itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Phận nghèo quang gánh hàng rong

Phận nghèo quang gánh hàng rong

Đôi vai gầy thêm nặng trĩu.

Ảnh VNN

Dân hàng rong Hà Nội đang điêu đứng vì bị cấm còn ở Sài thành thì chạy đôn chạy đáo lấy giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP để đối phó.

Tiền ở ngoài đường!

Trời Sài Gòn trở đông, càng về khuya tiết trời càng lạnh buốt, gánh hàng rong trên đôi vai gầy của những người phụ nữ mưu sinh xa quê hình như thêm nặng hơn với bao nỗi lo toan: Tết đã đến gần mà việc mưu sinh thì càng thêm trắc trở. Giờ đây, trên đôi quang gánh hàng rong phải gánh thêm cái giấy phép chứng nhận đủ điều kiện VSATTP.

Sau ánh đèn hào nhoáng, sát bên quán nhậu, nhà hàng, nơi người giàu nhẹ nhàng rút ví, thản nhiên chi ra bạc triệu cho một cuộc vui thì có những người phụ nữ tay xách, nách mang đủ thứ ổi, xoài, cóc xanh, trứng cút, đậu phộng, bánh đa... len lỏi hết bàn này đến quán nọ chăm chỉ mời chào từng thực khách. Họ chỉ mong kiếm mỗi ngày vài chục nghìn đồng nuôi sống gia đình.

Không có chuyên môn, tay nghề, lưng vốn chẳng đáng là bao, đa số người nghèo đất Sài Gòn chọn lề đường làm nơi kiếm sống. “Tiền ở ngoài đuờng chứ ở đâu. Muôn kiếm tiền thì phải ra đuờng”! – Đó là cách dạy con của nhiều người ở những xóm nghèo. Lời dạy nghe thô ráp, nhưng ngẫm kỹ hóa ra có lý.

Chỗ nào cũng có hàng rong.

Kiếm tiền ngoài đường có vô số cách, một chiếc xe máy “tàu” hành nghề xe ôm; tủ thuốc lá bán lẻ; một tập vé số trên tay, vài chục tờ báo bán rong hết phố này sang phố khác, thậm chí một rổ khoai lang ngồi dựa cột đèn, bụm than hồng vừa nướng vừa bán cũng là cách mưu sinh. Mỗi người mỗi cảnh, mỗi cách kiếm tiền nhưng tất cả đều nghèo, và đều bấp bênh như chính cảnh đời của họ.

Ở TP.HCM, không ai thống kê được có bao nhiêu người kiếm sống bằng nghề bán hàng rong. Chỉ biết rằng hầu như đầu mỗi con hẻm, góc phố nào cũng có vài người buôn gánh bán bưng. Làm nghề này đa phần là dân nhập cư tứ xứ còn những người thành phố kỳ cựu thì "sang" hơn với một chiếc xe đẩy tự chế rồi chiếm lĩnh một góc vĩa hè bày hàng quán.

Bà Nguyễn Thùy Trang có thâm niên hơn 10 năm mưu sinh trên hè phố bộc bạch: “Tôi gốc Hóc Môn, cả nhà đều theo cách mạng. Trước đây nhà cũng có ruộng, có vườn nhưng có canh tác gì đuợc đâu. Trăm thứ cứ đòi tiền nên đất đai dần đội nón ra đi. Cả nhà chị 5 người dời về mua miếng đất ở khu "ổ chuột" phuờng 12, Bình Thạnh và từ đây mưu sinh bằng nghề bún ốc hè phố".

Đối với những người bán hàng rong như bà Trang, quy định xin phép chứng nhận đủ điều kiện VSATTP là cả một vấn đề. Bà Trang cho hay "bao nhiêu năm gánh bún ốc của tôi cả triệu người ăn có ai bị sao đâu. Điều đó đủ để chứng nhận bún ốc của tui đạt VSATTP cần gì phải xin nữa. Mấy ổng (Cục VSATTP) bắt phải có giấy thì mình nhờ cò làm giấy hộ - phải tốn tiền. Còn việc nấu nướng, bán buôn thế nào thì do mình, bán mà người ta ăn vào rồi đau bụng thì có mà chết đói. Đẻ ra cái tờ giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP chỉ để đối phó với nhau thôi!"

Một cổ hai tròng... nhưng đâu dễ yên thân!

Nhà bà Trang cũng như 120 căn nhà trong khu này trông từa tựa như nhau. Cùng chật chội, lụp xụp và cùng chung nỗi lo lớn nhất không biết bị giải tỏa lúc nào. Đường vào khu này khó đi như nhiều khu dân cư nghèo khác trong thành phố. Đường không ra đường, “kênh” không ra kênh. Ngoằn ngoèo, nuớc mưa đọng vũng ở vô khối “ổ gà”, “ổ chó” và nhà cửa thì chỉ có giấy mua bán trao tay tay.

Cùng tâm trạng bức bối là chị Tư, hàng xóm bà Trang: “Khu vực này bị “treo” quy hoạch từ 1988. Từ bấy đến giờ chả thấy quận, thành phố triển khai làm gì, nhưng mỗi khi có việc gì liên quan đến nhà cửa, lên xin giấp tờ ủy ban phuờng cứ phê “Nhà trong khu quy hoạch, chờ giải tỏa”. Hoang mang quá. Hư hỏng, dột nát cũng không dám sửa”. Chị Tư mong mỏi: “Dân khu này đa phần là nghèo, nhưng ăn ở ổn định cũng gần 20 năm. Thành phố có xóa “treo” thì người nghèo mới “an cư” đuợc chớ”.

Một câu hỏi lớn không dễ trả lời

Cơn mưa trái mùa khá nặng hạt, bên hông chợ Tân Định, một chị phụ nữ vừa khóc vừa than: “Có ba ký táo, mà cũng bị tịch thu thì biết sống sao đây!”. Chị kêu trời nhưng trời cứ đổ mưa, còn mấy anh trật tự đô thị phường Tân Định thì đã thu rổ táo của chị về trụ sở mất rồi.

Thiên hạ ăn thì người bán hàng rong mới có cái... để ăn và sống.

Lau nước mắt, chị nói với tôi: “Tôi tên là Lê Quang Mỹ Uyên. Vẫn biết buôn bán ở lòng lề đường là sai, nhưng tôi đã đứng nép sát vào bãi giữ xe rồi, nào có lấn chiếm tí nào đâu. Vậy mà mấy ảnh canh, bắt cho bằng được thì người nghèo chúng em biết làm sao!”.

Gia cảnh chị Uyên nghèo. Mấy chục năm trời ở trong căn nhà nửa trên bờ, nửa dưới sông trên bến Chương Dương. Thành phố mở Đại lộ Đông – Tây, gia đình chị được mua căn hộ trả góp khu chung cư Cống Quỳnh. 72m2 ba gia đình anh em trong nhà và một mẹ già chia nhau ra ở. “Anh xem, tuổi gần 40 như tôi, xin đi làm ai mướn, mà có mướn rửa chén giặt đồ cũng chỉ dăm bảy trăm ngàn một tháng. Tằn tiện cũng có cơm ăn nhưng còn tiền điện tiền nước, tiền học phí cho con thì sao. Nợ tiền nhà hơn 200 triệu, năm năm rồi chưa đóng được đồng nào, lo không ngủ đuợc”.

Chị Uyên có hai con, đứa lớn mới thi vào Trường Cao đẳng nghề Cao Thắng, tiền học đầu năm phải đóng một triệu hai. Đứa nhỏ lớp 7 bán trú Trường Lương Thế Vinh, mỗi tháng ăn trưa, học phí, và các khoản thu khác phải đóng hơn 500 nghìn. Chồng chị Uyên cũng xin làm được ở bãi giữ xe, 50.000 đồng một ngày, nhưng bãi xe tới ba chủ thầu, chủ nào người làm thuê đó, thành ra mỗi tháng chồng chị chỉ đuợc làm có 10 ngày.

Rong ruổi mưu sinh.

Gánh nặng kinh tế dồn lên vai, chị phải chọn cảnh buôn bưng bán chạy. 4h sáng, bất kể nắng mưa, chồng chở vợ đi hơn chục cây số đến chợ đầu mối Bình Điền mua vài ba chục ký táo về bán lẻ quanh chợ Tân Định. “Ngày may mắn bán hết cũng kiếm đuợc năm sáu chục ngàn, ngày ế thì ôm. Gặp xui xẻo như hôm nay là lỗ".

Quanh chợ Tân Định còn nhiều người buôn bưng bán chạy. Vào chợ bảo vệ không cho, ra lề đường đội trật tự đô thị phường xua đuổi, rồi phải có thêm tờ giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP lận lưng để đối phó với ngành y tế...

Kiếm sống ra sao đang là câu hỏi lớn không riêng của những người cùng cảnh như chị Uyên.

Tấn Thuấn / Vietnamnet