itaexpress / Tin ITA / Thể thao - Giải trí / SK - Điện ảnh / Hợp tác điện ảnh Việt – Hàn: Cửa đã mở nhưng chưa rộng

Hợp tác điện ảnh Việt – Hàn: Cửa đã mở nhưng chưa rộng

Cảnh trong phim Mười.

Nằm trong khuôn khổ hoạt động của sự kiện giao lưu văn hóa và phim ảnh Những ngày Busan tại TPHCM, ngày 10-11, tại rạp Diamond, đã diễn ra buổi hội thảo hợp tác điện ảnh VN - Hàn Quốc.

Với nội dung xoay quanh triển vọng hợp tác điện ảnh giữa hai nước và xúc tiến khả năng thành lập Ủy ban Điện ảnh ở VN, hội thảo thu hút sự chú ý của đông đảo mọi người. Rất nhiều nhà sản xuất, phê bình phim, đạo diễn tên tuổi trong nước đã có mặt lắng nghe.

Chỉ là gia công, làm thuê

Việc hợp tác làm phim giữa VN và Hàn Quốc đã bắt đầu từ đầu thập niên 1990. Khá nhiều đoàn làm phim Hàn Quốc đến quay ngoại cảnh tại VN. Tháng 9-1990, đạo diễn Hwang Yong Sam và các nhà sản xuất của Hãng phim Dong Lim đã đến TPHCM và một số địa điểm ở miền Đông Nam Bộ để quay bộ phim Sài Gòn xa xăm. Bộ phim là câu chuyện cảm động nói về mối tình giữa một quân nhân Hàn với cô gái VN. Sau Sài Gòn xa xăm, bóng dáng quân nhân Hàn một lần nữa xuất hiện trong phim Huy hiệu trắng của đạo diễn Chung Ji Young. Phim quay ngoại cảnh tại Bà Rịa - Vũng Tàu và sau đó đã đoạt giải thưởng lớn tại Liên hoan phim Quốc tế Tokyo - Nhật năm 1992. Không chỉ chào đón các hãng phim Hàn Quốc, VN cũng là điểm dừng chân của Đài Truyền hình SBS. Bộ phim dài 22 tập của hãng mang tên Vĩnh biệt sông Ba đã thu vào ống kính những cảnh đẹp ở Sài Gòn, Vũng Tàu, Phan Thiết, Phan Rang, Lâm Đồng... Vài năm trở lại đây các nhà làm phim Hàn Quốc cũng chủ động hợp tác với các hãng phim VN làm ra những bộ phim Việt - Hàn như: Cô dâu Hà Nội, Cô dâu vàng, Mùa ăn tôm hùm (đài SBS hợp tác với Hãng phim Truyện I), Lẵng hoa tình yêu (hợp tác với Hãng phim Truyền hình TPHCM), Mùi ngò gai (hợp tác với Hãng phim Gia đình Việt), Mười (hợp tác với Hãng phim Phước Sang) và mới đây là Miss Audition (Hãng phim Phước Sang), Vườn ảo thuật (với Hãng phim Gia đình Việt).

Tuy nhiên, nhìn lại việc hợp tác làm phim này có thể thấy một thực tế rằng các nhà làm phim VN chỉ mới dừng lại ở mức độ làm thuê, cung cấp dịch vụ cho phía Hàn Quốc chứ phần đóng góp vốn của phía VN rất nhỏ và dường như không đáng kể. Điển hình gần đây là bộ phim Mười, nhà sản xuất Phước Sang từ chối công bố tỉ lệ phần trăm vốn góp với Hàn Quốc. Và khi băng đĩa lậu của bộ phim này xuất hiện, người xem dễ dàng nhận thấy Mười mang dấu ấn Hàn Quốc nhiều hơn là VN từ cách kể chuyện, nhân vật cho đến tần suất xuất hiện của các diễn viên VN: Bình Minh, Anh Thư, Hồng Ánh trên màn ảnh. Việc Mười phát hành tại VN sau Hàn Quốc cũng đủ chứng tỏ sự hợp tác Việt - Hàn kia chỉ dừng ở mức độ trên danh nghĩa. Bởi nếu đã hợp tác thì không thể nơi phát hành trước, nơi sau. Nói về điều này, ông Phước Sang thổ lộ: “Nếu phát hành đồng loạt mà lỡ có băng đĩa lậu tuồn ra từ VN chúng tôi phải đền một số tiền rất lớn cho phía đối tác, nên đành chọn phương án chiếu sau để nếu băng đĩa lậu xuất hiện cũng được phía bạn đền một số tiền đủ gỡ lại vốn”.

Sẽ có Ủy ban Điện ảnh VN tại TP.HCM?

Nói về triển vọng giao lưu hợp tác điện ảnh Việt - Hàn trong tương lai, phía Hàn Quốc đưa ra nhiều cái nhìn khá lạc quan. Theo họ, VN có nhiều ưu điểm về thiên nhiên trong đó TPHCM có nhiều thuận lợi cho việc quay ngoại cảnh, giá nhân công rẻ. Điều mà VN cần làm là xúc tiến thành lập một Ủy ban Điện ảnh VN tại TPHCM. Ông Park Kwang Su - đạo diễn nổi tiếng đồng thời là giám đốc điều hành Ủy ban Điện ảnh Busan, cho biết: “Các nhà làm phim Hàn Quốc như chúng tôi nhiều khi muốn đến TPHCM để quay phim nhưng không biết liên hệ với tổ chức nào để có được những thông tin cần thiết cho nên đành chuyển hướng sang Bangkok, Thái Lan bởi ở đó họ có Ủy ban Điện ảnh”. Đồng tình với ý kiến trên, bà Dương Cẩm Thúy, Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh TPHCM, chia sẻ: “Từ tháng 7-2007 Luật Điện ảnh đã có hiệu lực, trong đó cho phép các tỉnh, thành được quyền cấp giấy phép làm phim, vì vậy TPHCM có nhiều thuận lợi để thành lập Ủy ban Điện ảnh”. Cũng theo bà, để tăng cường giao lưu hợp tác điện ảnh Việt - Hàn cần có những lớp chuyên đề ngắn hạn mời chuyên gia Hàn Quốc sang truyền kinh nghiệm, tổ chức tuần lễ phim Hàn Quốc tại VN và ngược lại, xúc tiến chương trình hợp tác làm phim giữa TPHCM với các hãng phim Hàn Quốc...

Riêng về khả năng phim VN xâm nhập thị trường Hàn Quốc, ông Kim Seung Eui, Chủ tịch Quỹ Korean Foundation, cho biết: “Hai năm gần đây các hãng phim VN đã giới thiệu nhiều phim sang Hàn Quốc, vừa rồi tại Liên hoan Phim Busan ban tổ chức cũng đã mời hai phim Áo lụa Hà Đông và Chuyện của Pao tham dự. Hiện 2 bộ phim này đã được Chính phủ Hàn Quốc mua bản quyền để trình chiếu tại Hàn Quốc, ngoài ra, chúng tôi cũng đang có kế hoạch để giới thiệu Áo lụa Hà Đông, Chuyện của Pao ra các nước lân cận”.

Ý tưởng thành lập một Ủy ban Điện ảnh VN tại TPHCM nhiều khả năng sẽ trở thành hiện thực vào năm 2008 và như vậy trong tương lai, cánh cửa hợp tác làm phim giữa VN và Hàn Quốc sẽ ngày càng rộng mở đối với những nhà làm phim trong nước lẫn quốc tế.

Dương Nguyễn / NLĐ