itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Rủi may số phận hàng ngàn em nhỏ ở nhà trẻ tư

Rủi may số phận hàng ngàn em nhỏ ở nhà trẻ tư

Niềm vui khi đón con về

Trong hơn 300 cơ sở đó, có khoảng 100 cơ sở tựu trung một đặc điểm "vô số không": Không phép, không đảm bảo cơ sở vật chất; "bảo mẫu" không chuyên môn mà nuôi con người ta theo... kinh nghiệm, chủ yếu cho ăn cho ngủ là chính!

Hình ảnh gây chấn động từ vụ những đứa trẻ ở điểm giữ trẻ tư nhân phường Quyết Thắng (TP.Biên Hoà) bị hành hạ và ngay sau đó là việc một bé ở cơ sở giữ trẻ không phép bị tử vong (đang làm rõ trách nhiệm) làm hàng ngàn ông bố, bà mẹ và đặc biệt là hàng chục ngàn công nhân ở Đồng Nai đang phải cầu may rủi cho con. Nguyên nhân, nhà trẻ đạt yêu cầu ở tỉnh này chỉ mới đáp ứng... 11% nhu cầu...

Tràn lan điểm giữ trẻ "vô số không"
Nguồn tin riêng của PV, Sở GDĐT tỉnh Đồng Nai vừa có một kết quả khảo sát về cơ sở giữ trẻ tư nhân trong và ngoài công lập. Theo đó, có hơn 300 cơ sở giữ trẻ tư nhân, chưa nói các nhóm giữ trẻ gia đình theo mô hình bà Quảng Thị Kim Hoa (phường Quyết Thắng - nơi hành hạ trẻ em) hay bà Tôn Thị Phương Lan (phường Bửu Hoà - nơi một bé trai gần 6 tháng tuổi nuôi giữ ở đây vừa tử vong) vì cơ quan chức năng chưa kiểm tra thống kê nổi.
Trong khi đó, toàn tỉnh hiện có hơn 9.300 trẻ trong độ tuổi nhà trẻ (dưới 3 tuổi). Tuy nhiên, các nhà trẻ đủ điều kiện theo quy định chỉ đáp ứng... 11% nhu cầu.
Vụ việc trẻ em bị tử vong tại nhà trẻ ở Đồng Nai không phải mới xảy ra lần đầu. Tìm hiểu của chúng tôi, khoảng tháng 3.2004, cháu bé 7 tháng tuổi - con anh Trần Thanh Sơn và chị Võ Thị Hoà (xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom) - bị tử vong.
Nguyên nhân do người giữ trẻ đút muỗng bột quá đầy, cháu bé không nuốt nổi mà còn bị "tống" thêm muỗng nước khiến cháu bé bị sặc, bột tràn vào ống thở gây tím tái mặt mày.
Thay vì đưa cháu bé đi cấp cứu, thì người giữ trẻ này lại chỉ biết xoa vỗ vào lưng cháu bé. Chỉ trong ít phút, cháu bé đã chết do ngạt thở.
Đó là chưa kể một người giữ trẻ ở phường Long Bình (TP.Biên Hoà) để một cháu bé 13 tháng tuổi ăn phải thức ăn dành cho cá kiểng, khiến cháu bị sình ruột phải đi rửa ruột cấp cứu...
Nhắm mắt cầu cho con...
Đồng Nai hiện có gần 500.000 người lao động khắp mọi miền vào đây làm việc. Đến giờ này, tuy chưa có cơ quan nào điều tra xã hội học để thống kê được số lượng cũng như nỗi thống khổ của công nhân xây tổ ấm nơi đất khách quê người, mặc dù suốt nhiều ngày qua, không ít cán bộ ban, ngành tỉnh đều nói, việc này rất bức xúc.
Chúng tôi đã làm một cuộc khảo sát nhanh tại phường Tân Phong, Trảng Dài, Trung Dũng (TP.Biên Hoà) - nơi có nhiều công nhân biết rõ mình gửi con ở những điểm giữ trẻ "vô số không".
Chị L.T.Nguyệt (công nhân Cty may Đồng Tiến, có con nhỏ 28 tháng tuổi, hơn 1 năm nay cũng gửi con cho điểm giữ trẻ tư nhân) nghẹn lời: "Mấy ngày này đi làm mà ruột cứ nóng như lửa đốt. Nhưng chỉ biết cầu cho con... may mắn thôi. Không hộ khẩu, không ở cố định, lại tăng - đổi ca liên tục, không chỉ bọn em mà nhiều công nhân khác khó mà gửi con đến các nhà trẻ nhà nước được! Bọn em đâu còn con đường nào lựa chọn".
Trả lời chất vấn của PV về vấn đề này, một cán bộ Sở GDĐT Đồng Nai khẳng định, không hề có chủ trương phải có hộ khẩu mới được gửi con em vào công lập(?).
"Nguyên nhân có thể do các trường công lập đó là mẫu giáo, không đủ điều kiện giữ trẻ ở độ tuổi nhà trẻ (vì tiêu chuẩn khắt khe hơn về cơ sở vật chất lẫn giáo viên) nên họ không dám nhận" - vị cán bộ này giải thích.
Nhưng vẫn còn nguyên nhân khác, khiến hàng ngàn công nhân phải "nhắm mắt cầu cho con" khi phải gửi con cho các bà "bảo mẫu" nuôi con... theo kinh nghiệm là theo quy định của Bộ LĐTBXH, cán bộ công nhân viên chức sinh con chỉ được nghỉ 4 tháng.
Trong khi đó, hệ thống nhà trẻ chính quy chỉ nhận trẻ từ 18 tháng tuổi trở lên. 14 tháng nuôi con bú để chờ gửi đi nhà trẻ, liệu những công nhân với thu nhập ít ỏi có chịu đựng nổi...

Dạy làm người từ... ngọn
Có bao giờ người lớn tự hỏi, tại sao trẻ em nhớ nhanh hơn mình? Vì trí não trẻ em giống như tờ giấy trắng, in vào đó vết gì đầu tiên sẽ khó phai. Vì vậy, đào tạo con người cần lắm ở gian đoạn này, lúc tính cách trẻ bắt đầu hình thành, tức là dạy làm người từ gốc.
Trong khi đó, với tỉnh công nghiệp lớn của miền Đông Nam Bộ như Đồng Nai, nhà trẻ đủ điều kiện chỉ đáp ứng được... 11% nhu cầu!
Con số này khiến nhiều người giật mình. Phải chăng phương pháp đào tạo con người của chúng ta đang làm từ ngọn, với những tự hào trong việc phổ cập giáo dục, tỉ lệ học sinh đậu tốt nghiệp THPT, CĐ-ĐH và những ngôi trường "sao" hoành tráng? Tình trạng này, hẳn không riêng một Đồng Nai.

Theo Lao Động