itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Cổ tích trên đỉnh Mồ Côi

Cổ tích trên đỉnh Mồ Côi

Anh Bông với 10 đứa con của mình

Trên đỉnh Mồ Côi núi Cấm, An Giang, có hai mẹ con dì Võ Thị Ba, 70 tuổi và anh Nguyễn Tấn Bông, 42 tuổi, đang làm rẫy, nuôi 10 đứa trẻ mồ côi do mẹ vì lý do nào đó bỏ rơi tại bệnh viện Cần Thơ...

10 năm sau kể từ ngày lên núi Cấm, hai mẹ con anh Nguyễn Tấn Bông đã tích lũy được vài chục cây vàng. Mẹ anh giục anh đi cưới vợ. Tuổi đã sắp 40 rồi. Nhưng 10 năm sống ở đây, Bông chưa hề quen được một người bạn gái. Thế rồi bỗng dưng năm năm qua, ông trời cho Bông liên tục 12 đứa con, mười trai hai gái. Một đứa con trai bị bệnh nặng không cứu được, một đứa con gái bị đứa em xin về nuôi.

Nhận đứa con đầu

Số là, năm 2002, dì Ba với anh Bông về Cần Thơ thăm đứa cháu gái trong bệnh viện đa khoa. Tình cờ, dì nghe được câu chuyện một thai phụ nghèo không có tiền nhập viện, ôm bụng ngồi khóc quằn quại trên ghế đá trước sân khoa sản. Anh Bông đưa dì Ba vào thăm, cho tiền và làm thủ tục cho chị ta nhập viện. Sau khi thằng bé ra đời, người sản phụ kia quỳ lạy tạ ơn và nói ra sự thật: “Cháu ở trong quê, chồng chết, nhà nghèo phải đi làm phụ hồ để nuôi một đứa con. Nhưng vì nhẹ dạ nên cháu bị tay thợ hồ lường gạt. Giờ nếu ẵm con về thì không biết lấy gì nuôi...”

Hai mẹ con dì Ba cho người mẹ ít tiền và vàng làm vốn kiếm sống và xin đưa thằng bé về nuôi. Dì nói: “Sau này nếu có muốn nhận con thì cứ lên đó, tôi giao lại. Điện thoại của tôi là 0986544323”.

Trước khi ẵm thằng bé ra về, dì Ba để lại số điện thoại cho các bác sĩ và hộ lý của khoa sản cùng với lời căn dặn: “Từ nay về sau, nếu có trường hợp tương tự như vậy, các cô gọi điện cho mẹ con tôi. Trước hết là mình giúp người ta mẹ tròn con vuông, sau đó, nếu người ta vì lý do gì mà không nuôi được thì mình đem về nuôi giúp”.

Thêm 11 đứa khác

Cứ thế, sau mỗi cú điện thoại: “Em ở khoa sản, bệnh viện đa khoa Cần Thơ...” là trong nhà anh Bông thêm một tiếng khóc trẻ sơ sinh.

Anh Bông kéo đám trẻ vào lòng, vừa xoa đầu, vừa kể về hoàn cảnh ra đời của từng đứa một: “Đây là thằng Nguyễn Sơn Ngọc, đứa đầu tiên con của chị phụ hồ đây. Còn đây là thằng Nguyễn Sơn Thanh, đẻ được hai ngày thì mắc bệnh phổi. Tôi với má tôi lên giúp một triệu đồng, nhưng không ngờ mẹ nó cầm một triệu đồng rồi bỏ trốn. Thằng nhỏ mới hai ngày tuổi mà phải thở oxy, ngậm ống sữa và truyền nước biển. Tôi với má tôi phải ở lại bệnh viện nuôi nó 20 ngày. Giờ đây nó cứ sân sẩn. Còn đây là thằng Nguyễn Sơn Giàu, mẹ nó là một cô gái nghèo đi mót lúa ở Vị Thanh, phải lòng một thằng chăn vịt, mang thai lúc mới mười bảy tuổi, sợ bị phát hiện nên dùng dây thun nịt bụng rồi trốn sang ở nhà bà ngoại. Khi chúng tôi đến bệnh viện thì nghe nói nó bị đứt tim thai, phải mổ bỏ con để cứu mẹ. Nhưng không ngờ nó được cứu sống. Nó sống, nhưng mẹ nó không dám mang nó về nhà...

Mười hai đứa trẻ trong căn nhà này là mười hai câu chuyện khác nhau, nhưng đều giống nhau ở chỗ, chúng là sản phẩm của những cuộc tình vụng trộm từ trong nhà trọ đến màn trời chiếu đất ngoài đồng. Anh Bông kết thúc câu chuyện thứ mười hai bằng một nỗi buồn: “Nó là Nguyễn Sơn Thành, đang nằm trên núi. Khi tôi với má tôi đến thì mẹ nó đã bỏ đi, nó nằm trong phòng cấp cứu suốt hai mươi ngày với chứng bệnh não úng thuỷ, một chứng bệnh ngặt nghèo. Tôi với má tôi rất đắn đo, cuối cùng thì không thể quay lưng trước một hài nhi vô tội. Nhưng suốt ba tháng, thằng bé cứ khóc ngày khóc đêm, đầu to dần, mắt đờ đẫn. Tôi ẳm nó trở lại bệnh viện, nơi nó cất tiếng khóc chào đời, bác sĩ nói ở đây không có khả năng điều trị, tôi đưa nó lên bệnh viện nhi Đồng 2, người ta nói phải phẫu thuật để đặt ống dẫn, sẽ rất tốn tiền nhưng không khả thi. Và đúng là như vậy, tôi đã bán miếng đất lấy mấy chục triệu đồng để mong nó sống, nhưng hơn hai năm sau thì nó ra đi”.

Qua câu chuyện buồn ấy, Bông lại ôm mấy đứa nhỏ vào lòng: “Tôi còn mười một đứa, chín trai, hai gái. Nhưng năm rồi, nhỏ em ở Cần Thơ lên chơi, thấy bé Cẩm Như đẹp quá, nó nói cho mượn về chơi mấy tháng, nói vậy rồi nó giựt luôn không trả...”

Nhắc đến chuyện cưới vợ, Bông lại cười: “Tụi nó đã khổ từ trong bào thai rồi, tôi không muốn tụi nó phải khổ vì mẹ ghẻ”.

Bông trầm ngâm cho biết thêm về chuyện có thêm con: “Má tôi năm nay bệnh nhiều quá, sắp gần đất xa trời rồi. Tôi muốn dành thời gian cho má”. Còn chuyện học hành của mấy đứa nhỏ, Bông cũng lại trầm ngâm: “Thằng Sơn Ngọc năm nay lẽ ra phải lên lớp lá, thằng Sơn Thanh phải là lớp chồi, thằng Sơn Giàu phải là lớp mầm. Tôi đã tâm nguyện phải cho chúng nó học tới cùng. Tiền bạc thì tôi không lo, trước mắt, nguồn lợi từ mười lăm mẫu đất cũng đủ trang trải, sau này, khi chúng nó học lên cao thì mình bán đất. Nhưng, cái khó là chỗ ở. Thằng Sơn Ngọc năm tới sẽ tạm thời gởi cho nhỏ em ở Cần Thơ. Nhưng không thể gởi hết cả mười đứa. Còn mua nhà ở dưới đó thì ai chăm sóc, mà tôi đi thì ai ở đây lo vườn tược, cây trái cho mình. Càng nghĩ càng thấy rối...”

Thưa bạn đọc!

Câu chuyện cổ tích trên đỉnh Mồ Côi xin tạm dừng ở đây, bởi người kể chuyện chưa trả lời được câu hỏi sau cùng rằng: khi bà Tiên qua đời, anh tiều phu có lo cho những thiên thần bé nhỏ ấy học hành đỗ đạt hay không. Những câu chuyện cổ tích bao giờ cũng đi đến một kết thúc có hậu. Nhưng dân gian thường hay lý giải sự bế tắc bằng những phép mầu. Và tôi hy vọng trong câu chuyện này, sẽ có một phép mầu nào đó đến với anh Bông. Phép mầu ấy chính là cái tâm đang ẩn chứa đâu đây, trên cõi đời này.

Người đàn bà mê núi 

Dì Ba kể rằng, quê dì ở Bình Thuỷ, Cần Thơ. Ngày xưa dì từng là chủ xe đò. Năm 1980, có lần dì theo xe đưa người đi nghĩa vụ quân sự qua Thất Sơn, bỗng dưng mê núi. Từ đó, thỉnh thoảng là dì “đi núi”, không phải viếng chùa cúng miễu gì cả, dì không theo đạo nào.

Một hôm, dì nói với các con: “Tao bán nhà lên núi Cấm ở”. Bông, con trai út của dì lúc bấy giờ mới 26 tuổi, nói: “Má đi con đi theo má”. Cuối năm 1991, dì bán căn nhà được ba lượng vàng, dẫn anh Bông lên xe đò đi Núi Cấm. Anh Bông kể: “Đầu tiên khi đến đây, hai mẹ con tôi mua một căn nhà nhỏ dưới chân núi để mở quán cà phê. Nhưng ồn ào, má tôi thấy khó chịu. Biết tính má tôi muốn sống yên tĩnh một mình nên tôi tìm đường lên đỉnh Mồ Côi mua ba mẫu đất giá hai chỉ vàng.

“Từ chân núi lên tới đỉnh Mồ Côi, hồi ấy chỉ có con đường mòn len lỏi theo con suối Thanh Long, độ đường quanh co gần mười cây số, lên xuống nhiều con dốc, lởm chởm đất đá, đầy nguy hiểm, nhọc nhằn. Cách một hai cây số mới có một ngôi nhà. Rừng núi hoang vu buồn đứt ruột. Vậy mà má tôi kiên quyết ở đây”.

Hồi mới lên, anh Bông đi gánh mướn các loại đồ rẫy cho những gia đình trên núi. Nào su, nào chuối, nào xoài, nào mít, nào măng..., mỗi gánh bảy mươi ký, mỗi ký hai trăm đồng, mỗi ngày anh gánh hai chuyến từ đỉnh xuống chân núi, có khi chuyến lên gánh thêm gạo, cát, đá, xi măng, gạch ngói. Cái may mắn của anh Bông là, từ chiến trường Campuchia vừa xuất ngũ trở về, đôi chân và cả phần tâm linh còn quen với núi rừng bên ấy.

Ban đầu, anh Bông vừa gánh thuê, vừa học nghề làm rẫy. Mấy năm sau, ba mẫu đất của anh đã thành một khu vườn. Từ đó Bông không còn đi gánh hàng thuê nữa mà gánh thành quả của chính mình. Thấy anh làm giỏi, chi cục kiểm lâm giao cho anh quản lý thêm 12 mẫu, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm mươi năm...

Võ Đắc Danh (SGTT)