itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Gia súc, gia cầm lũ lượt "vượt biên"

Gia súc, gia cầm lũ lượt "vượt biên"

Trong khi nhiều địa phương trong nước đang xuất hiện ổ dịch lở mồm long móng trên gia súc dưới hình thức lẻ tẻ... thì tại tuyến biên giới Tây Nam, lại ùn ùn nhập trâu, bò từ Campuchia - nơi đang "sốt" vì dịch bệnh... Tất cả đã đẩy khả năng bùng phát dịch bệnh lên đỉnh cao nguy cơ thời điểm cư dân đang háo hức đón Tết...

"Nóng" trên từng cây số

Trở lại Vĩnh Điều (Kiên Lương-Kiên Giang), Vĩnh Gia (Tri Tôn-An Giang), hai trong những điểm nóng trong cung đường nhập trâu, bò lậu trên tuyến biên giới Tây Nam, chúng tôi dễ dàng nhận ra sức "ăn nên làm ra" ở đây những ngày đón Tết. Tại Vĩnh Gia, sau khi tập kết tại khu vực núi Tà-gò, Ki-ri-vong (Tà-keo), trâu, bò lũ lượt vượt kênh Vĩnh Tế là coi như kết thúc hành trình nhập khẩu.
Bởi lập tức nó được đưa vào các dãy chuồng trại dựng sẵn núp bóng trâu, bò của cư dân biên giới. Chỉ một loáng, chúng tôi đã chứng kiến hàng chục con trâu, bò vượt biên. Tuy nhiên theo lời dân mua bán bò chuyên nghiệp, tuy có sôi động hơn ngày thường, nhưng so với Vĩnh Điều, thì sự nhộn nhịp này thuộc hàng "em út".
Quả thật, tại Vĩnh Điều, không khí mua bán trâu, bò lậu thật nóng. Từ các bãi tập kết tại Thoc-not, Thoc-mia (Cam-pot), từng đàn trâu, bò được lùa lên những chiếc trẹt há mồm đang chờ dưới bến sẵn sàng chuyển vào nội địa để đưa nhanh về TPHCM và các tỉnh lân cận.
Huyện Tân Hồng (Đồng Tháp) cũng là tâm điểm của những cuộc mua bán, vận chuyển trái phép trâu, bò trên tuyến biên giới. Bởi, không chỉ cung ứng theo dạng đội lốt bò địa phương rồi thực hiện nghiêm tiêm phòng, bấm tai trước khi xuất khỏi địa phương... mà còn đáp ứng luôn cả việc vận chuyển "chui".
Theo chân "thổ địa" xâm nhập vào đường cánh gà của cửa khẩu Dinh Bà (khu vực giáp ranh hai xã Tân Hộ Cơ, Bình Phú), chúng tôi chạm mặt ngay với cảnh buôn lậu.
Đối diện với bãi tập kết trâu, bò với quy mô lớn bên kia biên giới, tại khu vực bãi đất trống dưới chân cầu Sa Rày có khoảng 50 con bò đang nhốt hờ trong 5 dãy chuồng tạm. Anh "thổ địa" quả quyết: Lông màu trắng ngà, sừng dài, nhọn và thân hình dỏng cao như vầy thì 100% là bò từ CPC nhập lậu sang.
Chúng tôi tìm đến nhà của Rum, tại thị trấn Sa Rày, một tay lái trâu, bò nổi tiếng ở Tân Hồng để tìm hiểu, nhưng ông chủ có đến 3 đời gắn bó với nghề lái trâu, bò này luôn bận nghe điện thoại réo đến đặt hàng.
Theo lời Rum, vào thời điểm này, ngoài việc truy lùng trong nội địa, gia tăng khả năng tự thu mua trong vòng 5-10km bên kia biên giới, anh còn phải đặt hàng cho các lái lên tận Phusat giáp biên giới CPC-Thái Lan mới đáp ứng đủ nhu cầu.
Tại các xã Mỹ Quý Tây (huyện Đức Huệ), Lộc Giang (huyện Đức Hoà, Long An), người dân từ lâu đã có nghề truyền thống: Mua trâu bò gầy bên Campuchia về vỗ béo bằng thức ăn công nghiệp chừng 1-2 tháng vừa đúng dịp Tết là bán thịt. Tất nhiên mọi chuyện mua bán qua biên giới đều không công khai, không được kiểm dịch động vật.

Chi cục Thú y tỉnh Long An thừa nhận không có cách gì quản lý việc mua bán qua biên giới, ngành thú y chỉ có thể theo dõi đầu con ở địa phương để buộc tiêm phòng.
Ông Phạm Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Mỹ Quý Tây nói rất khó quản lý đàn gia súc trong xã, vì luôn biến động, người dân mua và bán liên tục. Huyện Đức Hoà, thường xuyên cung cấp cho thị trường TPHCM một lượng thịt bò, thịt trâu khá lớn. Không ai có thể khẳng định trong số đó có bao nhiêu phần trăm được kiểm dịch động vật và được giết mổ trong những lò được kiểm soát.
Những cung đường đầy bất trắc
Theo số liệu chưa đầy đủ, chỉ tính riêng địa bàn 3 tỉnh An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, năm 2007 đã cung ứng khoảng 30.000 con trâu, bò cho TPHCM và các tỉnh lân cận. Đặc biệt vào thời điểm đón Tết năm nay, giá thịt heo đang nhảy vọt, càng thúc đẩy nhu cầu nhập trâu, bò từ bên kia biên giới lên đỉnh cao cơn sốt. Điều đáng lo là phần lớn số trâu, bò này được nhập lậu.
Thạc sĩ Võ Bé Hiền - Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Đồng Tháp cho biết: Nhìn hình dạng bên ngoài, dễ dàng nhận ra đâu là bò nhập lậu đội lốt bò địa phương, nhưng vì không có hình thức xử lý trong kiểm soát biên giới nên chúng tôi chỉ còn biết chữa cháy bằng cách tiêm phòng, đeo thẻ hay đóng dấu lửa, nói chung là hợp thức hoá để chuyển đi giết thịt... Do áp lực cung cấp cho thị trường ngày Tết, các thương lái vét cả trâu, bò ốm... nên họ chủ động chọn đường xuất chui để né... kiểm dịch.
Theo đó ngay sau khi lọt qua khu vực hai bên cửa khẩu Dinh Bà, trâu, bò lại tiếp tục nhập chui vào tỉnh Long An qua lối mòn thuộc hai xã Thông Bình, Tân Phước (Tân Hồng). Theo lời Rum, ngoài chi phí cho bò lọt qua biên giới, mỗi chuyến chuyển "bí mật" cũng phải biết "kính" anh, "quý" chú. Vì thế, tuy gọi là lậu, nhưng nghề buôn trâu bán bò xem ra cũng rất "công khai" từ nhiều năm qua!
Ngày 10.1 vừa qua, UBND tỉnh Long An đã tỏ rõ sự kiên quyết phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm trong mùa lạnh trước và sau Tết bằng chỉ thị số 141/UBND. Thế nhưng, mọi nỗ lực sẽ trở nên vô nghĩa khi mầm bệnh xuất phát từ bên kia biên giới.
Trao đổi với chúng tôi, thạc sĩ Võ Bé Hiền cho biết: Việc nhập lậu bò trên tuyến biên giới Tây Nam để đáp ứng thị trường nội địa là sự thật. Vì thế tuy lệnh cấm nhập vẫn còn hiệu lực, nhưng trên thực tế vẫn tiếp diễn chuyện nhập lậu vượt tầm kiểm soát của cơ quan chức năng. Bởi ở đây không chỉ tốn tiền của, công sức để xử lý vấn đề theo kiểu chạy theo đuôi mà còn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh từ những con vật nhập lậu này.
Vì vậy, theo tôi tốt nhất là nên chấp nhận sự thật một cách có kiểm soát. Nghĩa là cho nhập dưới sự kiểm soát của cơ quan thú y theo quy trình chuyên môn: Tổ chức kiểm dịch, tiêm ngừa rồi đưa đến điểm tập trung. Sau 15 ngày mà không phát hiện dấu hiệu dịch bệnh thì cho phép giết thịt. điều này vừa tôn trọng thực tế, cũng vừa tôn trọng sức khoẻ, tính mạng người dân.

Vịt chạy đồng nhập biên"
Tháng giáp Tết, một số xã biên giới tỉnh Long An thu hoạch lúa đông xuân sớm. Đây là "mảnh đất" màu mỡ để các đàn vịt chạy đồng đến vỗ béo trước khi "phá bầy" bán Tết.

Chánh Văn phòng UBND xã biên giới Thạnh Trị (huyện Mộc Hoá) - ông Nguyễn Văn Tiến - cho biết - có gần 30 đàn vịt chạy đồng với tổng cộng khoảng 40 ngàn con đổ về các cánh đồng mới gặt ở Thạnh Trị để vỗ béo, trong đó có không ít đàn đến từ bên kia biên giới.
Xã đang phối hợp với cơ quan thú y huyện Mộc Hoá quản lý số vịt chạy đồng vừa đến đây, nhưng với số lượng vịt quá lớn đến ồ ạt trong thời gian ngắn, chính quyền không thể quản lý xuể. Đó là chưa kể hiện tượng làm giấy chứng nhận tiêm phòng giả, mà chủ yếu là cho vịt chạy đồng.
Gà ngoại ngon hơn!
Ở các chợ vùng biên có bán đầy thịt gia cầm làm sẵn, đóng gói đẹp mắt, nhưng đa số người dân quê vẫn thích mua gà sống về làm thịt, mà phải là gà đất từ Campuchia. Tôi lân la đến chợ Vĩnh Hưng hỏi mua "gà đất". Không chút dò xét, bà bán hỏi ngay: "Gà ta hay gà bên kia? Gà ta 45 ngàn, gà Campuchia 55 ngàn".
Bà giải thích luôn lý do gà ngoại đắt hơn: "Gà đất của ta cho ăn thức ăn công nghiệp, nên không khác mấy gà công nghiệp, còn gà bên Campuchia về mới "thiệt đất", thịt chắc và ngon". Tôi gật đầu, chỉ dăm phút sau, 1 túi bàng đựng 2 con gà được chở tới.
Ở chợ xã biên giới Khánh Hưng, người bán không cần giấu gà sống mà bày hẳn ở chợ. Phó Chủ tịch UBND xã, ông Huỳnh Văn Hùng cho biết, gà được vận chuyển vào nội địa bằng xe gắn máy, đi vào ban đêm để tránh kiểm tra.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Vĩnh Hưng - ông Nguyễn Quốc Khánh - thì khẳng định, đội kiểm tra liên ngành ở huyện không đủ lực lượng để chốt chặn tất cả các lối mòn qua biên giới, nên biện pháp ngăn chặn gia cầm nhập lậu là rà soát các chợ, các đầu mối buôn bán. Để đối phó việc kiểm tra, người ta mua bán lén lút như đã nói ở trên.
Ngay tại chợ Tân An, cách biên giới gần 80km, gà nhập lậu từ Campuchia luôn có sẵn nếu người mua có nhu cầu, tất nhiên là lén lút. Theo ông Dương Minh Phí, Chi cục phó Chi cục Thú y Long An, trong tháng qua, lực lượng kiểm tra liên ngành 2 huyện Mộc Hoá và Tân Thạnh đã bắt 10 trường hợp vận chuyển gà trái phép và tiêu huỷ khoảng 100 con.

Theo Lục Tùng - Phấn Đấu (Lao Động)