itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Game online và những điều trông thấy

Game online và những điều trông thấy

Với tác dụng giải trí, những trò chơi trực tuyến đang thu hút đông đảo tín đồ. Thực tế cho thấy, nhiều hoạt động trong thế giới ảo đang được giới trẻ đem vào đời sống thực. Để được chơi game, có tiền lên mạng, một số thanh thiếu niên đang dùng các chiêu “moi” tiền từ gia đình và thậm chí sa đà vào trộm cắp...

MUÔN MÀU THẾ GIỚI ẢO
19 giờ 30, phố Tạ Quang Bửu được hâm nóng bởi những quán nét đặc kín người. Phía bên trong, không khí quán sôi động như một tổ ong bởi những cuộc cãi vã của các game thủ và âm thanh của những trò chơi trực tuyến... Muốn lên mạng vào giờ cao điểm này, không ít người ngán ngẩm quay về bởi tất cả các địa điểm truy cập internet luôn chật ních khách hàng đang chờ đợi.
Dạo quanh các quán nét trong ngõ ngách của phố phường Hà Nội khoảng thời gian từ 19 - 21 giờ, tình trạng quá tải cũng tương tự. “Thượng đế” trong quán nét phần lớn tuổi đời còn rất trẻ. Ngoài việc lên mạng để “chat” thì một game online đang thịnh hành như Audition, Bom online, Thiên long bát bộ, Võ lâm II, Cửu long tranh bá, Con đường tơ lụa, Phong thần, Hiệp khách, Tam quốc diễn nghĩa, Vương quốc xe hơi... có sức lôi cuốn mạnh mẽ giới học sinh, sinh viên. Nguy hiểm hơn, thời gian gần đây loại hình sex game với nội dung khiêu dâm cũng có thể chơi online qua mạng.
D. (ở đường Bạch Mai), một game thủ thuộc “tốp cao thủ” trong Võ lâm truyền kỳ cho biết, nếu như Con đường tơ lụa là trò chơi chủ yếu dành cho những game thủ lớn tuổi kiểm nghiệm khả năng buôn bán kinh doanh, bảo vệ hàng hóa trong những chuyến đi đường dài thì Võ lâm truyền kỳ, Thiên long bát bộ, Tam quốc diễn nghĩa... lại thu hút nhiều học sinh, sinh viên bởi những cảnh chém giết rùng rợn. Riêng bậc tiểu học, đặc biệt là học sinh nữ rất hứng thú với nhảy Audition, Bom online.

Khác với các nữ game thủ, học sinh, sinh viên nam lại chọn cho mình trò chơi mạnh mẽ, đầy bạo lực: Cửu long tranh bá, Võ lâm II, Hiệp khách... Game thủ mọi nơi quy tụ lại với nhau vì chung sở thích, tính cách hay đơn giản là cùng sinh sống tại một tỉnh thành. Họ lập ra những bang phái mà chỉ nghe qua cũng thấy sặc mùi kích động, bè phái: Bang Hà Nội, Bang Lạng Sơn, Bang dân tộc, Bang giết, Bang hận đời... Sau một thời gian lập bang, các thành viên thống nhất gặp mặt, họp bang ngoài cuộc sống thực. Từ những hoạt động xuất phát từ thế giới ảo như kết đôi, cưới hỏi, trộm đồ trên mạng, nhiều game thủ hẹn gặp nhau ngoài đời để giải quyết.
Theo như D. tâm sự thì trước đây cậu dành nhiều thời gian để “cầy” vì cay cú khi nhân vật của mình kém đối thủ, thường xuyên bị “đồ sát” (giết). Quá đam mê trò chơi trực tuyến nên dù mất thời thời gian, hại sức khỏe, tốn tiền (tiền cước lên mạng, tiền mua thẻ), nhiều quý tử con nhà giàu vẫn sẵn sàng bỏ vài triệu tiền thật mua đồ ảo như: ngựa, mũ, áo, đao, nhẫn... phục vụ cho trò chơi.
ĐẾN CUỘC SỐNG THỰC

Trong câu chuyện của mình, D. (Bạch Mai) tỏ ra sành sỏi: Một số chị em đam mê, mải dán mắt vào màn hình máy tính, lúc đứng lên không có tiền thanh toán, họ sẵn sàng gọi “cứu net”. Nhận được lời cầu cứu từ người đẹp, “anh hùng” lập tức có mặt. Sau khi ra tay cứu mỹ nhân (trả tiền), họ cùng nhau vào nhà nghỉ tâm sự. Nhưng ở đời có lúc “anh hùng gặp phải tiểu nhân”. D. kể lại vụ cậu bị bọn ma cô cho ăn “quả lừa” khi hăm hở “giải cứu” một người đẹp có nickname khá ăn khách “má hồng kén chồng”: Nhận được lời đề nghị, em tức tốc phi xe đến địa chỉ đã hẹn. Vừa thanh toán xong 250.000 nghìn, lập tức xuất hiện bốn thằng tóc xanh, tóc đỏ mặt đầy sát khí.
Như các địa điểm khác trong thành phố, những quán net thuộc làng Khương Thượng - Đống Đa cũng thu hút nhiều nữ game thủ trong độ tuổi lên mười. Dù tuổi đời còn nhỏ nhưng những thiếu nhi này “tiếp thu” rất nhanh mọi câu tục tĩu được phát ra từ các thanh niên ngồi cùng quán. Sau một hồi dồn hết tâm trí cho ván nhảy Audition nhưng kết quả không được như ý, máu ăn thua nổi lên, nữ học sinh tên H. buông gọn lỏn những câu chửi thề đã học từ người lớn. Hòa mình vào thế giới game online, các thành viên dù không nhìn thấy nhau nhưng vẫn trò chuyện bằng những lời nói ngắn gọn mà trên ghế nhà trường và sách vở không hề có. Khi được hỏi bố mẹ có cho phép chơi game ở quán net không? Cô học sinh tên H. nhanh nhảu: Bố chỉ cho chơi mỗi ngày một tiếng nhưng em thích chơi hết 3 tiếng.

Theo “bật mí” của một vài em nhỏ thì “để được chơi game, chúng em phải bớt tiền ăn sáng”. Nhiều trường hợp vì quá say mê, lúc dứt ra khỏi bàn phím đã không đủ tiền chi trả. Một chủ quán nét tại Kim Liên kể, có trường hợp học sinh nhí rủ nhau lên mạng chơi game, lúc ra về đã cãi lộn om sòm vì cả bọn đều không có tiền. Đón tiếp những vị khách ở độ tuổi này, chủ quán sẽ thu tiền trước rồi mới cho ngồi vào máy. Trung bình mỗi tiếng tính 3 nghìn đồng, hết giờ chủ quán giục khách đứng lên. Để có kinh phí lên mạng, học sinh, sinh viên áp dụng đủ các chiêu “moi” tiền từ bố mẹ, gặp lúc bí bách là sẵn sàng cắm xe đạp, xe máy chơi game. Xin gia đình được tiền thì “nhổ xe”, bằng không chỉ còn nước đổ cho... kẻ trộm.
Hiện nay game online đang phát triển rầm rộ để phục vụ nhu cầu giải trí. Tuổi trẻ vốn rất nhạy bén với cái mới nhưng chưa làm chủ được mình nên rất dễ nhiễm thói hư tật xấu. Thế giới ảo mô phỏng một phần cuộc sống thực, có mua bán, có trao đổi, kết đôi yêu đương, chém giết... Và thật nguy hiểm khi những hành động trong thế giới ảo được đem vào cuộc sống đời thường.

Theo Công An TP.HCM