itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Tháng giêng là tháng đi, về

Tháng giêng là tháng đi, về

Sáng đầu năm mới nhưng ông Sáu Hồ

vẫn be bờ tát nước

Tờ mờ sáng ngày đầu năm, ông Sáu Hồ sùm sụp nón rách, áo quần lấm lem bùn sình lội dưới kênh be bờ bơm nước chống hạn cho năm công lúa. Ông nói: “Năm nay hẻo quá, nước rút chậm, xuống giống trễ nên giờ này lúa chưa trổ, tết nhứt mà cả xóm An Bình, xã An Cư, huyện Cái Bè, Tiền Giang… héo queo

Cô quạnh

Giữa năm ngoái, dân miền Tây lo lắng khi trai tráng bỏ quê về các đô thị kiếm sống khiến thôn xóm thưa người. Tết này bức tranh đó hiện lên thê thảm hơn. Bà Ba ở Cái Bè gần 70 tuổi, có tám người con, cháu nội cháu ngoại đề huề nhưng 2 giờ sáng ngày 30 tháng chạp phải lọ mọ một mình đi bộ gần hai cây số ra chợ mua thịt, dưa, trứng… Suốt ngày 30, bà Ba một mình rị mọ nấu nướng, cúng kiếng rước ông bà mà không có đứa con đứa cháu nào về đỡ đần. Tới giao thừa, bà Ba cũng lặng lẽ tiễn năm cũ, đón năm mới cùng chú chó nhỏ trung thành trong khi con cháu còn bận hớn hở du xuân chốn thị thành. Hàng xóm hỏi thăm, bà Ba nói năm nào cũng vậy, sáng mùng hai con cháu mới tề tựu về thăm viếng rồi ngay chiều hôm đó tất cả lại kéo nhau đi, coi như nhà bà… hết tết ngay buổi chiều mùng hai.

Không “may mắn” như bà Ba, mấy ngày tết bà Năm Ngọc ở Trường Xuân, Tháp Mười gặp người quen nào đi ngang qua nhà cũng nài nỉ ghé lại ăn giùm mớ bánh tráng, dưa kiệu, thịt kho tàu. Thương mấy đứa con đi làm công nhân ở tận Sài Gòn ăn uống kham khổ nên tết này bà lựa mấy ký thịt đùi thật ngon kho tàu với hột vịt, làm dưa kiệu, cải chua định “bồi dưỡng sắp nhỏ”. Nào ngờ chiều 30 tết, giữa lúc bà ruột gan như lửa đốt trông đứng trông ngồi thì mấy đứa con điện thoại về báo tin: “Má ơi tụi con ở lại Sài Gòn đi chơi tết vui lắm, không về được, má ráng ăn tết một mình nghe”. Đêm giao thừa bà Năm cứ ngồi nhìn đăm đăm nồi thịt kho hột vịt nhớ từng đứa con, rồi từ sáng mùng một trở đi gặp ai bà cũng mời vô nhà ăn giùm bữa cơm, cười nói huyên thuyên mà rớm nước mắt.

Chưa kịp về đã đi

Đúng trưa 28 tết, Phạm Đạt Thân (Đại Nghĩa, Đại Lộc, Quảng Nam) đặt chân vào ngõ sau một ngày đêm trên chuyến hành trình nghẹt cứng từ Sài Gòn. Sau phút đoàn viên với gia đình, người cha là Phạm Đạt Nhân rót hai ly rượu ngâm với chuối chát để cha con cạn chén, gọi là lễ tẩy trần. Mấy mẹ con dựa cột mỉm cười hạnh phúc. Năm ngoái, Thân mới ra trường, tìm việc làm chưa ổn nên không dành dụm được tiền, không thể về thăm nhà được. Thân nói: lao động miền Trung ở trong đó nhiều vô kể. Phần thì người ở quê vào lao động phổ thông, phần thì sinh viên ra trường về quê sợ thất nghiệp cố bám trụ tìm việc làm. Dù học cao hay học thấp, tất cả cũng giống nhau ở điểm thuê nhà, bươn chải, lao động cật lực, chắt chiu từng đồng một.

Mới uống với nhau chén rượu tẩy trần, thế mà ngày hôm qua cha con ông Phạm Đạt Nhân lại nâng chén rượu tiễn đưa nhau. “Chén mừng xin hẹn ngày này năm sau”. Ông Nhân lại khoe tài thuộc Kiều của mình mà bụng cảm ơn cụ Nguyễn Du khéo nói hộ mọi người. Mấy mẹ con lại dựa cột nhìn mắt ngân ngấn nước. Cái túi chất đầy quà tết xứ đàng trong, giờ lại được người mẹ gói bằng hết những gì còn lại mà bà sắm sửa trong những ngày tết. Bà đã thức suốt đêm qua để nấu thêm vài đòn bánh tét, bánh chưng và xôi ngọt. Thâm tâm bà không muốn ngủ, Thân biết điều đó và ngồi bên mẹ thủ thỉ nói chuyện đến hết đêm. Tiễn nhau ra đến cổng, Thân tần ngần: “Sang năm không biết con có về được không?”

Nhà không còn đàn ông để cạn ly tiễn đưa cái tết. Trần Văn Tiến (xã Hoà Quý) tự mình rót rượu uống một mình. Anh nói: rằm tháng giêng sẽ vào lại thành phố làm thợ nề, cứ nghĩ đến là thấy trống trải không chịu nổi. Ngày làm hùi hụi, đêm xuống, nằm trong lán trại, nhớ mẹ, nhớ vợ con lắm. Nhưng không đi thì lấy gì sắm sanh các thứ trong nhà, lấy tiền đâu nuôi con ăn học. Anh chỉ mong: “Đời con cái mình được học hành, không phải làm lụng trước tuổi như bao đứa trẻ xa quê khác. Nhìn mấy đứa trẻ quê Quảng Ngãi cầm hai thanh gõ đi hết đêm, hay mấy đứa quê Thanh Hoá vào đánh giày mà lo con mình rơi vào cảnh ấy”. Trong chiếc túi xách rất lớn của anh đặt ở góc nhà, mẹ và vợ anh cũng đã đặt vào đó tất cả những thứ cần thiết nhất, để khi ra đến đất Sài thành, anh vẫn có thể vấn vương cùng cái tết quê nhà. Ai rồi cũng hẹn năm sau sẽ gặp lại nhau. Năm sau, những bà mẹ lại yếu thêm một chút, những người con, người em lại lớn khôn thêm một chút. Ai cũng cầu mong trong cái ngày sum vầy của tết năm sau, gia đình không một ai thiếu vắng.

Với những người làm ăn xa quê, tháng giêng không phải là tháng ăn chơi như cách người ta nói nữa. Trái lại, cái tết vừa chớm qua, họ đã phải tính đến ngày rời quê nhập vào cuộc làm ăn cần mẫn của năm mới. Hầu như tất cả những người chuẩn bị ra đi, trên tay họ chỉ dành lại một khoản tiền rất nhỏ vừa đủ để đi xe. Sau tết ít hôm, cứ đứng dọc quốc lộ 1, để ý, sẽ thấy những chuyến xe khách cứ gặp ngã ba là rà lại, chủ động hô to giá tiền: “Một trăm! Đi không?” Và những người lao động miền Trung lại trả giá: Năm chục ! Bảy chục ! Mãi rồi cũng có xe chịu đi giá đó. Không có ghế ngồi, họ chỉ được phát cho một chiếc đòn nhựa ngồi giữa lối đi. Nào có ai nề hà gì chuyện nhọc nhằn chỉ kéo dài một ngày rồi qua. Đồng tiền để hết lại cho quê nghèo với họ quan trọng hơn nhiều.

Gặp những người xa xứ đón xe dọc quốc lộ 1 trong những ngày sau tết chợt nghĩ đến những Việt kiều xa xứ được đón tiếp nồng hậu khi về Việt Nam ăn tết. Biết đâu, một ngày nào đó, những người đang ngồi ở ngã ba lầm bụi kia... cũng sẽ được đón chào ở quê mình. Vì có một điều không thể phủ nhận được là chính họ đã xoá dần cái sự đói nghèo, ngói hoá những làng quê, thổi bừng ngọn lửa ấm áp trong những ngày tết ở hàng trăm ngàn gia đình trên mảnh đất miền Trung nghèo khó này chứ không phải ai khác. Chỉ có điều các chính quyền địa phương chưa biết đưa những món tiền ấy vào GDP của địa phương một cách chính thức!

Hùng Anh – Trung Tú (Theo SGTT)