itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Hải Robert từ tử tù trở thành tổng giám đốc

Hải Robert từ tử tù trở thành tổng giám đốc

Hải Robert giới thiệu với nguyên Chủ tịch

nước Lê Đức Anh về ngọc san hô đỏ

Bước sang tuổi ngũ tuần, nhiều người cảm thấy đang sang cái dốc bên kia cuộc đời nhưng với Lê Minh Hải, biệt danh Hải Robert, thì hình như đỉnh dốc cuộc đời vẫn còn ở phía trước và ông vẫn đang gồng mình cật lực vượt lên.

MỖI LẦN RA TÙ LẠI MỘT LẦN THĂNG TIẾN

Không thích gặp gỡ báo chí, không thích nói nhiều về mình, Lê Minh Hải, cựu tù nhân của vụ án Tamexco, sống lặng lẽ sau khi thoát án tử hình. Sau nhiều lần nhờ một số đồng nghiệp cũ công tác trong ngành hàng hải với Lê Minh Hải thuyết phục, chúng tôi mới có thể tiếp cận được ông.
Một đêm khuya năm 1978, Lê Minh Hải bị công an bắt lầm khi đang đi tàu Vàm Cỏ 22 nhưng nhanh chóng được thả ra sau 15 tiếng đồng hồ bị giam giữ. Đến năm 1982, khi Lê Minh Hải đang làm việc trên tàu Định An 20, viên quản trị trưởng tàu bỗng nhiên bị điên nên đốt tàu. Ở cương vị máy trưởng, ông là người cuối cùng rời buồng máy trong bộ đồ chống cháy nhưng vẫn phải liên đới chịu trách nhiệm trước cái chết và bị thương của một số thủy thủ trong vụ cháy nên phải đi tù sáu tháng. Lần thứ ba, do bán đất cho Phạm Huy Phước trong vụ án Tamexco, Lê Minh Hải bị kết án tử hình. Ông Lê Minh Đức, Anh hùng lao động, cha của Lê Minh Hải đã viết đơn lên Chủ tịch nước xin chết thay con, bên cạnh đó là hơn 300 chữ ký của cán bộ, công nhân viên Nhà máy sửa chữa tàu biển Sài Gòn (nơi trước đây Lê Minh Hải làm giám đốc). Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã ký quyết định giảm hình phạt cho Lê Minh Hải từ tử hình xuống án chung thân.

Suốt mười năm ở trong trại, Lê Minh Hải là một tù nhân chỉ biết miệt mài lao động với nỗ lực cao nhất. Thu hoạch vài tấn cá mỗi năm, gây dựng đàn đà điểu hơn 50 con, san ủi hàng trăm hécta rừng trồng bí đỏ... là thành quả lao động chứng tỏ nghị lực của Lê Minh Hải khiến nhiều người khâm phục. Nhiều người quen cũ vẫn bùi ngùi nhắc lại về những xe cá đầy tình nghĩa từ trại giam ông gửi về cho bạn bè, người thân, cán bộ công nhân viên nhà máy vào mỗi dịp tết đến. Lúc nào cũng vậy, ngay cả khi ở trong tù, Lê Minh Hải vẫn có ích cho cộng đồng.
Ba lần phải vào trại giam nhưng mỗi lần ra tù là một lần Hải Robert lại tiếp tục được thăng tiến. Lần ra tù đầu tiên ông học tập, công tác tốt, đến năm 1981 trở thành máy trưởng tàu biển viễn dương. Lần ra tù thứ hai, ông tiếp tục công việc máy trưởng rồi trở thành giám đốc Nhà máy sửa chữa tàu biển Sài Gòn sau đợt thi tuyển giám đốc đầu tiên của Việt Nam. Một chuyên gia ngành hàng hải cho biết, Hải Robert là người có công đưa hàng trăm công nhân và kỹ sư nhà máy ra sửa chữa giàn khoan dầu khí ở ngoài khơi biển Vũng Tàu. Về sau, nhà máy này trở thành Nhà máy sửa chữa tàu biển và giàn khoan (Shiplacom). Không những tạo việc làm cho mấy trăm công nhân, thời gian này Lê Minh Hải còn nổi tiếng là một giám đốc dám làm dám chịu trách nhiệm, đầy khí phách, quan tâm đến từng công nhân. Và rồi sóng gió lại bất ngờ ập tới khi các đoàn thanh tra vào nhà máy thanh tra các sai sót của cá nhân giám đốc cùng những cán bộ liên quan, ông đã đứng ra nhận các trách nhiệm về mình, kể cả việc xung phong nhận kỷ luật thay cho kế toán trưởng là một phụ nữ. Sau khi bị cách chức, Lê Minh Hải lại ngồi vào cái ghế tổng giám đốc liên doanh Vim Sài Gòn. Ông đưa ba ụ nổi từ Nga về Việt Nam để sửa chữa tàu biển, thuê 50 người Nga về làm việc, nhập về năm tàu khách cánh ngầm (đến nay vẫn phát huy tốt hiệu quả), mua hai tàu ngầm tìm ngọc san hô đỏ dưới đáy biển đã lấy được 20kg (tùy theo chất lượng, có giá từ 500 đến 10.000USD/kg)... Số phận nghiệt ngã lại đẩy đưa ông dính dáng tới Phạm Huy Phước.

Sau khi ra tù lần thứ ba, Lê Minh Hải đi lang thang khắp nơi, nhiều người không dám cho mượn tiền, không dám hợp tác vì sợ ông liều lĩnh, sợ một người tử tù mới thoát chết với đầu óc hơi khác người đang ôm ấp những dự án dường như không tưởng. Nhưng có một người thấu hiểu được năng lực của Lê Minh Hải. Vượt qua mọi thành kiến của xã hội, ông Phạm Thanh Bình - Chủ tịch Tập đoàn kinh tế Vinashin - đã đưa ông trở về với ngành hàng hải trên cương vị tổng giám đốc Vinashin Vũng Tàu. Hiện ông còn kiêm thêm chức phó chủ tịch Vũng Tàu Shipyard Corp.
Bước vào phòng làm việc của ông trên đường Điện Biên Phủ, quận 3, đập vào mắt mọi người là bức tranh đá quí vẽ chân dung
Napoleon đang chễm chệ trên lưng ngựa, phía trước là đỉnh núi, sau lưng là vực thẳm. Napoleon đang chỉ tay về phía trước, leo lên được đỉnh núi quả là gian nan nhưng không thể lùi bước nếu không muốn rơi xuống vực sâu. Lê Minh Hải luôn coi Napoleon là thần tượng.

Bám sát được tốc độ làm việc của ông quả là một điều chẳng mấy dễ làm. Hàng ngày ông dậy rất sớm, ăn sáng từ 6 giờ để tiết kiệm thời gian cho công việc. Mười chín năm làm việc cho Nhà nước, ông chưa một lần nghỉ phép, lúc nào cũng táo bạo xông pha vào những lĩnh vực mới với các dự án lớn đầy triển vọng nhưng cũng đầy mạo hiểm. Chúng tôi hỏi: Sao ông không vừa làm vừa nghỉ ngơi để có thể thảnh thơi sau bao năm vất vả? Lê Minh Hải cười nhẹ: “Đối với tôi, 10 năm trong trại coi như 10 năm nghỉ phép. Tôi chịu ơn nhiều người nên không cho phép mình ngơi nghỉ”. Bộ râu quai nón như tô đậm thêm nét quyết đoán trên khuôn mặt mang dáng dấp võ biền của ông chỉ rung nhẹ. Nhớ lại, có lần ông tâm sự với chúng tôi: “Mọi thứ trên đời làm nhanh đều tốt nhưng có hai việc cần làm chậm, đó là yêu và ăn uống, nhưng tôi không có thời gian làm hai việc đó vì thời gian được sống ở đời là vô cùng quý giá. Tôi đã đối diện với cái chết nên yêu quý tự do và thời gian hơn bất cứ ai trên cõi đời này. Tôi là Hải Robert, kẻ tử tù trở thành người lữ hành kỳ dị để tìm lại một đồng danh dự”.
Trong bước đầu lập lại sự nghiệp, ông lại vận hạn bởi cơn bão biển điên cuồng ngày 14-7-2006 ở Đài Loan, đã đánh chìm mất ụ nổi trị giá hơn 140 tỷ đồng đang trên đường kéo về từ nước Nga. Những tưởng sự khốc liệt của số phận lại đẩy ông đến tột cùng bất hạnh. Nhưng Hải Robert một lần nữa được “quý nhân phù trợ”. Tin tưởng vào bản lĩnh của ông, sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng tính khả thi, nhu cầu của thị trường trong nhiều năm tới và hiệu quả kinh tế mà các dự án của ông mang lại, Công ty Cổ phần bảo hiểm AAA đã tham gia tài trợ, lo tài chính và hợp tác để Hải Robert tiếp tục thực hiện những hoài bão lớn lao của mình.
Đeo đuổi việc nuôi cá tằm (khi sinh sản đẻ ra loại trứng được gọi là trứng cá đen, giá thị trường khoảng 1.000USD/kg), ông cho biết hai năm qua đã nuôi 1.700 con, nặng nhất đã được 12kg, hy vọng sau 5 năm sẽ có trứng. Hiện ông vẫn cùng người Nga tìm mọi cách kéo ụ nổi về nước, vẫn nuôi hy vọng mua tàu ngầm để đi săn lùng ngọc san hô đỏ và tàu chìm ở vùng biển Việt Nam...
Dự án xây dựng nhà máy đóng tàu, sửa chữa tàu và chế tạo môđun giàn khoan tại khu công nghiệp Cái Mép, Bà Rịa - Vũng Tàu trị giá giai đoạn một khoảng 50 triệu đôla Mỹ; dự án khu vui chơi giải trí ở Bãi Trước, TP. Vũng Tàu bao gồm khu biểu diễn cá heo, bến du thuyền, nhà hàng... với kinh phí 100 triệu đôla Mỹ... là 2 trong số 11 dự án Hải Robert đang thực hiện với những ý tưởng khác thường. Ông từng nói: “Tôi đang đi thẳng vào tâm bão”. Có lẽ cả chặng dài chìm nổi trong hành trình gắn bó với ngành hàng hải cùng bao trải nghiệm cuộc đời đủ để Hải
Robert thấy được những gian truân của cái nghiệp ông đang mang. Vẫn biết chặng đường phía trước còn lắm gập ghềnh nhưng Hải Robert không hề chùn bước.

Theo Kiều Hạnh

Báo Công An Tp.HCM