itaexpress / Tin ITA / Việt Nam trong mắt tôi / Góc nhìn du khách / Kỳ bí dấu “voi đi”

Kỳ bí dấu “voi đi”

Suối Hầm Hô – một cảnh đẹp của

Bông Miêu

Dù đã được UBND tỉnh công nhận là Di tích danh lam thắng cảnh (năm 2007) nhưng Thác Trắng – Hầm Hô vẫn là một địa danh hoàn toàn mới lạ với phần đông người Quảng Nam. Không dễ gì đến được nơi lưu giữ những “dấu chân voi” kỳ bí từ hơn 500 năm trước…

Muốn thăm Thác Trắng – Hầm Hô phải đặt chân đến Bông Miêu (Tam Lãnh, Phú Ninh) – nơi núi đá đang lưu giữ 10 tấn vàng (theo Địa lý kinh tế Việt Nam, 2002), nơi từng đi vào ca dao như một nỗi u hoài non nước Từ ngày Tây lại Cửa Hàn – Đào sông Câu Nhí, bòn vàng Bông Miêu. Phải đi lại trên con đường mòn thời phu đào vàng thế kỷ 19, sau đó thì cắt rừng. Thác đổ qua Dốc Dẻo xuống con suối Hầm Hô. Đồng hành với thác có bãi đá, dân gian gọi là bãi đá Chăm.

Sự kỳ bí nằm ở đây. Trên bề mặt của các tảng đá có những hốc lõm vào hình tròn, bầu dục kéo dài thành một vệt từ Hầm Hô lên đỉnh Giỏ Ô. Những nghiên cứu gần đây thì quả quyết đó là dụng cụ đãi vàng bằng đá của người Chăm vào thế kỷ 10 – 15, chứ không phải dấu chân voi khổng lồ như truyền thuyết. Người Chăm đã đục những tảng đá tạo nên hệ thống cối, máng, bồn rồi lợi dụng nước của Thác Trắng, Hầm Hô đãi vàng. Người ta lấy những miếng đá có vàng (vàng gốc) tại Bông Miêu đưa vào cối (sâu 0,5m, đường kính 0,5m) trên đỉnh thác để giã, nghiền ra quặng, sau đó đưa xuống máng ở lưng chừng thác để nhờ nước đãi bớt phần đá, cuối cùng đưa xuống bồn ở Hầm Hô, nơi đây nước chảy hiền hoà hơn, để lọc ra vàng. Công nghệ tuyển vàng bằng nước này của người Chăm sau đó người Việt kế thừa. Hiện tại ở Thác Trắng – Hầm Hô có chừng 120 dụng cụ đãi vàng của người Chăm như vậy.

Hầm vàng của người Chăm còn sót lại tại Bông Miêu

Ngoài hệ thống dụng cụ đãi vàng, người Chăm còn lưu lại ở Bông Miêu hệ thống hầm lò do chính họ đào để lấy vàng tại núi Kẽm. Khác với hầm vàng của người Pháp có hình chữ nhật, cao 2,5m và rộng 2m, hầm vàng của người Chăm có hình tròn, nhỏ (đường kính 1,2m) nhưng mà sâu hun hút, không biết đâu là điểm cuối cùng. Người Pháp có sử dụng một số hầm vàng của người Chăm (mở rộng thêm ra) bây giờ vẫn còn tại Bông Miêu. Trong những hầm vàng này cứ 1km có một hội trường rộng rãi để họp, có hội trường để phu làm vàng nghỉ ngơi, có hội trường để đặt máy thổi khí, có hội trường để đặt máy phát điện... Vào “tổ mối” khổng lồ trong lòng núi này mới thấy sự kỳ vĩ của công sức con người trong việc khoét núi lấy vàng cần mẫn suốt 10 thế kỷ qua của cả người Chăm lẫn người Việt. Hệ thống cối, máng, bồn đá bên dòng Thác Trắng – Hầm Hô chỉ là một “dấu chân” của quá khứ còn sót lại để gợi nhắc về những biến thiên, dâu bể của một chặng đường lịch sử…

Cối, máng, bồn đá đãi vàng của người Chăm tại bãi đá Chăm

Đến tháng 6.2008 này khả năng con đường mòn lên Thác Trắng – Hầm Hô nơi có dấu “voi đi” sẽ được thảm nhựa xong để đón chào những du khách.

Theo Huỳnh Phước Lê / SGTT