itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Có một "Bến xuân" ở Huế

Có một "Bến xuân" ở Huế

Lần đầu tiên ở Huế, một Việt kiều xin phép chính quyền địa phương để xây dựng một phòng hoà nhạc cổ điển bên dòng Hương. Và trong ngôi nhà có cái tên rất thơ là "Bến xuân", một đêm trình tấu nhạc cổ điển và giới thiệu những ca khúc trong album mới nhất: "Cung Tiến Art Songs", mà ca sĩ chính là chủ nhân, lần đầu tiên ra mắt.

"Bến xuân"

Nằm giữa chùa Linh Mụ và Văn Thánh, "Bến xuân" là một khu đất rộng khoảng 2000m2, nằm ở sát bờ sông Hương, thuộc thôn An Bình, xã Hương Hồ, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên-Huế, như một mô hình tiêu biểu của sự "bảo tồn thích nghi": Bên ngoài là sự cổ kính với những giá trị nguyên gốc như vườn Huế, lầu Nghinh Phong, những lối đi bằng gạch Bát Tràng có niên đại trên dưới 300 năm...; bên trong là nhà ở với tiện nghi của đời sống hiện đại. Chủ nhân của "Bến xuân" là đôi vợ chồng Việt kiều: Ông Trương Đình Ngộ và bà Huyền Tôn Nữ Camille (nghệ danh là Camille Huyền) - một phụ nữ Huế đặc trưng dù đã xa quê hương từ thuở mới là thiếu nữ. Hiện cả hai ông bà đang sinh sống tại Thụy Sỹ.

Camille Huyền là một hoạ sĩ, ca sĩ, nhưng ông Trương Đình Ngộ lại làm tôi bất ngờ bởi niềm đam mê, cũng như những hiểu biết rất đặc biệt của ông về âm nhạc, văn hoá, nghệ thuật... Ngạc nhiên vì ông là giám đốc và chuyên gia hàng đầu về chứng khoán - tài chính của một ngân hàng lớn tại Thụy Sỹ, một lĩnh vực vốn chẳng liên quan gì đến âm nhạc và văn hoá. Ông cười: "Thì quanh năm suốt tháng đánh vật với những con số khô khốc nên phải tìm cho mình một sự thăng bằng chứ! Khu đất này vợ chồng tôi mua cách đây 10 năm và đang từng bước xây dựng để sau này khi nghỉ hưu sẽ về Huế để sống - Trên tay cầm bản vẽ khu đất, ông Ngộ vừa nói, vừa dẫn tôi đi tham quan một vòng vườn và nhà - Hiện chúng tôi đang làm thủ tục để mua thêm khoảng 500m2 liền kề, và ở đó chúng tôi sẽ xây dựng một phòng hoà nhạc cổ điển đúng chuẩn với khoảng 60 chỗ ngồi".

Ông Trương Đình Ngộ và bà Camille Huyền
tại đêm nhạc Cung Tiến.

Theo ông Ngộ thì phòng hoà nhạc cổ điển ở đây sẽ được hoạt động theo mô hình câu lạc bộ, một tháng mở cửa một lần để giới thiệu những album thơ nhạc, những buổi trình tấu hoà nhạc theo chủ đề... Đây còn là nơi để những văn nghệ sĩ Huế và trong, ngoài nước làm tụ điểm để giới thiệu thơ, sách, hoặc triển lãm tranh... Mô hình này, theo ông Ngộ là "rất phổ biến ở Anh và Thụy Sỹ, nhưng ở mình thì hình như chưa có".

Mặc dù mới ở giai đoạn chuẩn bị và phác thảo ý tưởng, nhưng dự án này rất được các văn nghệ sĩ, trí thức Huế háo hức chờ đợi. Nhà văn Tô Nhuận Vỹ hồ hởi: "Dự án như thế này đúng ra một thành phố như Huế phải có từ lâu lắm rồi. Bây giờ một tư nhân đứng ra làm thì không còn gì bằng...".

Trong dự án xây dựng phòng hoà nhạc, ông Trương Đình Ngộ còn phác ra một viễn cảnh tương lai đầy tính nhân văn với cư dân bản địa vùng Linh Mụ - Văn Miếu song song với sự phát triển của văn hoá và du lịch Thừa Thiên-Huế. Ông nói: "Hồi mới về đây, tôi rất ngạc nhiên và buồn khi thấy cảnh phụ nữ, trẻ con chèo kéo du khách tham quan chùa Linh Mụ để bán những tấm bưu ảnh hay hàng lưu niệm. Người phương Tây họ rất sợ cảnh đó. Khu vực này dày đặc di tích, và chen giữa Văn Thánh, Võ Thánh là hàng hàng trăm hộ dân vốn là cư dân bản địa gốc ở Kỳ Đài lên lập nghiệp tại thôn An Bình khi Vua Gia Long xây dựng kinh thành.

Chuỗi di tích từ Linh Mụ đến Văn Miếu hiện nay còn là một bối cảnh ít chịu ảnh hưởng của quá trình đô thị hoá. Tuy nhiên giống như rất nhiều khu dân cư-di tích khác, không ai có thể đảm bảo trong tương lai liệu nó có còn giữ được thậm chí là rất ít về bản sắc đó hay không khi mà nó luôn chịu một sức ép rất lớn về đời sống kinh tế cũng như về sự gia tăng của dân số".

Và ý tưởng của ông Ngộ là một chương trình đầu tư theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng xây dựng trên phần đất dọc sông Hương một con phố đi bộ, nối Linh Mụ với Văn Thánh. Và một trong những ý tưởng khả thi là sẽ cho những hộ dân ở đây vay vốn để sửa sang vườn tược, nhà cửa, đình làng theo quy trình của Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế; phục hồi lại các nghề truyền thống như nghề chằm nón, nghề mộc, dạy cho thanh niên ở đây tiếng Anh, vi tính... để họ làm du lịch theo như mô hình của phố cổ Hội An.

"Nếu làm được như thế, nơi đây sẽ hình thành một tuyến du lịch với lịch trình: Du khách sau khi thăm chùa Linh Mụ sẽ đi bộ qua làng An Bình thăm đời sống của người dân và đình làng , mua hàng lưu niệm cao cấp, ghé "Bến xuân" xem tranh, nghe nhạc, rồi lên Văn Thánh ngắm cảnh.... Tôi đoan chắc rằng, các du khách Tây đến đây sẽ sẵn sàng bỏ ra 10 đến 15USD để mua một chiếc nón Huế có tên mình ở trong đó. Tôi cũng đoan chắc rằng, cuộc sống của hơn 700 hộ dân ở đây sẽ thay đổi, nạn chèo kéo khách du lịch ở chùa Linh Mụ sẽ chấm dứt nếu như những gì vừa trình bày của tôi sớm thành hiện thực" - ông Ngộ nói.

Bà Camille Huyền trình diễn những tác phẩm nghệ thuật
của Cung Tiến tại "Bến xuân" tối 10-1.

Những gì vừa kể, mới đây, ông Ngộ đã viết trong dự án "Bảo tồn và phát triển bền vững con đường văn hoá Linh Mụ - Văn Miếu", trình gởi UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế để xin phép, và đã nhận được sự đồng thuận bước đầu. Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Hoà - Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế nói: "Tôi hoan nghênh ý tưởng cũng như tấm lòng của vợ chồng anh Ngộ đối với Huế. Hiện tôi đã chỉ đạo các ban ngành liên quan tiếp nhận và hướng dẫn để dự án được triển khai đúng thủ tục, trình tự".

KTS Phùng Phu - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế - cụ thể hơn: "Tôi hoàn toàn ủng hộ vì nó không những không ảnh hưởng mà còn làm đẹp hơn cho hệ thống di tích ở đây, cũng như tính nhân văn và phi lợi nhuận của dự án. Hiện chúng tôi đang tư vấn để dự án có sự thoả thuận của Cục Di sản, Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch".

Đêm nhạc Cung Tiến

Đêm 10.1 mới đây, tại "Bến xuân", vợ chồng ông Ngộ đã tổ chức một đêm nhạc rất đặc biệt, với phần trình tấu những tác phẩm của Mozart, Augustine Barrios, J.S.Bach, F.Chopin, L.Beethoven... và trọng tâm là phần giới thiệu các ca khúc trong album "Cung Tiến Art Songs", do bà Camille Huyền trình diễn. Đêm nhạc đã nhận được sự hưởng ứng của hầu hết quan khách là lãnh đạo ngành văn hoá, văn nghệ sĩ, những người yêu nhạc... ở Huế.

Đây là album nhạc Cung Tiến đầu tiên được ra mắt, không chỉ ở Huế và Việt Nam, mà còn cả tại cộng đồng người Việt hải ngoại, với 11 ca khúc, trong đó có một số bài trước nay chưa công bố của nhạc sĩ Cung Tiến, do ban nhạc thính phòng cổ điển Orches Trio Zurich (Thụy Sỹ) hoà âm và thu âm trực tiếp. Đêm nhạc, cũng được chủ nhân coi như là sự tập dượt, minh hoạ cho mô hình hoạt động của phòng hoà nhạc cổ điển sau này.

Một góc "Bến xuân".

Đêm nhạc đã để lại những ấn tượng thật đặc biệt, bởi sự nhập hồn của nghệ sĩ guitar Nguyễn Khắc Trung (vừa tu nghiệp ở Paris về) qua những tác phẩm của Mozart, Augustine Barrios và Bach; là phần hoà âm Cung Tiến lạ đến ngỡ ngàng của "ông Tây" Walther Giger; là những vòng hoa Đông phương với âm sắc ngũ cung tô điểm cho nền nhạc cổ điển rất Tây phương của Cung Tiến; là giọng hát chuẩn mực về kỹ thuật và luôn gợi đến "nỗi buồn đong đưa" của bà Camille Huyền... Ngay cả một người khó tính và nhiều năm nay ít khi rời nhà đi chơi như nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, nhưng đêm nay cũng ngồi xe lăn và taxi "lặn lội" hơn 5km lên tới "Bến xuân", và tôi nhìn thấy ông mỉm cười thoả nguyện.

Càng ngỡ ngàng, khâm phục hơn khi nghe bà Camille Huyền tâm sự về hành trình ra đời của album nhạc Cung Tiến trong 3 năm vật vã, cũng như đọc lời tựa bà viết trong tập nhạc kèm theo: "Venice, năm 2004, tình cờ Camille nắm trên tay tập nhạc Cung Tiến. Mượn tập nhạc mang về Thụy Sĩ, Camille bắt đầu tập hát mỗi đêm từng nốt từng nốt với cây guitar trong suốt một năm trời. Càng ngày càng đam mê trước ý tưởng sâu-sang-đẹp của những bài thơ, trước tài nghệ phi thường của anh Cung Tiến".

Sau đó, được sự giúp đỡ của ông Walther Giger - nghệ sĩ tây bán cầm danh tiếng trong ban nhạc ban nhạc thính phòng cổ điển Orches Trio Zurich, đồng thời cũng là thầy dạy đàn của mình, bà Camille Huyền đã thu âm những tác phẩm Cung Tiến. Điều đặc biệt là trong album, nghệ sĩ Walther Giger hoà âm "phù hợp với tánh tình của cô học trò". Và như thế, nghệ sĩ Walther Giger "lắng nghe và nhìn Camille hát rồi muốn biết Camille nghĩ gì, thấy gì, nghe gì trong những ca khúc nghệ thuật của Cung Tiến". Để rồi "tiếng đàn và tiếng hát là cuộc đối thoại cùng vui cùng buồn cùng màu sắc, cùng nhịp đập". "Tiếng hát là tình cảm kín đáo của phương Đông và tiếng đàn tôi là sự xáo động phản kháng của phương Tây"...

Sau đêm nhạc, ông Trương Đình Ngộ tiết lộ một thông tin thú vị: "Hiện chúng tôi đang liên hệ với một số đơn vị xuất bản như Phương Nam, Cảo Thơm...để tổ chức phát hành rộng rãi album "Cung Tiến Art Songs" trong cả nước. Và trong năm nay, bà Camille Huyền cùng những người thực hiện album Cung Tiến là Ban tam tấu thính phòng cổ điển Zurich (đã được khẳng định 20 năm nay tại Zurich - Thụy Sĩ), với Noriko Kawamura (vĩ cầm), Walther Giger (tây bán cầm) và Fumio Shirato (đại hồ cầm) sẽ đại diện Cộng hoà Liên bang Thụy Sĩ tham dự Festival Huế 2008.

Hoàng Văn Minh / Laodong