itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Ăn Tết "có nhẹ trà"

Ăn Tết "có nhẹ trà"

Khi lúa ngô đã nằm ấm áp trong bồ, việc đồng áng tạm gác lại và những vạt hoa cúc quỳ vẫn còn vàng tươi như nắng bên suối Mo Phí, người Hà Nhì ở "ngã ba biên giới" (Sín Thầu, Mường Nhé, Điện Biên) bắt đầu ăn Tết cổ truyền "Có nhẹ trà" (Ăn tết năm mới).

Năm nay, do nỗi lo lợn dịch nên ở một số bản bà con ăn Tết sớm hơn lệ thường. Riêng Tả Khố Khừ (bản trung tâm của xã Sín Thầu) chọn những ngày trăng tròn đầu tiên sau mùa thu hoạch để đón Tết.

Mảnh đất xa xôi nơi miền Tây tổ quốc còn giữ được nhiều những nét hoang sơ, mộc mạc, của phong tục ngày Tết bao đời nay. Dù tổ chức sớm hay muộn, ngày đầu tiên của Tết Hà Nhì nhất thiết phải là ngày con rồng "Lò no", bởi người dân miền sơn cước quan niệm đó là những ngày đẹp nhất của năm.

Từ sớm tinh mơ, khi sương núi vẫn còn quẩn quanh những nếp nhà, cả bản đã tràn ngập không khí Tết. Chúng tôi đến nhà ông Pờ Dần Sinh - bí thư xã Sín Thầu - khi ông cùng mọi người đang chuẩn bị "ngả" chú lợn ngót 1,7 tạ. Năm nay, Tết ở gia đình ông vui hơn, bởi cậu con trai cả Pờ Hùng Sang sau 15 năm "hạ sơn tìm chữ" mới về với bản đúng dịp Tết cổ truyền. Vừa mổ lợn ông vừa giảng giải cho chúng tôi nghe những thủ tục bắt buộc phải làm.

Việc đầu tiên là rắc muối, gạo, rượu lên đầu chú ỉn để cầu cho "thế hệ kế tiếp" của chú hay ăn chóng lớn. Người mổ lợn khéo tay sẽ cắt pín của chú theo một hình tròn như mặt trăng treo lên cây sào đầu nhà (người Hà Nhì tính lịch mặt trăng) để báo hiệu cho bà con dân bản biết gia đình mình bắt đầu ăn Tết. Những tảng mỡ đầu tiên lọc ra được đặt trang trọng trong một chiếc gùi mới có lót những tấm lá dong rừng. Khách đến nhà từ chối uống rượu sẽ bị phạt phải ăn một xâu thịt mỡ, nên đó là món không thể thiếu trong mâm cơm. Lợn trong Tết người Hà Nhì là một phần không thể thiếu giống như gà trống trong mâm cỗ cúng giao thừa của người Kinh.

Ông Dần Sinh cẩn thận lia con dao sắc nhọn cắt chiếc thủ lợn sao cho vẫn còn dính liền một ít da với thân, vừa dập đầu 3 lần vào thân, ông vừa hô dõng dạc: "Năm nay 1 tạ, sang năm 2 tạ, năm nữa 3 tạ". Nhưng có lẽ kỳ lạ hơn cả là tục xem gan lợn để đoán biết những vận may điềm gở trong năm tới, chẳng biết gan "nói" gì mà ông mỉm cười, gật gù bảo năm mới sẽ rất tốt, xung quanh ông, toàn thể mọi người trong gia đình cùng nở nụ cười mãn nguyện.

Kết thúc lễ mổ lợn là công việc chế biến của những người phụ nữ trong gia đình. Chẳng biết người Tây bắt đầu làm xúcxích, thịt hun khói từ bao giờ, nhưng người Hà Nhì đã biết dồn thịt vào ruột non lợn làm món A gạ a ú và hun thịt trên gác bếp từ ngày xửa ngày xưa. Lạ một điều là sau khi thưởng thức món A gạ a ú đậm đà tôi bỗng thấy xúcxích Tây nhạt thếch. Nhai nhẩn nha một miếng mới vỡ lẽ rằng hoá ra là bởi món ăn của người Hà Nhì được tẩm ướp hàng chục thứ gia vị "đặc sản" của núi rừng Tây Bắc, hoà thành một bản tấu khúc hương vị khiến ai đã một lần thưởng thức thật khó quên. Những món ăn mang đặc trưng của ẩm thực Tết "Có nhẹ trà" còn có "A gạ xà be" (thịt lợn băm nhỏ trộn vỏ cây me tròn làm nước chấm), "Xà iu ì be" (sườn lợn băm trộn hạt mắc khén gói lá dong rừng) và bánh dày làm từ gạo nếp nương trộn với vừng, lạc giã nhuyễn rồi cắt nhỏ, rán giòn.

Làm bánh dày.

Cũng như nhiều dân tộc khác, người Hà Nhì dành những giờ phút đầu tiên trong ngày Tết để cúng tổ tiên.

...Đi khắp bản Tả Kố Khừ, không nhà nào không bày sẵn bàn rượu để tiếp khách, ai đến chúc Tết cũng phải ngồi lại uống với gia chủ dăm ba chén đầu xuân. Người phụ nữ Hà Nhì cả ngày ngồi bên bếp lửa, luôn tay làm thức ăn thết khách, hai má hây hây đỏ, miệng cười tươi như thể đó là việc vui nhất của một năm. Từ những bản láng giềng như Sen Thượng, Tá Miếu, A Pa Chải... đến bản xa xôi cách 2-3 ngày đường đi bộ như Tá Ló San, Long San..., không ít bà con về Tả Kố Khừ vui Tết.

Đã gần nửa đêm nhưng đến nhà Sừng Phà Rèn - một tay săn thú rừng lão luyện của bản - vẫn thấy mọi người ngôi quây quần bên bàn rượu, câu chuyện nổ như ngô rang. Những chén rượu men lá thơm nồng chỉ vừa đủ để chếnh choáng một chút, lâng lâng một chút trong niềm vui của vụ mùa bội thu, của ngày anh em đoàn tụ. Chuyện về những huyền thoại xa xưa của dân tộc. Chuyện những chuyến đi săn, chuyện cái thời nai về đầy bản ăn muối, hổ về bắt lợn, cá dày đặc dưới suối. Vậy mà đã hết bao năm rồi. Giờ đây, ở vùng hoang sơ như Sín Thầu cũng phải đi bộ cả ngày trời mới có thú (nhỏ thôi) để săn, cá để bắt.

Những vị khách đặc biệt của bà con dân bản trong ngày Tết là những chiến sĩ biên phòng đồn 405, 317, Leng Su Sìn, Si Pa Phìn... Đã thành thông lệ, từ khi mời bắt đầu thành lập, các chiến sĩ năm nào cũng xuống ăn Tết với bà con. Anh Nguyễn Văn Thạch (đồn 405) nói: "Anh em xa nhà đều thiếu thốn tình cảm, xuống với bà con mình được coi như con cháu trong nhà. Đặc biệt là ngày Tết, không khí càng vui vẻ, đầm ấm hơn". Trẻ con trong bản đứa nào cũng mong A gồ bộ đội (anh bộ đội) xuống để được tập trung ở sân bóng nghe đàn nghe hát. Những đêm giao lưu văn nghệ, đêm xoè là những đêm vui tưởng như bất tận. Thiếu nữ Hà Nhì tươi tắn như bông hoa rừng trong những bộ trang phục truyền thống rực rỡ múa điệu Á mì xơ, Ắ sì chà lò giò chò, Parara tò tơ... để cầu cho năm mới mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu. Dưới ánh trăng lộng lẫy của núi rừng Tây Bắc, ít ai không cảm thấy say lòng bởi vẻ đẹp nguyên sơ, e ấp của những nàng sơn nữ.

Vui hơn cả là hội múa xoè, người Hà Nhì cũng có điệu xoè của dân tộc mình, xoè Ứ già nhi. Những chàng trai, cô gái nắm tay nhau nhảy quanh đống lửa lớn và hát vang những bài hát dân tộc. Xoè Hà Nhì hoàn toàn tự nhiên, mọi người có thể thoả sức bầy tỏ niềm vui bằng những động tác đầy ngẫu hứng.
Đến Sín Thầu mùa xuân, được may mắn ăn Tết "Có nhẹ trà" là được đắm mình vào một không gian văn hoá nguyên sơ và rực rỡ sắc màu của núi rừng Tây Bắc.

Theo Thu Cúc (Lao động)