itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Chờ mãi một giấc mơ...

Chờ mãi một giấc mơ...

Dù có nhiều “ngả đường” đến với Trung tâm Nuôi dưỡng người già, nhưng đến bằng con đường nào thì các cụ ông, cụ bà vẫn thấy ấm lòng bởi sự ân cần đối xử của những người không phải là núm ruột họ từng đẻ đau. Trong nhiều bản “di chúc” không chính thức, các cụ ghi rõ là mong được trút hơi thở cuối cùng tại trung tâm này, giữa vòng tay các nhân viên xã hội đã chăm sóc mình…

Nước mắt chảy xuôi!

Trong suốt thời gian đi thực tế tại Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ người già và tàn tật Thạnh Lộc (sau đây gọi tắt là Trung tâm Thạnh Lộc) chúng tôi đã nhiều lần nấc nghẹn, ngoảnh mặt đi nơi khác để cố nuốt những dòng nước mắt cứ chực trào ra.

Mỗi cụ ông, cụ bà là một cảnh đời riêng biệt nhưng tất thảy đều liên quan đến con, cháu. Mang nặng, đẻ đau rồi nuôi dưỡng bao năm cho đến ngày “được” con… gửi vào sống ở trung tâm.

Tuy nhiều lần giận hờn, lắm khi bực tức hay đã có lần định tự tử vì con, nhưng giờ đây, khi nói về người thân của mình thì các cụ vẫn thương nhớ da diết và vẫn nói những lời bào chữa một chiều về con cái! Trong những câu chuyện kể với chúng tôi, các cụ vẫn nói - tụi nó bận rộn công việc nên không thể tới lui thăm mình.

Gần ngày tết, các cụ ngồi ngóng ra cổng trung tâm để chờ, để đợi bóng dáng con cháu đến bảo lãnh về với gia đình. Cụ Hà Sơn, 75 tuổi, tâm sự: “Trước đây, nhà tôi ở quận 5. Tôi có 6 người con. Tội nghiệp, dù bận rộn công việc làm ăn nhưng tụi nó vẫn vào thăm tôi thường xuyên.

Mới đây khi vào thăm tôi, thằng con lớn còn hứa sẽ bảo lãnh đưa tôi về ăn tết!”. Nói thế thôi, cụ Hà Sơn đã đón 11 cái tết lặng lẽ tại Trung tâm Thạnh Lộc này rồi. Và, trong suốt ngần ấy năm, rất ít lần con cháu vào thăm cụ.

Trung tâm Thạnh Lộc tiếp nhận những cụ già neo đơn, không nơi nương tựa, sống lang thang trên đường phố. Có người do cán bộ xã hội gửi vào, có người phải tự tìm đến. Bà Trần Thị Lạc, 87 tuổi, kể cho chúng tôi nghe “hành trình” đến với Trung tâm Thạnh Lộc: “Ở ngoài Bắc, tôi cũng có con cái đề huề, sống chung với con cháu cũng vui, nhưng nhiều lúc mình cũng làm vướng bận tụi nó. Nghe nói ở thành phố Hồ Chí Minh có trung tâm này nên tôi đã nói với các con tôi là tôi vào đây sinh sống. Gom góp hết tiền bạc để dành, tôi mua vé máy bay vào đây! Tôi đã ở đây ba cái tết rồi. Tụi nó cũng đòi vào thăm, nhưng thôi, tốn kém lắm!”.

Cũng chỉ là câu chuyện “tưởng tượng” của các cụ về những đứa “con ngoan” của mình với khách! Nước mắt bao giờ cũng chảy xuôi và cho dù con cái đối đãi với mình thế nào, cha mẹ vẫn luôn thương và nói tốt cho “núm ruột” của mình.

Mơ về một mái nhà

Cụ Huỳnh Văn Mỹ, 84 tuổi, nhà ở đường Đề Thám, quận 1 đến với trung tâm bằng con đường đẫm máu và nước mắt.

Khi các con đến tuổi trưởng thành đã đề nghị ông cho xây lại ngôi nhà to đẹp để an hưởng tuổi già cùng con cháu. Quá vui khi nghĩ đến một tương lai đầm ấm, hạnh phúc nên ông Mỹ đồng ý ngay. Khi ngôi nhà và các thủ tục sang tên cho cháu ngoại hoàn tất thì nó bắt đầu giở chứng.

“Mắng chó, chửi mèo” mãi mà ông bà vẫn cắm mặt chịu, nó bèn đuổi ông bà bằng cách rao bán căn nhà. Con cháu thay nhau mắng chửi và để cho ông bà tự tìm thức ăn mà sống, ông bà vẫn cắn răng vì “mình làm sao học được chữ ngờ?!”, ông thở dài, quay mặt đi nơi khác.

“Giọt nước tràn ly” là khi đám cháu xông vào xô vợ ông té xỉu sau khi cãi cọ, quá giận, ông cầm dao rượt đuổi bọn chúng và “được” công an mời về phường. Người thân của ông ở nước ngoài hay tin đã gửi cho ông bà một số tiền để mướn nhà ở tận bên quận 2, tránh cảnh máu đổ từ núm ruột của mình.

Ở nhà thuê một thời gian thì hết tiền. Đắng cay và tủi nhục, ông Mỹ chỉ biết tìm đến cái chết. Sau nhiều đêm thức trắng, ông viết một lá thư tuyệt mạng đẫm nước mắt, gửi lời xin lỗi chủ nhà về việc không thể thanh toán số nợ cuối đời và qua đó thông báo cho chính quyền địa phương biết là chủ nhà không có liên quan gì đến cái chết của ông bà. Rồi hai ông bà uống thuốc tự tử.

15 ngày chiến đấu với cái chết, ông bà Mỹ đã trở lại với cuộc đời bằng sự chăm lo đùm bọc của bà con lối xóm và Ban tương tế Hội chùa Thiên Hậu. Ông bà Mỹ được đưa về ở căn nhà thuê mướn dưới đường dây điện cao thế tại quận 2 và tiền nhà được những người thương hoàn cảnh của ông bà đóng cho.

Vài tháng sau khi vợ mất, ông Mỹ tự tìm đến địa chỉ mà ông đã lưu giữ trong sổ hai năm trước… Ông Mỹ cười chua chát, nói với tôi: “Ở trong này còn vui hơn ở nhà… con tôi, vì mọi người trong này sống rất tình cảm”. Nói thế chứ, nhiều đêm nằm ngủ ông vẫn mơ thấy mình đang sống trong căn nhà cũ với con và cháu. Tỉnh giấc, ông lại khóc!

Không phải là nghề

Công việc của các anh, chị ở đây không phải là một nghề kiếm sống mà là họ đang trải nghiệm cuộc đời bằng những tiếng khóc, cười của những cuộc đời khác. Bình quân thu nhập mỗi tháng của nhân viên xã hội ở trung tâm này không hơn 1,5 triệu đồng.

Thế tại sao họ lại gắn bó cuộc đời vào nơi đây lâu dài? Bởi, ở đây họ thấy mình sống có ích cho nhiều người. Anh Nguyễn Công Phí nhà ở tận huyện Củ Chi, mỗi tháng phải chi ra từ khoản lương khiêm tốn hơn 300.000 đồng tiền xăng và các khoản linh tinh trên đường. Bao lần tính nghỉ làm, rồi anh Phí lại không đành.

Chị Ngọc Hà, gắn cuộc đời mình với những tiếng thở dài cô lẻ vì nhớ cháu, thương con của các cụ già neo đơn hàng chục năm, chị vẫn giữ được tình cảm ấm áp và chịu thương chịu khó với các cụ như những ngày đầu. Làm việc cả những ngày tết, ngày lễ chị cũng ngại gia đình không vừa ý.

Thật may sao, gia đình chị, gia đình anh Phí, anh Hùng,… cũng đồng cảm với việc làm của họ. Con gái chị Ngọc Hà năm nay học lớp 11, rất thương mẹ và các em ở khu bại não. Ngày nghỉ, cô bé tự tổ chức nhóm bạn trong trường đến trung tâm cắt móng tay, cắt tóc cho trẻ em bại não. Giúp các em và để có thời gian chia sẻ, gần gũi hơn với mẹ.

Có lẽ nhờ thế mà chị Hà trụ được với công việc ở đây rất lâu. Giao thừa năm nào trung tâm cũng “cắm trại” 100%, bởi ngay cái thời khắc linh thiêng của một năm ấy, là lúc nhiều cụ chịu không nổi sự cô lẻ đã khóc và nhiều người nhớ nhà, thương cháu con đến dậy không nổi. Họ cần lắm những tình cảm, sự nâng đỡ tinh thần và đó là lúc các anh chị trong trung tâm trở thành những người thân không thể thiếu của các cụ. Chúng tôi rời Trung tâm Thạnh Lộc vào một buổi chiều cuối năm, khi các cụ đang í ới gọi nhau chuẩn bị đi ăn cơm chiều.

Trước đây, với tiền trợ cấp 8.000 đồng/ngày thì thỉnh thoảng các bữa cơm vẫn có mùi thịt, cá. Trong thời giá hiện nay, những bữa cơm đã nhạt thếch, thiếu hẳn vị tanh và vị ngọt của cá, thịt khiến ông Trương Công Hùng, Giám đốc trung tâm đã nhiều lần “trốn” khỏi trung tâm, khi nhìn những mâm cơm trong phòng ăn hàng tuần liền, chỉ toàn một màu xanh! “Người khỏe ăn thế còn… phát ốm, nói gì các cụ già, các cháu bệnh ở đây...”, nghĩ thế nên anh Hùng đã chạy vạy đi xin hỗ trợ nhiều nơi.

Chủ tịch Hội quán Ôn Lân và Giám đốc Công ty Dây cáp điện Trường Thành nghe anh tả bằng giọng nói đứt quãng đã xót, nhìn cặp mắt rưng đỏ nhiều lần thì họ đã đồng ý tài trợ 15 triệu đồng mỗi tháng, và trong vòng một năm. Bây giờ, ở trung tâm thỉnh thoảng các cụ, các cháu bại não được ăn sáng với phở, hủ tíu hay cháo thịt. Nhìn mâm cơm thiếu thốn dinh dưỡng và những bàn tay run rẩy gắp những cọng rau cũng ốm tong teo vào bát, tôi quay sang tìm anh Hùng định nói điều gì đó cho bớt nghẹn cổ, thì thấy anh đã lãng ra cửa, với bước đi nặng trịch.

Chia tay tôi ở khoảng sân trống còn sót lại chút nắng chiều, anh Hùng nói: “Ngoài các cụ không nơi nương tựa, trung tâm còn nhiều cụ có gia đình ngoài đời chứ, năm nào chúng tôi cũng vận động gia đình bảo lãnh các cụ về ăn tết. Nhưng, tết nào cũng thế, chưa đến 10 cụ được về nhà đón tết với con cháu.
Nhìn các cụ nghiến răng nuốt ngược nước mắt vào trong, chịu đựng nỗi đau xót, tủi phận, tôi chỉ ước sao cho “một đêm sáng ngày” thức dậy sẽ không còn Trung tâm Thạnh Lộc với các cụ già khắc khoải nhớ thương con, cháu mình nữa. Không phải anh em chúng tôi sợ khổ mà thật sự là chúng tôi không chịu nổi những tiếng nuốt nước mắt nghẹn ngào, buồn tủi của những người cha người mẹ đang sống cô đơn lạc lõng ngay chính trên mảnh đất họ đã vất vả nuôi con từ tấm bé…”.

Anh Hùng đang mơ một giấc mơ rất giống với các cụ già đang sống cô đơn ở đây, họ đang mơ về những tháng ngày còn trẻ vất vả nuôi con, ước mong con khôn lớn. Rất nhiều đêm, anh Hùng mơ trên đời sẽ không có những người già cô đơn, tủi phận, để Trung tâm Thạnh Lộc này được thay bằng một công trình vui vẻ, sinh động khác…

Theo SGGP