itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Hàng lậu "tung tăng" vượt biên

Hàng lậu "tung tăng" vượt biên

Cảnh vận chuyển hàng lậu tấp nập

tại Hang Dơi.

Đốt một điếu thuốc lá, tay cửu vạn lâu năm có gương mặt rất ngầu tên Duy cho tôi hay: "Mùa này dân cửu kiếm rất ác, hàng ùn ùn chuyển qua biên giới, muốn tận mắt chứng kiến thì phải lên Hang Dơi lớn, mua vé một đồng sang chợ Lũng Vài sẽ thấy!".

Vượt biên
Theo chân Duy lên địa bàn Hang Dơi (huyện Văn Lãng - Lạng Sơn), chúng tôi thật sự... choáng trước một cảnh tượng cực kỳ sôi động: Hàng chục chiếc xe Minsk rú ga ầm ầm, tập kết dưới chân dốc chờ hàng và rải dọc từ chân dốc nhìn lên con đường mòn lô nhô đá và nhão nhoẹt bùn đất vì mưa phùn và cái rét dưới 50C là từng tốp, từng tốp "cửu vạn" hùng hục vác từng kiện hàng được bọc kín mít từ bên kia con dốc xuống.

Hàng tuồn xuống đến đâu, cánh Minsk "tóm" gọn hàng đến đấy và rú ga chạy mất hút. Cánh "cửu" được trang bị giày đinh rằn ri, găng tay dày cộp, chạy thoăn thoắt lên xuống con dốc. Chưa kể đến "đội ngũ" tay cầm bộ đàm (hay còn gọi là "chim lợn", "chân gỗ") đang đảo mắt lia lịa, thoắt ẩn thoắt hiện. Thấy người lạ xuất hiện, chúng không khỏi rời mắt, nhất cử nhất động là "tóm" ngay.

Đang loay hoay tìm cách trà trộn vào đám đông, một tiếng hét thất thanh làm chúng tôi giật bắn: "Có "lính xanh" về. Cả đám "cửu vạn" nhốn nháo, nhanh chân quay lưng vượt trở lại con dốc để ném hàng qua bên kia đường biên. Chỉ cần hàng nằm bên kia vạch biên giới thì xem như thoát; mỗi lần vác hàng trở lại, cánh "cửu" lại được tính thêm một công. Mỗi kiện hàng, chủ yếu là chăn, giày dép, vải, bánh kẹo... nặng khoảng 25 đến 30kg. Hàng vác từ bên kia biên giới, tức chợ Lũng Vài xuống dốc Hang Dơi được tính 20.000đ/lần. Vác hàng quay lại chợ để trốn "lính xanh" thì được tính thêm 10.000đ cho công ... chạy.
Sát đường biên, chỉ vào toán xe Minsk chạy ầm ầm trên quốc lộ 4, Duy giải thích: "Hàng đang tập kết về chợ Đồng Đăng cách đây hơn 2km, mỗi "cua" được 25.000đ...". Tuy nhiên, chỉ có những loại hàng lậu trên mới "tung tăng" giữa ban ngày. Với các mặt hàng như đồ điện tử thì dân lậu tuồn hàng ở Tân Thanh. Hàng được cánh "cửu" từ Pò Chài (Trung Quốc) gùi vào ban đêm, vượt đường mòn hơn 1km và tập kết ngay tại xóm "cửu vạn" - một dãy lụp xụp nằm ngay dưới chân núi..
Gà lậu "nhởn nhơ" về phố
Ngược lên Đồng Đăng, chúng tôi mải miết nhìn con đường mòn hiểm trở và rậm rạp lấp ló rất xa đường quốc lộ, thi thoảng lại có một toán người gánh những gánh gà nặng trĩu vòng qua đường biên giới. Gần quốc lộ, một toán xe Minsk cùng mấy tay "chim lợn" đứng chờ sẵn hàng. Trong vai con buôn, chúng tôi xộc tới hỏi mua gà. Gã "chim lợn" lừ mắt nhìn tôi rồi đáp gọn: " Gà hôm nay hiếm vì vừa bị mất trắng mấy "quả" hôm kia, giờ giá đã lên!". Mua gà giá gốc bên kia biên giới có giá tương đương 10.000 đồng (tiền VN)/con (mỗi con nặng khoảng hơn 2kg).
Chỉ cần sang đất VN, giá gà đã lên gấp rưỡi và giá mua buôn tại thành phố là 25.000 - 30.000đ/con. Giá cửu vạn gánh gà được tính theo từng con gà, mỗi con có giá 3.000đ. Nếu "khoán" trắng thì được 8.000đ/con, tức là phải đảm bảo gà về tận nơi tập kết, bị "tóm" phải đền tiền hàng. Phương tiện vận chuyển chủ yếu là xe Minsk và ôtô cóc, từ Đồng Đăng vòng qua cầu Nà Pàn và xuôi về thành phố.
Ngay tại điểm giáp ranh giữa thành phố Lạng Sơn và huyện Cao Lộc, tôi vào nhà bà Nhành - người dân tộc Nùng - hàng trăm con gà xếp la liệt trong chuồng chờ xe đến xuất đi. Bà Nhành chỉ sang làng Pằn Pè (huyện Cao Lộc) cách thành phố khoảng 2km - cũng là nơi tập kết gà khá nhộn nhịp: "Gà quá "đát" này chỉ để buôn, chứ nhà tôi không bao giờ dám ăn vì gà nuôi bằng hoá sinh, "siêu" đẻ, đẻ hết lứa rồi thì thải loại về đây, chứ bên kia có ai ăn gà này đâu!" - bà Nhành thật thà.

Theo Dương Hà (Lao Động)