itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Buồn như cuối năm ở vùng lũ

Buồn như cuối năm ở vùng lũ

Một lần nữa, người dân vùng lũ ở TT-Huế lại phải chịu một cái Tết buồn vì thiếu thốn, thậm chí nhiều gia đình còn chắc chắn sẽ không có Tết.

Đã hơn 2 tháng trôi qua, nhưng hậu quả và dấu tích của 6 cơn lũ chồng nhau trong vòng hơn một tháng vẫn còn lẩn khuất đâu đó trong từng thôn xóm... Dấu hiệu của Tết, có chăng chỉ là những cành mai nở sớm vàng rực trước hiên nhà...

"Biết nói răng đây?"

Những ngày cuối năm, chúng tôi "dạo" một vòng thành phố Huế và các huyện Quảng Điền, Phong Điền, Hương Trà, Phú Vang... để xem người dân vùng lũ năm nay chuẩn bị Tết như thế nào. Đã gần 2 tháng kể từ khi cơn lũ cuối cùng rút đi, cuộc sống của người dân đã trở lại bình thường, nhưng sự mệt mỏi và di chứng của lũ vẫn còn lảng vảng đâu đó.

Gặp lại người quen, ông Lê Viết Lãm - người dân xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền rất vui nhưng mắt không giấu được vẻ lo lắng: "Chiến đấu với 6 trận lũ xong là nhà tui coi như trắng tay, phải làm lại từ đầu. Quay đi quay lại chộ Tết đã cận kề, chưa biết mần răng đây?".

Chị Nguyễn Thị Ngoan, 50 tuổi, người dân thôn Vân Quật Đông, xã Hương Phong, huyện Hương Trà - một trong những địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất của tỉnh TT-Huế - khi được hỏi chuyện Tết đã cười mà nước mắt rưng rưng: "Biết nói răng đây. Nhà tui ngày hai bữa ăn đã còn bữa cơm, bữa cháo, nói chi chuyện Tết". Chị Ngoan không chồng, có một đứa con nuôi tầm 8 tuổi. Cả hai mẹ con sống trong một căn lều tạm rách nát và tối tăm. Đã thế chị lại ốm đau triền miền. Công việc hàng ngày của chị là mò cua, bắt ốc ngoài phá Tam Giang để đổi lấy gạo và thức ăn. "Mùa nắng còn kiếm được ngày năm, mười ngàn, ngày mưa, đặc biệt là đợt lũ vừa rồi, cả hai mẹ con nằm nhà chờ... cứu trợ" - chị nói.

Chị Dón, bị chồng bỏ, một mình nuôi 7 đứa con khi nghe tôi nhắc chuyện Tết, giọng buồn buồn: "Tết thì cũng như ngày thường rứa thôi, có chi mà chuẩn bị. Cô quả như tui và mấy đứa con, có cái mà bỏ vô miệng hàng ngày đã là may lắm rồi...".

Anh Huỳnh Trợ (ngụ tổ 11, khu vực 4, phường Phú Hậu)
buồn đơn buồn kép vì Tết không tiền, đơn xin xóa nhà tạm
mãi vẫn chưa được giải quyết.

Tiếng là người thành phố, nhưng hơn 50 hộ dân ở tổ 11, khu vực 4, phường Phú Hậu, thành phố Huế, một trong những rốn lũ của thành phố Huế nghèo xơ xác vì cuộc sống của họ chỉ trông chờ vào những chiếc xíchlô, xe thồ và làm mướn. Đã thế, họ lại đang xâm xoàng vì sự gia tăng của vật giá.

Chị Mai - một người dân - than: "Bây giờ ra chợ từ mớ rau, con cá, thứ gì cũng tăng gấp đôi, gấp ba. Trước đây ngày kiếm được hai ba chục ngàn là đã lo được cho cả nhà 6 miệng ăn, nhưng chừ có kiếm được năm chục ngàn một ngày cũng thiếu trước hụt sau. Người lớn thì răng cũng được, nhưng đến bữa cơm nhìn mấy đứa con là ứa nước mắt. Mấy năm trước không bão lụt, gần Tết còn để dành được ít tiền để lo bánh trái, quần áo cho mấy đứa. Năm ni cận Tết rồi mà trong nhà không dư một đồng, căng quá".

Anh Nguyễn Tiến, 37 tuổi, bố của 3 đứa con, giọng buồn buồn: "Cả nhà tui 5 miệng ăn chỉ trông chờ vô chiếc xíchlô tui đạp hàng đêm và việc làm thuê của vợ tui hàng ngày ngoài chợ. Người lao động như tui, làm ngày mô ăn ngày nấy, ngày mô ốm đau, lũ lụt, ở nhà là coi như móm, nên Tết dứt cũng không có chi khác ngày thường".

Anh Huỳnh Trợ - một người dân khác - buồn đơn, buồn kép khi vợ anh đau ốm quanh năm, nên một mình anh phải đạp xíchlô quanh năm để nuôi cả vợ và 3 con. Tết này, anh khẳng định luôn là "không khác chi ngày thường vì lấy mô ra tiền?". Cả nhà anh 5 người sống trong căn chòi khoảng 20m2, một bên là giường ngủ, một bên là bếp. "Tui được nằm trong diện xóa nhà tạm, đã nhiều lần viết đơn lên phường xin, nhưng không biết răng mãi vẫn chưa được giải quyết?".

"Đến chiều 30 mới biết..."

Nghèo khó và thiếu thốn cả trong ngày Tết, với người lớn thì bầm dập thế nào rồi cũng qua, nhưng với trẻ con thì thật tội nghiệp. Như đứa trẻ ở thôn Vân Quật Đông, những ngày này ở miền Trung trở lạnh, nhưng trẻ con ở đây đứa nào cũng ăn mặc phong phanh, đen đúa.

Hỏi một đứa tên là Dân, 8 tuổi, con của chị Dón đang tím tái vì lạnh "đã may quần áo Tết chưa?" Nó lắc đầu: "Mạ nói không có tiền". Vừa nói, nó vừa liếc mắt nhìn qua mẹ đang đứng bên cạnh, nhưng đáp lại nó là sự im lặng. Khi tôi đưa máy ảnh lên định chụp một kiểu thì Dân hoảng sợ chạy vội vào núp trong một bụi tre. Trẻ con ở đây ai cũng sợ máy ảnh vì từ khi sinh ra tới giờ chưa thấy máy ảnh, nên đứa thì trốn, đứa thì khóc thét...

Anh Nguyễn Tiến và đứa con trai buồn bã vì Tết tới nơi rồi
mà nhà cửa trống trơn, tiền bạc không có.

Cũng là câu trả lời "mạ nói không có tiền" và cái liếc mắt nhìn qua mẹ, nhưng em Lê Quang Cường, 13 tuổi, ở tổ 11, khu vực 4, phường Phú Hậu, thành phố Huế được mẹ là chị Hà Thị Thủy hứa, dù phập phù: "Đến chiều 30 mới biết được có hay không". Chị Hồ Thị Que - "người cùng khổ", đồng thời là mẹ của 3 đứa con khác ở đây giải thích: "Những ngày cuối năm, thường đạp xíchlô hay buôn bán, làm thuê cho người ta... cũng đều nhiều việc, nhiều tiền hơn ngày thường nên ai cũng cắm cúi làm. Phải đến chiều 30 Tết, thậm chí đến đêm mới biết được là có tiền hay không để đi sắm Tết, cũng như mua quần áo cho con. Một phần đến 30 Tết, mua cái chi cũng rẻ hơn chừ...".

Nhắc chuyện quần áo mới, Huỳnh Thị Duyên, 15 tuổi, con gái đầu của anh Huỳnh Trợ nói "em có rồi" và khoe với tôi một bộ quần jean, áo pull rất thời trang, dù không được mới lắm: "Bộ ni là hàng cứu trợ người ta gởi cho trong đợt lũ vừa rồi, em chộ còn mới, lại mặc vừa vặn nên để dành ngày mồng một Tết mới mang". Cũ người mới ta, dù sao thì em cũng đã có quần áo mới cho ngày Tết, còn hơn nhiều đứa bạn của em phải hồi hộp ngồi chờ đến chiều 30...

Trong 6 đợt lũ liên tiếp của năm 2007, toàn tỉnh TT-Huế có 22 người chết, trong đó có hai cái chết thương tâm nhất, được các phương tiện thông tin nhắc đến nhiều nhất là anh Thưởng và chị Cúc ở thôn Vân Quật Đông, xã Hương Phong, huyện Hương Trà. Hai vợ chồng chẳng may bị chết do lốc đánh chìm thuyền trong đợt cuối cùng, để lại 7 người con (đứa lớn nhất 17 tuổi, đứa nhỏ nhất 3 tuổi) cùng một số nợ "khổng lồ", hơn 50 triệu đồng. Đã hơn hai tháng sau ngày tang tóc, ngôi nhà của anh chị đã có được chút vui và sự ấm áp.

Mệ Thiểu, 65 tuổi, bà nội của các con anh chị - kể: "Đến thời điểm ni, các cháu đã trả được mấy chục triệu tiền nợ của bà con, xóm giềng và còn dư được hơn 200 triệu đang gởi ở ngân hàng. Mấy hôm ni, người ta đến để giới thiệu việc làm giúp các cháu rất nhiều, nhưng chưa có việc mô phù hợp". Mệ thở phào: "May mà được quan tâm giúp đỡ nhiều, nếu không một mình mệ với 7 đứa cháu, không tiền của, lại mắc nợ khắp nơi thì chừ không biết đã ra răng".

Nhắc chuyện Tết, mệ cười: "Thì cũng may cho một đứa một bộ đồ mới, chuẩn bị hột dưa, bánh trái... như người ta rứa". Chắc chắn năm nay, các con của anh chị sẽ có một cái Tết no đủ, có nhiều quần áo mới, nhưng sự no đủ đó làm sao bù đắp được nỗi đau mất cha, mất mẹ? Giá cho một cái Tết ấm no của 7 phận người, sao mà đắt và đau xót?

 

Những ngày này, người dân các vùng lũ TT-Huế bắt đầu đón nhận những túi quà tết, tiền mặt... của các tổ chức, cá nhân... đến từ mọi miền đất nước. Tin mới nhất từ Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh TT-Huế cho biết, năm nay cũng sẽ dành 3,7 tỉ đồng chăm lo Tết cho người nghèo theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Theo đó, tỉnh tặng 37.368 suất quà, trị giá mỗi suất 100 nghìn đồng cho các đối tượng chính sách, gia đình có công chưa được nhận quà của Chủ tịch Nước trong đợt này. Ngoài ra, các cơ quan đoàn thể khác trên địa bàn còn tổ chức thăm và tặng quà ở các trung tâm chăm sóc trẻ mồ côi, người không nơi nương tựa... Nghe thấy ấm lòng, dù biết tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống, bao nhiêu cho đủ?

Hoàng Văn Minh / Laodong