itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Di sản "lên đời"

Di sản "lên đời"

Thị xã du lịch nức tiếng Hội An - nơi có di sản văn hoá thế giới khu đô thị cổ - đĩnh đạc bước vào năm 2008 với "chức danh" thành phố trực thuộc tỉnh Quảng Nam theo nghị định của Thủ tướng Chính phủ.

Thực ra, Hội An vốn xứng đáng là thành phố từ lâu, với đời sống kinh tế - xã hội, nếp sống của dân chúng ít nơi nào trong tỉnh có được và có lẽ "ngang tầm" với TP.Đà Nẵng cận kề. Giờ đây, vẫn là không gian ấy, những con người ấy, khu phố ấy, nhưng chiếc áo khoác lên mình đã khác, đã rộng rãi hơn, đẹp đẽ hơn. Vấn đề ở chỗ, Hội An sẽ "tung hoành" ra làm sao với lớp áo ấy?
Tấm áo cũ
Tôi đi lòng vòng các ngả đường nhỏ hẹp dọc ngang gần gụi chia ô bàn cờ các khu phố nội thành bên ngoài khu đô thị cổ, không thể không cảm thông với những du khách quốc tế thích cuốc bộ, nhưng chẳng thích nổi vẻ nhếch nhác và cảnh nước văng tung toé do dày đặc ổ gà xì xụp ngày mưa.
Ông Lê Văn Giảng - Chủ tịch UBND TP - tuyên bố: "Năm 2008 sẽ dừng các công trình chưa thật sự cần, để dồn 100 tỉ đồng thảm nhựa tất cả các tuyến đường xuống cấp trầm trọng".
Thả bộ vào trong lòng khu đô thị cổ kính hoà bình vốn dịu dàng mềm mại những con đường nhỏ uốn quanh, lại thấy cảnh đào bới, tôi nghe người dân phố cổ cứ xì xào, lo ngại tái diễn cảnh du khách vừa đi vừa "nấc cục" như năm trước. Dự án nâng cấp hạ tầng phố cổ của ngành văn hoá cứ sự cố liên tục. "Hạ tầng chung hiện chưa đồng bộ, chưa ngang tầm TP" - ông Giảng nhiều lần "công khai" với báo chí và với tỉnh. Ông còn nói thêm: "Cây xanh Hội An hiện vừa ít, vừa lộn xộn".
Nhưng "chiếc áo cũ" chật chội của Hội An còn bộc lộ những lỗ rách và chắp vá "khó nhìn" hơn thế nữa. Với đà tăng trưởng kinh tế quá "nóng" - khoảng 13% hằng năm, tập trung chủ yếu vào "mũi nhọn" dịch vụ-du lịch-thương mại chiếm hơn 65% tỉ trọng GDP, tuy người Hội An thu nhập ngày càng cao, đến 14,7 triệu đồng GDP bình quân đầu người, lại thêm được va đập, học hỏi mở mang nhờ tiếp biến văn hoá qua phát triển du lịch, nhưng ngược lại, Hội An cũng ngày càng trở nên quá tải về kinh doanh, trật tự đô thị và xã hội, kể cả sự mất chất của cái gọi là "nếp sống nguyên nghĩa Hội An", do bởi "càng tiến hoá nhanh thì cũng càng thoái hoá nhanh".
Những "chỗ rách" ấy không phải do tôi nhìn thấy, mà chính thị của một người Hội An "từ trong ruột" là ông Nguyễn Sự - Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND TP. Hiện tại, toàn bộ 1km2 trong lòng khu đô thị cổ đã nêm kín dịch vụ, kinh doanh. Trong khi đó, gần trăm ngôi nhà cổ đặc biệt cứ đến mùa mưa bão là phải la ơi ới lo sập bất cứ lúc nào, mà dự án trùng tu vẫn nhởn nhơ nhiều năm qua.
Nhiều người dân không đủ tiền trùng tu, phải bán đi cho người phương khác đến mua. Một ngôi nhà khá nổi tiếng ở ngay chân Chùa Cầu - biểu tượng di sản Hội An - vừa được bán với giá 9 tỉ đồng. Lại một ngôi nhà khác gần Phòng VHTT TP cũng vừa đổi chủ với giá hơn 3 tỉ đồng. Chính những thế hệ con người hít thở dưới mái rêu nhà cổ làm nên di sản. "Xác còn đây mà người đã đi đâu" - lời ông Sự.
Sự buôn bán phát đạt cũng tràn ra toàn bộ nhà cửa "mặt tiền" các đường phố, nối nghiệp lịch sử hơn 400 năm cảng thị "trên bến dưới thuyền" giao thương quốc tế sầm uất vốn làm nên di sản. "Mặt tiền" chỉ còn chỗ chen chân cho đại gia trong Nam ngoài Bắc có vàng thước thời buổi đại lên giá này. Hẻm sâu phố khuất cũng thành đất vàng, với giá cả thậm chí gấp đôi đất mặt tiền thành phố loại một Đà Nẵng kề bên. Ở thôn Cẩm Thành, một ngôi nhà cấp 4 chờ sập trên vạt đất chừng 300m2 trong hẻm bêtông rộng 3m đang treo biển bán, giá chỉ... 3 tỉ đồng.
Một người quen tên Việt kể chuyện nhà: Chỉ miếng đất khai hoang 800m2 hình chữ L mặt tiền 6m đường Hai Bà Trưng ở phường Cẩm Phô vừa được gia đình bán đi cho một đại gia làm nhà vườn du lịch, hốt về 3 tỉ đồng, chia 3 người con mỗi người nửa tỉ, lại chia cho bà con thân thích, còn hơn 1 tỉ mang đi mua đất cất nhà khang trang chĩnh choẹ ở khu dân cư thành phố loại một Đà Nẵng. Ông Sự nói "như rên", rằng năm rồi Hội An bắt đầu có mấy vụ cha con, anh em đưa nhau ra đến tụng đình vì tranh chấp nguồn lợi đất đai, nhà cửa.
Chiếc đinh và bức tranh
Cách đây 9 năm, Hội An được mệnh danh là "thị xã dưỡng già" với dáng vẻ trầm trầm cũ rích và những con đường nhỏ hẹp chỉ có tiếng gió thổi hun hút qua những mái rêu nhà cổ xập xệ. Cuối năm 1999, khu đô thị cổ Hội An ghi tên mình vào bản đồ di sản văn hoá thế giới của UNESCO. Người Hội An như bừng tỉnh, linh hoạt tìm đủ mọi cách sáng tạo ra các kiểu làm du lịch dựa vào lợi thế này.
Lập tức sau đó, màu rêu sáng bừng phố cổ, tiếng gió thổi bặt tăm trong tiếng xôn xao của du khách bộ hành. Hội An cũng nghiễm nhiên ghi tên mình trên bản đồ du lịch thế giới, hút về hàng triệu lượt khách đa quốc tịch tham quan, lưu trú, mua sắm, tham gia lễ hội văn hoá du lịch suốt tháng quanh năm.
Nhưng Hội An không chỉ có mỗi khu đô thị cổ. Đó chỉ là phố trong phố, một sự nối dài từ quá khứ đến hiện tại và tương lai. Người Hội An cũng vậy. Họ đã tìm cách nối tiếp một cách rất sáng tạo và dĩ nhiên là thành công quá trình xây dựng chứ không chỉ là khai thác di sản của ông cha để lại, để làm nên một Hội An đầy quyến rũ, một di sản động.
Tuy nhiên, hiện tại, về mặt không gian, Hội An đang tự chia mình làm hai: Một nửa là khu đô thị cổ, là linh hồn, là chiếc đinh treo nửa phần còn lại gồm hết những gì ở bên ngoài phố cổ. Tầm nhìn tương lai, tất cả là một, phải là một. Trong định hướng phát triển của Hội An, thành phố vẫn dựa trên nguyên tắc chiếc đinh treo bức tranh, nhưng là bức tranh tổng thể của một Hội An thành phố sinh thái-du lịch-văn hoá, một Hội An tròn đầy.
Tôi ngồi hơi lâu với ông Nguyễn Sự - người trở thành Anh hùng Lao động với những đóng góp cá nhân vào phát triển Hội An - để có thể "tổng hợp" được những ý tưởng mới nhất. Ông Sự nói: "Hội An sẽ là một sân khấu-cuộc đời. Du lịch sẽ phải làm theo cách riêng, với lợi thế riêng có, bằng những sản phẩm du lịch-văn hoá-sinh thái luôn luôn mới.
"Sân khấu" đô thị cổ vẫn nguyên nghĩa, đó là sự nguyên nghĩa về mặt bản chất trong sự vận động phát triển không ngừng nghỉ. Sẽ không chỉ có một khu phố đi bộ, hay một ngày trong tuần phố không có tiếng động cơ, mà là cả phố cổ chỉ dành cho khách bộ hành, sẽ vĩnh viễn không có tiếng động cơ để giữ không gian trầm tĩnh luôn luôn.

Anh đến phố cổ, muốn vinh quy bái tổ, ngựa anh đi trước võng nàng theo sau? OK. Chúng tôi sẽ võng lọng khiêng anh đến nơi đến chốn. Anh muốn là anh đồ gàn tung tẩy phố phường tơ lụa trên bến dưới thuyền? OK ngay. Chúng tôi sắm quạt giấy, bày khung cảnh để anh mãn nguyện. Hội An sẽ mời anh đến hưởng thụ không gian và thời gian như thật, riêng có ở Hội An, thoả mãn anh, để anh buông xả khỏi những lo toan thường nhật. Rồi chúng tôi lấy tiền anh, lấy tiền một cách tử tế và xứng đáng".
Hội An cũng sẽ "hiện đại hoá" chứ không phải là "giả cổ" để phục vụ nhu cầu sinh sống, giải trí của con người thế kỷ 21, với các phân khu đô thị-dịch vụ "mới cứng" ở phía nam, tây bắc, đông bắc. Người dân vùng ven sẽ "sống được, sống thoải mái" với cơ chế bảo tồn, khai thác du lịch làng nghề truyền thống, làng quê sinh thái.
Cồn bãi sông Thu Bồn và đảo Cù Lao Chàm hiện đang là một tiềm năng chờ khai phóng, với các dự án dịch vụ-du lịch "triệu đô". Biển đảo Cù Lao Chàm không chỉ là niềm kỳ vọng của Hội An mà còn của tỉnh, với quy hoạch thành trung tâm sinh thái-du lịch-dịch vụ đặc biệt. Khu vực cồn bãi đang trở thành đất vàng mà bất cứ dự án nào chậm triển khai cũng sẽ bị thu hồi, đem đấu giá quyền đầu tư, như dự án Cồn Ông Hơi vừa thu về 92 tỉ đồng một lúc.
Cũng chính trong ví dụ điển hình này, Hội An đã chứng tỏ sức thuyết phục của mình trước tỉnh, khi được giữ lại 50% so với trước đây 30% số tiền sử dụng đất, để "đầu tư trở lại cho tương lai". "Cái Hội An cần hơn không phải là tiền, mà là cơ chế và thời gian. Hội An cần những cái đó để phát huy lớn nhất lợi thế của mình, để đóng góp trở lại lớn nhất" - ông Sự nói.
...Hội An sắp tổ chức "Tuần văn hoá-du lịch" đón mừng sự kiện trở thành thành phố. Một thời cơ lớn. Trong lòng Hội An, di sản đô thị cổ đương nhiên cũng "thơm lây", cũng lên đời. Riêng tôi cứ thầm tiếc một ký sự nhân vật về người còn lại duy nhất ở Việt Nam chơi đàn hạ uy cầm mà tôi chẳng bao giờ có thể hoàn thành, bởi nhân vật chính, một người sống đến tuổi già ở phố, đã bán nhà cổ đi biệt, hỏi nhiều người rành rẽ Hội An cũng chẳng biết giờ đã về đâu...

Trương Tâm Thư/ Lao Động