itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Những gia đình cùng học giỏi

Những gia đình cùng học giỏi

Cô Hà và gia đình

Mẹ là giáo viên giỏi, chiến sĩ thi đua (CSTĐ) nhiều năm liền, vừa đi làm vừa đi học để lấy thêm một bằng đại học, một bằng thạc sĩ. Cha cũng là một giáo viên giỏi, CSTĐ nhiều năm liền, được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen, cũng vừa đi làm vừa đi học lên cao học.

Họ có hai con, cả hai đều học rất giỏi, từng đạt giải nhất Tin học trẻ không chuyên cấp quận, giải ba cấp thành phố, giải ba môn hóa quốc tế. Đó là gia đình cô Võ Thị Thu Hà, giáo viên Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, một trong nhiều gia đình nhà giáo hiếu học.

Mẹ và con cùng thi … học!
Học hết lớp 12, cô Võ Thị Thu Hà chọn thi vào Trường ĐH Sư phạm TP.HCM dù chưa có định hướng gì xa xôi. "Nhưng sau đó tôi đã gắn bó với nghề vì cảm thấy mình đã góp phần xây dựng một thế hệ mới cho đất nước", cô tâm sự.

Không dừng lại với tấm bằng cử nhân vật lý, cô vẫn tìm mọi cách vượt qua khó khăn về kinh tế, khó khăn về thời gian để học tiếp. Cô cho biết: "Với mức lương giáo viên thì dành thời gian cho việc học thực khó khăn, bởi phần lớn phải tập trung thời gian để dạy học, làm các công tác kiêm nhiệm khác và kinh tế gia đình. Việc đổi mới phương pháp dạy học cũng cần nhiều thời gian nghiên cứu, tìm tòi, thử nghiệm. Thế nên số giáo viên đi học vẫn không là bao nhiêu, kể cả những giáo viên còn trẻ".

Vượt qua những trở ngại đó, sau khi lấy bằng cử nhân Anh văn tại Trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn, cô tiếp tục chứng minh tinh thần vượt khó của mình bằng cách lấy tiếp bằng thạc sĩ vật lý tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên. Khi đó, dù có nhiều cơ hội trở thành giảng viên đại học nhưng cô vẫn chọn ở lại trường phổ thông vì: "Tôi thấy các em học sinh cần được giúp đỡ cả về kiến thức, kỹ năng cũng như thái độ, lối sống".

Dành nhiều thời gian cho việc học tập nhưng không sao lãng công việc của một giáo viên, cô được bình bầu là CSTĐ cấp cơ sở, là Phụ nữ hai giỏi. Chồng cô là thầy Lê Duy Tân, sau khi tốt nghiệp đại học cũng tiếp tục học lên cao học quản lý giáo dục. Thầy đã được tặng thưởng Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục, được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen.

Thầy Tân và cô Hà có hai người con là Lê Duy Khải và Lê Duy Bảo, cả hai đều học rất giỏi. Duy Khải là học sinh giỏi 12 năm liền, đạt giải nhất Tin học trẻ không chuyên cấp quận, giải ba tin học cấp thành phố, giải ba môn hóa tại kỳ thi hóa quốc tế tổ chức tại Úc. Hiện Khải đang học lớp cử nhân chất lượng cao ngành Công nghệ thông tin Trường ĐH Khoa học tự nhiên. Còn Duy Bảo đang học lớp 8, học sinh giỏi 7 năm liền.

Trong những giáo viên tiêu biểu của ngành mầm non, có thể kể đến cô Nguyễn Thị Tiến, Trường Mầm non 13, Q.Tân Bình, TP.HCM. Quá trình phấn đấu trong giảng dạy của cô được ghi nhận hàng năm với danh hiệu CSTĐ cấp cơ sở, cấp thành phố, được tặng thưởng Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục, bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đảng viên xuất sắc nhiều năm liền, giáo viên tiêu biểu 30 năm ngành học mầm non...

Thực ra trước đây cô cũng từng phải đứng trước hai con đường: tiếp tục theo nghề và nhận đồng lương giáo viên hay ra làm nghề khác để có cuộc sống "dễ chịu" hơn. Nhưng mỗi lần nghe tiếng trống trường, nhìn các em học sinh thì cô lại không thể bỏ nghề.

Con trai cô Tiến là Nguyễn Quốc Bảo, hiện là sinh viên trường Đại học TCV (Mỹ). Khi ở Việt Nam, Quốc Bảo từng là học sinh giỏi quận Tân Bình, học sinh giỏi cấp thành phố, sau đó được học bổng đi du học Mỹ năm lớp 12. Tại đây, Bảo đã tốt nghiệp tú tài loại xuất sắc, được Tổng thống Mỹ tặng giấy khen. Bảo cũng là sinh viên xuất sắc toàn trường Richland College Texas. Hiện Bảo được học bổng và trở thành sinh viên danh dự của Đại học TCV.

Cả nhà hiếu học
Bước vào nghề giáo với tấm bằng Trung học sư phạm hệ 9 + 3, thầy Lê Văn Hoàng, giáo viên Trường tiểu học Tân Thông Hội (huyện Củ Chi, TP.HCM) luôn tự nhắc mình không ngừng phấn đấu vươn lên. Thầy đã vượt qua tất cả khó khăn của một giáo viên vùng ngoại thành Củ Chi với đồng lương ít ỏi để vừa trở thành một giáo viên giỏi, vừa là một người chồng biết lo cho gia đình, một người cha luôn tận tụy chăm sóc con cái.

thầy là cô Phạm Thị Lẹt, cùng bước vào nghề với thầy tháng 9/1981 với trình độ trung học sư phạm hệ 12 + 1. Thương vợ, thầy quyết định "hy sinh" trước, lo tất cả mọi việc kinh tế, gia đình để cô học lên cử nhân tiểu học. Gần đến ngày cô ra trường thì thầy mới làm tân sinh viên trường Cao đẳng sư phạm.

Là giáo viên ở ngoại thành nhưng thầy cô luôn quan tâm đổi mới phương pháp giảng dạy, mang lại hứng thú cho học sinh. Vì vậy, liên tục 16 năm liền thầy Hoàng là giáo viên giỏi, CSTĐ cấp huyện, trong đó một năm được công nhận là CSTĐ cấp thành phố, được Liên đoàn lao động thành phố tặng hai bằng khen. Cô Lẹt cũng không kém, là giáo viên giỏi cấp huyện 7 năm liền, một năm là CSTĐ cấp thành phố và được công nhận là Phụ nữ hai giỏi cấp thành phố.

Dù ở xa nội thành, cuộc sống không ít khó khăn nhưng thầy cô đều rất chú trọng việc học hành của con cái. Họ có hai con là Lê Hoàng Nam và Lê Hoàng Phong. Hoàng Nam là học sinh giỏi 12 năm liền, thi tốt nghiệp PTTH đạt loại giỏi, giải 3 tiếng Anh cấp thành phố, thi đậu hai trường đại học, sau khi tốt nghiệp ĐH Cảnh sát nhân dân được giữ lại trường giảng dạy.

Hoàng Phong cũng như anh: là học sinh giỏi 12 năm liền, từng đạt giải nhất môn hóa học cấp thành phố. Sau khi tốt nghiệp PTTH loại giỏi, Hoàng Phong đã thi đậu hai trường đại học và hiện là sinh viên ĐH Y Dược TP.HCM...

Những gia đình hạnh phúc, hiếu học và học giỏi như thế như những đóa hoa tươi thắm làm cho cuộc đời thêm đẹp và ý nghĩa hơn. Đó cũng là niềm tự hào và những tấm gương rất gần gũi để mỗi gia đình, mỗi nhà trường, địa phương thêm nỗ lực, phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc và đóng góp nhiều hơn cho sự nghiệp phát triển giáo dục của nước nhà.

Theo Phụ Nữ Việt Nam