itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Pu Sam Cáp "mùa bỏ học"

Pu Sam Cáp "mùa bỏ học"

Giờ học môn văn lớp 9 của thầy Tuấn

chỉ có 6/18 học sinh

Trên vùng đất Pu Sam Cáp quanh năm mây phủ, đồng bào Mông bắt đầu vào mùa đốt nương trồng rẫy, cũng có nghĩa là bắt đầu đến "mùa bỏ học" của học sinh. Thầy Nguyễn Văn Hanh – Hiệu trưởng Trường PTCS Pu Sam Cáp, huyện Sìn Hồ (Lai Châu) trăn trở: Nhiều mùa bỏ học trôi qua, đã “ứng dụng” phương pháp vận động, nhưng tất cả đều vô hiệu.

"Thầy giáo lên nương mà... tìm!"

Đã 11 giờ trưa nhưng sương mù vẫn phủ dày trên những ngọn núi cao của xã Pu Sam Cáp. Từ trụ sở UBND xã nhìn xuống, cánh đồng Noong Hẻo trải một màu xám xịt. Tiếng trống tan trường đã điểm, chỉ thấy lác đác vài học sinh cầm cuốn vở trên tay từ vài phòng học bước ra, nét mệt mỏi hiện rõ trên khuôn mặt các em.

Căn nhà nội trú khoảng 3 gian, thưng bằng những tấm ván mỏng tanh, thưa thớt, lợp mái tôn đỏ nằm biệt lập, tách khỏi dãy lớp học của nhà trường. Thấy khách đến, thầy giáo Nguyễn Ngọc Tuấn chỉ tay lên nóc nhà nói: “Đây là kết quả 3 tháng hè tình nguyện của đoàn viên thanh niên huyện, xã đoàn dựng nhà cho các em học sinh bán trú có chỗ ăn, chỗ nghỉ. Nhưng vì phòng học của nhà trường thiếu nên đành mượn tạm để làm lớp học”.

“Giờ đang phút giải lao bước vào tiết 5 của khối lớp 9. Em dạy môn Văn tiết 4, nhưng tiết 5 giáo viên dạy môn Giáo dục công dân ốm nên em dạy thay luôn”, thầy Tuấn phân trần.

Nghe thầy nói “khối lớp 9”, chợt thấy... khó hiểu vì trước mặt chúng tôi chỉ có 6 em học sinh. Như hiểu được những thắc mắc của chúng tôi, thầy Tuấn giải thích: “Năm nay nhà trường mới có lớp 9. Cả khối 9 có một lớp, sĩ số 18 học sinh, nhưng hôm nay chỉ có 6 em đi học. Mấy hôm trước thì nghỉ ít hơn...”.

Thầy Tuấn cũng như các giáo viên khác trong trường đã nát óc nghĩ cách vận động học sinh đi học. Nhưng đến nhà thì bố mẹ học sinh bảo: “Thầy giáo đi đốt hộ cái nương của nhà tao đi thì cho nó đi học...” hay: “Nó theo mẹ lên nương từ mờ sớm rồi, thầy giáo lên đó mà tìm...”.

Bất lực, các thầy, cô giáo ở đây đành dạy từ mờ sớm “mai phục” để “tóm” học sinh ở đầu bản khi các em chuẩn bị đi nương. Nhưng thầy vẫn không thể nhanh mắt bằng các em được. Thấy các thầy, cô giáo là các em lẻn đi lối khác. Chờ mãi, chẳng thấy em nào, vào bản thì đã vắng tanh.

Thầy Tuấn nói vui: “Chỉ còn cách duy nhất là đến nhà học sinh, cùng ăn cùng ở, rồi “lôi” đến lớp, nhưng được em này thì mất em khác. Bó tay rồi anh ạ!”.

Đường đến trường "mùa bỏ học" thưa thớt bóng dáng học sinh

Tuấn đã từng là giáo viên dạy môn Văn ở miền xuôi nhiều năm. Lên Pu Sam Cáp công tác đã được một thời gian, Tuấn nhận thấy: Nếu giảng một bài thơ cho học sinh miền xuôi mất 1 tiết học, thì giảng cho học sinh miền núi ít nhất cũng phải 2 tiết, mà chưa chắc các em đã tiếp thu hết nội dung kiến thức cơ bản. Học sinh thường sợ sệt, thụ động, chưa có khả năng tư duy sáng tạo về những câu hỏi giáo viên đặt ra. Những câu hỏi dù ở mức độ bình thường, giáo viên cũng phải gợi ý học sinh mới trả lời được.

Thầy cô cố gắng nhiều, nhưng các khái niệm trong sách các em cũng không thể hiểu được. Ví dụ như khi giảng hai câu thơ: “Đất nước ta như một con tàu/ Mũi tàu ta đó mũi Cà Mau” thì các em hoàn toàn mù tịt. Các em đã biết "con tàu nó như thế nào đâu"! Còn nếu giải thích khái niệm con tàu thì phải mất cả ngày, vì các em lại càng xa vời hơn với khái niệm: biển, cột buồm, chân vịt... Thầy cô người Kinh, học trò người dân tộc. Chính vì bất đồng trong ngôn ngữ, thầy giảng mà trò cứ lơ ngơ không hiểu. Điều này cũng làm các em chán trường lớp, dẫn đến bỏ học. Tuấn buồn mà bảo thế.

Chúng tôi đem băn khoăn đến hỏi thầy giáo Nguyễn Văn Hanh – Hiệu trưởng Trường THCS Pu Sam Cáp, được biết: Mấy hôm nay, trời bớt lạnh, không mưa nên các em ở nhà đi làm nương hết. Còn mấy hôm trước, trời rét đậm, rét hại, nhiệt độ có khi xuống đến 4 độ C các em cũng không thể đến trường. Công tác vận động học sinh ra lớp là việc làm thường xuyên liên tục của các giáo viên nhà trường.

Thầy Hanh bảo, nhưng sự hợp tác của cấp ủy, chính quyền cũng như các bậc phụ huynh học sinh chưa thực sự nhiệt tình nên tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần đạt khoảng 50–60%. Những tháng mùa mưa, ở những bản xa xôi như: Nậm Béo, Phi Hồ… cách trường học khoảng gần 10km, đường khó đi, dốc dựng đứng, học sinh đi học mất 2 tiếng đồng hồ làm các em nản lòng. Các thầy cô đến từng nhà vận động hôm trước, hôm sau các em có mặt tại lớp. Nhưng vài hôm sau đâu lại hoàn đấy. Cũng thương lắm, bắt các em đến lớp “nhiệt tình” thì cả gia đình học sinh ai sẽ đi làm nương, lấy thóc, ngô đâu mà ăn? Các thầy, cô cũng không đành lòng....

Bỏ học cưới vợ để... có thêm lao động

Chúng tôi hành quân gần 5 tiếng đồng hồ trên đường mòn, rồi lội suối, vượt núi đến bản Nậm Béo. Cái bản đã quá khổ, lại tàn tạ hơn sau đợt rét đậm, rét hại vừa qua. Chang A Dê học lớp 9, nhà có 11 nhân khẩu thì chỉ còn 2 vợ chồng Dê có khả năng lao động. Riêng Dê đã có 5 con lít nhít, đứa lớn nhất chỉ mới biết mặc quần. Bố mẹ Dê già yếu rồi, không đi nương được nữa, chỉ ở nhà trông đàn cháu. Sau Dê con 2 em cũng phải bỏ học theo Dê lên rừng tìm rau, măng để tồn tại sau đợt đói này.

Mới có 18 tuổi mà khi hỏi Dê cũng chẳng nhớ mình đã cưới vợ năm nào nữa! Vợ của Dê đã có 3 con với đời chồng trước và đẻ thêm hai đứa với Dê. Dê bảo: “Lấy nó vì mình biết chắc chắn nó sẽ đẻ con được cho mình”, còn chuyện học thì chỉ vì Dê... nể trưởng bản và các thầy cô giáo đến quá nhiều lần để vận động. Vào những ngày này, lên nương là một công việc “tối thượng” để tồn tại đối với gia đình Dê.

Nhà nội trú cũng vắng hoe học sinh

Vác cái cày lên vai, Dê bảo: “Sau mùa nương này mình sẽ đi học, mình đã nói với thầy giáo rồi. Thôi, mình đi phát đám nương ở quả núi bên kia đây, nếu mưa xuống là không làm được”.

Giàng A Su học cùng lớp với Dê, bố đã chết, mẹ thì đi lấy chồng. Su đang ở với chú và mới cưới vợ. Su bảo: “Cưới vợ về cho có thêm người làm”. Chang A Sía cùng bản với Su đã 16 tuổi mà mới học lớp 5. Sía lấy chồng năm ngoái. Gia đình nhà chồng bắt ở nhà đẻ con, con lớn thì đi nương. Các thầy, cô giáo ở đây bảo, Sía nhanh hiểu bài hơn so với các bạn trong lớp, nhưng cũng là một trong những “vua bỏ học” của lớp. Sía chỉ đi học vào những ngày nông nhàn, còn vào những ngày này, có đến nhà tìm cũng không thấy, vì có khi Sía ở trên lán nương hàng tháng trời.

Đến bản Tìa Tê thì chỉ còn mỗi vợ chồng Hầu Thị Lỳ học lớp 7 đang ở nhà. Lỳ mới 18 tuổi mà đã lận đận ba đời chồng. Hai đời chồng trước bỏ Lỳ vì cái tội: Lỳ không biết đẻ con. Lấy đời chồng thứ 3, Lỳ lại vận động được cả chồng cùng đi học, nhưng cũng bữa đực bữa cái. Cái đói đang vây tứ bề, liệu số phận của Lỳ và ước mơ con chữ của Lỳ có thể vượt qua dãy núi Pu Sam Cáp đối với người đàn bà đã “quá giang” ba lần này không?

Những gia đình học sinh này có thể đeo đuổi con chữ đến bao giờ thì chẳng ai biết, chẳng ai có thể trả lời. Chỉ biết, mùa bỏ học của các em càng ngày càng kéo dài ra, còn các thầy cô đối diện với nguy cơ “mất dạy”. “Mất dạy” theo nghĩa sẽ chẳng còn bao nhiêu học sinh để mà dạy học nữa.

Chúng tôi có trong tay những thống kê của Phòng GD huyện Sìn Hồ: Tỷ lệ chuyên cần ở các trường học trên địa bàn huyện chỉ đạt 50–60%. Các nhà trường trên địa bàn huyện học kỳ II của năm học 2007-2008, sỹ số học sinh giảm đáng kể. Trung bình mỗi xã/mỗi cấp học có 7 học sinh bỏ học hẳn.

Nhưng tình trạng bỏ học không chỉ diễn ra ở các xã vùng cao, vùng sâu, xa, đặc biệt khó khăn như: Nậm Ban, Pu Sam Cáp, Tủa Sín Chải… mà ngay cả những xã gần trung tâm huyện, điều kiện kinh tế bớt khó khăn hơn như: Ma Quai, Phăng Sô Lin, Tả Phìn… Thậm chí các trường: Trung tâm GD thường xuyên, Dân tộc nội trú huyện có nhiều chính sách ưu đãi về chế độ ăn, nghỉ, trợ cấp hằng tháng cũng thi nhau bỏ trường, bỏ lớp.

Buồn, đó là cảm xúc của bà Nguyễn Thị Sơn – Phó Phòng GD huyện Sìn Hồ. Bà Sơn bảo, chất lượng học sinh yếu kém có thể khắc phục bổ sung kiến thức bằng nhiều biện pháp. Việc học sinh bỏ học nhiều đã tạo cho phòng giáo dục huyện những áp lực lớn. Ngay từ đầu năm học, phòng đã có nhiều biện pháp chỉ đạo các trường học phối hợp với cấp ủy, chính quyền xã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động; phân công mỗi giáo viên phụ trách một nhóm gia đình, gần gũi để thuyết phục, tranh thủ sự ủng hộ của các bậc phụ huynh, tạo điều kiện cho các em đến trường; các xã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện phổ cập giáo dục gồm các đồng chí là lãnh đạo xã, trưởng, phó bản cùng tham gia thực hiện…

"Nhưng thực tế thì thật đáng buồn..." - Bà Sơn thở dài.

Theo Thu Trang, Thông Thiện / VietNamNet