itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Cứu nạn tự nguyện trên "cung đường đen"

Cứu nạn tự nguyện trên "cung đường đen"

Đoạn đường đen thuộc ấp 4 xã Nhựt

Chánh, huyện Bến Lức Long An.

Họ làm việc không lương, chẳng màng chút quyền lợi nào. Thành viên trong đội là những nông dân chân chất và cánh xe ôm tất tả các nẻo đường... Đó là đội cứu người bị TNGT trên cung đường đen tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An.

Sự tình cờ

Họ là những công dân bình thường và làm nhiều nghề khác nhau. Nhưng tất cả trong đều có điểm chung duy nhất: cứu người bị tai nạn giao thông tại cung đường đen trên Quốc lộ I, đoạn chạy qua ấp 4, xã Bình Nhựt, huyện Bến Lức tỉnh Long An...

Thật tiếc, hôm chúng tôi xuống gặp “thủ lĩnh” của đội cứu nạn tự nguyện thì ông Phạm Văn Minh, Trưởng ấp 4, xã Bình Nhựt, cũng là đội trưởng nhóm cứu nạn, đang lâm bệnh nguy kịch. Ông đã bán thân bất toại, nằm liệt giường từ hơn sáu tháng nay vì bị tai biến mạch máu não.

Chúng tôi tiếp cận được người con thứ của ông, anh Phạm Tấn Mẫn, là cử nhân Anh văn nhưng vẫn bám ruộng quê nhà. Anh hiện có chức danh khá... khiêm tốn, đó là dân quân xã... Anh cũng là một trong những thành viên tích cực trong nhóm cứu nạn này kể từ ngày thành lập.

Anh Mẫn kể... ngược thời gian 20 năm trước, khoảng năm 1987, một tai nạn khủng khiếp xảy ra ngay tại mảnh ruộng trước nhà ông Minh. Hai chiếc xe khách 50 chỗ ngồi chạy ngược chiều với tốc độ cao, đâm nhau trực diện. Một nằm “chình ình” trên lộ, một đâm xuống ruộng trong lúc đang mùa nước nổi.

Không chần chừ, ông Minh lấy tay làm “loa” chạy tứ phía kêu mọi người tới cứu những người bị nạn. Chẳng bao lâu sau, trai tráng, người dân trong làng “túa” về nơi đụng xe. Kẻ xà beng, người dùng cuốc, cùng tất cả vật dụng được trưng dụng để cứu những người bị kẹt trong xe.

"Khủng khiếp lắm!" - anh Mẫn nhớ lại. Khi đó, máu lênh láng trên đường, hàng chục người bị thương, nhiều người đang ngạt nước bởi chiếc xe ngày càng lún xuống bùn. Lúc đó, mọi người chỉ có một động cơ duy nhất: cứu thật nhanh kẻ bị nạn.

Người phá xe, kẻ đập kính, số còn lại lấy honda hoặc vẫy bất kỳ xe nào đang chạy ngang qua bắt phải dừng lại chở người đi cấp cứu tại bệnh viện huyện.

Riêng ông Minh, ngoài việc chỉ đạo mọi người cứu nạn, ông còn cử riêng một tổ giữ nguyên hiện trường, giữ của cho nạn nhân. Xong xuôi, ông chạy một mạch đến bưu điện công cộng gọi cho công an huyện.

Kể từ lần đó, ông đề nghị với chính quyền xã cho thành lập đội cứu nạn tự nguyện. Lý do ông đưa ra thật đơn giản nhưng thuyết phục. Đoạn đường này là nhánh rẽ vào cầu Ván. Quen đường thì không nói nhưng với cánh tài xế lâu lâu mới xuống miền Tây một lần thì đôi khi hơi bị... hoảng.

Đã vậy, hai bên đường còn có chợ, lại có ngã ba, người lúc nào cũng đông đúc, nhất là vào cao điểm. Điều đáng quan tâm hơn cả, bên đường có Trường tiểu học Thạnh Đức, mỗi ngày có hàng trăm lượt học sinh băng qua lộ tới trường...

Dĩ nhiên xã đồng ý nhưng nói tới kinh phí xăng nhớt cho các “thành viên” thì họ lắc đầu nguầy nguậy. Nhưng đội cứu nạn vẫn cứ thành lập. Không đại hội, bầu bán gì, tất cả đều tự nguyện.

Ông Minh có uy tín hơn cả, được giữ chức trưởng nhóm, số còn lại đều là thành viên. Mà cái quy chế của đội cũng thật đơn giản, ai làm việc nấy, lo kiếm miếng cơm từng bữa.

Khi có sự cố, tất cả phải bỏ mọi việc chạy ngay đến nơi sự cố, ai vào việc nấy giúp người bị nạn. Điện thoại bàn nhà ông Minh là "số nóng", nếu ai phát hiện sự cố trước phải điện thoại về “tổng hành dinh”. Vậy mà, ngay từ ngày đầu, số thành viên của đội đã lên tới gần 20 người...

Mang phúc đến

Ai cũng biết, các thành viên trong đội người tham gia đều vì lòng nhiệt tình, chẳng chút vụ lợi. Hôm gặp chúng tôi, anh Mẫn lục trong đống sổ sách của người cha, tìm mãi mới thấy quyển sổ tay ghi những vụ tai nạn “điểm” trên địa bàn.

Nhiều lắm, như năm 1996, trước mảnh ruộng nhà ông, một chiếc xe tải chạy về hướng thành phố, do phóng nhanh nên tông vào quán nước, đâm xuống ruộng. Chỉ vài phút sau, đội cứu nạn ra tay, cạy cửa, đập bể kính xe kéo tài xế và phụ đi cấp cứu.

Còn nữa, năm 2001, chiếc xe tải nặng chở gạo, chẳng biết do đường trơn vì trời mưa hay lý do nào khác, đến cung đường này thì lật ngang, đè vào ông già bán vé số đang đi xe đạp.

Mọi người phải vất vả, chuyển gạo, kê xe mới cứu ông già thoát chết trong gang tấc. Và khi đã bình phục, ông già bán vé số có đến nhà tặng quà cho ông Minh và đội cứu hộ nhưng cha anh Mẫn nhất quyết không nhận.

Còn những vụ va quẹt, đụng nhẹ thì có thể kể hàng trăm. Tùy từng trường hợp, đội cứu nạn có thể dàn xếp, giảng hoà để các bên cùng nhanh chóng... lên đường, tránh xảy ra xô xát.

Với các thành viên trong đội, để có những kiến thức cơ bản trong việc sơ cấp cứu. Lần lượt từng người đã đi học lớp sơ cấp, cứu nạn do xã hoặc huyện tổ chức. Ngoài việc cứu nạn trên cung đường này, mỗi đêm, đội còn tuần tra, phát hiện những đối tượng nghi vấn cướp giật trên đường để báo về xã, huyện...

Từ khi thành lập đến bây giờ, đội cứu nạn tự nguyện xã Nhựt Chánh đã cứu sống hàng chục người thoát khỏi lưỡi hái của tử thần và đưa hàng trăm người bị thương trở về trạng thái bình thường.

Họ chẳng bao giờ muốn nói về mình, vì trong suy nghĩ của những người nông dân chân chất này, công việc của họ đơn giản chỉ là chuyện mang cái phúc đến với người không may bị nạn.

Theo Thanh Lam (VietNamnet)