itaexpress / Tin ITA / Thể thao - Giải trí / Văn hóa đọc / Dấu vết của mẹ

Dấu vết của mẹ

"Dấu vết của mẹ" mang đến một hình dung về thế hệ trẻ, một thế hệ lạc loài của một xã hội đang đổi thay. Những vấn đề của Anna là những vấn đề chung của con người, dù nó ở Ba Lan hay Việt Nam.

Tên sách: Dấu vết của mẹ - di sản của nỗi đau
Tác giả: Marta Dzido
Người dịch: Nguyễn Thị Thanh Thư
Phương Nam Book và NXB Hội Nhà văn ấn hành

" - Mẹ ơi, có phải đàn ông đều giống nhau và họ chỉ nghĩ đến mỗi một chuyện? Mẹ cũng không biết nữa, mẹ có biết hết đàn ông đâu. Thế còn những người mà mẹ biết? Những người mà mẹ biết thì đúng là như vậy".

"- Mẹ ơi, trẻ con từ đâu mà có? Từ tình yêu... Từ tình yêu hoặc là do sai lầm. Thế con thì do sai lầm hay tình yêu?"

"- Mẹ ơi, người ta sinh ra tốt hay là xấu? Tốt. Thế thì cái xấu từ đâu ra? ... Cái xấu... Cái xấu giống như là lớp mỡ cứ dầy lên theo tuổi tác”...

Những đoạn đối thoại ấy mở ra, bắt đầu và cứ treo lửng lơ bất kỳ trong một phần nào đó của cuốn sách, như sự bất chợt sáng lại của ký ức tưởng đã được rũ sạch.

"Dấu vết của mẹ" mang bóng dáng của một tự truyện, với những trải nghiệm giật mình của tuổi mười chín. Cô gái ấy thản nhiên đau.

Bìa cuốn sách “Dấu vết của mẹ”

Khi một mầm sống bắt đầu hình thành trong cô gái mười chín tuổi, điều gì sẽ xảy ra? Cầm chắc là những cơn hoảng loạn. Sau đó, có người đã tìm được niềm an ủi sau cuộc sinh nở đau đớn. Người khác lại dấn tâm trí vào cơn tuyệt vọng triền miên và chối bỏ phôi thai trong dạ mình để rồi thao thức hoài về cảm giác tội lỗi. Mỗi người chọn một con đường khác nhau. Nhưng có một sự luôn giống nhau, sai lầm thế hệ sau chồng lên sai lầm của thế hệ trước, đó là cả đời họ bị đàn ông dẫn dụ, đẩy vào hết bi kịch này đến những cơn đau khác, nhưng liều thuốc an thần thực sự với họ vẫn là những điều tốt đẹp còn lại trong những người đàn ông hiếm hoi... Có thể coi “Dấu vết của mẹ” là một cuộc tự vấn và đeo đuổi những nghĩ suy như thế.

"Có những người đàn bà mà việc nạo thai không để lại nơi họ một dấu vết nào. Họ nạo thai, thở phào nhẹ nhõm và tiếp tục đi. Nhưng với những phụ nữ không thể sống với cái bụng bỗng nhiên trống rỗng của mình thì sao? Với họ, cùng với cái thai bị nạo đi là cả trái tim nữa? Sẽ ra sao với những phụ nữ mà bên cạnh việc nạo thai, tâm lý của họ cũng bị nạo sạch trơn?"... Anna, nhân vật tôi trong truyện, là dạng phụ nữ thứ hai. Cô luôn mơ thấy mầm sống của mình, nơi nghĩa địa với nấm mồ bé nhỏ. Cô tin nó là một linh hồn. Mà cô đã kiệt quệ trong vũng xoáy của tội lỗi và buộc phải không có nó. Người yêu cô, cậu bạn cùng tuổi cùng lớp, người luôn nghĩ có tiền là giải quyết được tất cả. Và cô đã phải một mình đến căn phòng của bác sĩ, để tẩy đi giọt máu của mình.

Cô cũng từng là một giọt máu như thế, khi mẹ cô cũng đã khờ dại ở tuổi mười chín. Anna đi tìm kiếm sự yên ổn trong tâm hồn bằng ma tuý, bằng những viên thuốc "tăng tốc", bằng sự vuốt ve mơn trớn của tình yêu đồng tính, bằng những câu chuyện và những giấc mơ trộn lẫn. Nhưng càng đi càng thấy mình rơi vào hố vực của tuyệt vọng. Cả hai mẹ con Anna đều tức giận, nhiều mối hận với đàn ông. Nhưng người cứu vớt họ trong những cơn tuyệt vọng lại chính là Albert, người thợ ảnh cho những tạp chí lá cải, người đàn ông tử tế còn sót lại trong thành phố Varsava mòn vẹt thất vọng. Mẹ Anna đã yêu và sống với người đàn ông này. Và chính cô cũng tìm được sự nương tựa tâm hồn từ người đàn ông này. Sự nương tựa đó hình như có cả tình yêu. Nhưng hình như, lớn hơn cả tình yêu...

Marta Dzido, nữ đạo diễn và nhà văn Ba Lan viết cuốn sách này ở tuổi 19, góp thêm một màu sắc khác của văn học Ba Lan tại Việt Nam. Nội dung cuốn sách không mới, có thể chúng ta từng gặp nó trong những Y Ban, Nguyễn Thị Thu Huệ... của thập niên 90. Nhưng điều đặc biệt thuộc về một giọng văn điềm tĩnh đến ngạc nhiên, những trải nghiệm đặc biệt ở một cô gái trẻ. Cuốn hút, những đoạn thoại thú vị, không sa đà vào thê lương bi luỵ, Dấu vết của mẹ mang đến một hình dung về thế hệ trẻ, một thế hệ lạc loài của một xã hội đang đổi thay. Những vấn đề của Anna là những vấn đề chung của con người, dù nó ở Ba Lan hay Việt Nam.

Dương Bình Nguyên