp cứ khăng khăng bắt đứa con trai của mình, một thiếu tá quân đội phải phục vụ trong quân ngũ, không được ra ngoài mở công ty, làm kinh tế tư nhân. Vì theo ông mở công ty tư nhân là đi theo tư bản, như vậy là không kiên định lập trường tư tưởng, phương hại đến uy tín và danh dự của những người như ông, một thời chỉ biết rập đúng những cái khuôn đã được định sẵn. Ai làm khác đi là chống đối, là không yêu nước. Trái lại, bà Phụng (vợ ông Hòe, do NSƯT Thanh Quý đóng) luôn tìm mọi cách lợi dụng uy tín của chồng để lo vun thêm cho những mối lợi riêng của gia đình một cách quá mức. Anh Lê Đại (do Quốc Tuấn đóng), con trai ông Hòe và bà Phụng, nguyên là một sĩ quan quân đội, là người khảng khái, năng động, thích lao động và cống hiến, nhưng hơi bốc đồng trong khi chưa đủ kiến thức và kinh nghiệm, nhưng quyết tâm lao vào con đường làm giàu. Cách nghĩ và cách làm của Đại khá hợp với ý nghĩ và tính cách của mẹ, nên anh và mẹ đã đứng về một phía đẩy mâu thuẫn giữa hai mẹ con và ông bố cùng các thành viên còn lại trong gia đình là cô em gái Thảo Tần và cô Miên, vợ anh, ngày càng căng thẳng và trầm trọng hơn.

Chính Lê Đại đã từng tuyên chiến với bố bằng những luận điểm, mới nghe tưởng chừng rất có lý: Thời bố, yêu nước và lý tưởng sống là độc lập tự do cho đất nước, còn thế hệ của con cũng có lý tưởng và cách yêu nước của chúng con là làm cho dân giàu, nước mạnh. Những lời khẩu chiến ấy của con trai là ngòi nổ đầu tiên báo hiệu những mâu thuẫn giữa các thành viên trong gia đình, đúng hơn là mâu thuẫn giữa các thế hệ trong buổi đầu của nền kinh tế thị trường ở nước ta.

Nhưng, bi kịch của gia đình ông Lê Hòe chỉ thực sự được đẩy lên đến đỉnh điểm khi anh lại quyết định rời bỏ Sở Công thương thành phố, xin nghỉ sinh hoạt Đảng, thành lập Công ty Sao Việt. Biết được tin ông Hòe đã đột quỵ và phải vào bệnh viện cấp cứu. Sau khi xuất viện được một thời gian, ông quyết định xin nghỉ hưu trước tuổi vì cảm thấy mình không còn đủ uy tín để đứng trên bục giảng nói với mọi người những vấn đề về cơ chế.

Việc ông Hòe về hưu đã làm cho bà Phụng thất vọng vì hằng ngày bà sẽ không còn được nhận và đếm nhiều phong bì tiền quà cáp, hối lộ và quan trọng hơn là bà mất chỗ dựa về uy tín để thực hiện các phi vụ làm ăn của mình. Nhưng với một người hám lợi ra mặt như bà Phụng thì chẳng bao giờ chịu bó tay. Bà quay sang hợp tác với con trai. Còn Đại được mẹ tiếp tay, suốt ngày say sưa bàn tính mưu kế kiếm tiền, lao theo những phi vụ làm ăn, bỏ mặc việc nuôi dạy con cái cho người vợ.

Cứ thế, mỗi người trong cái gia đình ông chuyên viên chính trị cao cấp Lê Hòe đuổi theo tham vọng của riêng mình. Ông Hòe những tưởng về hưu trước tuổi thì sẽ được thanh thản hơn trong những năm tháng cuối đời. Bà Phụng và con trai suốt ngày rượt đuổi theo những phi vụ làm ăn. Thảo Tần yên tâm hơn vì đã tìm được một người chồng tương lai lý tưởng. Miên, vợ Đại lại tìm cách nương nhờ vào sự đùm bọc, chia sẻ về tình cảm của phó giám đốc Việt, cái rất cần đối với bất kỳ một người phụ nữ nào trên thế gian này. Cu Cường, con trai của Đại và Miên luôn cảm thấy mình bị bố bỏ rơi nên ngày càng trở thành một cậu bé bất cần. Đến lúc này, được tận mắt chứng kiến tất cả những việc xảy ra trong gia đình, ngoài xã hội, ông Lê Hòe hiểu ra rằng cuộc sống đã đi theo những hướng đi mà ông không kiểm soát nổi.

Có lẽ bức thông điệp mà những nhà làm phim Luật đời muốn gửi đến công chúng chính là cuộc sống có quy luật riêng của nó. Ai cố tình không hiểu và đi ngược lại quy luật đó ắt phải trả giá. Chỉ có điều là cái giá phải trả đó, không ai giống ai và kết cục của mỗi cuộc đời sẽ đi đến đâu thì mọi người cần phải xem hết phim mới có thể biết được và đưa ra được ý kiến riêng của mình.

Theo SKĐS