itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Làng... xuất ngoại

Làng... xuất ngoại

An Bằng giàu lên nhưng làng xóm

lại vắng bóng người trẻ...

Tôi có cô bạn học cũ ở thôn An Bằng, một thôn nghèo miền biển cách thành phố Huế chừng 40km. Tìm đến thăm bạn, bạn không có nhà. Bà mẹ cổ đeo chuỗi ngọc trai lóng lánh nói giọng tự hào: "Con L. ra Hà Nội học tiếng, chuẩn bị làm visa để "bay" rồi!"...

"Bay" là đi nước ngoài. Ở An Bằng, những gia đình có người định cư ở nước ngoài chiếm gần 90%. Những người đầu tiên rời làng đi bằng cách vượt biên, chủ yếu là qua Mỹ, Úc, Canada...

Phong trào "đi Tây" thật sự rầm rộ từ những năm 1990 trở lại đây. Đó là thời kỳ của sự bảo lãnh. Còn bây giờ là một dạng khác, rất sôi động, kiểu "hai trong một": kết hôn với người nước ngoài, vừa kinh tế, vừa có một tấm chồng sang trọng.

Trường hợp như L. là phổ biến. "Con gái làng ra ngoài nhiều lắm rồi, mày mà có ý định về đây kiếm vợ thì bỏ đi, sẽ chẳng có đứa nào chịu lấy "đồ nội" đâu! Vẫn còn vài đứa đấy nhưng đang có chỗ cả rồi, số còn lại thì... chưa đến tuổi!" - N., chàng trai làng chúng tôi mới làm quen, nói ra chiều san sẻ mà nghe trong đó là sự cám cảnh. N. cho biết không chỉ An Bằng, con gái các làng lân cận thấy An Bằng "đi Tây" nhiều nên cũng ngấp nghé lấy chồng ngoại. Khổ là khổ mấy anh trai làng...

Ngoại trừ những chàng trai có suất chắc chắn ở nước ngoài, vì điều kiện chưa thể đi được; số trai làng còn lại đang chấp nhận một thực tế dở khóc dở cười là...ế vợ! "Con gái lấy Tây hết, tụi con trai làng chúng tao đỏ mắt tìm vợ! Đêm nào cũng xách xe chạy hết làng mà chẳng có em nào để... "cưa" cả!" - N. vừa như tự giễu vừa như tâm sự.

Muôn nẻo tìm... lang quân

Ảnh: bùi Dũng

Những người lớn cho biết ban đầu chẳng ai trong làng nghĩ tới chuyện lấy chồng Tây gì cả. Chẳng qua có người vượt biên, rồi bảo lãnh người thân qua, rồi dựng vợ gả chồng. Rồi qua người quen, người ta giới thiệu cho nhau. Rồi cái khoản quen biết cũng hết khi mà người ta thấy đi Tây có thể đổi đời, thế là không đợi giới thiệu nữa, các cô thiếu nữ đã nhanh chóng biết tìm cách cho mình và dĩ nhiên có sự ủng hộ của người lớn trong nhà.

Chẳng hạn chuyện tình của N.M. và T. F.. Có nhan sắc, có vài bạn gái trong làng đã "bay", N.M. không "cam tâm" ở lại. Cô hay ra tiệm Internet, lang thang trên mạng, gặp gỡ bạn bè và tâm sự. Rồi một ngày N.M. gặp T.F. và họ quen nhau. Chàng ở Canada, về An Bằng rước nàng xây tổ ấm.

Mối tình "tự thân vận động" ấy của N.M. khiến nhiều thiếu nữ trong làng ngưỡng mộ. Các cô gái trẻ học tập N.M. và bảo nhau "vận may không tự tìm đến", "trời không sắp đặt thì tự mình sắp đặt", nhiều cô tuổi 14-15 cũng lên mạng chat để "tìm vận may"! Những câu chuyện như thế "rơi" xuống ngày một nhiều ở An Bằng. Ở làng này, năm nào cũng có vài đám cưới mà cô dâu vẫn là gái làng. Nhưng chuyện tự duyên phận qua chat thì ít mà do sắp đặt vẫn nhiều hơn.

Ôm giấc mơ lấy chồng ngoại từ mấy năm mà chưa được như ý, lại có người quen biết ở Úc nên H.H. nói xa nói gần để cô K., một người quen, giúp. Sau sáu tháng, một ngày kia cô K.. điện về báo với H. là "đã tìm được một nửa cho mày". Điều kiện: khi thành, cả hai vợ chồng sẽ phải trả cho cô K. một khoản "tiền bà mai". Mấy tháng sau, chồng tương lai của H.H. xúng xính về làng. Sau một năm học tiếng, làm thủ tục, H.H. đã lên xe hoa cùng chồng qua Mỹ định cư.

Không lấy được chồng thì các cô làm thủ tục kết hôn giả, miễn sao qua được bên kia. Như G., anh "chồng" là một người Canada gốc Việt, được dì G. thuê với giá 30.000 USD để kết hôn và làm bằng được giấy tờ xuất ngoại cho cô cháu gái của mình. Anh ta còn được trả trước 15.000 USD, sau khi G. qua được bên đó sẽ đưa đủ số tiền như trong bản cam kết.

Nhưng G. không phải là đời "vợ" đầu tiên của anh chàng này. Trước đó anh ta cũng đã làm thủ tục để kết hôn với một cô gái khác trong làng.

Có còn thôn An Bằng nữa không?...

An Bằng là một làng nhỏ bên phá Tam Giang, trước đây thì nghèo nhưng giờ thời đó đã xa. Đường vào làng giờ đây nhà ngang dãy dọc, không còn nhà cửa lụp xụp mà đã là những nhà đúc, nhà xây, biệt thự. Đến cả nhà mồ ở nghĩa trang cũng to hơn làng khác, tiền triệu tiền tỉ cả, gọi là để báo hiếu với tổ tiên. Ngồi uống ly cà phê trong quán ở làng, nếu không nghe mùi gió biển mằn mặn tanh tanh đượm mùi cơ cực thuở xưa thì cứ tưởng đang ở chốn thị thành nào đó. Lâu lâu làng lại có một ngôi nhà khang trang bị bỏ trống do con cháu, người thân được xuất ngoại. Lại tốn tiền thuê các gia đình khác đến ở, hằng tháng lại gửi về một ít gọi là "trả tiền công giữ nhà”!

Làng thì giàu đấy nhưng vắng. Ông Nguyễn Thôn, bố của ba người con đều định cư tại Mỹ, chậm rãi cho biết "dâu con đều ở nước ngoài, có đứa nào sinh con đẻ cháu ở đây đâu mà đông vui...". Có con cái ở nước ngoài và khá sung túc nhưng ông vẫn buồn và lo một nỗi lo khác: "Chúng nó đi hết cả rồi, tụi tao ở nhà có tiền, có của mà cũng buồn hơn cả những ngày bần hàn. Không biết rồi nay mai có còn cái làng An Bằng ni không nữa...".

Theo Bá Dũng - Thùy Trang (Tuổi Trẻ)