itaexpress / Quỹ ITA-s / Câu chuyện ITA-s / Cô giáo Nguyễn Thị Tâm - Tình yêu nghề và tinh thần vượt khó

Cô giáo Nguyễn Thị Tâm - Tình yêu nghề và tinh thần vượt khó

Năm 1997, sau khi tốt nghiệp THPT, cô gái Nguyễn Thị Tâm quyết định rời Nam Đàn, Nghệ An vào Lâm Đồng học tập và lập nghiệp. Ba năm sau, chị tốt nghiệp khoa Ngữ Văn, Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt và chính thức gắn bó với nghề giáo.

Khi được hỏi vì sao lựa chọn để trở thành một cô giáo dạy Văn và tình nguyện về công tác tại vùng sâu, vùng xa, chị tâm sự: “Bắt đầu từ những năm cấp II, tôi đã rất thích học Văn. Lên cấp III, niềm yêu thích, say mê ấy như càng được nhân lên khi tôi may mắn được học với cô Hoàng Thị Oanh trong suốt 3 năm liền. Đó là một cô giáo có phương pháp sư phạm rất hay và cuốn hút. Từ đó, tôi mong muốn sau này mình sẽ trở thành một giáo viên dạy Văn, đem kiến thức truyền thụ lại cho những thế hệ đi sau. Ra trường, tôi nhận sự điều động của ngành về vùng sâu vùng xa công tác, và cũng là vì thương các em học sinh vùng núi nghèo hiếu học. Tuy đời sống rất khó khăn, thiếu thốn, nhưng các em vẫn luôn cố gắng vượt lên hoàn cảnh để đến trường. Chính điều đó khiến tôi càng nung nấu quyết tâm: cố gắng làm hết sức mình cho học sinh của mình”.

Trong suốt 8 năm đi dạy, cô giáo trẻ Nguyễn Thị Tâm luôn là một tấm gương sáng cho học trò noi theo. Với đồng nghiệp, chị là một người đáng học hỏi và nể trọng về nghị lực sống và vượt qua những khó khăn, về những đam mê và cống hiến. 8 năm liền chị luôn làm tròn vai trò một giáo viên chủ nhiệm giỏi cùng các thành tích, danh hiệu khác như: Giáo viên giỏi cấp huyện 3 năm liền; giáo viên giỏi cấp tỉnh năm học 2006-2007; giải 3 Hội thi “Nghiệp vụ sư phạm giáo viên trẻ” của huyện và là giáo viên duy nhất đại diện cho huyện đi thi tỉnh… Điều đáng nói hơn cả là chị đi thi và đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp tỉnh năm học 2006-2007 trong lúc đang mang thai đứa con thứ hai ở tháng thứ 7 và sức khỏe rất kém, gầy yếu…

Sở dĩ đạt được những thành tích trên, theo chị, là có được sự cổ vũ, động viên rất lớn của đội ngũ sư phạm nhà trường và người thân (đặc biệt là anh Nguyễn Văn Lực - chồng chị, hiện công tác tại Trường THPT BC Nguyễn Trãi, Đức Trọng, Lâm Đồng - luôn động viên vợ về mọi mặt). Đồng thời là lòng nhiệt huyết, sự yêu nghề, mến trẻ và nghị lực vươn lên của bản thân chị. Ngoài ra, những kiến thức, kinh nghiệm… tích lũy được trong quá trình học tập, giảng dạy cũng tiếp thêm cho chị nguồn động lực vượt qua mọi gian khó để gặt hái những thành quả tốt đẹp. Hiện chị đã đạt chuẩn hóa bậc đại học về chuyên môn, nghiệp vụ.

Chia sẻ với đồng nghiệp về những kinh nghiệm trong công tác dạy học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, chị Tâm cho rằng việc cần làm đối với các giáo viên là phải đúc rút kinh nghiệm sau mỗi tiết học và luôn cải tiến phương pháp dạy học để truyền dạy cho các em học sinh một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất. Những sáng kiến kinh nghiệm chị trình bày trong Hội thi “Nghiệp vụ sư phạm giáo viên trẻ” của huyện rất được hoan nghênh như: đổi mới, cải tiến phương pháp dạy học theo Sách giáo khoa mới; rèn luyện kỹ năng nói, đọc tiếng Việt cho con em đồng bào ít người; chú ý đến việc ôn tập kiến thức cũ trong việc dạy bài mới; hướng dẫn phương pháp tự học bộ môn cho học sinh…

Nhận xét về chị, cô Nguyễn Thị Quỳnh, Hiệu trưởng Trường THCS Sơn Trung, Đức Trọng, Lâm Đồng - nơi chị Tâm đang công tác - nói: “Đó là một giáo viên trẻ, nhưng rất tâm huyết, nhiệt tình, trách nhiệm, vượt khó và có khả năng về chuyên môn, nghiệp vụ. Tuy hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn, hai vợ chồng cùng công tác trong ngành giáo dục, có con nhỏ, ba mẹ chồng già yếu và hay đau bệnh… nhưng cô Tâm luôn phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tuy gần đến ngày sinh nhưng cô vẫn miệt mài ôn tập lớp 9 và ôn tuyển sinh cho các em học sinh mà không màng đến 4 tháng nghỉ sinh theo chế độ (vì thời gian cô sinh con trùng với thời gian nghỉ hè)... Đó là điều mà tôi rất quý và trân trọng. Ngành giáo dục nước nhà rất cần những con người giàu năng lực và đầy tâm huyết như thế”.

Lương Kim Tuyến