itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Tỉ phú trên đầm tôm

Tỉ phú trên đầm tôm

Nụ cười mãn nguyện của

tỉ phú Sáu Ngoãn.

Trong lúc người ta ùn ùn nuôi tôm công nghiệp với năng suất 4-6 tấn/ha, ông lại cổ suý cho việc nuôi thưa với năng suất 3,5-4 tấn/ha. Khi nhiều "đại gia" phải bỏ của chạy lấy người vì con tôm liên tiếp đối đầu với bệnh đốm trắng, đỏ thân thì mỗi năm ông tà tà thu về vài tỉ đồng.

Ông là Võ Hồng Ngoãn - 52 tuổi ở xã Vĩnh Trạch Đông, thị xã Bạc Liêu, người được mệnh danh là "vua tôm", hay người nuôi tôm "gàn" nhất Đồng bằng sông Cửu Long.

Vươn lên từ miền đất khó

Thật ra ông không phải là người nuôi tôm sú theo mô hình công nghiệp - bán công nghiệp (CN-BCN) đầu tiên của tỉnh Bạc Liêu. Sau Nghị quyết 09/2000/NQ-CP của Chính phủ về chuyển đổi sản xuất năm 2000, ông đang bận chăn bò, thả dê tại xã Châu Hưng, Vĩnh Lợi.

Đầu năm 2001, Bạc Liêu lên cơn sốt nuôi tôm công nghiệp. Gần như tất cả những người có tiền, kể cả cán bộ đều ùn ùn nuôi tôm. Chủ tiệm vàng, chủ vật liệu xây dựng cũng ra đồng.

Năm 2002, con tôm bắt đầu đỏng đảnh. Hàng loạt đầm tôm bị bệnh đốm trắng, đỏ thân và... chẳng chịu lớn phải "thu hoạch sớm" (tôm bị bể). Chủ tiệm vàng, chủ cửa hàng vật liệu xây dựng và không ít cán bộ mới ngộ ra rằng con tôm sú không phải dễ làm giàu. Học phí trả cho sự hiểu biết này là hàng loạt đất bỏ trống, nợ ngân hàng và không ít người tán gia bại sản vì tôm.

Giữa lúc ấy, ông Võ Hồng Ngoãn (Sáu Ngoãn) quyết định bán hết đàn bò, đàn dê được trên 100 triệu đồng mua 3ha đất nuôi tôm. Vụ đầu tiên nuôi mật độ dày, bể 1 ao nhưng vẫn còn lãi trên 120 triệu đồng. Vụ sau gần như hoà vốn do tôm không đạt kích cỡ (40 con/kg), bán không được giá. Thất bại vụ này, thông qua nhiều anh em, nhất là những chuyến đi thực tế học hỏi tại các vùng nuôi tôm quảng canh, ông về áp dụng cách nuôi thưa (7-9 con/m2).

Điều khá bất ngờ là mô hình nuôi thưa của ông chẳng hề hấn gì trước cơn lốc đốm trắng, đỏ thân. Với 7ha, ông lãi trên 1 tỉ đồng. Bắt đầu năm 2004, ông "cố định" cách nuôi thưa và lập hẳn một quy trình nuôi tôm do chính mình "sáng chế" mà tất cả các sách hướng dẫn nuôi tôm sú đều không đề cập.

Thật ra cách nuôi của ông cũng đơn giản. Quy trình xử lý nước thay vì dùng nhiều hoá chất để xử lý đáy ao, ông lấy cơm nguội trộn với thuốc để cho "những con côn trùng ăn" đỡ phải hoang phí mà chết rất nhanh. Sau đó ủi toàn bộ đất bùn đã phơi khô lên bờ. Cách xử lý nước tạo màu nước cũng vậy. Thay vì cứ làm đúng quy trình hướng dẫn, trước khi xử lý ông lấy mẫu đi xét nghiệm rồi phân lượng hoá chất cần thiết.

Thu hoạch tôm tại trang trại. Mỗi năm, ông Sáu Ngoãn lãi trung bình 3 tỉ đồng.

Chính nhờ sự kiên trì mày mò, áp dụng quy trình nuôi thưa một mà năm nào ông cũng lãi vài tỉ đồng. Năm 2007 này, ông tính sơ sơ 25ha của liên minh và trên 10ha cá nhân doanh thu trên 7,5 tỉ đồng, lãi ròng trên 3 tỉ đồng.

Dạy kỹ sư nuôi tôm

Kỹ sư Trần Quốc Bảo - Trưởng phòng kỹ thuật Trung tâm Khuyến ngư Bạc Liêu giới thiệu với tôi: Năm nào ông Sáu cũng nhận vài chục sinh viên Trường Đại học Cần Thơ, Đại học Thuỷ sản Nha Trang, Đại học An Giang về thực tập. Ông truyền đạt kinh nghiệm rất nhiệt tình, em nào cũng mê.

Hôm chúng tôi đến, kỹ sư Nguyễn Quang Hùng - Đại học Thuỷ sản Nha Trang đang theo ông học cách xử lý đáy ao. Hưng cho biết: "Em ra trường đã 2 năm nay rồi, có nuôi tôm cho một số bà con, nhưng vẫn phải theo ông Sáu học nhiều nữa, vì mô hình nuôi vi sinh, nuôi tôm sú mật độ thưa cho hiệu quả cao không phải ở đâu cũng có".

Ông bảo: "Con tôm sú nó rất khó nuôi, nếu ai cũng trúng cả thì đâu có người nghèo trên mảnh đất này. Cái chính là phải làm thế nào giảm tối đa chi phí, sản xuất phải lấy hiệu quả kinh tế làm đầu".

Anh Đặng Văn Thuỷ - nuôi tôm gần kề, quê tận tỉnh Hải Dương - kể lại: "Anh em cùng thôn với tôi bán đất, cầm nhà vào đây trên 100 hộ nuôi tôm mong đổi đời, may mà có ông Sáu hướng dẫn nên 4ha vụ này chắc cũng khá. Anh em cùng thôn tôi nuôi mật độ dày 6 tháng rồi 50 con/kg không chịu lớn nữa".

Tại xã Vĩnh Trạch Đông, phường Nhà Mát không ít người nuôi tôm công nghiệp với diện tích lớn. Cty Duyên Hải Bạc Liêu là một trong những doanh nghiệp có diện tích nuôi tôm lớn nhất tỉnh với trên 700ha nhưng từ khi hoạt động đến nay liên tiếp thua lỗ. Cty Hiệp Thành cũng tương tự. Những kỹ sư của các đơn vị này đến ông Sáu "ăn cắp" nghề về nuôi. Biết, nhưng ông sẵn lòng chỉ dạy tỉ mỉ. Thật ra chẳng có kỹ sư nào cả gan dám cho tôm sú ăn ốc bươu vàng. Vậy mà ông làm được và cho hiệu quả cao. Cũng chẳng có kỹ sư nào dám áp dụng nuôi 7 con/m2, vậy mà ông làm...

Ông Sáu Ngoãn với các học sinh trường Biển Tây B gọi mình bằng ông ngoại.

Ông bảo: "Con tôm nó như cơ thể mình vậy, trở gió nhức đầu sổ mũi, đau lưng là biết bệnh gì ngay. Không nhất thiết cái gì cũng tống thuốc vào, có khi làm việc quá độ nó mới vậy, uống thuốc vào vừa tốn tiền, vừa phản tác dụng; con tôm cũng vậy...". Tính khí như vậy nên không ít cửa hàng thú y thuỷ sản gán cho ông thêm một cái tên "Sáu gàn", "Sáu nổ".

Giấc mơ miền ven biển

Quê ông không phải ở Vĩnh Trạch Đông, nhưng mảnh đất miền ven biển này gắn bó với ông như máu với thịt. Ông đau đáu một điều không lý giải được là tại sao cư dân vùng ven biển quá nghèo. Đất phù sa hàng năm bồi đắp, bãi bồi mênh mông vậy mà nghèo vẫn nghèo. Chính vì vậy lực lượng công nhân làm việc tại trang trại của ông trên 50 người được hưởng lương từ 1,2-2 triệu đồng/tháng toàn là dân địa phương. Không những thế, cuối năm ông chỉ trả 30% phần thưởng (mỗi người trung bình 15 triệu đồng) số còn lại đầu tư vào con tôm để dành cho họ.

Anh Ngô Minh Luân làm công 3 năm, từ chỗ chẳng mảnh đất chọi chim nay trong tay có trên 100 triệu đồng. Nhiều đêm suy nghĩ, ông nhận ra không thể nuôi nổi hết dân nghèo ven biển, vậy là ông lặn lội hết chủ vuông tôm này đến vuông tôm khác tuyên truyền cách nuôi tôm sao cho trúng như mình để giải quyết việc làm nhiều hơn.

Thấy con em ở ấp Biển Đông B nghèo quá, muốn đi học nhưng xa trường vậy là ông bỏ ra 80 triệu đồng xây dựng trường học cho 46 học sinh. Học sinh tại trường thân thương gọi ông Sáu Ngoãn bằng ông ngoại. Đầu tháng 5.2007, đọc được thông tin trên tờ báo địa phương có trường hợp bà Trần Thị Sánh, Anh hùng Lực lượng vũ trang bị bỏ quên, người bạn tù với nguyên Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Bình. Ông điện thoại rủ tôi cùng vào nhà xem thực hư thế nào.

Đến nơi, thay vì cho tiền, ông mua một con trâu nái tặng bà già đã gần 70 tuổi. Biết thế nào tôi cũng thắc mắc, ông bảo: "Chú quan sát rồi, cháu bà ấy đông, xung quanh đây cỏ nhiều lắm, một con trâu ăn không hết đâu. Cho tiền bà ấy không xài mà cho con cháu hết. Cho trâu một năm đẻ một con cũng có 5-6 triệu".

Ông cứ băn khoăn mãi một câu hỏi Bạc Liêu là tỉnh có diện tích nuôi tôm sú CN-BCN lớn nhất nước, nhưng sản lượng thu hoạch lại chỉ hơn phân nửa Cà Mau, chưa bằng Sóc Trăng và tại vùng ven biển này sao ít người giàu vì com tôm quá? Tôi không phải kỹ sư, cũng chẳng phải nhà quản lý nên đành khất ông câu trả lời, nhưng tôi đoan chắc với người nuôi tôm đồng bằng nếu áp dụng triệt để mô hình nuôi tôm sạch của ông Sáu Ngoãn thì con tôm nơi này sẽ rộng đường bơi.

Nhật Hồ / Laodong