itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Muôn nẻo "Nam tiến" sau Tết

Muôn nẻo "Nam tiến" sau Tết

Những ngày sum họp ngắn ngủi cùng gia đình trong dịp Tết qua đi thật nhanh, người lao động nhập cư lại đổ dồn về thành phố, tiếp tục chặng đường mưu sinh lắm nỗi nhọc nhằn...

Muôn nẻo... "Nam tiến"

Hơn 11 giờ khuya, đẩy xe súp cua của mình về nhà trọ ở cuối một con hẻm nhỏ trên đường Âu Cơ, quận Tân Bình, phòng trọ tối om, chị Tình biết ngay hôm nay chồng mình bán không được. Chuyện mua bán, đắt - ế là thường tình, có hôm mãi đến hơn 1 giờ sáng chị mới về đến nhà. Nhưng chị lo, anh bị viêm phế quản, thức khuya, sương lạnh.

“Đáng lẽ có tiền như người ta thì nên nghỉ ở nhà, ngặt vì mình khổ quá, nên có bệnh mà ổng đâu dám nghỉ…”, uể oải dọn đồ vào phòng, chị vừa nói vừa thở dốc.

Quê chị ở tận Nghĩa Dõng (Quảng Ngãi), nơi đất chật người đông, làm ruộng giỏi cũng chỉ đủ ăn, mất mùa thậm chí không đủ ăn lúc giáp hạt, nói tới chuyện có dư thật khó. Huống hồ, anh chị lại không có thêm nghề tay trái nào, cũng không ai có việc gì thuê mướn. Thế nên, những ngày nông nhàn, hai vợ chồng đành ngồi không chịu cảnh túng quẫn.
Cái nghèo càng vây riết hơn khi hai con ngày một lớn, tiền học tiền trường khiến chị muốn quay cuồng. “Nhiều khi con kêu hết hạn đóng tiền này kia ở trường, cả lớp chỉ còn mình nó chưa đóng, nhiều lần bị cô giáo gọi lên hỏi trước lớp làm nó xấu hổ, mình cũng thấy đứt ruột…”.

Cực chẳng đã, vợ chồng chị bàn nhau, người ở quê chăm ruộng, chăm con, người bôn ba tha phương cầu thực. Theo chân bà con lối xóm, chị tìm đến Sài Gòn kiếm sống. Đã 4 năm từ ngày đặt chân đến đất Sài Gòn, chị làm đủ thứ việc. Từ giúp việc nhà đến bán chè, bán đậu hũ… Một năm trở lại đây, chị gắn bó với chiếc xe bán súp cua này.

Nơi dành cho lao động nhập cư.

Bán súp cua đêm tuy hơi vất vả nhưng được cái cũng có ăn. Mỗi đêm, trung bình một nồi súp cua chị lời trên dưới trăm ngàn. Dư dả chút đỉnh, chị gửi tiền về quê sửa nhà. Thấy vợ làm ăn được, chồng chị cũng gửi con cho nội, “hành phương Nam” kiếm sống. Điều khiến anh chị day dứt không yên là con cái ngày một lớn lại không có cha mẹ bên cạnh chăm sóc, bảo ban, nhắc nhở học hành. Tết rồi về quê, chị lặng người trước kết quả học tập trung bình và những dòng phê “nghịch ngợm, ham chơi” của giáo viên trong sổ liên lạc của con. Nhiều đêm chị thức trắng vì nghĩ đến con...

Cũng như vợ chồng chị, cả xóm lần lượt rời quê tìm vào Sài Gòn. Khu nhà trọ chị Tình đang ở đều là người cùng xóm, cùng quê cả. “Thấy người ta đi về có tiền rủng rỉnh sắm sửa cái này cái kia, có người còn xây được nhà cho nên ai thấy cũng ham, rồi hỏi han nhau “đường đi nước bước”, chỉ dẫn nhau làm ăn. Có người đi cả gia đình, cha mẹ con cái đều đi ráo, mỗi người một nghề. Cha thợ hồ, mẹ ve chai, con thì đứa đánh giày, đứa vé số tùy khả năng, sở thích…".

“Thấy vậy thôi chứ về quê là vợ chồng ổng bả “ngon lành” nhứt đó! Nhà to cửa rộng có thua ai đâu! Cũng gạch bông sáng choang, cũng bàn ghế đắt tiền, xe máy hai, ba chiếc… Tại cả nhà ổng đi hết, mà đi từ lâu nên khá lắm!” – chị Tình vừa nói vừa nghiêng đầu sang phòng trọ đối diện. Đó là căn phòng rộng chừng 16m2, trông rất ngột ngạt với đủ thứ đồ đạc treo máng, vắt víu ở mọi nơi có thể. Đây là nơi quây quần của cả nhà ông Ba Chấn sau một ngày mỗi người lặn lội một nẻo mưu sinh.

Đúng như lời chị Tình, là người “khá nhất” nên trong phòng của gia đình này có cả một chiếc TV và một chiếc Cup 81. Riêng hai đứa con trai ông, theo lời chị Tình, đứa nào cũng hết lớp 3, lớp 4 là đều nghỉ học kiếm tiền. Tuy vậy, cả hai lại tỏ ra rất “thời trang” với mốt tóc vàng, tóc đỏ vuốt keo dựng đứng như những cái chông trên đầu, đang tham gia sát phạt ở một sòng bài ngay đầu hẻm.

Tha hương: Ngổn ngang tâm sự

“Vội vã trở về rồi vội vã ra đi”, chỉ mấy ngày sau Tết, cái xóm nhỏ trong con hẻm nơi chị Tình sống đã đông đúc trở lại. Sau những ngày sum họp ngắn ngủi trong năm, những người lao động nhập cư lại tiếp tục chặng đường mưu sinh của mình. Họ rời quê lần nữa với những nỗi lòng ngổn ngang tâm sự.

“Bán dạo - nguồn sống của phần lớn lao động nhập cư”.

Chị Hiền, người bán trái cây dạo quê Bình Định cho biết, ngay mồng 4 Tết, cả xóm chị đã lên đường “Nam tiến”. “Lần nào đi, con nó cũng khóc, nhiều lúc phải đợi nó ngủ hoặc cho nó về ngoại chơi rồi mình mới đi được. Tội quá, nhưng biết làm sao được. Ai chẳng muốn sung sướng nhưng mình ở nhà thì lấy cái gì cho nó ăn nó học. Với lại, mình còn có mẹ chồng bị tai biến từ mấy năm nay nữa…” - chị Hiền nói mà hai mắt đỏ hoe.

Biết mình khổ vì ít chữ, vợ chồng chị không ngại làm mọi việc để kiếm tiền lo cho con được học bằng người, để đời nó về sau đỡ khổ. Nghĩ vậy, chồng chị theo người ta làm thợ hồ, nhưng từ lần bị ngã giàn suýt chết, chị bèn dẫn dắt anh theo nghề bán trái cây dạo. Hai vợ chồng thức khuya dậy sớm. 1-2 giờ sáng ra chợ đầu mối Thủ Đức lấy trái cây, về chuẩn bị, sắp xếp đến sáng ra chạy lòng vòng khắp hang cùng ngõ hẻm khu Bình Triệu để bán. Ăn tiêu tằn tiện, mỗi ngày vợ chồng chị cũng để dành được độ 150 ngàn.

Cực thì có cực, nhưng làm ra đồng tiền cũng ham. Ở quê thì làm gì cho ra tiền? Có khi cả tháng chẳng có xu nào. Mấy năm gần đây cũng có có một vài xưởng cưa, xưởng gỗ cần người. Nhưng tiền công mỗi ngày chỉ đôi ba chục, chi tiêu rồi cũng còn dư cỡ chục ngàn. Cứ như thế thì biết đến bao giờ mới ngóc đầu lên nỗi với thiên hạ? Thế nên, vợ chồng chị đành chọn cảnh tha phương cầu thực nơi đất khách quê người.

Có lẽ cũng xuất phát từ những hoàn cảnh như vợ chồng chị mà biết bao nam phụ lão ấu từ mọi miền đất nước đổ về các đô thị lớn để kiếm sống. Ở TP.HCM, dường như mỗi con hẻm đều có người nhập cư trú ngụ. Hẻm càng sâu, càng tồi tàn, dân lao động càng đông. Họ chen chúc nhau trong những khu nhà ổ chuột chật chội, ẩm thấp. Nhưng đã ra thân làm ăn, họ chỉ cần một chỗ để ngả lưng là được.

Chị Hiền bảo, vợ chồng chị cùng hai cặp khác và một người em, vị chi là 7 người cùng thuê chung một phòng trọ độ 16m2, giá 450.000đ. Bên dưới để đồ đạc, xe cộ, trên gác cứ mỗi cặp một chiếu... Thế là xong! Chuyện “riêng tư” của vợ chồng đợi... khi nào về quê thì tính. Tính cả điện nước, bình quân một cặp chỉ tốn 100.000đ/ tháng cho khoản tiền ở.
“Ai không muốn sung sướng, thoải mái, nhưng mình đi làm ăn mà, phải chắt chiu từng đồng để gửi về quê. Được một đồng là quý một đồng, vì quê mình còn khổ lắm. Coi vậy chứ đồng tiền kiếm được ở đây dù chỉ 1 ngày, về quê giải quyết được bao nhiêu là việc” - chị Hiền nói.

Chúng tôi gặp thằng bé ăn xin tên Hận, 13 tuổi, quê Thanh Hoá. Hận là "cái bang" mới vào nghề ở khu vực Hàng Xanh. Mỗi ngày lang thang, nó xin được ba bốn chục ngàn. Số tiền bằng cả tháng mẹ nó làm thuê ở nhà. Thế nhưng, Hận cũng bắt đầu lớn để nhận biết, chả hay ho, sung sướng gì cái nghề ăn xin. Thằng bé đang cố tích cóp đủ vài trăm ngàn làm vốn lận lưng, rồi chuyển sang nghề vé số. Hắn cũng nghĩ được, dù sao, đó cũng là một nghề chân chính. Kiếm được khá tiền, nó sẽ đón cả mẹ và em vào đây kiếm sống.

Kim Toàn / Vietnamnet