itaexpress / Tin ITA / Thể thao - Giải trí / Văn hóa đọc / Ludmila Ulitskaya: Cái cần đối mặt là nhân cách con người

Ludmila Ulitskaya: Cái cần đối mặt là nhân cách con người

Nhà văn Nga Ludmila Ulitskaya.

Với cuốn tiểu thuyết Daniel Stain - người phiên dịch, nhà văn Nga nổi tiếng Ludmila Ulitskaya đã được giải thưởng Sách lớn 2007 của Nga và lọt vào danh sách chung kết giải Booker Nga.

Cuốn sách kể về một linh mục Do Thái trong chiến tranh đã cứu được hàng chục người, và những suy nghĩ của nhà văn về nước Nga hôm nay.

Ludmila Ulitskaya trả lời phỏng vấn báo Bằng Chứng Và Sự Kiện (ngày 11-12-2007).

* Có lần một nhà văn đã nói: sự thiếu vắng hệ tư tưởng ở đất nước chúng ta đã dẫn tới chỗ chúng ta mất đi những định hướng cuộc sống. Vì thế bây giờ chúng ta đang cố tìm mọi cách thay thế hệ tư tưởng bị mất bằng một cái gì đó, chẳng hạn như tôn giáo.

- Mọi hệ tư tưởng đều luôn là một cấu trúc nghiệt ngã. Khi con người chấp nhận cả một hệ tư tưởng thì hầu như tự động từ chối quyền suy nghĩ độc lập. Điều này phần nào đó cũng tiện lợi. Tất cả vấn đề đều có sẵn giải pháp. Có những người rất tốt, đạo đức, nhân ái nhưng không tin vào sự tồn tại của một nguyên lý tối cao trong thế giới. Lại có những kẻ độc ác, ti tiện, xấu xa nhưng lại được ban cho tình cảm tôn giáo. Và hoàn toàn không bắt buộc là người có đạo tốt hơn người vô đạo.

Theo tôi, chỉ có một điều quan trọng phân biệt họ: người theo đạo tự chịu trách nhiệm về hành vi mà đức tin bảo họ làm, còn người vô thần tự do tự mình lựa chọn và tạo nên các định hướng đạo đức riêng. Hay là nói chung không tạo ra các định hướng đó.

* Hiện nay centimet và kilôgram là những thông số cơ bản khi lựa chọn bạn đời. Đó là mốt hay là sự suy thoái không cưỡng được của xã hội?

- Đó là kết quả mà hệ tư tưởng của xã hội tiêu thụ dẫn con người hiện đại đến. Đàn ông và phụ nữ thường bị coi là hàng hóa trên thị trường hôn nhân. Đặc biệt là phụ nữ. Không thể nào giải thích được cho người lớn những điều đơn giản, nằm ngay trên bề mặt: sắc đẹp, tuổi trẻ, hình vóc cân đối rồi sẽ qua hết, rốt cuộc anh phải đối mặt với nhân cách con người. Ngoài ra, ngay sắc đẹp cũng thành nhàm, và không sắc đẹp nào đảm bảo được cho tình yêu vĩnh hằng. Tình dục là thứ tình cảm khá mong manh và thường bị bào mòn trước hết bởi chính sắc đẹp.

Hơn nữa, là một kẻ thù quyết liệt của "xã hội tiêu thụ”, tôi cảm thấy sex tự nó đang được thần thánh hóa và lớn lên thành một ngành công nghiệp. Đã xuất hiện cả một ngành công nghiệp sản xuất ra các phụ nữ cao như nhau, mặc cùng một loại váy áo, mang cùng một loại ví của một hãng. Hoàn toàn mất cá tính. Hiện nay cũng đã có cả những tiền đề cho việc "đặt hàng" cho mình những đứa trẻ tốt nhất theo gen của bố mẹ. Tôi thấy những chuyện đó là sự làm sai lệch ý nghĩa thần thánh về con người.

* Nhưng bà đã có lần nói nếu người nào "thời nhỏ đã đọc sách của bà thì khi lớn lên sẽ không phóng uế ở cổng". Bà có thấy cuộc chiến tranh giữa bà và dòng thác thông tin cơ bản sẽ thất bại?

- Hiển nhiên là thế. Người ta đã và sẽ vẫn phóng uế ra cổng. Thế giới chẳng hề thay đổi nếu tôi tự mình viết ra hàng triệu lời tuyên bố: "Đề nghị không phóng uế ra cổng. L. Ulitskaya". Cuộc chiến tranh này đã thất bại từ trước rồi. Tôi thuộc về đội quân thất bại. Nhưng may là vẫn còn sống... Mà có ai nói người tốt phải nhiều đâu? Nhưng họ có.

* Đây cũng là những lời của bà: "Chủ nghĩa lạc quan trong thế giới hiện nay thường có vẻ là ngu ngốc, còn chủ nghĩa bi quan theo nghĩa nào đó thậm chí là vô đạo đức". Theo bà, những người vẫn còn tin vào điều tốt đẹp và hi vọng những thay đổi tích cực có phải là những kẻ ngốc không?

- Họ không phải là những kẻ ngốc mà là những người ngây thơ. Tất cả những gì chúng ta có thể làm là dọn cho sạch thế giới quanh mình tùy theo khả năng riêng của mỗi người.

Ngân Xuyên / Tuoitre