itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Mồ côi bên dòng sông Pôkô

Mồ côi bên dòng sông Pôkô

Rơchăm Phiếu và đứa em nhỏ

mồ côi mới hai tuổi.

Trong một chuyến vượt biên sang Campuchia bằng thuyềnđộc mộc dòng Pôkô đã nhấn chìm nhiều thân phận. Chỉ có H’ly thoát chết vì mẹ em kịp quăng em lên mỏm đá giữa dòng sông...

Nghe theo lời dụ dỗ của người xấu, nhiều người dân làng Cúc vượt biên, để lại những thân phận mồ côi bé nhỏ bên dòng sông Pôkô.

Chuyến vượt biên để lại nỗi đau... mồ côi

“Khi nghe tin báo, trời còn mờ sương, tôi chạy ra tới bờ sông Pôkô thì thấy bé H’ly đang khóc ngất, bò lồm cồm trên một tảng đá giữa sông” - trung tá Phạm Ngọc Thế, Đồn phó chính trị Đồn biên phòng 717 nhớ lại.

Trung tá Thế cùng các chiến sĩ bơi ra giữa dòng cứu bé H’ly và biết ngay chuyện gì đã xảy ra. Đó là đêm 23 rạng sáng 24-5-2006, hai vợ chồng Rơchăm Theo và Siu B’zun mang theo hai con nhỏ Siu H’ly (tám tuổi) và Siu Diên (bốn tuổi) vượt biên sang Campuchia bằng thuyền độc mộc.

Cùng đi với vợ chồng Rơchăm Theo còn có K’sor Thin nữa. Con thuyền ra đến giữa dòng Pôkô va mạnh vào đá, chòng chành. Người ta đoán sau này có lẽ Rơchăm Theo đã bế ngay bé Siu H’ly vứt lên một tảng đá to. Dòng nước dữ đã nhấn chìm vợ chồng Theo, cách nơi thuyền lật chừng bốn km. Bé Siu Diên và K’sor Thin bị mất tích luôn. Một người già ở làng Bi đi làm rẫy sớm nghe tiếng khóc của Siu H’ly vội chạy về báo cho Đồn biên phòng 717.

“Thiên đường” là... trại tị nạn

Trước đó chừng nửa tháng, K’sor B’lả (50 tuổi) mon men về làng Cúc rót vào tai vợ chồng Rơchăm Theo những viễn cảnh huy hoàng ở trại tị nạn Natarikiri (Campuchia): “Sang bên đó, vợ chồng em chẳng phải lo làm gì cả. Buổi sáng có người nấu cơm, dọn sẵn cho ăn. Ăn xong được xem tivi suốt ngày. Buổi chiều có người mang rượu tới cho uống...”. Nghe theo lời dụ dỗ của K’sor B’lả, nhiều gia đình ở làng Cúc đã lâm vào bi kịch.

Bây giờ, trong mắt dân làng Cúc, K’sor B’lả là mụ phù thủy chuyên gieo rắc tai ương. B’lả từng nhiều lần tổ chức vượt biên. Khi trở về làng lần thứ ba, B’lả đã bị làng bắt phạt. Trước già làng Rơma Chui, B’lả từng thề nếu vượt biên một lần nữa sẽ tự treo cổ chết trong nhà rông của làng. Thế nhưng ngựa quen đường cũ, B’lả vẫn đi dụ dỗ những người dân trong làng ra đi tìm “thiên đường”.

Sau thảm kịch của gia đình bé Siu H’ly, Rơma Thít (chú của bé Siu H’ly) bức xúc nói: “Nếu B’lả về làng Cúc một lần nữa thì dân làng Cúc sẽ không bao giờ tha”.

Sang bên Natarikiri chỉ có một mình K’sor B’lả sống tương đối tốt nhờ miệng lưỡi lắt léo của mình, còn lại đều vỡ mộng trước một viễn cảnh giàu sang. Những ngày trong trại tị nạn tại Natarikiri là những ngày kinh hoàng nhất đời họ. Điều kiện sinh hoạt khắc khổ, ở cách xa khu dân cư, hàng ngày họ chỉ biết quanh quẩn trong những căn lều giữa rừng chờ người phát cho cái ăn và hy vọng le lói một ngày nào đó đến nước thứ ba, nơi có cuộc sống “thiên đường”. Và họ đã chờ trong vô vọng!

Đứa con của lính biên phòng

Sau cái chết thảm thương của vợ chồng Rơchăm Theo và Siu H’zun, bé Siu H’ly được Đồn biên phòng 717 nhận làm con nuôi. Buổi lễ công bố nhận H’ly làm con nuôi có đông đảo bà con làng Cúc, làng Bi, làng O... tham dự. Bé H’ly được đưa về làng cũ để hòa nhập cộng đồng. Tại đây, Đồn biên phòng 717 có một tổ công tác gồm ba chiến sĩ ở với dân làng, kiêm thêm nhiệm vụ chăm sóc H’ly. Hàng tháng em được chu cấp 300 ngàn đồng cùng với sách vở, bút mực, áo quần. Thể theo nguyện vọng của những người có họ hàng với H’ly, em được đưa về sống ở nhà của Rơchăm Huy. Hàng ngày các chiến sĩ đưa đón H’ly ra trường học chữ.

Thượng úy Nguyễn Minh Chuyến, phụ trách tổ công tác tại làng Cúc, cho biết Siu H’ly học chữ rất nhanh. Hiện nay em đang học lớp một, vừa biết đọc, biết viết. Đã tám tuổi nhưng trông H’ly giống y như trẻ mới lên năm. Thấy có người lạ, H’ly bỏ trốn vào buồng, úp mặt lên vách nhà. Thượng úy Nguyễn Minh Chuyến dỗ dành mãi em mới chịu cho bế ra. Đôi mắt bé vẫn còn đượm nỗi u buồn. Anh Chuyến cho hay H’ly rất nhút nhát so với đám bạn bè cùng lứa. Đồn biên phòng 717 dự định sẽ nuôi H’ly ăn học đến tuổi trưởng thành và tạo điều kiện cho em trở thành một giáo viên đứng bản sau này.

Chúng tôi được anh Rơchăm Huy cho xem những bức thư của các bạn từ nơi xa gửi đến cho H’ly. Biết được việc làm nhân ái của Đồn biên phòng 717, các bạn sinh viên, học sinh trong cả nước gửi thư cho đồn nhờ chuyển H’ly. Thư của em Lý Thị Thùy Dung (Cần Thơ) viết: “Chị không biết em nhận được lá thư này không nữa. Nhưng chị mong rằng nó sẽ đến tay em, cùng chia sẻ nỗi đau đã sớm đè lên đôi vai gầy guộc nhỏ bé của em. Đã có một thời gian chị cũng chịu một nỗi đau như em nhưng chị còn có chú thím dưỡng nuôi. À, mà không, em có tấm lòng của những người lính biên phòng bên cạnh. H’ly mến! Em phải cố gắng học để ngày mai có thể tự lo cho bản thân mình. Chị biết rằng con đường ngày mai của em rất gian nan nhưng bên cạnh em còn có những người cha nuôi...”. Hàng chục bức thư nét chữ học trò, thấm đẫm nước mắt và sự đồng cảm đã gửi đến cho bé Siu H’ly khi em còn chưa biết đọc chữ.

Làng Cúc không chỉ có Siu H’ly mồ côi vì bố mẹ vượt biên mà còn có cả bốn anh chị em của Rơchăm Phiếu. Phiếu năm nay mới 11 tuổi, có em nhỏ là Rơchăm Ul mới hai tuổi, mẹ mất từ lâu, bố mất trong chuyến lật đò trên sông Pôkô cùng với bố mẹ của Siu H’ly. Những mảnh đời nhỏ bé đó hiện đang sống dựa vào những người lính biên phòng cùng bà con trong bản.

Làng Cúc là một ngôi làng nhỏ nằm bên bờ sông Pôkô thuộc xã biên giới IaO, huyện Iarai, tỉnh Gia Lai. Cả làng có 134 hộ, 643 nhân khẩu, người dân tộc Gia Rai. Đất đai phì nhiêu, điều kiện tự nhiên thuận lợi, đường giao thông tốt nhưng phương pháp canh tác lạc hậu, đời sống khó khăn. Từ năm 2002, bà con đồng bào Gia Rai nghe theo lời xúi giục của một số bọn xấu, tham gia vượt biên sang Campuchia để hưởng cuộc sống “không phải lao động nhưng vẫn có cơm ăn, rượu uống và được xem tivi cả ngày”. Trại tị nạn Natarikiri đã làm vỡ mộng những người Gia Rai làng Cúc. Những người già, trẻ em không hữu ích gì cho việc tuyên truyền chống phá chế độ được trả lại Việt Nam.

Theo Pháp Luật Tp.HCM