itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Hoa giữa.... sình môn

Hoa giữa.... sình môn

"Ông xã em ở Hà Tây cứ nằng nặc đòi đưa con vào thăm em một lần, em bảo anh ấy đợi trường xây xong hãy vào. Chứ thấy vợ ăn ở, làm việc tạm bợ thế này, chồng em sẽ bắt em về mất". Cô giáo Lê Thị Duyên nói với tôi như vậy, khi cô đang bị ốm, nằm một mình trong căn lều tranh vách nứa ở thung lũng Sình Môn.

Sình Môn là đám sình có mọc nhiều cây môn dại ở giữa rừng già Đắc Ha, huyện Đắc Glong, tỉnh Đắc Nông. Còn Duyên là một trong nhiều cô giáo để chồng con ở lại miền Bắc, lặn lội vào dạy học ở các điểm dân di cư tự do trên Tây Nguyên. Chuyện gia đình chưa biết sẽ ra sao, nhưng họ cứ đi, rồi... tính sau.

Cứ đi, rồi... tính sau

Vào Đắc Nia hỏi thăm Sình Môn thì ai cũng biết, nhưng bảo họ chỉ đường thì ai cũng lắc: Không biết chỉ như thế nào cả, mà có chỉ cũng không thể đi được. Chúng tôi gặp may khi ông Sùng A Sáy, nhà ở Sình Môn, vui vẻ nhận lời đưa đường. Thấy ông Sáy chất một bao thực phẩm ứ hự lên con "cào cào", tôi hỏi ông mua về ăn hay bán mà nhiều dữ vậy? "Không bán, cũng không ăn hết. Mình chia lại cho mỗi người một ít, ở trong đó không có hàng quán gì mà". Hành trình vào các điểm trường Sình Môn, Trảng Ba - những phân hiệu cách Trường Tiểu học Nguyễn Trãi những... 50km bắt đầu. Chốc chốc, chiếc xe máy của tôi lại bị hất lên, rơi xuống rầm rầm, lại có đoạn mắc lầy vào những vũng đất khô nhuyễn mịn ngập cả bánh xe nên phải đẩy bộ.

Nhìn từ xa, hơn chục nóc nhà dưới Sình Môn như lọt thỏm trong cái đáy chén khổng lồ, bốn bề là núi cao dựng ngược. Trường học chỉ vẻn vẹn hai dãy nhà tranh, vách nứa ngang hông. Cạnh đó là túp lều vài chục mét vuông, cũng toàn tranh tre, bên trong có hai gian thông nhau. Đó là nhà công vụ của giáo viên - hai cô, một thầy. Ngồi trong lều thì biết. Phên nứa trống hoác, gió lùa thông thốc, rét và bụi...

Sau giờ lên lớp, các cô giáo chẳng biết làm gì cho hết thời gian trong căn lều này. Tài sản đáng giá nhất là bộ tivi, đầu đĩa do phòng giáo dục huyện cấp thì chỉ để trang trí cho sang, chứ không có điện để xem. Bây giờ mùa khô, khổ nhất là chuyện nước. Các cô phải ra suối tắm rửa, nước ăn thì đi bộ 3 cây số vào mạch rỉ trong rừng mới có. Bữa trưa của những người xa chợ chỉ có mì tôm, vài cọng rau muống để dành đã héo queo và mấy con cá khô chiên. "Thường thì không ăn hết những thứ này trong một bữa, nhưng có khách nên em cứ đưa ra hết, anh không ăn được món này thì dùng món kia" - cô Sen, cô giáo duy nhất là người địa phương nhiệt tình giải thích.

Cô Lê Thị Duyên (phải) và cô Lại Thị Lê
trong căn lều tạm bợ ở thung lũng Sình Môn.

Cô Lê Thị Duyên bị ốm đã ba hôm nay. Chúng tôi hỏi thăm chuyện gia đình, cô rơm rớm nước mắt. Duyên có chồng và 2 con ở tận Chương Mỹ, Hà Tây. Cháu lớn 14 tuổi, cháu nhỏ mới 8 tuổi. Chán cảnh 10 năm dạy hợp đồng bấp bênh hết trường này đến trường khác ở quê, Duyên quyết định bỏ vào đây kiếm suất biên chế. Biên chế thì được ngay, nhưng cái giá phải trả lại quá đắt. Đau ốm thì đã có đồng nghiệp dạy thay, chăm sóc. Song nằm một chỗ, nỗi cô đơn, buồn tủi vì xa chồng, xa con lại nhân lên gấp bội, không có gì bù đắp được. Rồi lại thêm biết bao nỗi lo chồng chất.

"Cô Sen độc thân còn đỡ, chứ như em thì khổ lắm anh ạ. Đêm nằm nghe gió giật ầm ầm, rung chuyển cả căn lều mà trong lòng tan nát. Những lúc như thế, em chỉ muốn vứt bỏ tất cả để chạy về với chồng, với con em thôi". Ngoài suất biên chế, Duyên dạy học ở vùng sâu, vùng xa nên được lương cao - 2,7 triệu đồng/tháng. Nhưng tiền điện thoại hàng ngày về nhà cũng có ít đâu, trung bình mỗi tháng cô mất cả triệu bạc cho sự nhớ thương, lo lắng. Tôi hỏi về lâu dài, chuyện vợ chồng Duyên tính sao? Cô chỉ thở dài: "Em cũng chưa biết tính sao nữa, trước mắt là vẫn bám trụ ở đây". Cũng thật khó cho Duyên, đưa cả gia đình từ Hà Tây vào cái nơi "khỉ ho cò gáy" này quả là chuyện không dễ quyết.

Cô giáo Quảng Nam ở trong rừng

Cô Duyên không phải trường hợp duy nhất chấp nhận xa mái ấm gia đình, lên thung lũng Sình Môn tìm cơ hội gắn bó với nghề. Thầy Nguyễn Trung Tín - ở Hoài Ân, Bình Định ra trường không xin được việc dưới đồng bằng, sau 5 năm làm nghề xây dựng rồi cũng quyết định lên đây, để vợ con ở lại quê nhà. Thầy Tín vừa chạy xe máy gần 700 cây số từ quê lên, vì thầy mắc "bệnh" say ôtô.

Mệt rã rời nhưng thầy vẫn vui vẻ đưa tôi đến Trảng Ba - một điểm trường khác của Trường Tiểu học Nguyễn Trãi, cách Sình Môn 5 cây số, với lời khuyên: "Anh lên thăm cô Huyên một tý, tội nghiệp cô ấy. Bên này có 3 người nên cũng đỡ buồn, tối lửa tắt đèn lại có nhau. Huyên bên đó chỉ có một mình".

Điểm trường Trảng Ba chỉ có một cái nhà tranh tre nứa lá ngăn đôi, một nửa làm lớp học, nửa kia là nơi ở của cô Huyên. Hôm về quê ăn Tết xong trở lại, Huyên một phen vất vả vì kẻ gian cuỗm sạch đồ đạc. Cô giáo 25 tuổi này phải lặn lội ra tận Gia Nghĩa mua sắm tất tật, từ cái bàn chải đánh răng trở đi. Huyên nói chuyện cởi mở, chẳng cần biết chúng tôi từ đâu đến và có việc gì, miễn có người nói chuyện là cô vui.

"Bữa em vô Phòng Nội vụ huyện Đắc Glong nhờ đứa bạn cùng quê xin việc, em muốn khóc khi nghe nó giới thiệu đó là thị trấn của huyện. Trời ơi, thị trấn gì mà có mấy nóc nhà lèo tèo, lô nhô, đường sá lên lên, xuống xuống thấy phát kinh. Còn vô tới Trảng Ba này thì em... khóc thiệt. Thấy em hay than, bà con người Thái doạ là cứ than đi, mùa mưa tới rồi cô sẽ biết, được như thế này là tốt lắm rồi còn than chi".

Cô và trò ở Sình Môn.

Thầy Tín giải thích: "Mùa mưa ở đây không có đường ra ngoài. Đàn ông khoẻ mạnh có thể quấn xích vào bánh xe chạy được, chứ đàn bà con gái thì chịu chết". Vì thế, khi nghe nói giáo viên ở Đắc Ha sắp bị cắt chế độ phụ cấp xã vùng ba, Huyên giãy nãy phản ứng: "Phải nói chỗ bọn em dạy học là vùng ngoại hạng thì mới đúng, chứ không có vùng hai, vùng ba gì hết". Có lẽ sự mạnh mẽ của Huyên đã giúp cô vượt qua khó khăn hàng ngày, vượt qua cả nỗi sợ hãi khi một mình cô ở trong căn lều tạm bợ, trơ trọi giữa rừng già Đắc Ha.

"Bắt" chồng đi theo

Hai cụm dân cư Sình Môn, Trảng Ba chỉ lưa thưa vài chục nóc nhà. Đây là những hộ Nùng, Thái, Mông di cư tự do từ các tỉnh miền núi phía bắc đến. Hơn một năm trước, bà con dựng lên ngôi trường tạm bợ này rồi ra phòng giáo dục "gọi" giáo viên, "gọi" không được họ kêu ra tận... trung ương.

Ở những cụm dân cư giữa rừng, các cô giáo vừa sợ lại vừa thương. Duyên tâm sự: "Vào đây em mới biết khoảng cách chênh lệch giữa học sinh vùng cao với học sinh đồng bằng còn quá lớn, có nhiều em đã 14-15 tuổi mới được vào lớp 1. Hầu hết các em tiếp thu kiến thức rất chậm vì bất đồng ngôn ngữ, thiếu cơ sở vật chất, việc học lại phụ thuộc vào mùa vụ gieo trồng, thu hoạch". Cô Huyên cũng thừa nhận: "Ơ đây cái gì cũng đáng sợ. Nhưng nếu không có tụi em, tương lai của 300 học sinh người dân tộc thiểu số chẳng biết rồi sẽ ra sao".

Có lẽ đó cũng là lý do để cô Duyên phân vân: "Các thầy trên phòng giáo dục có hứa khi nào xây dựng được điểm trường này, sẽ thu xếp cho chồng em một chân bảo vệ. Em muốn gắn bó với nghề thì phải ở lại thôi, vấn đề còn lại là phải thuyết phục được chồng". Riêng cô Lại Thị Lê - người cùng quê và cùng vào Sình Môn một ngày với Duyên thì đã quyết xong. Sau Tết vừa rồi, chồng Lê đã khăn gói đưa 2 con vào... rừng theo vợ.

"Em chẳng phải thuyết phục gì cả, anh ấy yêu thương em nên chấp nhận tất cả, dù biết trước khó khăn chồng chất. Bây giờ thì em hạnh phúc vì được tiếp tục theo nghề, được sống ở cái nơi mà em vừa sợ vừa thương, lại được gần chồng con nữa" - cô Lê tự hào kể. Hai vợ chồng cô thuê một căn nhà ngoài Đắc Nia. Tuy không phải ngày nào Lê cũng đi về, song được vậy cũng xem như đã qua cái thời "Ngưu Lang Chức Nữ".

Khoẻ nhất là cô Huyên Quảng Nam thì bảo: "Nếu về quê thì em lấy chồng ở quê, còn không thì cũng lấy chồng đây thôi. Cứ xem như mình là người sinh ra, lớn lên trên mảnh đất này, giống như những đứa trẻ kia. Nghĩ vậy, em thấy không còn băn khoăn gì nữa".

Đặng Trung Kiên / Laodong